Sống ảo và sự lệch chuẩn giá trị thật
- Chụp hình sống ảo dưới sông, 4 người trong gia đình chết thảm
- Những chốn sống ảo siêu đẹp ở Nam Phú Quốc
- Chết thật vì sống ảo
Sống ảo là một trào lưu ngày càng xuất hiện phổ biến trên Facebook và các mạng xã hội khác. Sống ảo là hành động, việc làm xa rời với thực tế, tự tạo ra niềm vui cho riêng mình qua những lượt tương tác trên mạng xã hội như câu like, thả tim, lượt theo dõi…
Sống ảo là một tình trạng rất phổ biến của giới trẻ hiện nay. Dù ở bất cứ đâu, chúng ta đều dễ dàng thấy nhiều người chăm chú vào màn hình điện thoại, mạng xã hội hàng nhiều giờ. Báo giấy, sách hay, những trò chơi truyền thống đang dần bị mai một, triệt tiêu, nhường chỗ cho điện thoại di động sử dụng các trang mạng, trong đó tràn lan, đầy dẫy những thông tin, hình ảnh không lành mạnh, các ứng dụng trò chơi.
Nhiều khi là những hình ảnh đồi truỵ không phù hợp với lứa tuổi, thông tin, luận điệu sai trái, thù địch nhiều người thiếu hiểu biết hùa theo tạo nên một không gian mạng, thế giới phẳng vô cùng phức tạp, hỗn loạn, xóa nhòa danh giới cuộc sống hiện thực và sống “ảo”.
Ảnh minh họa. |
Điển hình, trong tháng 10 vừa qua, mạng xã hội lan truyền hình ảnh, video clip 4 người đàn ông khỏa thân đi xe motor trên đèo Mã Pí Lèng (huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang). Đặc biệt, nhóm người này còn đứng tạo dáng phản cảm để chụp ảnh trước tòa nhà Panorama, nơi đang gây nhiều tranh cãi. Tài khoản Facebook Trần Chí Hiếu người có biệt danh Hiếu Orion, nhóm trưởng trong 4 thành viên khỏa thân cho biết họ thực hiện việc này với mục đích nhằm kêu gọi bảo vệ môi trường.
Hành vi của nhóm người này thể hiện cách nhìn nhận, việc làm lệch chuẩn, phản cảm, trái thuần phong mỹ tục, giá trị tốt đẹp đạo đức truyền thống xã hội.
Nhóm này cho rằng đây là hành động kêu gọi bảo vệ môi trường? Bảo vệ môi trường phải bằng hành động cụ thể làm xanh, sạch, đẹp, bảo vệ môi trường sinh thái chứ không phải bảo vệ môi trường bằng cách… “cởi chuồng” và “cưỡi” motor chạy lông nhông bản năng ngoài đường trước bàn dân thiện hạ, quay video phát trực tiếp (livestream), chụp ảnh phát tán trên mạng xã hội fecebook.
Điều lo ngại đáng báo động đặt ra sau sự việc này, rõ ràng rằng đây là hành vi sống ảo lệch chuẩn, có tác động xấu đến ý thức, tâm lý xã hội, tác động tiêu cực, ảnh hưởng giá trị thẩm mỹ thì trên mạng xã hội, nhiều người lại nhìn nhận cho rằng đây là sự việc rất bình thường, tỏ ra vui vẻ, phấn khích, có những bình luận khích lệ, cổ xuý cho hành động, việc làm phản cảm, thiếu văn hóa này.
Nhiều người đặt ra câu hỏi: Phải chăng đạo đức xã hội xuống cấp? Sống ảo đang làm mai một, băng hoại những giá trị thật - Giá trị đạo đức, truyền thống, thuần phong mỹ tục, những yếu tố tạo nên nền tảng, cốt cách, bản chất nhân văn, hồn cốt trong tâm hồn mỗi con người?
Bên cạnh là biểu hiện của suy thoái đạo đức, lối sống, hành vi này còn có dấu hiệu xâm phạm quyền con người, quyền công dân vì nó ảnh hưởng đến đời sống của nhiều người khác, nhất là giới trẻ. Bởi những hành vi thiếu chuẩn mực, thấp hèn, lạc hậu, nghiêm trọng hơn là cái xấu, cái ác, sai trái, tiêu cực ảnh hưởng xấu đến môi trường thông tin, môi trường sống của con người có văn hóa; nếu không có nền tảng nhận thức, có thể dễ bị tác động tiêu cực làm nhận thức, tình cảm, định hướng nhân cách lệch lạc, nhất là trong giới trẻ.
Mặt khác, thật nực cười, Hiếu Orion không thấy xấu hổ, với vai trò trong công ty “Sáng tạo truyền thông” của mình, ông này còn muốn làm “Thầy” khi giao giảng, dạy các lớp làm truyền thông trên mạng xã hội. Dạy ai? dạy cái gì? ai quản lý? Đạo làm thầy phải có phẩm chất đạo đức, tư cách tác phong chuẩn mực vì nó tác động trực tiếp đến nhận thức, tình cảm, hình thành nhân cách con người. Từ đó đặt ra vấn đề cơ quan quản lý nhà nước đã có quy định trong sự việc này hay chưa? Nếu có quy định thì người này có đủ tư cách hay không xét về chuẩn mực đạo đức xã hội, đạo làm thầy?
Trước đó, nhiều trường hợp tương tự đã từng xuất hiện trên truyền thông, mạng xã hội như hình ảnh cặp đôi chụp ảnh khỏa thân tại Đà Lạt, cô gái không mảnh vải che thân tạo dáng dưới hồ sen tại Bắc Giang, một Á hậu cùng ê kíp của mình chụp ảnh hở hang tại Tuyệt tình Cốc – Lâm Đồng, sự việc người mẫu ăn mặc lố lăng tại thảm đỏ Liên hoan phim Cannes 2019… những hình ảnh lố lăng, phản cảm, làm mất thuần phong mỹ tục Việt Nam.
Tuy nhiên, điều đáng nói là những vụ việc vẫn cứ diễn ra, lặp đi lặp lại. Các cơ quan liên quan đang lúng túng trong việc xử lý? Phải chăng chưa có cơ chế, chế tài áp dụng? Hay có chế tài nhưng chưa quyết liệt trong xỷ lý của cơ quan chức năng?
Ở một phương diện khác, truyền thông đại chúng có vai trò đặc biệt trong việc định hướng dư luận, bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp trong cuộc sống. Tuy nhiên trong những sự việc này, truyền thông, nhất là nhiều trang báo mạng, chỉ tập trung khai thác, phản ánh mô tả lại sự việc theo hướng giật gân, câu khách để thu hút sự chú ý của độc giả mà chưa thể hiện thái độ lên án mạnh mẽ, chưa thật kiên quyết, đấu tranh, tẩy chay, một số ít có chăng thì đề cập nửa vời; từ đó không phát huy được tính giáo dục đối bản thân người trong cuộc nhận rõ vấn đề, chưa thể hiện được vai trò định hướng dư luận, dẫn đến làm cho nhiều người hoang mang trong nhận thức không biết hành vi như vậy là đúng hay không đúng để điều chỉnh hành vi, ứng xử trong cuộc sống.
Xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội là mục tiêu, động lực phát triển bền vững.
Trong xu hướng hội nhập quốc tế, xã hội thông tin, truyền thông số, mạng xã hội, góp phần đảm bảo an ninh văn hóa, môi trường văn minh, lành mạnh trên không gian mạng, ngăn chặn những sự việc nêu trên, theo chúng tôi, cần làm tốt một số vấn đề sau đây:
Một là, mỗi người xây dựng và phát huy lối sống "Mỗi người vì mọi người, mọi người vì mỗi người"; hình thành lối sống có ý thức tự trọng, tự chủ, sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật, bảo vệ môi trường; đề cao trách nhiệm cá nhân đối với bản thân, gia đình và xã hội. Khẳng định, tôn vinh cái đúng, cái tốt đẹp, tích cực, cao thượng; nhân rộng các giá trị cao đẹp, nhân văn trong hiện thực đời sống và trên không gian mạng.
Hai là, cơ quan quản lý Nhà nước hoàn thiện các chuẩn mực giá trị văn hóa và con người Việt Nam, tạo môi trường và điều kiện để phát triển về nhân cách, đạo đức, trí tuệ, năng lực sáng tạo, thể chất, tâm hồn, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, ý thức tuân thủ pháp luật; đề cao tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc, lương tâm, trách nhiệm của mỗi người với bản thân mình, với gia đình, cộng đồng, xã hội và đất nước. Hoàn thiện việc thể chế hóa, cụ thể hóa các quan điểm, đường lối của Đảng về văn hóa. Hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chế tài xỷ lý, răn đe, giáo dục những hành vi tương tự.
Ba là, cơ quan báo chí, truyền thông phát huy vai trò tuyên truyền, định hướng dư luyện, giá trị thâm mỹ, lan tỏa truyền thống văn hóa dân tộc, nhân lên gương người tốt, việc tốt; có thái độ kiên quyết, kịp thời lên án hành vi thiếu lành mạnh, trái với thuần phong, mỹ tục, đạo lý, truyền thống dân tộc. Đấu tranh phê phán, đẩy lùi cái xấu, cái ác, thấp hèn, lạc hậu; chống các quan điểm, hành vi sai trái, tiêu cực ảnh hưởng xấu đến xây dựng nền văn hóa, đời sống tinh thần văn minh, lành mạnh.
Bốn là, gia đình, nhà trường xây dựng lối sống hướng tới chân - thiện - mỹ. Gắn xây dựng, rèn luyện đạo đức với thực hiện quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; đây thực sự là nơi hình thành, nuôi dưỡng nhân cách văn hóa và giáo dục nếp sống cho con người nhất là thanh, thiếu niên.