Nhiều tỷ đồng tài sản công đang bị sử dụng lãng phí?

Thứ Hai, 23/05/2016, 08:18
Tài sản công là nguồn lực quan trọng của đất nước. Khai thác có hiệu quả nguồn lực này là một trong những định hướng lớn trong quá trình xây dựng Luật Quản lý, sử dụng tài sản công. Tuy nhiên thực tế hiện nay, do nhiều “nút thắt”, nguồn lực này đang bị lãng phí.

Theo Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản Nhà nước, tính đến ngày 31-12-2015, 4 loại tài sản Nhà nước (TSNN) có giá trị lớn gồm: đất, nhà, ôtô, tài sản khác có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên/ đơn vị tài sản có tổng nguyên giá là 1.031.313,82 tỷ đồng (chưa bao gồm tài sản tại các đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân).

Trong đó, các đơn vị sự nghiệp công lập hiện đang quản lý 311.606 tài sản (chiếm 64,36% tổng số lượng TSNN), với tổng nguyên giá là 709.869,59 tỷ đồng (chiếm 68,83% tổng giá trị TSNN).

Đấu giá khi giao đất, cho thuê đất sẽ nâng cao hiệu quả khai thác nguồn lực tài chính từ tài sản công.

Phân theo loại tài sản, các đơn vị sự nghiệp công lập đang quản lý, sử dụng 76.120 khuôn viên đất với tổng giá trị là 485.794,06 tỷ đồng; 199.451 ngôi nhà với tổng nguyên giá là 173.895,13 tỷ đồng; 16.032 xe ôtô công với tổng nguyên giá là 9.360,59 tỷ đồng và 20.003 tài sản khác có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên với tổng nguyên giá là 40.891,80 tỷ đồng.

Theo luật định, để các đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện cung cấp các dịch vụ sự nghiệp công cho xã hội theo nhiệm vụ được giao, Nhà nước đã thực hiện trang bị tài sản, cơ sở vật chất cho các đơn vị thông qua nhiều hình thức khác nhau: giao tài sản bằng hiện vật, giao quyền sử dụng đất; giao ngân sách cho đơn vị để thực hiện đầu tư xây dựng, mua sắm tài sản; cho phép đơn vị được sử dụng các nguồn thu được để lại và các nguồn vốn hợp pháp khác để đầu tư xây dựng, mua sắm tài sản.

Tài sản, cơ sở vật chất này là điều kiện cần thiết để các đơn vị sự nghiệp công thực hiện nhiệm vụ chính trị do Nhà nước giao, song đây cũng là một nguồn lực tài chính quan trọng có thể khai thác để phát triển thêm các hoạt động dịch vụ sự nghiệp công phục vụ xã hội.

Thực tế, trong giai đoạn từ 2011-2015, thu từ đất đai bình quân đạt khoảng 60.000 tỷ đồng/năm, chiếm khoảng 10% thu NSNN; thu từ sắp xếp lại, xử lý nhà đất thuộc sở hữu Nhà nước: khoảng 6.000 tỷ đồng/năm; thu từ xử lý tài sản tịch thu sung quỹ nhà nước, tài sản xác lập sở hữu Nhà nước bình quân 1.000 tỷ/năm; thu từ tiền cấp quyền khai thác khoáng sản (chưa bao gồm cấp quyền thông qua hình thức đấu giá) khoảng 4.500 tỷ đồng/năm...

Dù con số thu từ sử dụng nguồn tài sản công tương đối lớn, song TS. Trần Đức Thắng, Cục trưởng Cục Quản lý công sản cho rằng việc khai thác nguồn lực tài chính từ tài sản công còn đối mặt những khó khăn, thách thức không nhỏ.

Thứ nhất, tài sản công có phạm vi rất rộng, bao gồm đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, nguồn lợi ở vùng biển, vùng trời, thềm lục địa, tài nguyên thiên nhiên khác; tài sản thuộc kết cấu hạ tầng phục vụ lợi ích công cộng, lợi ích quốc gia, tài sản dự trữ Nhà nước, tài sản tại cơ quan Nhà nước, lực lượng vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, doanh nghiệp Nhà nước và các tài sản khác do Nhà nước đầu tư, quản lý thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý.

Tuy nhiên, chưa có một văn bản quy định thống nhất về nguyên tắc chung trong quản lý, sử dụng, khai thác tài sản công; chế độ quản lý, sử dụng, khai thác tài sản công đang được điều chỉnh phân tán ở nhiều văn bản khác nhau và do nhiều đầu mối quản lý.

Do vậy, cho đến nay chưa có một cơ sở dữ liệu thống nhất, đầy đủ và cập nhật về tài sản công, với tư cách là một nguồn lực quan trọng. Việc thiếu cơ chế và dữ liệu thống nhất sẽ làm cho việc quyết định, chỉ đạo, điều hành và thực hiện khai thác nguồn lực thiếu chủ động, thiếu chiến lược và kế hoạch tổng thể, dẫn tới hiệu quả chưa cao.

“Các cơ sở này thường ở các vị trí có giá trị thương mại cao nhưng việc sử dụng còn phân tán, lãng phí, hiệu suất thấp và chưa được khai thác một cách có hiệu quả. Nhiều cơ sở nhà, đất mặc dù đã có quyết định bán, chuyển nhượng, chuyển mục đích sử dụng đất nhưng không thực hiện được do thiếu quy hoạch chi tiết, thị trường bất động sản chưa ổn định, trách nhiệm tổ chức thực hiện không cao.

Bên cạnh đó, hiệu quả khai thác kết cấu hạ tầng đường bộ chưa tương xứng với quy mô tài sản hiện có. Đối với khai thác nguồn lực tài chính từ đất đai, mặc dù theo quy định, đấu giá là hình thức được ưu tiên sử dụng khi giao đất, cho thuê đất nhưng thực tế rất khó khăn do thiếu nguồn lực để làm công tác giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch để đấu giá.

Ngoài ra, việc xử lý tài sản công còn có tính chất nhỏ lẻ, manh mún do nhiều chủ thể cùng thực hiện. Điều này vừa giảm tính chuyên nghiệp, vừa tốn kém nhân lực, thời gian, chi phí nhưng hiệu quả đem lại không cao, dễ bị lợi dụng nhưng khó kiểm soát”, ông Thắng phân tích.

Đồng tình với quan điểm còn tồn tại những “nút thắt” trong sử dụng tài sản công, ông Nguyễn Tân Thịnh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý công sản đưa ra 8 giải pháp đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả khai thác nguồn lực tài chính từ tài sản công, từ việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về quản lý, sử dụng tài sản công tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho việc khai thác nguồn lực tài chính từ tài sản công; đến việc tiếp tục rà soát, sắp xếp lại việc sử dụng tài sản công tại cơ quan, đơn vị hành chính sự nghiệp, bảo đảm tuân thủ tiêu chuẩn, định mức, chế độ.

Riêng với tài sản công là đất đai, cần đẩy mạnh việc áp dụng hình thức đấu giá khi giao đất, cho thuê đất. Cùng với đó, rà soát các quy hoạch, kế hoạch sử dụng, khai thác các nguồn tài nguyên nhằm lượng hóa, dự báo, đánh giá khả năng khai thác nguồn lực tài chính và phải cân đối với nguồn lực tài chính có thể bố trí được để thực hiện...

Lệ Thúy
.
.
.