Kỳ 2: Nhiều khó khăn trong xử lý tội phạm tham nhũng tài sản công

Chủ Nhật, 12/04/2020, 09:12
Lợi dụng quyền hạn cá nhân và kẽ hở trong quản lý Nhà nước về tài sản công mà các cá nhân có chức trách đã “biến hoá” các tài sản Nhà nước thành của tư nhân để trục lợi. Tuy nhiên, việc phát hiện và xử lý loại tội phạm tham nhũng lĩnh vực này không đơn giản…

“Đại gia” làm hư quan chức

Trong vụ thâu tóm công sản ở TP Đà Nẵng của Phan Văn Anh Vũ (Vũ “nhôm”) có bàn tay trợ lực của các cán bộ công quyền. Theo Hội đồng xét xử, khi đương chức Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng (2006 - 2011) bị cáo Trần Văn Minh đã ký các văn bản, quyết định bán nhà công sản cho phép giảm 10% tiền sử dụng đất, chuyển đổi quyền sử dụng đất trái pháp luật, nhiều nhà đất không qua đấu giá, bán giá thấp hơn giá thị trường… gây thiệt hại nghiêm trọng của Nhà nước.

Từ những sai phạm của lãnh đạo TP Đà Nẵng đã giúp Vũ “nhôm” và các công ty của Phan Văn Anh Vũ được nhận 15/18 nhà, đất công sản trái pháp luật, gây Nhà nước thiệt hại số tiền hơn 2.168 tỉ đồng (tính thời điểm khởi tố vụ án). Ngoài ra, bị cáo Trần Văn Minh đã chỉ đạo đồng phạm thực hiện hành vi trái quy định tại 7 dự án bất động sản, tạo điều kiện cho Vũ “nhôm” và các doanh nghiệp của Vũ được nhận quyền sử dụng đất tại 6/7 dự án, Nhà nước thiệt hại hơn 19.625 tỉ đồng…

Có thể nói, Phan Văn Anh Vũ biết rõ đất, nhà công sản là thứ dễ kiếm lợi nhanh và quan chức cũng có thể định đoạt được trong tay mình ở mỗi dịp chuyển đổi, cổ phần hoá, dịch chuyển trụ sở cơ quan làm việc, quy hoạch dân cư… nên tìm cách tiếp cận những cán bộ có chức vụ quyền hạn để làm ăn phi pháp. Hội đồng xét xử đánh giá vụ đất công ở TP Đà Nẵng bị xâu xé là nguyên nhân gây mất đoàn kết của bộ máy chính quyền, khiến nhiều cán bộ vướng vòng lao lý.

Để thực hiện mưu đồ trục lợi, Vũ “nhôm” nghĩ kế lập 5 công ty để sử dụng tư cách pháp nhân mua bán nhà, đất công sản và nhận quyền sử dụng đất dự án ở TP Đà Nẵng. Vũ cùng nhóm lợi ích hiểu rõ doanh nghiệp của Vũ “nhôm” không thuộc diện được mua chỉ định nhà đất công sản và nhận chuyển giao đất không qua đấu giá, nhưng đã lợi dụng văn bản pháp lý của UBND TP Đà Nẵng, thỏa thuận với các lãnh đạo doanh nghiệp thuộc diện được mua nhà chỉ định để sau đó “biến hoá”, thay đổi quyền sử dụng đất sang cho người thân, cá nhân và công ty của Vũ.

Tại TP Hồ Chí Minh, các khu đất số 2, số 7-9 và 9-11, tổng diện tích hơn 7.300m2 nằm trên trục đường Tôn Đức Thắng, thuộc đất Quốc phòng, quyền quản lý của Quân chủng Hải quân. Từ năm 2006, Thường vụ Đảng ủy Quân chủng Hải quân có phương án hợp tác kinh doanh các khu “đất vàng”. Như có sự toan tính từ trước, Công ty Hải Thành đề xuất hợp tác kinh doanh với các doanh nghiệp trên 3 khu đất theo tinh thần bảo đảm đúng quy định của pháp luật và có lợi cho Quân chủng Hải quân.

Tháng 10-2006, Thành ủy, UBND TP Hồ Chí Minh đã chấp thuận giao toàn bộ tiền sử dụng đất cho Bộ Tư lệnh Hải quân chi phí giải phóng mặt bằng và đầu tư xây dựng doanh trại hoặc cơ sở phúc lợi cho các đơn vị của Hải quân. Đây được xem như cái phao cơ chế để giao trọn quyền cho Quân chủng Hải quân hợp tác kinh doanh đất công.

Theo kết quả điều tra của cơ quan chức năng, các bị can Đoàn Mạnh Thảo (nguyên Trưởng phòng Tài chính), Bùi Như Thiềm (nguyên Trưởng phòng Kinh tế Quân chủng Hải quân), Bùi Văn Nga (nguyên Giám đốc Công ty Hải Thành) đã đề xuất với Thường vụ Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân và trực tiếp thực hiện phương án chuyển mục đích sử dụng các khu “đất vàng” từ đất Quốc phòng sang đất làm kinh tế trái quy định pháp luật.

Mặc dù chưa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất nhưng các cá nhân đã ký hợp đồng liên doanh liên kết xây dựng cao ốc văn phòng cho thuê trong thời hạn từ 45-49 năm, với mức khoán từ 4,5-5 USD/tháng/m2. Bị can Nguyễn Văn Hiến lúc đó là Tư lệnh Quân chủng Hải quân ký các văn bản đề nghị Bộ Quốc phòng và các cơ quan liên quan xin chuyển mục đích sử dụng đất Quốc phòng, đưa 3 khu đất vào hợp tác kinh doanh, xây dựng cao ốc văn phòng cho thuê trái pháp luật. Và sau đó, cả 3 lô “đất vàng” này đã rơi vào tay tư nhân thông qua các hình thức liên doanh, góp vốn.

Cựu Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Hữu Tín, liên quan đến nhiều vụ sai phạm về quản lý công sản; Nguyên Tổng Giám đốc Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn Lê Tấn Hùng đã “hô biến” tài sản công để trục lợi.

Phát hiện khó, xử lý không dễ

Trong vụ án sai phạm về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí, xảy ra tại Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn - TNHH MTV, 100% vốn Nhà nước, trực thuộc UBND TP Hồ Chí Minh cũng là một vụ án khá phức tạp, cho thấy sự khó khăn trong việc xử lý. Để bị can Lê Tấn Hùng và một số cán bộ lãnh đạo của công ty này bị khởi tố, bắt tạm giam là một quá trình phức tạp.

Tính phức tạp của vấn đề bởi không chỉ gây thất thoát tài sản lớn, liên quan đến nhiều cá nhân có chức vụ, quyền hạn… mà còn do vụ việc xảy ra trong thời gian khá dài, qua nhiều thời lãnh đạo có sự ảnh hưởng rộng. Điều đó cũng cho thấy sự kéo dài nhiều đợt về công tác thanh tra, kiểm toán, xử lý vi phạm hành chính nhiều lần, kỷ luật cán bộ cũng “nâng lên, đặt xuống” rất phức tạp, gây bức xúc dư luận. Có thể nói, nếu không có chỉ đạo quyết liệt từ phía Trung ương thì hồ sơ vụ việc chỉ dừng lại ở mức xử lý hành chính…

Sai phạm ở Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn, về những khoản quyết toán khống hơn chục tỷ đồng tiền đi tham quan du lịch… không phải là vấn đề chính. Cái lớn được nhiều người quan tâm là ở khâu chuyển nhượng đất đai. Đặc biệt ở vụ án này là sai phạm trong chuyển nhượng dự án khu nhà ở tại khu phố 4, phường Phước Long B, quận 9, TP Hồ Chí Minh. Năm 2008, Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn, do bà Nguyễn Thu Nga, Tổng Giám đốc (TGĐ) làm đại diện ký hợp tác kinh doanh với Tổng Công ty Phong Phú thuộc Tập đoàn Dệt may Việt Nam do ông Trần Quang Nghị - TGĐ làm đại diện.

Nội dung hợp tác kinh doanh dự án nhà tại khu phố 4, phường Phước Long B, quận 9, diện tích 37.579m2. Tổng vốn đầu tư dự án hợp tác là 100 tỷ đồng, Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn góp vốn 28%. Năm 2009, UBND TP Hồ Chí Minh có công văn chấp thuận chủ trương cho Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn chuyển mục đích sử dụng đất đối với mặt bằng tại khu phố 4, phường Phước Long B, quận 9 của Xí nghiệp Chăn nuôi Phước Long sang đất xây dựng chung cư. Năm 2010, UBND TP Hồ Chí Minh có quyết định phê duyệt quyền sử dụng đất và công trình trên đất tại diện tích 36.676m2 ở khu phố 4, phường Phước Long B, quận 9…

Tháng 8-2016, Lê Tấn Hùng ký với ông Phạm Xuân Trình (đại diện Tổng Công ty cổ phần Phong Phú) thoả thuận giá trị chuyển nhượng dự án hơn 168,2 tỷ đồng, với diện tích đất xác định quy hoạch 1/500 phê duyệt 15.919,1m2. Thực tế việc chuyển nhượng này là bán 28% phần góp vốn quyền sử dụng đất tại dự án đã hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật cho Tổng Công ty cổ phần Phong Phú.

Ngày 17-11-2017, UBND TP Hồ Chí Minh ban hành Quyết định số 6077/QĐ-UBND, do một Phó Chủ tịch UBND ký chấp thuận chuyển nhượng dự án trên cho Tổng Công ty cổ phần Phong Phú. Ngay sau đó, Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn ký hợp đồng chuyển nhượng toàn bộ dự án cho Tổng Công ty cổ phần Phong Phú với giá hơn 166,5 tỷ đồng, gây thiệt hại lớn tài sản của Nhà nước.

Ngọc Như
.
.
.