Bài học trong công tác phòng, chống tham nhũng tài sản công

Kì 1: Nhiều cán bộ “ra đi”... vì đất !

Thứ Bảy, 11/04/2020, 08:03
Đất đai được ví như miếng mồi ngon của các quan chức tham nhũng. Chưa bao giờ nạn tham nhũng, gây thất thoát lãng phí đất đai nói riêng và tài sản công nói chung được phát hiện, xử lý nhiều như những năm vừa qua. Điều này cho thấy công cuộc phòng, chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước ta ngày càng quyết liệt và điểm “đúng huyệt” của nạn tham nhũng.


Qua đó cũng rút ra những bài học về công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực tài nguyên đất đai, công sản còn nhiều kẽ hở để xảy ra tham nhũng, thất thoát, lãng phí trong quá trình thực thi các chính sách về kinh kế-xã hội…

Hàng loạt cán bộ lãnh đạo, cựu lãnh đạo TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành khác, cả lãnh đạo một số bộ, ngành… đã bị khởi tố, bắt tạm giam, kỷ luật do liên quan đến sai phạm về đất đai, công sản trong thời gian gần đây cho thấy vấn đề hết sức phức tạp…

“Tư biến” công sản

Trong số những vụ việc nổi cộm liên quan đến đất đai, phải kể đến việc Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam ông Nguyễn Thành Tài, cựu Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hồ Chí Minh và các đồng phạm. 

Trước đó, cựu Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Hữu Tín và các cán bộ liên quan cũng bị khởi tố và bắt tạm giam vì có những sai phạm liên quan về quản lý đất đai ở TP Hồ Chí Minh. Các vụ án trên được đưa ra xét xử trước pháp luật, các bị cáo nhận hình phạt theo quy định pháp luật là lẽ đương nhiên. Nhưng khi phân tích về các sai phạm có tính hệ thống ở những vụ án này cho thấy, tài sản công bị “biến hoá” bởi bàn tay của các cá nhân có chức quyền.

Cựu Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hồ Chí Minh, Nguyễn Thành Tài, trực tiếp ký các quyết định chuyển đổi tài sản công cho tư nhân.

Ông Nguyễn Thành Tài, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2011-2015 bị xử lý về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, quy định tại Điều 219 Bộ luật Hình sự năm 2015, là xuất phát từ việc lợi dụng chức vụ để “hô biến” tài sản công. Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã xác định ông Nguyễn Thành Tài liên quan đến khu đất “vàng” gần 5.000m² ở số 8-12 Lê Duẩn, quận 1, TP Hồ Chí Minh, do trực tiếp ký giao, cho thuê không qua đấu giá khu đất này. 

Khu “đất vàng” vốn thuộc sở hữu Nhà nước, ban đầu do 4 công ty thuộc Bộ Công Thương ký hợp đồng với Công ty Quản lý kinh doanh nhà TP Hồ Chí Minh thuê làm trụ sở làm việc. Sau đó, trên cơ sở đề nghị của Công ty TNHH MTV Quản lý kinh doanh nhà, UBND TP Hồ Chí Minh bất ngờ cho phép Công ty TNHH MTV Hoa Tháng Năm được tham gia hợp tác đầu tư 30% vốn góp trong phần tỷ lệ vốn góp 50% của Công ty TNHH MTV Quản lý kinh doanh nhà. 

Từ việc chuyển đổi khu “đất vàng” 8-12 Lê Duẩn ở TP Hồ Chí Minh đã khiến nhiều cán bộ vào vòng lao lý.

Điều đáng nói, Công ty TNHH MTV Hoa Tháng Năm chỉ mới được đăng ký thành lập vào ngày 6/4/2010, nhưng đến tháng 8/2010, công ty này đã được ưu ái cho tham gia vào dự án và không có chức năng trong hoạt động kinh doanh bất động sản. 

Việc UBND TP Hồ Chí Minh cho phép Công ty TNHH MTV Hoa Tháng Năm tham gia góp 30% vốn điều lệ, giảm tỷ lệ vốn góp của Công ty TNHH MTV Quản lý kinh doanh nhà tại Công ty cổ phần Đầu tư Lavenue từ 50% xuống còn 20%, thực chất là chuyển dịch tài sản của doanh nghiệp Nhà nước sang cho công ty cổ phần trái pháp luật, gây thiệt hại của Nhà nước.

Cùng thời điểm trên, 4 công ty thuộc Bộ Công Thương lại bất ngờ chuyển nhượng cho Công ty TNHH Đầu tư Kinh Đô (nay là Công ty TNHH Đầu tư Kido) quyền đầu tư phát triển dự án trên khu đất 8-12 Lê Duẩn. Giá chuyển nhượng sau này được tính là 62,5 tỷ đồng/công ty và đã thu lợi hơn 200 tỷ đồng… 

Đến tháng 6/2011, UBND TP Hồ Chí Minh quyết định chấp thuận cho Công ty cổ phần Đầu tư Lavenue sử dụng khu đất số 8-12 Lê Duẩn đầu tư khách sạn cao cấp, thương mại dịch vụ, căn hộ cho thuê. Việc UBND TP Hồ Chí Minh giao, cho thuê khu đất này không qua đấu giá, không tham khảo ý kiến tham mưu cơ quan chuyên môn… là vi phạm Luật Đầu tư và Luật Quản lý tài sản Nhà nước. 

Trách nhiệm chung của việc này thuộc về Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh; trách nhiệm trực tiếp thuộc về cá nhân ông Nguyễn Thành Tài. Cùng bị khởi tố còn có bị can Nguyễn Hoài Nam (53 tuổi), nguyên Bí thư Quận ủy quận 2, hiện trú tại phường Tân Phú, quận 7. Ông Nam sai phạm khi còn làm Trưởng phòng Quy hoạch sử dụng đất - Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh. 

Các đồng phạm khác cũng bị khởi tố là Đào Anh Kiệt (61 tuổi), nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh; Trương Văn Út (48 tuổi), Phó Trưởng phòng Quản lý đất, Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh. Riêng Đào Anh Kiệt và Trương Văn Út đã bị tạm giam trong vụ án “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai” xảy ra tại Tổng Công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), liên quan đến ông Nguyễn Hữu Tín - cựu Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh đã bị bắt giam trước đó...

Nhiều mánh khoé để trục lợi

Cũng sai phạm về đất đai và bán cổ phần vốn Nhà nước, ông Tề Trí Dũng, nguyên Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Phát triển công nghiệp Tân Thuận (Công ty IPC) và bà Hồ Thị Thanh Phúc, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Phát triển Nam Sài Gòn (Công ty Sadeco) bị khởi tố, bắt tạm giam về tội “Tham ô tài sản” và “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí”. 

Trước khi bị bắt tạm giam, ông Tề Trí Dũng là đại biểu HĐND TP Hồ Chí Minh khóa IX, nhiệm kỳ 2016-2021, có 3 năm công tác tại Công ty Dầu khí TP Hồ Chí Minh, 8 năm làm lãnh đạo Tổng Công ty Bến Thành - TNHH MTV rồi làm Tổng Giám đốc Công ty IPC giai đoạn 2015-2018. Công ty IPC là doanh nghiệp Nhà nước do UBND TP Hồ Chí Minh thành lập năm 1993, sở hữu 100% vốn điều lệ hơn 2.900 tỷ đồng, được giao nhiều đất đai, dự án đầu tư... 

Nhưng từ khi ông Tề Trí Dũng về nắm quyền Tổng Giám đốc thì Công ty IPC xảy hàng loạt sai phạm nghiêm trọng. Ngoài ra, thời điểm ông Dũng làm Tổng Giám đốc, Công ty IPC đã kinh doanh thua lỗ nhiều dự án bất động sản, sai phạm trong thực hiện các dự án giao thông... 

Đáng chú ý là Sadeco được ưu ái nắm trong tay quỹ đất dự án hàng trăm hécta tại nhiều vị trí đắc địa ở TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, tài sản Nhà nước tại Sadeco bị tư nhân thâu tóm với sự can dự trực tiếp của ông Dũngvà nhiều lãnh đạo chủ chốt của Công ty IPC, Sadeco…

Cũng liên quan đến sai phạm đất đai xảy ra tại 3 khu đất trên đường Tôn Đức Thắng, phường Bến Nghé, quận 1, TP Hồ Chí Minh mà cựu Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Văn Hiến bị truy tố về tội: "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng"; 7 bị can khác: Bùi Như Thiềm, Bùi Văn Nga, Đoàn Mạnh Thảo, Trần Trọng Tuấn (Phó Giám đốc Công ty Hải Thành) bị truy tố về tội "Vi phạm quy định về quản lý đất đai"; Đinh Ngọc Hệ, Phạm Văn Diệt và Vũ Thị Hoan cùng bị truy tố tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Hay hàng loạt cán bộ lãnh đạo ở TP Đà Nẵng cũng “dính chùm” với Phan Văn Anh Vũ (Vũ “nhôm”) về những lô “đất vàng” ở TP Đà Nẵng được “biến hoá” cho Vũ “nhôm” và các công ty “sân sau”. Sai phạm từ quản lý đất đai, hai cựu Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Trần Văn Minh, Văn Hữu Chiến cùng 19 bị cáo liên quan vụ án sai phạm do Vũ “nhôm” thâu tóm 22 nhà công sản và 7 dự án bất động sản ở TP Đà Nẵng phải lãnh án. 

Bị cáo Trần Văn Minh bị toà xử phạt 12 năm tù về tội: “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, 5 năm tù về tội “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai”. Tổng hợp hình phạt bị cáo Minh phải chấp hành là 17 năm tù. Bị cáo Văn Hữu Chiến cũng bị xử phạt tổng mức án 12 năm tù về 2 tội danh trên...

Đó là những vụ án “nóng” được dư luận đặc biệt quan tâm. Tuy mỗi điều kiện, hoàn cảnh phạm tội và vi phạm khác nhau nhưng có chung điểm là các cá nhân có chức quyền bị các “đại gia” câu kết để “biến” công sản thành tài sản tư, nhằm hưởng lợi.

Ngọc Như
.
.
.