Thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”:

“Làm quan tắt” và nỗi lo tự diễn biến, tự chuyển hóa

Thứ Bảy, 18/03/2017, 07:12
Sau Đại hội XII của Đảng, với tinh thần xây dựng và cầu thị, nhiều tổ chức Đảng từ trung ương tới cơ sở đã dũng cảm đánh giá, nhận định những thiếu sót, khuyết điểm, nguy cơ và đề ra giải pháp khắc phục nhằm nâng cao vai trò lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng.

Đặc biệt, Nghị quyết số 04-NQ/TW về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ đã chỉ rõ những nguy cơ; đồng thời nêu những giải pháp cụ thể.

Triển khai, thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 04-NQ/TW, thời gian qua riêng trong công tác cán bộ đã có nhiều vụ việc được chỉ đạo làm rõ, nhất là đối với trường hợp có khối tài sản hàng trăm tỉ đồng của bà Hồ Thị Kim Thoa, Thứ trưởng Bộ Công thương và những trường hợp “thăng tiến thần tốc” hoặc “làm quan tắt” như bà Trần Vũ Quỳnh Anh ở Thanh Hóa và ông Nguyễn Văn Cảnh (Ủy viên thường trực UB Khoa học, Công nghệ & Môi trường của QH khóa XIV)…

Riêng trường hợp bà Hồ Thị Kim Thoa, giữa tháng 2-2017, Văn phòng Trung ương Đảng đã có công văn truyền đạt ý kiến chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, yêu cầu các cơ quan chức năng khẩn trương kiểm tra, thanh tra, xem xét, kết luận những nội dung mà các bài báo đã nêu và những vấn đề khác có liên quan và sớm báo cáo kết quả với Ban Bí thư.

Ý kiến chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư cho thấy trách nhiệm của người đứng đầu và sự cương quyết làm rõ những vấn đề phức tạp được người dân, báo chí phản ánh.

Với trường hợp bà Trần Vũ Quỳnh Anh (31 tuổi), sau khi dư luận phản ánh từ một nhân viên hợp đồng (năm 2011), chỉ trong vòng hơn 5 năm đã thăng tiến chóng mặt, đến tháng 10-2016 được bổ nhiệm làm trưởng phòng của Sở Xây dựng tỉnh Thanh Hóa.

Trước thông tin nêu trên, ngày 8-3-2017, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có Thông báo số 128/VP-THKH gửi các cơ quan báo chí. Công văn cho biết, tỉnh Thanh Hóa đã giao cho Thanh tra tỉnh khẩn trương tổ chức thanh tra việc bổ nhiệm công chức lãnh đạo thuộc thẩm quyền Sở Xây dựng, trong đó có bà Trần Vũ Quỳnh Anh, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh trước ngày 30-3.

Với ông Nguyễn Văn Cảnh (40 tuổi), đường quan lộ cũng đặc biệt hanh thông khi năm 2013, ông vẫn chưa có tên trong danh sách cán bộ, công chức tỉnh Bình Định. Sau khi được tuyển đặc cách vào biên chế, làm việc tại Văn phòng đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Bình Định, ông nhanh chóng “trưởng thành” và chỉ sau 6 tháng ông đã được bổ nhiệm làm Chánh văn phòng HĐND và đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định!

Từ tháng 3-2015 đến tháng 3-2016, ông Cảnh là Ủy viên chuyên trách UB Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội khóa 13. Đến Quốc hội khóa 14, ông Cảnh tiếp tục tham gia UB Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội và là Ủy viên thường trực của Ủy ban này. Thế rồi, không hiểu vì lí do gì hay bỗng nhiên “giật mình”, giữa tháng 2-2017, ông Cảnh đột ngột có đơn xin thôi công việc tại Quốc hội để… về quê.

Qua trường hợp của bà Trần Vũ Quỳnh Anh và ông Nguyễn Văn Cảnh nêu trên, có thể thấy vấn đề “thăng tiến thần tốc”, “làm quan tắt” là một thực trạng đáng lo ngại.

Dẫu cởi mở, tạo điều kiện hết mức cho người trẻ, người tài dù ở bất cứ giai tầng nào của xã hội được tham gia gánh vác nhiệm vụ của bộ máy nhà nước thì cũng thấy rõ sự bất thường. Nếu người lãnh đạo sâu sát, công tâm, tổ chức cơ sở Đảng có sức chiến đấu, thì không thể diễn ra việc bổ nhiệm và thăng tiến kiểu “thần tốc”.

Đây là điều được nhận định rõ trong Nghị quyết số 04-NQ/TW: “Công tác tổ chức, cán bộ và quản lý cán bộ, đảng viên còn yếu kém. Nhiều cán bộ, đảng viên, trong đó có người đứng đầu chưa thể hiện tính tiên phong, gương mẫu; còn biểu hiện quan liêu, cửa quyền, chưa thực sự sâu sát thực tế, cơ sở”.

Biểu hiện của nó cũng không nằm ngoài nhận định của Nghị quyết, đó là sự suy thoái về đạo đức, lối sống (biểu hiện thứ 8): “Thao túng trong công tác cán bộ; chạy chức, chạy quyền, chạy chỗ, chạy luân chuyển, chạy bằng cấp, chạy tội... Sử dụng quyền lực được giao để phục vụ lợi ích cá nhân hoặc để người thân, người quen lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để trục lợi”.

Thời nào nước Việt ta cũng lắm anh hùng, hào kiệt, người tài. Trọng dụng hiền tài là một kế sách của các triều đại nhưng lợi dụng điều đó để trục lợi, vun vén lợi ích cá nhân và phe nhóm thì chính là sự suy thoái, tự diễn biến, tự chuyển hóa, là một thứ “giặc nội xâm”.

Trần Duy Hiển
.
.
.