Trò chuyện Chủ nhật

Giảm thiểu thiệt hại do mưa lũ: Cảnh báo sớm để người dân chủ động phòng tránh

Chủ Nhật, 25/10/2020, 07:20
Làm thế nào để cảnh báo sớm đến người dân những nguy cơ của thiên tai và giúp họ có sự chủ động hơn trong việc phòng tránh không phải là câu hỏi bây giờ mới được đặt ra nhưng có quá nhiều vấn đề xung quanh câu chuyện này cần bàn bạc khi mà dưới tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai ngày càng phức tạp, khó lường. 

Phóng viên Chuyên mục Trò chuyện Chủ nhật đã có cuộc trao đổi với TS Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thuỷ văn quốc gia xung quanh các vấn đề này.

Mưa lũ dồn dập ở miền Trung từ ngày 6/10 đến nay đã gây thiệt hại vô cùng lớn về người và tài sản. Trong khi ở nhiều nơi, nước vẫn còn ngập, miền Trung lại chuẩn bị hứng chịu cơn bão số 8. Cùng với những thiệt hại về người là nguy cơ nghèo đói lại cận kề với hàng nghìn gia đình.

Làm thế nào để cảnh báo sớm đến người dân những nguy cơ của thiên tai và giúp họ có sự chủ động hơn trong việc phòng tránh không phải là câu hỏi bây giờ mới được đặt ra nhưng có quá nhiều vấn đề xung quanh câu chuyện này cần bàn bạc khi mà dưới tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai ngày càng phức tạp, khó lường. Phóng viên Chuyên mục Trò chuyện Chủ nhật đã có cuộc trao đổi với TS Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thuỷ văn quốc gia xung quanh các vấn đề này.

Phóng viên: Đến thời điểm này, mưa lũ miền Trung đã gây ra nhiều thiệt hại về người và của. Có thể nói trong thời gian qua, ở khu vực Trung Bộ (các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Bình) đã xảy ra một đợt mưa lớn trên diện rộng, nhiều nơi chưa từng có trong lịch sử, vượt cả trận “đại hồng thủy” năm 1979. Xin ông cắt nghĩa nguyên nhân mưa lũ dồn dập thời gian qua? Những hình thái thời tiết xấu dồn dập như vậy có được coi là dị thường không?

TS Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thuỷ văn quốc gia.

TS Mai Văn Khiêm: Có thể nói dải hội tụ nhiệt đới đi qua Trung Bộ, cùng với các xoáy thuận nhiệt đới liên tiếp hình thành hướng vào đất liền nước ta kết hợp với không khí lạnh và gió mùa đông bắc liên tục được bổ sung cùng địa hình chắn gió của dãy Trường Sơn, sự kết hợp của các hình thế này là nguyên nhân chính gây nên các đợt mưa, lũ lớn dồn dập ở khu vực miền Trung trong thời gian vừa qua.

Lũ lớn, ngập lụt là do điều kiện địa hình đặc thù của các lưu vực sông ở miền Trung như các sông thường ngắn, có độ dốc lớn do đó thời gian tập trung lũ thường rất nhanh. Ngoài ra, khu vực này có vùng đồng bằng rất nhỏ và hẹp, lại thường bị chắn bởi các roi cát dọc theo bờ biển, do đó làm giảm sự tiêu thoát lũ. Ngập lụt của trận lũ trước chưa giảm hết trận sau đã đến dẫn đến ngập sâu và kéo dài.

Hiện nay đang trong mùa mưa lũ chính ở khu vực miền Trung, do đó việc xuất hiện mưa, lũ trong giai đoạn này là phù hợp với quy luật. Tuy nhiên, việc xảy ra mưa với cường độ và tổng lượng lớn, kéo dài đã khiến cho mực nước đỉnh lũ tại nhiều trạm đã vượt giá trị lịch sử trong thời gian qua.

Phóng viên: Thiên tai không thể tránh, nhưng có thể giảm thiểu thiệt hại. Một trong những biện pháp giảm thiểu hậu quả thiên tai là nâng cao chất lượng dự báo để chủ động ứng phó. Xin ông cho biết, năm 2020, công tác dự báo của chúng ta hiện nay đã được cải thiện như thế nào? Đặc biệt là dự báo bão và lượng mưa?

TS Mai Văn Khiêm: Ngay từ đầu năm 2020, trên cơ sở phân tích diễn biến khí quyển, đại dương toàn cầu và khu vực, Tổng cục Khí tượng thủy văn (KTTV) đã có bản tin đặc biệt nhận định sớm về khả năng diễn biến phức tạp của mùa mưa, bão, lũ năm 2020 gửi Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai (PCTT). Bắt đầu từ giữa năm 2020, trong các bản tin dự báo mùa (phát hành tháng 5 và tháng 6/2020) của Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia đã bắt đầu đưa ra những nhận định đầu tiên về một mùa bão dồn dập vào cuối năm, đặc biệt trong hai tháng 10 và 11/2020 và tập trung ở khu vực Trung Bộ. Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia cũng đã phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam và các phương tiện truyền thông khác đưa tin về nội dung này.

Từ ngày 4/10, Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia đã đưa ra bản tin dự báo tình hình mưa rất lớn và kéo dài ở Trung Bộ, đặc biệt từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi từ ngày 6 đến 11/10, đồng thời cảnh báo sau ngày 11/10 mưa lớn có diễn biến phức tạp và kéo dài. Từ ngày 10/10, Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia đã ban hành bản tin dự báo mưa rất lớn ở các tỉnh Trung Bộ, kéo dài từ ngày 11 đến 13/10. Ngày 15/10, Trung tâm dự báo mưa rất lớn và kéo dài ở các tỉnh Trung Bộ từ ngày 16 đến 20/10, trong đó nhấn mạnh mưa đặc biệt lớn ở các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị. Trong các bản tin dự báo, cấp độ rủi ro thiên tai do mưa lớn được cảnh báo ở cấp độ 2-3.

Đặc biệt, trong bản tin cảnh báo ngày 15/10, Trung tâm đã nhận định sẽ xuất hiện đợt lũ lớn và đặc biệt lớn, cấp độ rủi ro thiên tai (RRTT) cấp 3. Bản tin ngày 18/10 nhận định tình hình rất khẩn cấp, Trung tâm đã nâng cấp độ RRTT do lũ, lũ quét và sạt lở lên cấp 4. Đến nay, các dự báo đều sát so với thực tế, không chỉ về mưa lớn, mà các nhận định về lũ, lũ lớn và kéo dài, cảnh báo nguy cơ lũ quét, sạt lở đất và ngập úng cho các tỉnh miền Trung cũng đều được Trung tâm đưa ra các cảnh báo kịp thời tới Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT, Ban Chỉ huy PCTT các tỉnh, TP và trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đây là những kết quả của việc đầu tư vươn tầm quốc tế của nhà nước cho ngành Khí tượng rhủy văn.

Phóng viên: Trong cuộc họp Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT ngày 6/10, ông Trần Quang Hoài, Phó trưởng Ban có đề nghị Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn Quốc gia ngoài việc cung cấp những bản tin dự báo, cảnh báo dài hạn, cần lưu ý cung cấp những bản tin ngắn hạn phục vụ công tác chỉ đạo, truyền thông, đặc biệt là những khu vực được dự báo có mưa to đến rất to (tổng lượng mưa bắt đầu từ 7/10 từ 1.000-1.500mm) và các bản tin cảnh báo lũ kèm cấp độ rủi ro thiên tai do lũ. Xin ông thông tin tần suất dự báo các khu vực mưa to và rất to.

TS Mai Văn Khiêm: Đúng vậy, sự phối hợp giữa Tổng cục KTTV và Tổng cục PCTT trong việc cung cấp thông tin cho Ban chỉ đạo Trung ương về PCTT là rất quan trọng. Trong thời gian vừa qua, Tổng cục KTTV đã phối hợp chặt chẽ với Tổng cục Phòng, chống thiên tai, Đài truyền hình Việt Nam và các cơ quan thông tấn, báo chí, truyền thông liên tục cung cấp các bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai KTTV kịp thời và hiệu quả cho các cấp chính quyền và nhân dân.

Tổng cục KTTV hiện nay cung cấp nhiều loại bản tin dự báo với các thời hạn và mức độ chi tiết khác nhau cho Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT, từ bản tin dự báo nhận định thiên tai năm đến các bản tin dự báo mùa, dự báo tháng, dự báo 10 ngày và dự báo hàng ngày đối với các loại thiên tai KTTV.

Tần suất mỗi loại bản tin là khác nhau theo quy định của Thủ tướng Chính phủ trong Quyết định số 03/2020/QĐ-TTg ngày 13/1/2020. Ví dụ như tin bão sẽ từ 4 bản tin/ngày khi là bão gần Biển Đông, tăng lên 8 bản tin/ngày khi là bão khẩn cấp, ngoài ra còn có bản tin nhành 1 giờ/bản tin khi bão gần bờ. Trong những tình huống khẩn cấp, Tổng cục KTTV cung cấp các bản tin dự báo, cảnh báo bổ sung, ngoài các giờ theo quy định trong Quyết định 03/2020/QĐ-TTG, cập nhật liên tục hàng giờ như các tin nhanh về bão và ATNĐ khi bắt đầu ảnh hưởng tới nước ta hoặc dự báo thời tiết cho các khu vực tìm kiếm cứu nạn.

Trong năm 2020 và thời gian gần đây, ngoài các bản tin được phát theo quy định của Chính phủ, Tổng cục KTTV thường xuyên có các bản tin Chuyên đề phục vụ PCTT, tìm kiếm cứu nạn. Các bản tin được gửi tới các thành viên Ban Chỉ đạo cũng như các chính quyền địa phương bằng nhiều hình thức đa dạng như fax, email, tin nhắn SMS…

Phóng viên: Mặc dù những bản tin cảnh báo về nguy cơ, sạt lở đất, nước lũ được thông tin đầy đủ nhưng vẫn còn tình trạng nhiều người dân phải trèo lên mái nhà vì không kịp chạy lũ… Với tư cách là thành viên Tổ giúp việc của Ban Chỉ đạo PCTT, ông có ý kiến gì vấn đề này? Liệu có phải do người dân chưa nắm được thông tin để chủ động sơ tán, hay do nguyên nhân chính quyền địa phương chưa quyết liệt trong việc di dời dân ra nơi an toàn? Làm thế nào để các bản tin dự báo, cảnh báo đến được với người dân đầy đủ tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra?

TS Mai Văn Khiêm: Trong thời gian vừa qua, sự phối hợp giữa các thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT trong việc dự báo, cảnh báo và truyền tin thiên tai, cũng như hướng dẫn các địa phương trong việc ứng phó với các tình huống thiên tai là rất hiệu quả.

Trong các đợt thiên tai gần đây, Ban Chỉ đạo cũng triển khai nhiều hình thức truyền tin mới như nhắn tin chủ động tới các thuê bao trong vùng cảnh báo nguy hiểm của thiên tai, đưa ra các cảnh báo sớm tới các địa phương để chủ động trong công tác ứng phó với thiên tai, đồng thời Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam cùng các kênh truyền hình, phát thanh, báo chí khác cũng thường xuyên đưa thông tin dự báo diễn biến của thiên tai và cảnh báo các tác động nguy hiểm tiềm ẩn của thiên tai. Chính quyền địa phương cũng đã có các chỉ đạo, hướng dẫn người dân các phương án phòng trách, ứng phó thiên tai.

Có thể nói, dưới tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai ngày càng phức tạp, khó lường. Ngay cả các nước tiến tiến trên thế giới cũng thường xuyên chịu thiệt hại về người và của do thiên tai trong những năm gần đây và chúng ta cũng đã có những chia sẻ thiệt hại với các nước... Trong thời gian tới, chúng ta cần tiếp tục có sự phối hợp, hợp tác của các ban, ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương và người dân trong mọi tình huống thiên tai có khả năng đe dọa tới tới tính mạng và tài sản của người dân để giảm thiểu những thiệt hại do thiên tai.

Phóng viên: Chúng ta đã phải kích hoạt cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai cấp 4. Với những diễn biến thời tiết như hiện nay, từ giờ đến cuối năm, dự báo còn bao nhiêu cơn bão có thể ảnh hưởng đến nước ta?

TS Mai Văn Khiêm: Bão số 8 đang hướng về đất liền miền Trung, tương tác với không khí lạnh có khả năng suy yếu thành vùng áp thấp nhiệt đới trước khi vào đất liền; hoàn bão số 8 được dự báo sẽ ảnh hưởng trực tiếp, gây mưa vừa đến mưa to và gió giật cho các khu vực đất liền các tỉnh Bắc và Trung Trung Bộ trong đêm 24 và ngày 25/10. Những ngày cuối tháng 10, đầu tháng 11, các tỉnh ven biển Trung và Nam Trung Bộ có khả năng chịu ảnh hưởng của xoáy thuận nhiệt đới và không khí lạnh nên có thể xuất hiện mưa to đến rất to.

Dự báo từ nay cho tới hết năm 2020, trên khu vực Biển Đông còn có khả năng xuất hiện thêm khoảng 3-5 cơn bão và áp thấp nhiệt đới, trong đó có khoảng 2-3 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta. Đề phòng các đợt mưa lớn dồn dập và kéo dài ở khu vực miền Trung những ngày cuối tháng 10 và trong tháng 11, đặc biệt khu vực Trung và Nam Trung Bộ; trên các sông ở Trung Bộ và khu vực Tây Nguyên có khả năng xuất hiện 2-3 đợt lũ vừa và lớn. Các đợt rét đậm, rét hại có thể xuất hiện sớm hơn trung bình, từ nửa cuối tháng 12/2020 đến tháng 2/2021.

Phóng viên: Xin cảm ơn ông!

Ngọc Yến (thực hiện)
.
.
.