Du lịch cần sự đổi mới quyết liệt từ các bộ ngành, địa phương

Chủ Nhật, 21/08/2016, 09:44
Du lịch Việt đa dạng về văn hoá, ưu đãi thiên nhiên về cảnh quan với vô vàn điểm đến hấp dẫn níu chân du khách. Tuy nhiên, du lịch Việt vẫn chậm chân hơn so với các nước trong khu vực.


Để giải bài toán nâng cao cạnh tranh của ngành Du lịch và tạo sự bứt phá, du lịch đã được định hướng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thúc đẩy sự phát triển kinh tế. Từ góc nhìn của người trong cuộc, phóng viên Báo CAND đã có cuộc trò chuyện với Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn xung quanh vấn đề này.

PV: Thưa ông, mục tiêu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn đã được khẳng định. Vậy, từ mục tiêu chuyển thành hiện thực cần phải thực hiện như thế nào?

Ông Nguyễn Văn Tuấn: Đảng và Nhà nước đã có quyết tâm rất lớn trong việc phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thể hiện rõ tại Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị toàn quốc về phát triển du lịch vào ngày 9-8-2016 vừa qua, theo đó ngành Du lịch cần đóng góp khoảng 10% GDP cùng với các mục tiêu kinh tế-xã hội khác.

Để đạt được mục tiêu trên, cần thực hiện các nhóm nhiệm vụ, giải pháp sau:

Một là, tiếp tục nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí ngành Du lịch với tư cách là ngành kinh tế dịch vụ có tính tổng hợp, liên ngành, liên vùng, xã hội hóa cao và có nội dung văn hóa sâu sắc;

Hai là, đổi mới công tác xúc tiến du lịch, thu hút các nguồn lực đầu tư hình thành các khu vực phát triển du lịch động lực; Ba là, kiện toàn hệ thống pháp luật và tổ chức ngành Du lịch; Bốn là, tái cơ cấu ngành Du lịch theo hướng đẩy mạnh xã hội hóa, phát huy vai trò của doanh nghiệp và cộng đồng;

Năm là, tăng cường quản lý điểm đến; kiểm soát, nâng cao chất lượng dịch vụ; phát triển nguồn nhân lực và xây dựng môi trường du lịch văn minh, thân thiện; Sáu là, đẩy mạnh thực hiện các giải pháp liên ngành, liên vùng như đơn giản hóa thủ tục nhập cảnh, phát triển hạ tầng giao thông, tăng cường kết nối hàng không với các thị trường trọng điểm, hoàn thiện các cơ chế hợp tác cấp vùng và liên vùng.

PV: Đất nước Việt Nam được thiên nhiên ưu đãi với nhiều phong cảnh hữu tình, nền văn hóa phong phú và đa dạng, tuy nhiên vẫn chậm chân hơn các nước trong khu vực. Theo ông, trong những nhóm giải pháp nêu trên, cần ưu tiên, chú trọng thực hiện những giải pháp nào?

Ông Nguyễn Văn Tuấn: Theo kinh nghiệm phát triển du lịch của các nước, đặc biệt là Thái Lan sau tổng kết 30 năm thực hiện Chiến dịch Visit Thailand Year 1987, có 3 nhóm giải pháp cần chú trọng, bao gồm: Một là, phát triển sản phẩm du lịch nổi trội, đặc sắc, phù hợp với nhu cầu thị trường, nhất là ở các khu vực phát triển động lực;

Hai là, tạo điều kiện cho du khách từ thị trường nguồn tiềm năng dễ dàng tiếp cận điểm đến, thông qua kết nối hàng không thuận lợi và chính sách thị thực nhập cảnh thông thoáng; Ba là, đầu tư, đổi mới, nâng cao hiệu quả xúc tiến quảng bá nhằm xây dựng hình ảnh điểm đến du lịch Việt Nam hấp dẫn, độc đáo, có sức cạnh tranh cao trong khu vực.

Ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch.

PV: Ông có nhận định như thế nào về cách làm du lịch hiện nay của các địa phương? Sự thiếu hụt hướng dẫn viên tại một số địa phương trong thời gian qua do đâu? Và làm gì để giải quyết tình trạng nêu trên?

Ông Nguyễn Văn Tuấn: Để giải quyết tình trạng trên, Tổng cục Du lịch ý thức rất rõ nhiệm vụ cần cùng với các địa phương, doanh nghiệp nâng cao chất lượng nghiên cứu, định hướng, dự báo thị trường đối với từng điểm đến, xây dựng các phương án tổ chức các điểm tham quan, dịch vụ du lịch phù hợp với nhu cầu, thị hiếu của khách du lịch. 

Đặc biệt, chính quyền địa phương các cấp cần phát huy vai trò chủ động trong việc đảm bảo an ninh, an toàn, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm và cách ứng xử văn minh tại các khu, điểm du lịch. Để thực hiện được điều này, sự tham gia, ủng hộ của các doanh nghiệp, cộng đồng và từng người dân có vai trò rất quan trọng. 

Bên cạnh đó, Tổng cục Du lịch cũng đã đề xuất thay đổi một số quy định bất cập trong Luật Du lịch, trong đó có quy định về tiêu chuẩn hướng dẫn viên cho phù hợp với thực tế.

PV: Thái Lan, Lào, Campuchia và một số nước trong khu vực đều có chính sách rất tốt cho du lịch. Vậy, theo ông để rút ngắn khoảng cách và đảo ngược con số thì Du lịch Việt Nam cần phải làm gì? Cơ quan quản lý, địa phương và DN lữ hành?

Ông Nguyễn Văn Tuấn: Hiện nay việc kết nối trong ASEAN đã rất thuận lợi kể cả về kết nối giao thông và thủ tục nhập cảnh. So với các nước, Việt Nam có sản phẩm du lịch hấp dẫn, đặc sắc không kém các nước. 

Việc khách du lịch các nước ASEAN đến Việt Nam còn chưa cao chủ yếu do công tác xúc tiến quảng bá của chúng ta còn hạn chế; chi phí đi du lịch Việt Nam còn chưa hấp dẫn đối với đối tượng khách du lịch đại trà chiếm đa số trong ASEAN; kết nối các điểm đến trong nội bộ Việt Nam còn chưa thuận tiện.

Để thay đổi tình hình, đối với cơ quan quản lý nhà nước cần đẩy mạnh hơn nữa công tác xúc tiến quảng bá điểm đến du lịch quốc gia. Các doanh nghiệp cần liên kết chặt chẽ để có thể xây dựng các gói sản phẩm với mức giá phù hợp cho đối tượng khách du lịch đại trà, đi lần đầu, đi đôi với phát triển các sản phẩm du lịch cao cấp. Đồng thời, đối với các địa phương, việc nâng cấp cơ sở hạ tầng, tăng cường kết nối, đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao chất lượng dịch vụ có vai trò quan trọng.

PV: Tham gia vào khối AEC mở ra nhiều cơ hội cho các ngành nghề kinh tế trong đó có du lịch. Vậy, theo ông, Việt Nam đã có sự chuẩn bị như thế nào để đón dòng khách từ ASEAN?

Ông Nguyễn Văn Tuấn: Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và Chiến lược marketing du lịch Việt Nam xác định ASEAN là thị trường trọng điểm của du lịch Việt Nam. 

Việt Nam đã xác định những sản phẩm nổi bật, liên kết với các nước ASEAN để thu hút khách du lịch các nước ASEAN và các nước thứ ba, bao gồm các di sản văn hóa và tự nhiên tiêu biểu như Hội An, Thừa Thiên-Huế, Vịnh Hạ Long; các thành phố với những giá trị văn hóa, kiến trúc, cảnh quan đặc sắc. 

Đồng thời, 11 năm qua, chúng ta tổ chức Hội chợ Du lịch quốc tế ITE tại TP.Hồ Chí Minh với tư cách là hội chợ lớn nhất trong khu vực sông Mê Kông nhằm quảng bá các sản phẩm du lịch của Việt Nam và các nước khác; tham gia các hội chợ trong ASEAN...

Tuy nhiên, hội nhập ASEAN là quá trình vừa hợp tác, vừa cạnh tranh đòi hỏi chúng ta phải liên tục nâng cao khả năng dự báo và ứng phó với các biến động, khủng hoảng. 

PV: Vừa qua, tại hội nghị toàn quốc về phát triển du lịch, Thủ tướng Chính phủ đã nêu lên vấn đề cung cấp dịch vụ tốt nhất để khách hài lòng và khi ra về hẹn ngày trở lại. Đây là vấn đề không mới, ai cũng biết nhưng tại sao đến nay ngành Du lịch vẫn mãi loay hoay? Theo ông, nguyên nhân từ đâu? Giải pháp như thế nào?

Ông Nguyễn Văn Tuấn: Để giải quyết tình trạng trên, Thủ tướng Chính phủ đã giao Chủ tịch UBND các cấp chịu trách nhiệm chỉ đạo, xử lý, phát động phong trào nhân dân hưởng ứng, cùng hành động, để tạo ra bước chuyển biến đột phá về đảm bảo an ninh, an toàn, cải thiện môi trường trong hoạt động du lịch; xác định và đề cao trách nhiệm cá nhân của lãnh đạo chính quyền các cấp trong việc đảm bảo an ninh, an toàn, giải quyết tình trạng lừa đảo, đeo bám, ép khách, nạn mất cắp hành lý, ăn xin, vệ sinh an toàn thực phẩm. 

Xây dựng và tuyên truyền, phổ biến qui tắc ứng xử văn minh du lịch tại các điểm tham quan. Thiết lập các đường dây nóng phục vụ khách du lịch để thu thập thông tin và giải quyết các vấn đề bất cập đối với du khách.

Đồng thời, ngành Du lịch phải tập trung tiêu chuẩn hóa các dịch vụ, sản phẩm du lịch; tập trung duy trì và kiểm soát chất lượng dịch vụ hệ thống khách sạn; tăng cường năng lực đào tạo du lịch; huy động các nguồn lực cho phát triển nguồn nhân lực du lịch thông qua xã hội hóa giáo dục và đào tạo kết hợp với hợp tác quốc tế. 

Xây dựng và ban hành khung trình độ nghề quốc gia trong lĩnh vực du lịch; hoàn thiện bộ tiêu chuẩn nghề quốc gia về du lịch tương thích với các tiêu chuẩn trong ASEAN; thành lập Hội đồng nghề du lịch quốc gia.

Trân trọng cảm ơn ông!

Lưu Hiệp (thực hiện)
.
.
.