Để Tây Nguyên phát triển bền vững
- Giao ban về thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị tại miền Trung, Tây Nguyên
- Phát triển nông nghiệp Tây Nguyên - góc nhìn từ các nông dân tỷ phú
- Triễn lãm ảnh nghệ thuật về Cà phê và văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên
Kỳ 1: Miền đất huyền thoại
Ghi dấu nhiều chiến công
Vùng Tây Nguyên gồm 5 tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng có tổng diện tích tự nhiên trên 54.640 km2, chiếm 16,8% diện tích cả nước; dân số trên 5,6 triệu người, gồm 54 dân tộc anh em sinh sống. Đây là địa bàn có vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế, quốc phòng, an ninh đối với cả nước và khu vực Đông Dương. Trong lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm, bảo vệ đất nước, đồng bào các dân tộc anh em ở Tây Nguyên đã đoàn kết một lòng theo Đảng, Bác Hồ làm nên những chiến công oanh liệt.
Làng kháng chiến Stơr, nơi sinh ra người con Bah Nar ưu tú của núi rừng Tây Nguyên đại ngàn - Anh hùng Núp mãi đi vào lịch sử dân tộc Việt Nam như một biểu tượng hùng vĩ của đồng bào Tây Nguyên trong công cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm. Những ngọn núi Tơ Bok, Yă Lăk... nơi đầu tiên Đinh Núp cùng dân làng Stơr làm bẫy đá, đặt hầm chông đánh Pháp như một huyền thoại, bây giờ vẫn vững chãi, bao bọc dân làng...
Cần nhiều giải pháp để giữ gìn bản sắc văn hóa Tây Nguyên. Ảnh: Trần Bảo Hòa. |
Kí ức những câu chuyện dân làng Stơr không có muối ăn nên phải bám rừng lấy cỏ tranh đốt thành tro ăn thay muối, đào củ rừng ăn thay cơm; dẫu đói khát nhưng lòng không nao núng, từ già đến trẻ, trên dưới một lòng tham gia đánh giặc, cứu nước vẫn mãi đi vào lịch sử…
Từ tinh thần yêu nước, chí khí anh hùng mà Đinh Núp dám nhằm thẳng thằng Pháp mà bắn. Lần đầu tiên Đinh Núp bắn thằng Pháp chảy máu như một sự bừng tỉnh cho cả dân làng đứng lên đánh Pháp. Những năm tháng chống Mỹ, cứu nước đồng bào Tây Nguyên cũng một lòng theo Đảng, cách mạng làm nên những trận thắng lẫy lừng đã đi vào lịch sử vẻ vang của dân tộc Việt Nam.
Trong ký ức của người lính từng tham gia chiến dịch Tây Nguyên năm 1975, Đại tá Phạm Chào, nguyên Chủ nhiệm Chính trị Quân đoàn 3 cho biết, xác định Tây Nguyên có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng nên lúc bấy giờ, Bộ Chính trị đặt vấn đề giải phóng Tây Nguyên có ý nghĩa chiến lược để giải phóng hoàn toàn miền Nam.
Chiến thắng lớn trong chiến dịch Tây Nguyên là nhờ chiến thuật quân sự tài tình ở thế nghi binh. Sau trận thắng mở màn giải phóng Buôn Ma Thuột, tiếp đó giải phóng Gia Lai, Kon Tum... Không bỏ lỡ thời cơ, quân ta phát triển chiến đấu xuống vùng Duyên hải Nam Trung Bộ, phối hợp với quân và dân địa phương lần lượt giải phóng các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, kết thúc chiến dịch Tây Nguyên vào ngày 3-4-1975.
Kết quả, ta tiêu diệt và làm tan rã toàn bộ lực lượng Quân lực Việt Nam Cộng hòa ở Tây Nguyên và một số tỉnh miền Duyên hải Nam Trung Bộ. Chiến dịch Tây Nguyên được tiến hành bằng sức mạnh binh chủng hợp thành, mở đầu cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 đi đến thắng lợi hoàn toàn.
Vươn lên sau chiến tranh
Sau chiến tranh, nhiều khó khăn dồn lên miền đất khó Tây Nguyên như bom đạn, tàn dư chiến tranh còn sót, chất độc da cam, nạn sốt rét, trình độ dân trí thấp, tập tục lạc hậu đeo bám trong cuộc sống một số đồng bào người dân tộc thiểu số địa phương. Không chỉ thế, bọn phản động FULRO dưới sự hà hơi tiếp sức của các thế lực bên ngoài vẫn tìm cách chống phá sự nghiệp cách mạng còn non trẻ, nhằm thực hiện âm mưu chia rẽ dân tộc, phá hoại cuộc sống bình yên của nhân dân.
Nhớ những ngày đầu sau giải phóng, cuộc sống người dân tộc thiểu số phần lớn dựa vào rừng, săn bắn, lấy gỗ rừng để làm nhà sàn... Nương rẫy của người dân chủ yếu cũng chỉ có lúa một vụ, sắn (mì), ngô (bắp) chỉ trồng trọt đơn giản, rẫy bỏ hoang thay phiên nhau, cuộc sống phần lớn của người dân vùng sâu, vùng xa chủ yếu là tự cung tự cấp, hạn chế trong việc giao thương.
Nghệ thuật cồng chiêng, nét văn hóa đặc sắc của đồng bào Tây Nguyên. |
Thời gian sau, từ phong trào phát triển cây cà phê, hồ tiêu, lúa nước được mở ra nhờ các công trình thủy lợi, người dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên cũng được học dần cách làm ăn mới từ sự phát triển của khoa học kỹ thuật.
Nhờ có ánh sáng khoa học kỹ thuật được Nhà nước đầu tư mà nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên chịu khó làm ăn, cơ bản đã dần xóa được đói nghèo, nhiều người trở nên khá giả. Tuy nhiên, vẫn còn một số người dân địa phương chưa tiếp thu được cách làm ăn mới nên đến giờ vẫn còn đói nghèo. Có người dân tộc thiểu số địa phương lúc đầu có nhiều rẫy nhưng sau lại không biết cách làm ăn mà bán hết chỗ tốt, bán ở nơi trung tâm, rồi đi sâu vào phía rừng...và đã dẫn đến nhiều hệ lụy phát sinh.
Để giải quyết những khó khăn này, Đảng và Nhà nước đã kịp thời đưa ra các định hướng phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng quan trọng cho vùng Tây Nguyên.
Trong đó đáng chú ý như bố trí dân di cư từ các nơi về phát triển kinh tế cho vùng Tây Nguyên; ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế-xã hội, đẩy mạnh chính sách phát triển nông nghiệp, thủy lợi, thưc hiện các phong trào người kinh giúp người dân tộc thiểu số tại chỗ cùng phát triển sản xuất, xóa bỏ hủ tục, đoàn kết một lòng, đập tan những âm mưu chống phá của bọn phản động FULRO; tăng cường củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, xây dựng đời sống văn hóa ở các buôn làng, đã tạo nhiều bước chuyển, thay đổi và phát triển.