Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan: Công tác tổ chức và công tác cán bộ như hình với bóng

Thứ Tư, 11/10/2017, 09:49
Trong các nội dung mà Hội nghị Trung ương 6, khóa XII đang bàn, có lẽ có hai nội dung được toàn Đảng, toàn dân, toàn quân quan tâm nhất. Đó là vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị và xem xét kỷ luật Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh.

Lâu nay công tác tổ chức và công tác cán bộ luôn luôn gắn bó với nhau như hình với bóng; sự trùng khớp ngẫu nhiên của hai nội dung trên trong một Hội nghị Trung ương càng khẳng định điều đó. Tổ chức hợp lý, hoạt động hiệu lực, hiệu quả là yêu cầu tối cần thiết nhưng muốn bảo đảm yêu cầu đó thì điều kiện tiên quyết là có những cán bộ phẩm chất cao, năng lực tốt.

Bác Hồ từng dạy “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc… Công việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hay xấu”. Bài học đau xót liên quan tới Bí thư (nay đã là “cựu”) Nguyễn Xuân Anh và Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng là một minh chứng mới về chân lý Bác Hồ đã nêu. Dường như dự cảm trước những nguy cơ đối với Đảng khi cầm quyền, trong một thời gian ngắn, từ sau Cách mạng Tháng Tám đến hết năm 1945, tức là vỏn vẹn trong 4 tháng sau khi nước nhà độc lập, Bác đã có chí ít 10 bài nói và viết về chủ đề này.

Ngày 3-9-1945, tức là chỉ một ngày sau khi đọc Tuyên ngôn Độc lập, Bác đã nêu ra “Những nhiệm vụ cấp bách” của Nhà nước ta, trong đó Người đề nghị “mở một chiến dịch giáo dục… bằng cách thực hiện Cần, Kiệm, Liêm, Chính”.

Tiếp đó, ngày 17-9-1945 Bác gửi thư cho “các đồng chí tỉnh nhà” (thực chất là gửi tới toàn thể cán bộ, đảng viên), trong đó Người chỉ rõ những khuyết điểm như “khuynh hướng chật hẹp và bao biện; lạm dụng hình phạt; kỷ luật không đủ nghiêm” và đặc biệt là những biểu hiện “hủ hóa”, lên mặt làm quan cách mạng, hoặc là độc hành, độc đoán, hoặc là dĩ công dinh tư (tức lấy của công làm của riêng), thậm chí lấy pháp công để bảo thủ tư (dùng pháp luật Nhà nước để trả thù riêng),  làm cho dân oán đến Chính phủ và Đoàn thể (tức Đảng ta lúc đó tạm rút vào bí mật nên được gọi là “đoàn thể”).

Bác chỉ rõ “những khuyết điểm trên, nhỏ thì làm cho dân chúng hoang mang, lớn thì làm cho nền đoàn kết lay động. Chúng ta phải lập tức sửa đổi ngay”.

Ngày 17-10-1945, trong thư gửi Ủy ban nhân dân các cấp, Bác nhấn mạnh thêm những thói xấu cần khắc phục như trái phép (làm trái pháp luật), cậy thế, hủ hóa, tư túng, chia rẽ, kiêu ngạo. Đi đôi với việc chỉ ra những thói hư, tật xấu, Bác nhấn mạnh những phẩm chất cần phấn đấu đạt cho được. Trong bài “Chính phủ là công bộc của dân” đăng trên Báo Cứu quốc ngày 19-9-1945, Người nhấn mạnh: “Chính phủ nhân dân bao giờ cũng phải đặt quyền lợi của dân lên trên hết thẩy. Việc gì có lợi cho dân thì hết sức làm. Việc gì có hại cho dân thì hết sức tránh”.

Bác chỉ ra những tiêu chuẩn để chọn người vào bộ máy công quyền như “công tâm, trung thành, sốt sắng với quyền lợi dân chúng, có năng lực làm việc, được đông đảo dân tín nhiệm. Không thể nhờ tiền tài hay một thế lực gì khác mà chui lọt vào”. Viết tới đây tôi bỗng giật mình thấy hóa ra hơn bẩy chục năm trước Bác đã cảnh tỉnh những nguy cơ mà ngày nay dân ta tổng kết thành các chữ “ệ”: “tiền tệ, quan hệ, hậu duệ”!

Để khắc phục những tệ nạn đó, từ rất sớm Bác đã chỉ rõ một trong những vũ khí hữu hiệu là “phải có tinh thần chỉ trích” mà nay gọi là vũ khí “tự phê bình và phê bình”. Trong bài “Muốn thành cán bộ tốt, phải có tinh thần tự chỉ trích” đăng trên Báo Cứu quốc ngày 26-9-1945 Người viết: “Muốn được thích hợp với tình thế, muốn cùng tiến hay vượt các bạn khác, ta cần phải nhận thức và tự giáo dục không ngừng, cần phải có sự thành thật vạch ra những khuyết điểm sai lầm để bồi bổ và sửa đổi đi”.

Trong lễ tốt nghiệp Khóa học thứ tư của Trường Quân chính Việt Nam ngày 1-10-1945 Bác nhấn mạnh những đức tính cán bộ cần phải có:

1) Không tự kiêu, không có cái bệnh “làm quan cách mạng”.

2) Phải siêng năng, siêng nghe, siêng thấy, siêng đi, siêng nghĩ, siêng nói, siêng làm.

3) Cầu tiến bộ luôn luôn, không lúc nào ngừng nghiên cứu, tự luyện, sửa chữa những khuyết điểm.

4) Trung thành với mục đích cách mạng: giữ cho nước nhà được độc lập, nòi giống được tự do.

Trong bài viết “Sao cho được lòng dân” đăng trên Báo Cứu quốc ngày 12-10-1945 Bác còn dặn, cán bộ phải tránh các tật “ngông nghênh, cậy thế, cậy quyền”, đối với người dân “phải biết nhân nhượng, biết trọng nhân cách người ta”.

Bên cạnh những lời căn dặn về phẩm chất đạo đức, Bác còn dạy bảo kỹ càng về phương pháp làm việc, như: Chia công việc không khéo thành ra bao biện… sắp đặt công việc không khéo, phân công không sáng suốt thì việc cũng đến hỏng… Việc dùng nhân tài, ta không nên căn cứ vào những điều kiện quá khắt khe… Cán bộ chăm chỉ làm việc chưa đủ, cần phải biết làm việc cho có phương pháp, Phải cần nhưng phải cẩn nữa”. Tôi có cảm giác Bác vẫn sống cùng chúng ta, dõi theo mỗi bước đi của chúng ta và vạch ra những thói hư tật xấu của cơ quan công quyền đang hiện hữu ở nhiều nơi.

Điểm qua những lời dặn của Bác trong những ngày tháng thuở ban đầu sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, cá nhân tôi ngộ ra mấy điều:

Một là, ngay từ khi Đảng ta mới trở thành Đảng cầm quyền, Bác Hồ đã dự cảm và chỉ ra rất chuẩn xác và đầy đủ những mối nguy cơ đưa tới những biểu hiện tha hóa của đội ngũ cán bộ. Những gì đang diễn ra hiện nay, trong đó có trường hợp Nguyễn Xuân Anh cho thấy những lời chỉ giáo của Người rất sáng suốt. Chúng tiếp tục đe dọa uy tín, thậm chí cả sự tồn vong của Đảng và chế độ nếu không bị loại trừ.

Vấn đề đáng lo ngại là không phải mọi cán bộ, đảng viên nhận thức được đầy đủ sự hiện hữu của những mối de dọa đó, hơn nữa còn có thái độ thờ ơ, né tránh thậm chí “đục nước, béo cò”.

Hai là, những điều Bác đòi hỏi ở đội ngũ cán bộ, đảng viên chính là những liều thuốc hiệu nghiệm nhất để hóa giải những nguy cơ hiện hữu. Vấn đề là thầy thuốc đã bắt trúng bệnh từng người và biết sử dụng đúng phác đồ chữa trị chưa? Các con bệnh có chịu uống những thang thuốc đắng để dã tật hay không?

Ba là, Đảng đã ra rất nhiều nghị quyết về chủ đề chống thoái hóa, biến chất. Về cơ bản nội dung các nghị quyết ấy cũng không ngoài những điều Bác Hồ đã tiên liệu và chỉ bảo trong 4 tháng đầu sau ngày Tuyên ngôn Độc lập. Đảng cũng đã phát động phong trào học tập và làm theo những điều Bác Hồ dạy, đem lại một số chuyển động ban đầu song rõ ràng chưa thỏa lòng mong đợi của dân. Mà như Bác đã dặn rất nhiều lần: việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh. Đảng thật sự trong sạch, vững mạnh chính là điều dân muốn và có lợi cho dân, vậy muốn trường tồn trong lòng dân chỉ có một cách là trong sạch, vững mạnh không chỉ trên lời nói mà chủ yếu là trong việc làm thực tế. Đó là những báu vật quốc gia hàng đầu đối với dân tộc, đối với Đảng mà ta phải giữ lấy.

Đảng ta đã thường xuyên quan tâm tới công tác cán bộ mà gần đây nhất là Nghị quyết các Hội nghị Trung ương 4 khóa XI và khóa XII cùng nhiều quyết sách kèm theo. Cán bộ, đảng viên và toàn dân đánh giá rất cao những việc làm mạnh mẽ gần đây của Trung ương về phương diện này; hy vọng rằng tiếp sau những quyết sách sắp xếp bộ máy, Đảng sẽ có thêm những biện pháp nhằm làm tốt hơn nữa công tác cán bộ; chỉ có vậy bộ máy mới hoạt động có chất lượng và hiệu quả.

Vũ Khoan, nguyên Phó Thủ tướng
.
.
.