Chưa đồng ý xóa nợ thuế cho doanh nghiệp nhà nước

Thứ Tư, 28/10/2015, 08:10
Bên lề Quốc hội, Đại biểu Trần Du Lịch bày tỏ quan điểm chưa đồng tình. “Tôi nghĩ rằng cần phải xem xét đơn vị tương đối cá biệt, có hoạt động mang tính chất công ích, phục vụ theo mục tiêu Chính phủ giao… không trả được nợ thì Nhà nước có trách nhiệm trả. Còn đối với anh kinh doanh thì không thể xóa nợ được, trừ phi phá sản”. 

Theo Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số luật về thuế trình bày trước Quốc hội sáng 27/10, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ôtô sẽ được điều chỉnh từ 1/7/2016 theo hướng giảm 5% so với thuế hiện hành cho xe dưới 9 chỗ ngồi có công suất thấp. Ngược lại, những “đại gia” chơi xe sang sẽ “đau lòng”, vì thuế với xe công suất cao sẽ được điều chỉnh tăng, cao nhất là tới 90% so với mức hiện hành đối với xe trên 6.000cm³, được áp dụng từ 1/1/2016.

Theo tờ trình, từ 1/7/2016, ôtô dưới 9 chỗ, dung tích xi lanh từ 1.000cm³ trở xuống sẽ giảm thuế 5% so với mức hiện hành, xuống còn 40%. Mức thuế này sẽ tiếp tục giảm xuống còn 30% vào năm 2018 và 20% kể từ 2019. Đối với loại có dung tích xi lanh trên 1.000-1.500cm³, từ 31/12/2017 sẽ giảm thuế xuống 40% so với mức 45% hiện hành, các năm tiếp theo sẽ giảm mỗi năm 10%. 

Đối với loại có dung tích trên 1.500cm³đến 2.000cm³, thuế bắt đầu giảm từ 1/1/2018 về 40%, sau đó giảm xuống 30% vào 2019. Loại có dung tích xi lanh từ trên 2.000cm³ đến 2.500cm³giữ nguyên mức thuế 50%. Từ dung tích trên 3.000cm³ trở lên, mức thuế được đề xuất tăng dần, từ 55 cho đến 150%, trong khi biểu thuế hiện hành chỉ có 50 - 60%. 

Thuế nhập khẩu ôtô sẽ giảm theo lộ trình.

Điều này đồng nghĩa với việc trong thời gian tới, những ai muốn chơi xe sang sẽ phải bỏ ra một khoản tiền lớn hơn nhiều, đặc biệt với loại có dung tích xi lanh trên 6.000cm³ sẽ phải chịu thuế 150% (hiện hành là 60%) kể từ 1/1/2016.

Luật sửa đổi lần này cũng nhằm mục đích giải quyết khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất nhất là nông sản, thủy hải sản trong nước, đồng thời phòng chống tình trạng gian lận về hoàn thuế GTGT trong khâu lưu thông đối với hàng hóa này; bổ sung quy định để khuyến khích chế biến sâu. 

Dự thảo bổ sung quy định: Đối với sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thuỷ sản nuôi trồng, đánh bắt chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường khi bán cho doanh nghiệp, hợp tác xã ở khâu kinh doanh thương mại thì không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT.

Bổ sung quy định về giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với hàng hóa chịu thuế TTĐB nhập khẩu khi nhà nhập khẩu bán ra nhằm chống chuyển giá, bảo đảm bình đẳng giữa hàng hóa nhập khẩu và hàng hóa sản xuất trong nước, góp phần nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước. Bổ sung quy định làm rõ giá tính thuế TTĐB đối với trường hợp cơ sở nhập khẩu, cơ sở sản xuất bán hàng cho cơ sở kinh doanh thương mại để đảm bảo minh bạch.

Đối với dòng xe ôtô từ 9 chỗ trở xuống, điều chỉnh mức thuế suất thuế TTĐB theo nguyên tắc phân chia thành các nhóm nhỏ hơn quy định tại Luật thuế TTĐB hiện hành. Giảm mức thuế suất thuế TTĐB đối với dòng xe ưu tiên phát triển có dung tích xi lanh dưới 2.000cm³. Tăng thuế suất thuế TTĐB ở mức cao và đặc biệt cao đối với các dòng xe có dung tích xi lanh trên 3.000cm³. Vì đây là những dòng xe tiêu hao nhiên liệu, kích thước lớn chưa phù hợp với điều kiện hạ tầng giao thông và thu nhập người dân, lượng khí thải ra môi trường lớn.

Về xóa nợ doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) để góp phần thúc đẩy thực hiện kế hoạch cổ phần hóa, giao, bán, khoán, sắp xếp lại, gồm: DNNN thuộc danh sách sắp xếp lại hoặc chuyển đổi sở hữu đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt mà hiện có số nợ thuế lớn hơn hoặc bằng số lỗ lũy kế thì được xem xét xóa nợ thuế ở mức để giá trị thực tế vốn nhà nước tại doanh nghiệp đủ điều kiện để thực hiện sắp xếp lại. 

DNNN đã thực hiện cổ phần hóa hoặc chuyển đổi sở hữu mà khi xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa, giao, bán, khoán, cho thuê, cơ quan có thẩm quyền chưa xác định số thuế nợ trong giá trị của doanh nghiệp và pháp nhân mới không chịu trách nhiệm đối với các khoản nợ tiền thuế, tiền phạt này. 

DNNN đã có quyết định giải thể của cơ quan có thẩm quyền còn nợ tiền thuế, tiền phạt phát sinh mà nguồn tài chính còn lại không đủ để thanh toán nợ thuế theo quy định của pháp luật có liên quan. 

Phát biểu ý kiến về vấn đề này bên lề Quốc hội, Đại biểu Trần Du Lịch bày tỏ quan điểm chưa đồng tình. “Tôi nghĩ rằng cần phải xem xét đơn vị tương đối cá biệt, có hoạt động mang tính chất công ích, phục vụ theo mục tiêu Chính phủ giao… không trả được nợ thì Nhà nước có trách nhiệm trả. Còn đối với anh kinh doanh thì không thể xóa nợ được, trừ phi phá sản”. 

Về khả năng luật quy định sẽ khiến DN chưa cổ phần hóa sẽ “găm” tiền thuế lại đến khi được xóa nợ, đại biểu cho rằng phải giới hạn phạm vi xóa nợ lại, chứ không để tràn lan. Những DN thực hiện nhiệm vụ chính trị mà nhà nước giao thì nhà nước phải có trách nhiệm. Còn về nguyên tắc DNNN hiện nay là công ty trách nhiệm hữu hạn, trừ khoản nợ mà nhà nước bảo lãnh thì khoản nợ khác anh phải tự trả và thực hiện theo thủ tục phá sản. Hiện nay, những quy định như vậy đã có trong tất cả các đề án mà Chính phủ phê duyệt trong từng tổng công ty, doanh nghiệp rồi.

Đại biểu Trần Du Lịch: Giảm thuế với xe công suất thấp, tăng đối với xe công suất cao sẽ không làm ngân sách giảm thu đột ngột

Ta thực hiện các hiệp định thương mại song phương thế hệ mới, gia nhập TPP, nên phương thức sử dụng hàng rào thuế quan thay đổi hoàn toàn. Riêng thuế xuất nhập khẩu thay đổi căn bản, trong đó cần hoàn thiện một số vấn đề liên quan đến chính sách thu thuế trong luật đã quy định, nên cách đặt vấn đề và đề nghị sửa đổi là hợp lý. 

Trong dự thảo lần này có sửa quy định về thuế tiêu thụ đặc biệt với xe ôtô. Đến năm 2018, ôtô nhập từ ASEAN thuế sẽ bằng 0 nên ta phải tính toán lại nên khuyến khích loại nào. Ví dụ, thuế tính theo bậc thang so với công suất, chính sách phải thể hiện được là loại nào phổ biến, xài ít năng lượng và phù hợp với địa hình của Việt Nam, ta đưa thuế thấp. Còn những loại không khuyến khích thì nâng lên để đảm bảo không giảm đột biến về nguồn thu. 

Chính sách thuế phải tính đến 2 mặt: hội nhập nhưng không giảm đột biến về nguồn thu ngân sách thì cách cân đối thuế như vậy là phù hợp. Nhưng với những vấn đề còn ý kiến khác nhau như thuế về xuất khẩu, ngành nào lĩnh vực nào phải cân đối lại. 

Tham khảo qua các ý kiến DN, họ cho rằng cần khuyến khích công nghiệp trong nước phát triển. Xe CKD (lắp ráp trong nước), làm sao khuyến khích nội địa hóa, sản xuất linh phụ kiện. Đó là cần xem cả luật thuế thu nhập doanh nghiệp, cần nhìn đồng bộ nữa. Hiện thuế VAT, xuất nhập khẩu, thuế tiêu thụ đăc biệt là thuế gián thu; còn thuế tiêu thụ doanh nghiệp là thuế trực thu, phải cân đối 2 cái này. Cần nhìn cải cách thuế có lộ trình tổng thể, giảm đi thuế gián thu và tăng thuế trực thu, sẽ gia tăng sự công bằng và ổn định. 

Tôi cho rằng, nhiệm kỳ tới phải tính toán tổng thể hơn về chính sách thuế và lộ trình cơ cấu lại toàn bộ chính sách thuế, phù hợp với hội nhập và khuyến khích trong nước, nuôi dưỡng nguồn thu trong nước. Nhiều DN gửi gắm rằng Quốc hội phải nuôi dưỡng nguồn thu trong nước thì mới có tích lũy và nguồn thu, nói nôm na là muốn uống sữa thì phải nuôi con bò, chứ không thể vừa ăn thịt con bò vừa uống sữa của nó.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân: Hạ phạt lãi chậm nộp thuế sẽ không có tính răn đe

Thuế là nguồn thu quan trọng của NSNN, mà thời gian qua NSNN gặp khó khăn nhất định. Năm 2015, thu từ dầu thô giảm tới 32 ngàn tỷ, nhưng ngành Thuế thời gian qua đã có nỗ lực và góp phần tăng thu ngân sách cả năm tăng thêm 16.000 tỷ, nên giữ được bội chi ngân sách 5%. Nhưng vẫn còn tình trạng trốn thuế, chậm thanh toán thuế, hoặc thủ tục hành chính trong thủ tục thuế vẫn gây khó khăn nhất định cho DN, nên việc chính phủ trình Quốc hội lần này sửa đổi điều khoản liên quan thuế giá trị gia tăng, công tác quản lý thuế… là phù hợp. Tôi cho rằng, một số đề xuất là hợp lý, nhưng hạ phạt lãi nộp chậm thuế xuống 0,03% không có tính răn đe, chỉ nên điều chỉnh thời gian nộp thuế làm sao ngắn và thủ tục thuế cải cách sao cho tiện lợi.

Vũ Hân
.
.
.