Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc:

“Chạy” một khoản tiền lớn thế vào Quốc hội để làm gì?

Thứ Năm, 08/09/2016, 11:28
Bên lề phiên họp của các đại biểu Quốc hội chuyên trách sáng 8-9, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã có trao đổi nhanh với báo chí xung quanh lời khai của bà Châu Thị Thu Nga về việc "chạy" 1,5 triệu USD để vào Quốc hội. 

- Hiện dư luận đang xôn xao thông tin bà Châu Thị Thu Nga khai bỏ ra 1,5 triệu USD để “chạy” làm đại biểu Quốc hội? Ông có suy nghĩ gì về thông tin này?

Tôi chưa nắm được thông tin này. Tôi nghĩ rằng bây giờ bà Nga đang cần khai về khoản tiền bị cáo buộc chiếm đoạt đi đâu rồi. Chẳng lẽ bảo là vào túi hết, nên đành phải nghĩ ra chỗ để sử dụng tiền? Thông tin đó chưa có cơ sở, không có bất cứ một bằng chứng nào về lời khai này. Cơ quan Điều tra đang làm, chưa có thông tin kết luận chính thức. 30 tỷ đồng rất nhiều, rải đi đâu hết? Là người ứng cử tự do thì Ủy ban Mặt trận Tổ Quốc TP Hà Nội giới thiệu để vào, sau 3 vòng hiệp thương, rồi đến cơ quan Thường vụ Quốc hội. Vậy (nếu có) 30 tỷ đi đâu?

- Theo ông, có nên làm rõ thông tin này không, vì nó rõ ràng ảnh hưởng đến uy tín của Quốc hội?

Có quá chứ sao không? Có thông tin thế thì phải kiểm chứng lại ngay. Cơ quan chức năng người ta sẽ làm ngay xem tiền thế, khai thế thì đưa đâu, đưa cho ai, để làm gì? Đây là chuyện tày trời chứ có phải không đâu. Nhưng vấn đề là sử dụng một khoản tiền lớn như thế để vào Quốc hội mà làm gì, mục đích gì? Một số đại biểu được mời làm chuyên trách người ta còn đang ngại, đang muốn tránh, không chịu tham gia ấy chứ. Giờ người ta chủ yếu “chạy” sang cơ quan hành pháp chứ “chạy” vào Quốc hội làm gì? Đây lại chỉ là cá nhân 1 doanh nghiệp.

Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc
- Trong khoá 14 này, ông đã bao giờ nghe thông tin nào về việc “chạy” ai, mất tiền vận động bầu cử thế nào… để được vào danh sách ứng cử chưa, nhất là trong khối doanh nhân?

Chỉ có 1 đại biểu có ý kiến, đó là ông Trần Khắc Tâm ở Sóc Trăng, nhưng xét thấy là không có cơ sở gì cả. Khối DN vừa rồi chỉ có 2 người ứng cử tự do và trúng cử thôi, là ông Dũng Tasco (ông Phạm Quang Dũng) và ông Trí viện Huyết học (ông Nguyễn Anh Trí – Viện trưởng Viện Huyết học và truyền máu Trung ương). Tôi nghĩ có cầu thì mới có cung. Phải xác định vào Quốc hội thì phải thế nào mới làm vậy chứ? Nhưng thực ra vào Quốc hội là ý kiến tập thể chứ có phải 1-2 người đâu. Ví dụ giờ anh muốn bảo vệ quan điểm về thuế để có lợi cho DN, nhưng chỉ có mình anh, hay một nhóm, một số DN thì cũng làm gì được? Còn các đại diện từ cơ quan Chính phủ, bộ ngành, thẩm tra… chứ.

- Nói vậy nghĩa là ông không tin có chuyện chạy tiền như thông tin về lời khai của bà Nga?

Tôi không tin, không tin vào việc lại bỏ một khoản tiền lớn như thế để chạy vào đại biểu Quốc hội. Kể cả vì cái “mác” đi nữa thì luật cũng có chừa ai đâu. “Mác” thì khi vi phạm vẫn bị xử lý mà. Nhiều trường hợp thế rồi, chứ có phải đeo “mác” đó là bất khả xâm phạm đâu.

- Nhưng trên thực tế, không chỉ trong khoá này dư luận mới có thông tin về việc “chạy” ĐBQH có mục đích, nhất là trong giới doanh nhân.

Đây là sự nhầm tưởng, tưởng ngồi vào Quốc hội thì có quyền quyết định thế nọ thế kia. Nhưng không thể thay đổi hay tác động được gì cả. Còn việc “chạy” tiền hay không, tôi không có khả năng kết luận, phải chờ cơ quan chức năng.

- Tuy ông nói không tin, nhưng ông có nghĩ là cử tri cũng có cơ sở để nghi ngờ, để không tin là đã vào được Quốc hội nghĩa là sự lựa chọn là đúng đắn, là hoàn toàn xứng đáng?

Đây cũng là điều trong quá trình hiệp thương, quá trình xem xét tư cách đại biểu có đề cập, đó là về sự trung thực. Vì người này vi phạm nguyên tắc về sự trung thực, nên không được công nhận làm đại biểu Quốc hội. Qua vụ việc này cũng cho chúng ta nhiều bài học về công tác quản lý cán bộ, công tác hiệp thương, thẩm tra cán bộ…

- Liên quan đến ông Trịnh Xuân Thanh, nhiều thông tin cho biết ông này đã chính thức xin ra khỏi Đảng, cũng không đi làm dù hết hạn xin nghỉ, không ai biết ông này đang ở đâu, còn ở trong nước hay đã ra nước ngoài. Ông đánh giá thế nào về việc này?

Tôi chưa nắm được thông tin đó. Còn trường hợp bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường, sát ngày khai mạc kỳ họp đầu tiên rồi mới biết thông tin. Sau khi xong trường hợp ông Thanh rồi, mới nhận được thông tin từ cơ quan chức năng thông báo có việc như thế với bà Hường, nên việc họp không công nhận tư cách đại biểu của bà Hường chỉ cách phiên họp xem xét trường hợp ông Thanh thời gian rất ngắn – 2 ngày. Sự việc rất bất ngờ, nhưng Quốc hội có sự rõ ràng. Có thể ngày hôm nay chưa phát hiện sai phạm, nhưng khi phát hiện sẽ xử lý chứ không phải giấu luôn, cho qua luôn. Nếu có thông tin về việc ứng viên nữ doanh nhân này có việc sai phạm trong vận động bầu cử… thì đã xử lý được sớm hơn.

- Như vậy, có thể nói là nhìn chung trong hoạt động bầu cử, ông không nhận được thông tin về việc chạy tiền?

Cái đó có một tiểu ban riêng phụ trách là Tiểu ban giải quyết khiếu nại tố cáo về nhân sự. Tiểu ban này sẽ giải quyết đơn thư và báo cáo. Qua báo cáo về vấn đề này trước Hội đồng bầu cử quốc gia cũng nói rõ những đơn thư tố cáo đã giải quyết, đã trao đổi với người tố cáo, người ta đã nhất trí và không gửi đơn lên cấp cao hơn. Cũng có 1 vài trường hợp tặng quà cử tri, hứa sẽ làm này làm kia cho nơi mình bầu cử.

- Xin cảm ơn ông!

Vũ Hân (ghi)
.
.
.