Cần cơ chế giám sát để việc cắt giảm điều kiện kinh doanh đi vào thực chất
- Một số Bộ cắt giảm điều kiện kinh doanh này, lại phát sinh nhiều điều kiện kinh doanh khác
- Bộ Công Thương tiếp tục bãi bỏ nhiều điều kiện kinh doanh
- Đề xuất cắt giảm hơn 60% điều kiện kinh doanh cho doanh nghiệp vận tải đường bộ
- Bộ Tư pháp dự kiến cắt bỏ 43 điều kiện kinh doanh
Phóng viên Báo CAND có cuộc trò truyện với ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) về việc làm sao để sự cắt giảm điều kiện kinh doanh (ĐKKD) đi vào thực chất.
Cần cơ chế “gác cổng” trước khi ban hành quy định mới
PV: VCCI vừa có văn bản trả lời góp ý gửi Vụ Thị trường trong nước - Bộ Công Thương về Dự thảo Nghị định về Phát triển và Quản lý ngành phân phối. Trong đó, VCCI đã phát hiện ra những nguy cơ nảy sinh các giấy phép con, một số nội dung có tính chất can thiệp vào quyền tự chủ của DN trong dự thảo này? Ông có thể nói rõ hơn về vấn đề này?
Ông Đậu Anh Tuấn: Văn bản góp ý của VCCI gửi cho Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) về dự thảo chính sách mà Bộ Công Thương gửi lấy ý kiến trong đó chúng tôi lo ngại nguy cơ quy định tạo ra gánh nặng cho doanh nghiệp, can thiệp hành chính chưa phù hợp vào thị trường hay có nguy cơ làm cho chi phí thực thi từ phí từ doanh nghiệp và người tiêu dùng tăng cao.
Sau khi tham vấn nhiều doanh nghiệp, nhiều chuyên gia thì chúng tôi nhận thấy rằng văn bản đó thể hiện tư duy chưa phù hợp, trong văn bản trả lời, chúng tôi thể hiện rõ quan điểm là ban soạn thảo cần sửa đổi để tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh.
Chẳng hạn như là can thiệp hành chính vào hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực phân phối, hay phạm vi điều chỉnh của dự thảo Nghị định hiện tại đang rộng hơn so với đề nghị của Chính phủ, hoặc là một số chính sách không phù hợp nữa như ấn định rất cứng nhắc, hành chính đối với hoạt động kinh doanh chợ, trung tâm thương mại… những ý kiến này của VCCI đã được phản ánh khá rộng rãi qua các phương tiện thông tin đại chúng trong những ngày gần đây.
Ông Đậu Anh Tuấn. |
PV: Trong dự thảo Nghị định dự kiến quy định khống chế đối với các nhà đầu tư nước ngoài khi tham gia hoạt động siêu thị, chợ, Trung tâm thương mại (TTTM) như yêu cầu số lượng gian hàng cho các sản phẩm của doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp Việt Nam. Vì sao VCCI lại cho rằng chưa hợp lý?
Ông Đậu Anh Tuấn: Thực ra chúng tôi hoàn toàn chia sẻ với mong muốn, định hướng của quy định này, nghe qua tưởng rất là tốt, tuy nhiên điều này phản ánh một ứng xử có lẽ cũng cần phải thận trọng hơn của Ban soạn thảo. Bởi lẽ mục tiêu chính sách là một chuyện, dùng văn bản quy định để thực hiện, để đạt được mục tiêu của chính sách ấy lại là một chuyện hoàn toàn khác.
Với quy định cứng nhắc một diện tích nhất định cho nhà đầu tư kinh doanh, giải pháp ấn định hành chính như vậy thì có những câu hỏi đặt ra là liệu Ban soạn thảo đã nghiên cứu, điều tra, khảo sát kỹ lưỡng hay chưa? Xem thực trạng như thế nào? Tại sao hàng hoá Việt Nam chưa vào được các kênh phân phối này? Liệu họ bị rào cản về sự chèn ép hay do những vấn đề về chất lượng, mẫu mã như chúng ta vẫn nói, hàng Việt Nam phải chinh phục được người Việt Nam thì liệu hàng hoá đã đạt được yếu tố đấy chưa? Điều thứ 2 nữa là trong việc tổ chức hoạt động kinh doanh, quyền tổ chức hoạt động kinh doanh của DN thì cũng rất cần phải tôn trọng, không chỉ nhà đầu tư nước ngoài mà kể cả nhà đầu tư trong nước.
Chúng tôi muốn nói đến quyền lợi của những nhà đầu tư hạ tầng kinh doanh chợ, hay TTTM, nếu Nhà nước ấn định một tỷ lệ cứng 30%, 40% diện tích như vậy, những nhà đầu tư Việt Nam không đáp ứng được thì sao? Hiệu quả diện tích bị dư thừa ấy như thế nào? Ai sẽ chịu thiệt hại cho họ nếu người tiêu dùng không mua, không đạt được doanh thu nhất định… Chúng tôi muốn nói rằng mục tiêu chính sách có thể rất tốt, nhưng điều chúng tôi muốn nói là cách thức để thực hiện mục tiêu đấy cần phải thận trọng hơn.
PV: Ông đánh giá thế nào về chất lượng các văn bản Dự thảo pháp luật mà các bộ, ban ngành đã và đang đưa ra lấy ý kiến?
Ông Đậu Anh Tuấn: Đây là một vấn đề lớn liên quan đến chất lượng các văn bản pháp luật hiện tại. Tôi cho rằng, bên cạnh việc cắt bỏ các ĐKKD, những quy định không phù hợp cho hoạt động kinh doanh, tạo gánh nặng cho hoạt động kinh doanh như hiện tại thì cũng cần phải có một cơ chế “gác cổng”, cơ chế chặn những quy định pháp luật nào không phù hợp mà có thể dễ dàng được ban hành trong thời gian tới.
Kinh nghiệm trong 17-18 năm thực hiện Luật Doanh nghiệp có thể thấy rằng việc cắt giảm ĐKKD thường rất khó, rất lâu, và cần quyết tâm chính trị rất cao. Trong khi đó, việc đặt ra các ĐKKD trong thời gian vừa qua có lúc rất dễ dàng. Chính vì vậy mà những thành quả của cải cách lại nhanh chóng bị xoá bỏ bởi một quy trình ban hành văn bản chưa phù hợp, đây là điều cần phải khắc phục trong thời gian tới.
Vẫn còn tình trạng “lách” quy định
PV: Thủ tướng Chính phủ có chỉ thị cắt giảm giấy phép con, ĐKKD, tuy nhiên nhiều Bộ vẫn muốn giữ lại giấy phép con trong khi tiến trình thực hiện việc cắt giảm ĐKKD tại các Bộ, ngành còn rất chậm, nhiều đơn vị không thực hiện. Theo ông, tại sao lại có sự chậm trễ này?
Ông Đậu Anh Tuấn: Mới đây, tại Hội nghị tổng kết Nghị quyết 19 của Chính phủ cho thấy đã có nhiều chuyển biến tốt. Theo thống kê chỉ có 4 Bộ, ngành chưa có hoạt động cắt giảm, chương trình cắt giảm. Thời gian tới Bộ ngành nào không chuyển biến sẽ được nêu trong báo cáo Chính phủ.
Theo tôi, lý do là chưa có sự quan tâm đầy đủ của người đứng đầu Bộ, ngành; chưa có sức ép đủ lớn, vì vậy bên cạnh việc kêu gọi, yêu cầu thì cần phải có hoạt động giám sát, đánh giá thậm chí là xử phạt, kỷ luật những lãnh đạo, Bộ ngành nào có chương trình chậm trễ.
Điểm thứ 2 có thể do các Bộ, ngành này nhận thức rằng lĩnh vực của mình không liên quan, nhưng trên thực tế lại liên quan đến doanh nghiệp. Chính vì những cách hiểu khác nhau như vậy dẫn đến chương trình hành động chưa được đẩy mạnh. Tuy nhiên cũng thẳng thắn nhìn nhận rằng, chưa có giai đoạn nào có những chuyển động mạnh và tương đối đồng đều giữa các Bộ, ngành như hiện nay. Hy vọng, thời gian tới sẽ có hiệu ứng thực chất.
PV: Trong thời gian qua, có thể thấy cắt giảm các thủ tục, thanh tra của Bộ giảm đi nhưng tại các địa phương vấn đề này không hề giảm lại có dấu hiệu tăng lên. Ông có suy nghĩ như thế nào về vấn đề này?
Ông Đậu Anh Tuấn: Chất lượng văn bản pháp luật thực ra có liên quan rất chặt chẽ tới hoạt động hậu kiểm, thanh tra, kiểm tra sau này. Từ kinh nghiệm của chúng tôi, cũng theo nhiều doanh nghiệp phản ánh thì chỉ cần một văn bản quy định pháp luật chung chung thì cũng gây khó cho doanh nghiệp và người dân, bởi cách diễn giải, áp dụng của các công chức thi hành sau này. Nếu họ không có tâm tốt, không quản lý tốt, không giám sát tốt thì sẽ tạo ra những rủi ro rất lớn cho doanh nghiệp và người kinh doanh. Do đó cần nâng cao chất lượng văn bản để làm sao các ĐKKD, các tiêu chuẩn kinh doanh phải hiểu nguyên nghĩa, phải đơn giản, rõ ràng thì quá trình thực thi mới thuận lợi.
Hiện tại, Chính phủ cũng đang có chương trình rất mạnh mẽ để cắt giảm thanh tra, kiểm tra. Tháng 5-2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 20 yêu cầu các hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp chỉ được tối đa 1 lần/năm, trừ những trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
PV: Vậy theo ông, đâu là vấn đề cốt lõi để việc cắt giảm ĐKKD thực sự đi vào cuộc sống.
Ông Đậu Anh Tuấn: Chúng tôi cho rằng, chương trình cắt giảm ĐKKD không nên là một chương trình mang tính trình diễn mà phải đi vào thực chất và phải được thực hiện liên tục. Để thực hiện thành công chương trình này, thì cần gắn với trách nhiệm cá nhân. Bộ ngành nào người đứng đầu thực hiện quyết liệt, tích cực thì việc cắt giảm diễn ra mạnh mẽ. Bên cạnh đó, cần có đánh giá độc lập, giám sát việc thực hiện quá trình cắt giảm này. Tránh tình trạng chạy theo con số, thành tích mà ở đó người dân, doanh nghiệp không được hưởng lợi.
Những cơ quan chủ trì giúp Chính phủ thực hiện thúc đẩy chương trình cắt giảm này cũng nên đánh giá độc lập để thấy người dân và doanh nghiệp đánh giá như thế nào. Liệu những chương trình cắt giảm ĐKKD mà một số Bộ đưa ra rất là to tát như vậy, rất là lớn như vậy thì liệu đã có hiệu ứng, chuyển biến trên thực tiễn hay chưa? Cần lấy hiệu ứng thực tiễn, lấy những tác động thực tiễn làm tiêu chuẩn cuối cùng để đánh giá chương trình này có thực sự thành công hay không hay lĩnh vực nào, Bộ ngành nào đã có những chuyển biến thực chất.
PV: Xin cảm ơn ông!