Trò chuyện Chủ nhật

Bảo vệ, chăm sóc trẻ em là cộng đồng trách nhiệm

Chủ Nhật, 05/06/2016, 08:15
Chuyên mục Trò chuyện Chủ nhật tuần này, PV đã có cuộc trao đổi với ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em (Bộ LĐ- TBXH) xung quanh vấn đề chăm sóc bảo vệ trẻ em trong dịp hè.


Cứ thi thoảng lại có những vụ học sinh bị tai nạn đuối nước, tai nạn giao thông thương tâm khiến cả xã hội lại phải giật mình, thế nhưng sau mỗi vụ việc đau lòng đó, trách nhiệm thuộc về ai thì vẫn chưa được xác định.

Câu chuyện về chăm sóc bảo vệ trẻ em lại nóng hơn bao giờ hết khi các em bắt đầu bước vào một kỳ nghỉ hè. Chăm sóc, quản lý con cái thế nào là vấn đề đang rất được quan tâm đảm bảo được quyền của trẻ, để các em có một kỳ nghỉ hè vui vẻ, phát triển tốt cả thể chất lẫn tinh thần.

Chuyên mục Trò chuyện Chủ nhật tuần này, PV đã có cuộc trao đổi với ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em (Bộ LĐ- TBXH) xung quanh vấn đề này.

Ông Đặng Hoa Nam.

PV: Thưa ông, câu chuyện chăm sóc, bảo vệ trẻ lại được quan tâm hơn bao giờ hết đối với các bậc làm cha làm mẹ khi thời gian qua không ít vụ việc thương tâm liên quan đến trẻ em khiến nhiều người không khỏi giật mình. Để hạn chế những vụ việc đáng tiếc như thế theo ông chúng ta phải có hành động thế nào?

Ông Đặng Hoa Nam: Tôi muốn nhấn mạnh vào vấn đề quy rõ trách nhiệm. Tai nạn thương tích trẻ em có 2 nguyên nhân hàng đầu gây tử vong là đuối nước và tai nạn giao thông. Ở 2 khía cạnh này, trong rất nhiều năm Chính phủ đều có chương trình hành động phòng chống đuối nước trẻ em giao cho Bộ LĐ- TBXH phối hợp với Bộ GTVT, Bộ CA, Đoàn thành niên… và làm quyết liệt. Đặc biệt trong lĩnh vực tuyên truyền về dạy bơi, học bơi, an toàn dưới nước, rồi quản lý con cái.

An toàn giao thông cũng thế, Ủy ban an toàn giao thông Quốc gia cũng có rất nhiều chiến dịch tuyên truyền, rồi phát mũ bảo hiểm cho con… rất nhiều thông điệp được phát ra. Từ đó không thể nói là Chính phủ không làm, thậm chí còn đầu tư rất nhiều tiền mà mục đích đầu tiên là tuyên truyền cho các bậc cha mẹ hiểu, có ý thức để bảo vệ con mình.

Thế nhưng câu chuyện xảy ra là hầu hết các vụ tai nạn đuối nước thì đều là do trẻ em tự ý đi bơi mà không có sự quản lý, theo dõi từ phía các bậc phụ huynh, hầu hết đều rơi vào quãng thời gian các em được nghỉ học. Khi các em nghỉ học thì trách nhiệm đầu tiên là cha mẹ phải giám sát con vì các em lúc đó không còn ở trong trường nữa.

PV: Theo ý ông là trách nhiệm trước hết thuộc về cha mẹ?

Ông Đặng Hoa Nam: Mỗi vụ việc xảy ra truyền thông đều nói đến trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước. Tất nhiên các cơ quan quản lý nhà nước cũng nhận một phần trách nhiệm nhưng không thể bỏ qua trách nhiệm của các bậc cha mẹ được.

Đẻ con ra, trước tiên trách nhiệm của cha mẹ là phải trông con, giám sát con. Hay như trong câu chuyện an toàn giao thông, cách đây một thời gian ngắn, báo chí đã rộ lên câu chuyện ở các thành phố lớn, bố mẹ chở con đi học rất nguy hiểm. Để con đứng đằng trước không đội mũ bảo hiểm, thậm chí là cho con ngồi lên yên trước mà không có bất kỳ biện pháp bảo hiểm nào. Các trường hợp như thế thì chỉ cần 1 va chạm nhẹ là sẽ xảy ra nguy hiểm cho các em. Thế nhưng khi được phỏng vấn, bố mẹ lại biện minh rằng, nhà tôi ở gần, đi trong thành phố đi chậm không có vấn đề gì…

Từ đó phải nói như thế này, đây là nhận thức của cha mẹ. Bởi sống ở những thành phố lớn như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh…, con cái học ở những trường điểm thì không thể nói là cha mẹ không được tiếp cận với các kênh thông tin, không thể nói cha mẹ không có học vấn, không biết đến những nguy hiểm con mình có thể phải đối mặt. Thế nhưng người ta vẫn làm.

PV: Ngay từ đầu ông đã nói là phải truy rõ trách nhiệm, cụ thể ở đây là gì?

Ông Đặng Hoa Nam: Trở lại câu chuyện này, chúng ta đang thiếu những chế tài pháp luật chặt chẽ, chi tiết để xử lý. Trong một vài trường hợp xử lý điểm cũng là một biện pháp giáo dục. Nếu nhà nước không xử lý được những hành vi vô trách nhiệm của các bậc cha mẹ, để nó tiếp tục tái diễn thì cũng là trách nhiệm của nhà nước. Tóm lại theo tôi, sự an toàn toàn của trẻ em là một tổ hợp trách nhiệm của cả các cơ quan quản lý nhà nước lẫn người dân. 

Ví dụ một vụ việc mới xảy ra là 9 em chết đuối ở Quảng Ngãi thì ở địa phương phải làm đến cùng trách nhiệm. Phải làm rõ trách nhiệm của cha mẹ lơ là đến đâu. Cũng có nhiều vụ xảy ra là do sự tắc trách của các cơ quan, các doanh nghiệp xây dựng. Ví dụ có một vài trường hợp, doanh nghiệp khai thác cát xong để hiện trường bung bét đó, rồi doanh nghiệp đầu tư xây dựng tạo ra những cái hố, công trình có nước rồi cũng không có rào chắn, biển cảnh báo, trẻ em rơi xuống đó chết thì phải xử lý đến cùng trách nhiệm của các doanh nghiệp đó. 

Thực tế chúng ta thấy, có một vài trường hợp, doanh nghiệp thấy thương tâm thì xuống hỗ trợ gia đình các em một ít tiền coi như xong trách nhiệm. Thế nhưng những trường hợp đó hoàn toàn có thể xử lý về mặt hành chính. Hơn nữa vô trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng hoàn toàn có thể xử lý hình sự. Nhưng chúng ta thấy, từ trước đến nay có vụ trẻ em nào tử vong, chết đuối do lỗi của của các doanh nghiệp quản lý các công trình xây dựng gây ra bị xử lý chưa? Chưa hề có, và cũng chẳng có địa phương nào xử lý. Từ đó không thể nói là các cơ quan quản lý nhà nước đã làm hết trách nhiệm.

PV: Nhà nước, Chính phủ cứ ban hành chính sách, báo chí cứ tuyên truyền, nhưng trẻ em vẫn cứ chết đuối, mùa hè năm sau lại chết nhiều hơn năm trước, ông có ý kiến gì về việc này?

Ông Đặng Hoa Nam: Quan điểm của tôi là phải truy trách nhiệm đến cùng, pháp luật phải xử lý đến cùng mới được. Còn về làm luật bây giờ phải làm chi tiết. Luật của chúng ta hiện nay vẫn còn nhiều luật ống, luật khung chờ nghị định, chờ thông tư hướng dẫn. Và nghị định, thông tư cũng phải rất cụ thể, có thể áp dụng những chế tài, biện pháp có thể xử lý được. Hình sự, hành chính, đến cả như vấn đề xin lỗi cũng phải rất cụ thể. Pháp luật phải làm đến cùng những vụ việc, nhất là những vụ việc liên quan đến sinh mạng trẻ em. Không chỉ là pháp luật cụ thể mà phải áp dụng đến mức tối đa.

Ví dụ trở lại câu chuyện đuối nước. Hoàn toàn có thể xử lý được. Xử lý đến cùng cũng là một biện pháp để giáo dục răn đe. Mình không thực thi pháp luật trong cuộc sống sẽ lãng phí rất nhiều nguồn lực. Anh cứ lấy tiền nhà nước ra tuyên truyền ra rả suốt ngày đi, nhưng người ta không thực hiện. Mình giáo dục đúng rồi nhưng khi giáo dục không hiệu quả thì phải chuyển sang dùng cây gậy pháp luật. Có thể mình không xử lý được hết nhưng phải xử lý một vài vụ điểm.

PV: Theo ông tại sao chúng ta vẫn chưa xử được vụ việc nào?

Ông Đặng Hoa Nam: Cái khó nhất trong lĩnh vực này bây giờ là áp dụng chế tài đối với chính cha mẹ. Các quy định trong xử lý vi phạm hành chính trong bảo vệ, chăm sóc trẻ em có ban hành nhưng từ ngày ban hành đến giờ không xử lý được vụ nào. Thứ nhất là những người có quyền xử lý thì không quan tâm, thứ hai, đối khi những vụ việc như thế mà xử lý được thậm chí còn phức tạp hơn cả những vụ hình sự. Chúng ta có nhiều quy định, tuy nhiên trong cuộc sống có những quy định chúng ta không quy định kịp như hành vi xao nhãng con. 

Luật trẻ em mới có đưa ra quy định đó, nhưng luật bây giờ cần quy định cụ thể hơn. Những hành vi cụ thể của cha mẹ nhưng vô trách nhiệm, bỏ rơi, bỏ mặc, xao nhãng con… Những các cơ quan có trách nhiệm xử lý cũng phải quan tâm xử lý đến cùng, chứ chính những cơ quan thực thi này cũng không xử lý thì chẳng giải quyết gì.

PV: Cơ quan nào sẽ chịu trách nhiệm xử lý những vụ việc như thế này, thưa ông?

Ông Đặng Hoa Nam: Tôi nhấn mạnh rằng, những vụ việc vi phạm quyền trẻ em từ trước đến nay chỉ khi nào chạm hình sự mới bị xử lý. Còn hầu hết những hành vi vi phạm về mặt hành chính đều không bị xử lý. Ví dụ mang con ra đường mà bỏ rơi, bỏ mặc thì không bị xử lý, bạo lực rõ ràng là có đánh con nhưng chưa chạm hình sự cũng không bị xử lý. Có chế tài nhưng không ai xử lý cả. Xử lý vi phạm hành chính đều đã được quy định cụ thể, ví dụ Chủ tịch UBND huyện được xử lý cấp nào, Chủ tịch UBND xã, phường xử lý cấp nào… đều có quy định cụ thể, vấn đề nằm ở chỗ không ai làm. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là những người có thẩm quyền xử lý hoặc là họ bận quá nhiều việc, hoặc họ thấy việc này không quan trọng.

PV: Ông có cho rằng kỹ năng sống của các em hiện rất yếu. Giáo dục phải thay đổi?

Ông Đặng Hoa Nam: Từ lâu người ta đã nói rất nhiều về việc dạy kỹ năng sống cho trẻ em ở trong trường học. Thế nhưng cải cách giáo dục của mình không đáp ứng được việc đó mà trong trường học vẫn là dạy những kiến thức khô cứng, kinh viện. Dạy những thứ mà không áp dụng được ngay ngoài đời, thậm chí trưởng thành cũng không áp dụng.

Cái mà mình dạy cho trẻ phải liên quan đến nguyên tắc của trẻ, mình làm gì cho trẻ em phải lấy trẻ em làm trung tâm, trẻ em cũng là một công dân, một con người mình phải có sự tôn trọng. Khuyến khích các trường học phải rất chú trọng đến chương trình mềm. Có nghĩa là một chương trình mở bên cạnh chương trình chính theo quy định. Tùy theo địa phương, vùng nào, miền nào cần cái gì thì dạy cho trẻ em thứ đó. Vùng sông nước dứt khoát phải dạy các em về bơi lội, một trường học ở khu vực đô thị thì phải dạy cho trẻ nắm rõ các kiến thức về an toàn giao thông, phải có các kỹ năng đó.

PV: Theo ông nên phải bắt buộc có bộ môn dạy kỹ năng sống?

Ông Đặng Hoa Nam: Đúng là như thế. Bởi từ trước đến nay, ngành giáo dục nói rằng tích hợp cái dạy kỹ năng sống vào nhiều môn học khác nhau, nhưng nó vẫn chưa thể hiện rõ. Cái quan trọng là dạy kỹ năng sống cho trẻ em phải có từng chủ đề để giải quyết các vấn đề của trẻ em trong xã hội. Ví dụ, đuối nước thì phải dạy bơi trong trường học. Dạy kỹ năng sống là dạy cho các em các phản xạ trong cuộc sống hàng ngày đối với các vấn đề mà các em có thể phải đối mặt.

Tuy nhiên cũng không thể đổ hết trách nhiệm cho ngành giáo dục mà các tổ chức khác trong xã hội như đoàn thanh niên cũng phải có trách nhiệm. Trong đoàn thanh niên thì có cán bộ đoàn, cán bộ đội cũng hưởng lương từ ngân sách thì ngoài việc anh thực hiện nhiệm vụ chính trị anh phải có những đóng góp thiết thực cho những đối tượng mà anh phụ trách. Nó là cộng đồng trách nhiệm, mỗi cơ quan làm tốt hơn trách nhiệm của mình thì tự nhiên sẽ giải quyết được vấn đề chung.

Hiện chúng ta vẫn đang có sự đùn đẩy trách nhiệm. Ngành giáo dục thì kêu cha mẹ giờ khoán trắng hết cho nhà trường, xã hội, thử hỏi ai dám nói là mình đã làm hết trách nhiệm đối với trẻ em

PV: Theo ông, chúng ta đã làm tốt công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em chưa? Và trẻ em đã được hưởng đầy đủ quyền của mình?

Ông Đặng Hoa Nam: Quyền trẻ em thông thường được chia làm 4 nhóm: Nhóm thứ nhất là quyền được chăm sóc thì những năm qua chúng ta đã làm rất tốt như về phòng chống suy dinh dưỡng, tiêm chủng, khám chữa bệnh, chính sách bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi. Đây là những thành tựu mà chúng ta đã đạt được. Nhóm quyền thứ 2 là nhóm quyền pháp triển như là giáo dục, văn hóa, vui chơi giải trí chúng ta cũng đã đạt được một số kết quả nhưng vẫn còn một số tồn tại là giáo dục mới chỉ làm sao cho trẻ đảm bảo được quyền được đi học nhưng bây giờ yêu cầu lại khác là chất lượng giáo dục.

Mình nói đến kỹ năng sống của trẻ em chính là hiệu quả giáo dục. Văn hóa vui chơi giải trí thì thực sự là một vấn đề mà quan trọng nhất ở đây là thiếu sân chơi cho trẻ. Đây là vấn đề mà chúng ta còn yếu, nếu không nói là chúng ta gần như bỏ qua nó. Nhóm quyền thứ 3 nữa là bảo vệ trẻ em, hiện nay trẻ em phải đối mặt với những nguy cơ bị xâm hại tăng lên.

Trong 5 năm trở lại đây, nhóm quyền này của trẻ được làm tốt hơn. Nhóm quyền cuối cùng là quyền được tiếng nói của trẻ thì chúng ta cũng đã đạt được nhiều tiến bộ như quyền được nói tiếng nói của trẻ cũng đã được quy định trong hiến pháp. Tuy nhiên vấn đề này cũng còn là thời gian dài để trẻ có thể tự tin đóng góp tiếng nói vào xã hội.

Tóm lại 4 nhóm quyền của trẻ thời gian qua chúng ta đã có nhiều tiến bộ, nhưng vẫn còn khoảng trống và còn nhiều thách thức. Đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai, đây cũng là kênh đầu tư hiệu quả nhất. Trẻ em không chỉ là tương lại mà còn là hiện tại. Trẻ em chiếm 30% tổng dân số của chúng ta, nếu đầu tư tốt thì đất nước sẽ càng thanh bình. Đầu tư cho trẻ em lợi đơn lợi kép, chúng ta phát huy sớm được tiềm năng con người, bên cạnh đó là chuẩn bị tốt nguồn nhân lực trong tương lai, ổn định được xã hội. Đây là bài học của các quốc gia phát triển đó là đầu tư cho giáo dục và đầu tư cho trẻ em.

Phan Hoạt
.
.
.