Báo động tai nạn, đuối nước ở trẻ - người lớn cũng phải học

Thứ Ba, 24/06/2014, 19:00
Câu chuyện về một em nhỏ 7 tuổi bị ngã từ cửa sổ tầng 4 Khu đô thị Văn Khê (Hà Đông, Hà Nội) sáng 18/6 thực sự làm nhiều người xót xa.

Vài năm trở lại đây đã có cả chục cái chết thương tâm tương tự. Rất nhiều bài báo, chương trình phát thanh, truyền hình tuyên truyền về vấn đề này nhưng tai nạn vẫn xảy ra. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tai nạn tử vong của trẻ từ các chung cư cao tầng, đó chính là do chủ đầu tư đã không đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn theo quy định.

Theo Quy chuẩn xây dựng Việt Nam số 05: 2008/BXD “Nhà ở và công trình công cộng - an toàn sinh mạng và sức khoẻ” do Bộ Xây dựng ban hành thì đối với nhà ở, cơ quan, trường học, công sở và các công trình công cộng vị trí lô gia và sân thượng ở các vị trí cao từ 9 tầng trở lên lan can phải có chiều cao tối thiểu là 1,4m. Tuy nhiên, trong một khảo sát do Bộ Xây dựng thực hiện năm 2010 trên 30 công trình đang sử dụng như nhà chung cư, trường học, trường mẫu giáo, bệnh viện, nhà văn hoá, nhà thi đấu, khu vui chơi, giải trí... tại 6 tỉnh, thành phố và qua báo cáo của 82 đơn vị thuộc các sở, ngành trong cả nước, vẫn còn tình trạng một số công trình chưa áp dụng đầy đủ các quy định.

Câu chuyện về đảm bảo an toàn cho những em nhỏ sống trong các chung cư cao tầng một lần nữa lại trở nên hết sức cấp bách. Tuy nhiên, bên cạnh những vụ trẻ tử vong do rơi ngã từ lô gia, ban công có nguyên nhân từ sự thiết kế thiếu an toàn của chủ đầu tư thì nhiều vụ lại xuất phát từ sự thiếu ý thức, sự bất cẩn của người lớn. Nhiều vụ tai nạn đau lòng xảy ra do người lớn khoá cửa phòng đi ra ngoài bỏ trẻ ở nhà một mình, không chốt chặn, gia cố và cửa sổ phòng ngủ dẫn đến tai nạn.

Câu chuyện về trẻ tử vong do ngã từ nhà cao tầng chưa khiến dư luận hết bàng hoàng thì chiều 19/6, sau khi được nghỉ hè, 5 học sinh cấp 1 trú tại xã Vân Côn, huyện Hoài Đức, Hà Nội đã rủ nhau ra sông Đáy gần nhà để tắm. Do bị trượt vào chỗ nước sâu, 3 em đã tử vong.

Trước đó ngày 17/6, tại TP Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai đã xảy ra vụ việc khiến dư luận hết sức thương tâm và bức xúc, đó là do thiếu hiểu biết, người trông trẻ và một số người tại đây đã cho hai đứa trẻ đuối nước vào lu để hơ trên lửa khiến cả hai bé một 3 tuổi, một 18 tháng tuổi bỏng nặng phải nhập viện. Hậu quả khiến một cháu tử vong, bé còn lại đang trong cơn nguy kịch… Đuối nước ở trẻ là một vấn đề đáng báo động. Chính vì vậy đã có nhiều chương trình về phòng chống đuối nước ở trẻ em...

Mặc dù chúng ta đã có nhiều chương trình, nhiều biện pháp để ngăn ngừa, phòng chống tai nạn thương tích cũng như đuối nước ở trẻ và những vấn đề khác. Tuy nhiên rõ ràng là không có quy định, sách vở và những biện pháp phòng tránh nào hữu hiệu và đảm bảo an toàn một cách tuyệt đối nếu như tự thân mỗi cá nhân chúng ta lơ là, thiếu trách nhiệm, phó mặc sự an toàn cho chính bản thân mình và con trẻ

Thanh Hải
.
.
.