Bảo đảm an ninh kinh tế trong điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế

Thứ Hai, 02/12/2019, 08:29
Trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN, đặc biệt trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập kinh tế quốc tế, công tác bảo đảm an ninh kinh tế luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm, lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt và có sự tham gia của cả hệ thống chính trị.

Những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, công tác bảo đảm an ninh kinh tế đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần bảo vệ độc lập, tự chủ và ổn định của nền kinh tế đất nước; bảo vệ vững chắc an ninh quốc gia, gìn giữ môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước; phục vụ thắng lợi sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Bên cạnh thời cơ, thuận lợi, đất nước ta tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh nói chung, an ninh kinh tế nói riêng. Đặc biệt là: Chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế nước ta còn thấp, áp lực cạnh tranh ngày càng lớn trên thị trường nội địa và quốc tế; kinh tế vĩ mô ổn định nhưng chưa vững chắc, nợ công tăng, áp lực trả nợ lớn; việc cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, xử lý nợ xấu gặp nhiều khó khăn, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng; đổi mới, sắp xếp lại, cổ phần hoá và quản trị doanh nghiệp nhà nước còn nhiều hạn chế, yếu kém, bất cập; tình trạng tham nhũng, lãng phí diễn biến phức tạp, song chưa được ngăn chặn, đẩy lùi; vẫn còn xảy ra tình trạng lộ, lọt bí mật nhà nước về kinh tế.

Các vụ án lớn về kinh tế, tham nhũng những năm gần đây đáng lo ngại, điển hình như các vụ: Vụ án Đinh La Thăng và đồng phạm phạm tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “Tham ô tài sản” xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam; vụ án Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm phạm tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “Tham ô tài sản” xảy ra tại Tổng Công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam - PVC và Công ty cổ phần Bất động sản Điện lực dầu khí Việt Nam; vụ án Hà Văn Thắm và đồng phạm phạm tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”, “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” và “Tham ô tài sản” xảy ra tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Đại dương - Ocean Bank..., thiệt hại cho Nhà nước lên đến hàng nghìn tỷ đồng, liên quan đến nhiều cán bộ cơ quan Nhà nước, trong đó có cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý.

Để làm tốt công tác bảo đảm an ninh kinh tế, phát huy kết quả đã đạt được, khắc phục những khuyết điểm, hạn chế, vượt qua khó khăn, thách thức, góp phần bảo vệ vững chắc an ninh quốc gia, thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, Bộ Công an đã tổng kết và tham mưu Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 12-CT/TW, ngày 5-1-2017 về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh kinh tế trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập kinh tế quốc tế” (sau đây gọi tắt là Chỉ thị số 12). Đây là Chỉ thị đầu tiên của Bộ Chính trị về công tác bảo đảm an ninh kinh tế.

Ngay sau khi ban hành Chỉ thị số 12, Bộ Công an đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị quyết số 88/NQ-CP ngày 13-9-2017 kèm theo Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Chỉ thị số 12; xây dựng Kế hoạch của Bộ Công an thực hiện Nghị quyết số 88/NQ-CP của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Chỉ thị số 12 của Bộ Chính trị.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị sơ kết công tác bảo đảm an ninh kinh tế giai đoạn 2009 - 2016 và triển khai Chỉ thị số 12, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao và nhiệt liệt biểu dương những thành tích mà lực lượng CAND đã đạt được trên các mặt công tác bảo đảm an ninh, trật tự nói chung, công tác bảo vệ an ninh kinh tế nói riêng trong thời gian qua.

Chỉ đạo một số nhiệm vụ công tác trọng tâm bảo đảm an ninh kinh tế thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh trách nhiệm của Đảng ủy Công an Trung ương là hết sức nặng nề trong việc tham mưu cho Đảng, Chính phủ triển khai Chỉ thị số 12; cần tạo sự chuyển biến rõ nét trong nhận thức của các cấp, các ngành về vị trí, ý nghĩa, tầm quan trọng và yêu cầu cấp bách của công tác bảo đảm an ninh kinh tế trong tình hình hiện nay. 

Xác định rõ bảo đảm an ninh kinh tế là trách nhiệm của các cấp, các ngành, của cả hệ thống chính trị, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của Chính phủ, trong đó, lực lượng Công an giữ vai trò nòng cốt; bảo đảm an ninh kinh tế phải gắn liền với đảm bảo an ninh chính trị nội bộ, bảo vệ cán bộ, bảo vệ đảng viên, phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Vì vậy, các cấp, các ngành, cùng với lực lượng Công an phải tập trung quán triệt triển khai, cụ thể hóa các chủ trương, quan điểm chỉ đạo, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN, về công tác bảo đảm an ninh kinh tế, nhất là Chỉ thị số 12 của Bộ Chính trị thành chương trình, kế hoạch và trách nhiệm của từng cấp, ngành để thực hiện có hiệu quả. 

Quy định rõ trách nhiệm của Thủ trưởng các bộ, ngành, địa phương trong công tác bảo đảm an ninh kinh tế; những chương trình, đề án, dự án hợp tác quốc tế, đầu tư nước ngoài vào địa bàn chiến lược về quốc phòng, an ninh chỉ được phê duyệt khi có ý kiến đồng thuận của Bộ Quốc phòng và Bộ Công an.

Đồng chí Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định, lực lượng CAND nhận thức sâu sắc rằng, bảo đảm an ninh kinh tế là điều kiện “tiên quyết” góp phần tạo tiền đề, môi trường thuận lợi, an ninh, an toàn cho khởi nghiệp, phát triển nhanh, bền vững của nền kinh tế, bảo đảm kinh tế vĩ mô, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước; đồng thời ý thức sâu sắc, đầy đủ về trách nhiệm của lực lượng CAND trước đòi hỏi của tình hình và yêu cầu, nhiệm vụ rất nặng nề đang đặt ra.

Tại Chỉ thị số 12, Đảng ủy Công an Trung ương được Bộ Chính trị giao chủ trì, phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương và các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc Trung ương theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, định kỳ sơ kết, tổng kết việc thực hiện Chỉ thị số 12, kịp thời báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Thực hiện phân công, chỉ đạo của Bộ Chính trị, ngày 15-1-2019 Đảng ủy Công an Trung ương đã ban hành Kế hoạch số 110-KH/ĐUCA về sơ kết 2 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 12; ngày 13-3-2019 ban hành Kế hoạch số 113-KH/ĐUCA về kiểm tra công tác triển khai thực hiện Chỉ thị số 12. Việc sơ kết và kiểm tra thực hiện Chỉ thị số 12 tại một số cấp ủy, tổ chức cơ sở đảng đã góp phần tạo sự chuyển biến tích cực trong lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng đối với công tác bảo đảm an ninh kinh tế; đánh giá đúng thực trạng tình hình, kết quả quán triệt, triển khai thực hiện Chỉ thị số 12.

Qua kiểm tra, một số cấp ủy, tổ chức đảng đã nghiêm túc triển khai thực hiện Chỉ thị số 12; phổ biến, quán triệt đến cán bộ, đảng viên; hằng năm đã lồng ghép việc thực hiện Chỉ thị số 12 vào các chỉ thị, nghị quyết của các cấp ủy, tổ chức cơ sở đảng để tổ chức thực hiện.

Được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, sát sao của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo Bộ Công an, sự phối hợp chặt chẽ của các ban, bộ, ngành, địa phương; sự ủng hộ, giúp đỡ của nhân dân, lực lượng An ninh kinh tế đã nắm chắc, phân tích, đánh giá, dự báo sát, đúng tình hình, chủ động tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước nhiều chủ trương, giải pháp cơ bản, có tính chiến lược về bảo đảm an ninh kinh tế, hoạch định chính sách và bảo vệ chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; xử lý kịp thời, có hiệu quả những vấn đề phức tạp nảy sinh trong lĩnh vực hợp tác quốc tế, các hoạt động chuyển giá, trốn thuế, đình công, lãn công... 

Phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn kịp thời âm mưu, hoạt động chống phá, “dùng kinh tế để chuyển hóa chính trị” của các thế lực thù địch, phản động và các loại tội phạm trên lĩnh vực kinh tế; ngăn chặn và đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; phòng chống tham nhũng, lãng phí; phòng ngừa, ngăn chặn có hiệu quả các nguy cơ đe dọa an ninh truyền thống, phi truyền thống, phục vụ thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Nguyễn Bá Duy
.
.
.