Nhớ nhà văn Nam Cao

Thứ Năm, 08/02/2024, 10:36

“Con cháu chúng tôi sẽ thả những bè hoa súng nơi hồ nước trong khu tưởng niệm, để quanh năm hoa nở bên cha, mong cha yên nghỉ nơi miền quê mà ông luôn nặng lòng, gắn bó”, bà Trần Thị Kim Khuyên - con dâu thứ của nhà văn Nam Cao khẽ khàng nói.

Những ngày cuối năm lạnh se sắt ở miền quê Hoà Hậu, Lý Nhân, Hà Nam, về thăm Khu tưởng niệm nhà văn, liệt sĩ Nam Cao, chúng tôi lặng ngắm khuôn viên to rộng, khang trang, lặng nghe những câu chuyện xúc động về nhà văn trong niềm thành kính...

Chuyện kể của người con dâu nhà văn

Chiếc cầu đá cong cong dẫn lối từ đường lớn vào khu tưởng niệm, đi qua những cột đá uy nghiêm là tới khoảng sân rộng. Lăng mộ của nhà văn nằm bên trái, bên phải là nhà tưởng niệm. Sau nhà là vườn cây ăn trái. Trước nhà là hồ nước uốn quanh, hàng dừa tỏa bóng. Khung cảnh thoáng đẹp và bình yên.

Ngày 28/10/2023 vừa qua, Uỷ ban nhân dân huyện Lý Nhân đã tổ chức Lễ đón nhận Bằng xếp hạng di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp cho mộ và khu lưu niệm nhà văn, liệt sĩ Nam Cao. Đó là một sự kiện trọng đại của tỉnh Hà Nam, thỏa niềm mong mỏi của người thân, người dân quê hương Nam Cao suốt bao nhiêu năm qua.

2.jpg -0
Ông Trần Hữu Vịnh giới thiệu về gia đình nhà văn Nam Cao cho khách tham quan Khu tưởng niệm.

Bà Trần Thị Kim Khuyên kể về gia đình: “Nhà văn Nam Cao có năm người con, hai gái, ba trai. Chị Trần Thị Hồng sinh năm 1938 là con cả. Người em gái là Trần Thị Bình Yên sinh năm 1944, qua đời khi chưa đầy hai tuổi. Ba người con trai là anh Trần Mai Thiên sinh năm 1941, chồng tôi là Trần Hữu Thành sinh năm 1947 và chú út Trần Hữu Thực sinh năm 1950. Hiện tại, các con của nhà văn không ai sinh sống ở quê hương Hòa Hậu. Chị cả Hồng sau thời gian sống ở thành phố Nam Định nay đã chuyển lên Hà Nội. Anh Trần Mai Thiên định cư ở nước ngoài. Gia đình tôi và chú Trần Hữu Thực đều ở thành phố Nam Định. Chồng tôi đã mất cách đây ba năm. Hiện tôi là người lo hương khói tổ tiên, thờ cúng bố mẹ chồng tôi”.

Là giáo viên đã nghỉ hưu, năm nay đã gần 80 tuổi, bà Khuyên vẫn khoẻ mạnh, minh mẫn. Những kí ức gia đình nhà văn từ khi về làm dâu bà vẫn nhớ như in. Từ thành phố Nam Định, bà vẫn thường xuyên đi về Khu tưởng niệm nhà văn Nam Cao để chăm sóc mộ phần của nhà văn.

Bà Khuyên hồi tưởng về ngày xa xưa, bà sinh ra và lớn lên ở làng Đại Hoàng, tổng Cao Đà, huyện Nam Sang, phủ Lý Nhân (nay là xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam), cùng làng với gia đình nhà văn. “Thuở nhỏ, tôi hay chơi cùng hai con của nhà văn Nam Cao là Trần Hữu Thành và Trần Hữu Thực. Từ lúc bé tôi đã nghe tiếng mẹ chồng tôi là Trần Thị Sen đẹp người đẹp nết nổi tiếng ở làng. Mẹ tôi sinh năm 1917, kém nhà văn Nam Cao hai tuổi. Sau này, từ tình bạn thanh mai trúc mã, tôi và anh Thành nên duyên, tôi may mắn được làm con dâu cụ Sen, được cụ yêu quý, tin tưởng”, bà Khuyên nhớ lại.

Theo bà Khuyên, mẹ Trần Thị Sen là người góc nét, kĩ càng, tần tảo làm lụng. Sau khi nhà văn hy sinh, mẹ từ nơi tản cư bồng bế bốn người con trở về quê đang là vùng địch chiếm đóng. Những năm tháng chiến tranh tần tảo nuôi đàn con nhỏ dại, mẹ Sen vẫn canh cánh nỗi lòng khi chưa tìm được mộ nhà văn Nam Cao để đưa về quê hương. Đến khi con cái lớn khôn thì mẹ Sen đã tuổi cao sức yếu. Từ những năm 1970, cụ chuyển về sống với con gái Trần Thị Hồng ở thành phố Nam Định. Người dân Thành Nam đều khen cụ Sen đẹp lão, tóc trắng như cước, răng đen hạt na, da dẻ hồng hào.

Bà Khuyên nhớ lúc sinh thời, cụ bà Sen hay kể về nhà văn Nam Cao cho con cháu nghe. Nhà văn là người ít nói, kín đáo, luôn hết lòng hết sức với mọi nhiệm vụ được giao, từ viết văn, làm báo, đến làm Chủ tịch xã, dạy bình dân học vụ, làm công tác thuế... Sau khi nhà văn mất, cụ bà vẫn giữ gìn những kỉ vật của chồng. Đó là chiếc giường và tủ gỗ nhỏ đơn sơ đựng tài liệu. Đến nay những kỉ vật đó được lưu giữ tại nhà tưởng niệm. Năm 2002 thì cụ bà mất, thọ 85 tuổi. “Mẹ chồng tôi rất ưa màu hồng phấn. Tôi nhớ áo rét của mẹ tôi cũng có màu hồng. Đến tận bây giờ, mỗi khi viếng mộ mẹ, tôi vẫn kính dâng lên mẹ bó hoa hồng có màu mẹ ưa thích”, bà Khuyên kể.

Theo lời bà Khuyên thì con trai Trần Hữu Thành của nhà văn Nam Cao cũng thừa hưởng chút ít tâm hồn văn chương giống cha. Ông Thành khi còn sống là người giàu cảm xúc và hay làm thơ. Cho đến nay, bà Khuyên còn lưu giữ nhiều bài thơ của chồng viết về vợ con, lời thơ dung dị, chân thật. “Trong số ba người con trai, chồng tôi được nhận xét là người có ngoại hình giống cha tôi nhất. Và có lẽ tính cách nhà tôi cũng thừa hưởng nhiều nét từ cha tôi. Đó là đức tính hiền hậu, thật thà chất phác, yêu thương vợ con và có trách nhiệm với công việc và gia đình”.

Vì cùng làng nên bà Khuyên quen biết ông Trần Mai Thiên - con trai cả của nhà văn Nam Cao từ thuở nhỏ. Bà kể: “Anh Thiên là người có chí học hành, say mê nghiên cứu khoa học, từng là Viện trưởng Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1. Anh nổi tiếng với công trình nghiên cứu cá chép từ năm 1965, khi là sinh viên Trường Đại học Tổng hợp Leningrad của Liên Xô trước đây. Nếu như nhà văn Nam Cao được Nhà nước trao Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật thì Tiến sĩ Trần Mai Thiên được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học công nghệ. Nay anh tôi đã nghỉ hưu và đang định cư ở nước ngoài. Mỗi dịp về Việt Nam ông đều về thăm quê và viếng mộ cha”.

Hướng dẫn viên đặc biệt

Trên khoảng sân rộng vang lên nhịp chổi đều đều của ông lão Trần Hữu Vịnh - người trông coi khu tưởng niệm nhà văn, liệt sĩ Nam Cao. Thời trước, bố mẹ ông Vịnh rất gần gũi với gia đình nhà văn Nam Cao. Từ khi nhà tưởng niệm được xây dựng, ông Vịnh vì kính trọng và ngưỡng mộ tài năng văn chương của nhà văn Nam Cao nên tự nguyện trông coi.

Gần 20 năm qua, chưa một ngày nào ông sao nhãng phần việc mà ông tự coi là trách nhiệm, bổn phận của mình. Người làng bảo ông lão Vịnh nghiêm lắm, luôn giữ gìn khu tưởng niệm sạch đẹp, không ai dám vi phạm nội quy. Còn du khách đã từng đến đây đều ngạc nhiên, thích thú vì không ai nghĩ ông lão đã hơn 70 tuổi, dáng vẻ gầy gò, chân quê lại kiêm luôn cả việc thuyết minh giới thiệu về khu lưu niệm có duyên đến vậy.

3.jpg -1
Toàn cảnh khu tưởng niệm nhà văn, liệt sĩ Nam Cao tại Hà Nam.

Gần 20 năm qua, ông Vịnh luôn dành thời gian đọc tác phẩm của nhà văn, tìm hiểu về cuộc đời nhà văn, cập nhật đầy đủ những sự kiện liên quan đến nhà văn. “Giờ tất cả đều ở trong đầu tôi, từng mảng, từng giai đoạn cuộc đời nhà văn đều hiện lên một cách rành mạch để có thể nói lại cho du khách”, ông Vịnh chia sẻ. Hỏi đến phần nào về thân thế và sự nghiệp nhà văn Nam Cao ông Vịnh cũng có thể kể thành những câu chuyện đầy cuốn hút.

“Ngày 30/11/1951, khi đang trên đường đi công tác tuyên truyền thuế nông nghiệp tại cánh đồng Mưỡu Giáp thuộc xã Gia Trấn, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình, nhà văn Nam Cao cùng tốp cán bộ hy sinh do bị địch phục kích. Khi ấy nhà văn mới 36 tuổi. Gần nửa thế kỉ sau, sau bao tháng ngày các con cháu của nhà văn Nam Cao lận đận tìm mộ ông, ngày 18/1/1998, chương trình "Tìm lại Nam Cao" với sự tham gia của nhiều cơ quan, đoàn thể đã đưa hài cốt nhà văn từ Ninh Bình về, yên nghỉ tại khuôn viên khu lưu niệm”, dẫn chúng tôi ra thắp hương cho nhà văn, ông Vịnh kể lại, giọng bùi ngùi xúc động.

Ông nói về di ảnh của nhà văn, giới thiệu về hình tượng trang sách mở khắc lời tuyên ngôn nghệ thuật trích trong 2 tác phẩm "Đời thừa" và "Nhật ký ở rừng". Rồi ông đọc lại trôi chảy, nhấn nhá những tuyên ngôn nghệ thuật trên trang sách ấy. Qua lời ông, một thế giới nhân vật trong các tác phẩm của Nam Cao như hiện lên sinh động với Chí Phèo, Thị Nở, Bá Kiến, Lão Hạc,… Theo ông Vịnh, khu tưởng niệm hiện nay nằm chính trên đất của nhà hai cụ Trùm San và Trùm Luông - hai nguyên mẫu là người thực của làng Đại Hoàng xưa. Nhà văn Nam Cao đã dựa vào hai nguyên mẫu này để xây dựng nên nhân vật Lão Hạc trong tác phẩm cùng tên.

Năm 2001, công trình Nhà tưởng niệm nhà văn được khởi công trên khu đất rộng hơn 5.000m2, đến năm 2004 thì hoàn thành đúng dịp kỷ niệm 53 năm ngày nhà văn hy sinh. Năm 2011, nhân kỷ niệm 60 năm ngày mất nhà văn, các tài liệu, hiện vật gắn liền với tên tuổi và sự nghiệp của nhà văn được sắp đặt lại trong không gian nhà tưởng niệm theo 4 mảng gồm: Quê hương và gia đình; Cuộc đời và sự nghiệp; Tìm lại Nam Cao và Những hoạt động tưởng niệm, tôn vinh nhà văn. Đến hôm nay, Khu tưởng niệm đã trở thành di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia, là nơi ghi lại dấu ấn đặc biệt của nhà văn Nam Cao - một phong cách văn chương độc đáo, một cuộc đời hoạt động cách mạng sôi nổi, đã có những đóng góp to lớn cho văn học, văn hóa, báo chí hiện đại Việt Nam.

Huyền Châm

.
.