Nhà văn Tô Hoài từng là nguyên mẫu của nhà văn Nam Cao

Thứ Sáu, 07/07/2006, 10:00

“Ngày xưa, tôi từng là nguyên mẫu của nhân vật Sen trong truyện ngắn "Cái mặt không chơi được" của nhà văn Nam Cao. Trong truyện tôi đã nói với nhân vật Tri (nhân vật hóa thân của Nam Cao) một câu thế này: "Này, Tri ạ, cái mặt anh trông thế nào ấy. Quả thật là không chơi được!". Rõ ràng, dưới mắt Nam Cao, tôi cũng được, là người thẳng thắn đấy chứ”, nhà văn Tô Hoài nói.

87 tuổi, vẫn điệu cười hóm hỉnh, đôi mắt vẫn hấp háy, cười tít, giọng rành rọt, minh mẫn, nhà văn Tô Hoài tiếp chúng tôi tại khu tập thể Nghĩa Tân, gần với làng Nghĩa Đô xưa quê gốc của ông. Được tiếng là người rất giỏi "thoát hiểm" để giữ trí tuệ, tâm hồn mà viết nên hơn 200 cuốn sách mỏng dày trong nghiệp cầm bút, nhà văn Tô Hoài nghe chúng tôi hỏi chuyện thì "bắt" vào luôn:

- Tôi nghĩ, đã là sáng tác thì cần phải có nguyên mẫu. Nguyên mẫu xa, nguyên mẫu gần, nguyên mẫu trong chính giới văn nghệ. Nhưng với những nguyên mẫu loại này thì tôi viết luôn tự truyện, hồi ký bê nguyên cuộc sống của nhân vật nguyên mẫu vào trang sách. Ai hiểu thế nào thì hiểu. Chứ tôi không có dùng nguyên mẫu để hư cấu cho tiểu thuyết như nhiều vị khác. Đấy trong "Cát bụi chân ai", tôi kể tôi với Xuân Diệu "ngủ" với nhau thế nào ở Việt Bắc, là thật, như là đồng tính ấy chứ (Tô Hoài lại nhìn chúng tôi cười rinh rích)... Mới đây có một người Việt Nam đang làm gì bên Mỹ mời tôi để kết nạp vào hội đồng tính của họ.

- Thưa bác, có lần bác kể, trong truyện "Đôi mắt" của nhà văn Nam Cao, nhân vật Hoàng thường vỗ đùi đen đét chính là lấy nguyên mẫu từ nhà văn Vũ Bằng, sau này được xác định là một cơ sở của tình báo quân đội. Ông Vũ Bằng đã có phản ứng gì khi biết mình là nguyên mẫu đó?

- Đúng Vũ Bằng là nguyên mẫu của nhân vật Hoàng, đúng trăm phần trăm. Khi viết truyện ngắn này, Nam Cao cũng từng kể với tôi trong một lần đi công tác, Nam Cao có tạt xuống ghé thăm vợ chồng Vũ Bằng tản cư ở gần đó. Nam Cao ở chỗ Vũ Bằng thuê trọ cả tuần, phát hiện vợ chồng bạn mình thường đọc Tam Quốc trước khi ngủ. Thế là Nam Cao viết. Vũ Bằng hay Hoàng của Nam Cao là điển hình cho thân phận và tâm tư, suy nghĩ chông chênh của một bộ phận tầng lớp trí thức tiểu tư sản thời kỳ đầu kháng chiến chống Pháp. Sau giải phóng miền Nam năm 1975, Vũ Bằng có gặp lại tôi bảo rằng rất thích nhân vật Hoàng. Biết là Nam Cao viết có ý giễu mình, nhưng vẫn thích.

- Từng nhiều năm làm Phó Tổng thư ký Hội Nhà văn Việt Nam bên cạnh một Tổng Thư ký Nguyễn Đình Thi hào hoa phong nhã, bác có được nhà văn Nguyễn Đình Thi tâm sự gì về chuyện "tai bay vạ gió" khi vô tình ông "bị" làm nguyên mẫu cho một ai đó không?

- Tôi và anh Nguyễn Đình Thi quý nhau lắm. Quý nhau vì cái tình, vì công việc nữa, vì tôi làm cấp phó đỡ đần cho anh Thi nhiều việc. Anh Thi thì đào hoa rồi. Nghe nói có một tác giả nào đó đưa anh ấy thành nguyên mẫu trong một cuốn tiểu thuyết. Cũng nghe nói sau này, có một nhà văn nữa cũng đưa nguyên mẫu Nguyễn Đình Thi vào một số truyện ngắn. Tôi cũng chẳng để ý. Cũng không thấy anh Thi tâm sự với tôi điều phiền toái xung quanh chuyện này. Mà cũng không thấy anh Thi phản ứng hay có thái độ bực tức gì về chuyện này cả.

- Nhà văn Tô Hoài nghe đồn cũng là một người đào hoa chứ ạ?

- Tôi đào hoa theo kiểu… nhà quê ấy mà. Tôi mà không lấy được người ta thì chỉ có đẹp và buồn thôi.

- Thưa bác, bác làm Tổng Thư ký, rồi Phó Tổng Thư ký Hội Nhà văn Việt Nam khá nhiều năm. Sau này lại về làm Chủ tịch Hội VHNT Hà Nội liên tục nhiều năm nữa, dân gian gọi là cũng có được "ăn lộc". Đã bao giờ bác trở thành nguyên mẫu trong một tác phẩm văn học nào đấy?

- Hình như là chưa. Ngày xưa, tôi từng là nguyên mẫu của nhân vật Sen trong truyện ngắn "Cái mặt không chơi được" của nhà văn Nam Cao. Trong truyện tôi đã nói với nhân vật Tri (nhân vật hóa thân của Nam Cao) một câu thế này: "Này, Tri ạ, cái mặt anh trông thế nào ấy. Quả thật là không chơi được!". Rõ ràng, dưới mắt Nam Cao, tôi cũng được, là người thẳng thắn đấy chứ. Bây giờ thì khác. Tôi được tiếng là người khôn ngoan nên dễ thoát hiểm chăng? Mà khổ nỗi, "đánh" tôi làm gì! Tôi không phải người hay chấp nhặt. Ai xấu với mình, ai không hiểu mình thì cũng cho qua. Tôi từ đất đi lên, giao việc gì cũng làm. Từ Tổng Thư ký Hội Nhà văn xuống Phó Tổng thư ký... cũng làm; rồi giao tổ trưởng dân phố... cũng làm.

Hồi tôi "kéo" Tổng Biên tập Báo Người Hà Nội Vũ Quần Phương thoát hiểm vụ in bài về pháo của Nguyễn Hà, vì tôi là Chủ tịch Hội VHNT nên tôi ra một quyết định kỷ luật Tổng Biên tập Vũ Quần Phương để ngầm nói với trên là mình đã xử lí nghiêm rồi, các anh đừng làm nặng thêm nữa. Nghe đâu anh Phương cũng tưởng là tôi "này nọ" với anh ấy. Sau rồi cả hai bên cũng cho qua. Tính tôi cho qua nhiều, thế nên có thể ít làm nguyên mẫu.

  - Thưa bác, biết đâu nhỡ sắp tới có người đưa bác là nguyên mẫu "khôn ngoan" như bác tự giễu mình thì lúc ấy phản ứng của bác thế nào?

Nhà văn Tô Hoài ngẫm nghĩ hồi lâu, thủng thỉnh;

- Chắc cũng chẳng có ai viết về tôi đâu. Suy cho cùng, viết về một nguyên mẫu là bình thường. Nhưng phải viết hay mới khó. Bởi đời một con người nhiều góc cạnh lắm. Vừa qua có cuốn tiểu thuyết của anh Võ Văn Trực, theo tôi phải viết đến mức đọc thấy ngay là người ấy, chứ không phải người khác. Thế mới giỏi!

Theo giải thích của nhà văn Tô Hoài, thời của các ông dẫu cũng có dính tí "quan chức", nhưng quả thật thời ấy ít tranh giành quyền lợi của nhau. Dẫu khác nhau về cá tính đấy, nhưng ít chuyện xấu chơi, "gài bẫy" với nhau. Bây giờ thì mới sinh ra nhiều nguyên mẫu. Theo nhà văn Tô Hoài, cuộc sống bây giờ nhiều nguyên mẫu hay lắm, cả tích cực, cả tiêu cực, nhất là tiêu cực tham nhũng. Ông than phiền rằng, mình không có được cái tài như Vũ Trọng Phụng của "Số đỏ" để viết tiếp cho hay hơn

Hồng Thái
.
.
.