"Ông hoàng nhạc tình" Từ Công Phụng: Những cung bậc tình yêu nhân từ

Thứ Năm, 02/05/2019, 07:34
Nhạc sĩ Từ Công Phụng là một trong số những người Chăm tài hoa ở nước ta. Với phong cách sang trọng có thêm phần thâm trầm bí ẩn, những tình khúc của Từ Công Phụng có sức ám ảnh lòng người. Ông là người tự học thành tài. Mới 18 tuổi, cái tên Từ Công Phụng đã nổi đình đám trong giới sinh viên với tình khúc đầu tiên: “Bây giờ tháng mấy” (1960). Ông học luật nhưng lại dựng nghiệp cho mình bằng âm nhạc.


Bí ẩn "bi kịch rực rỡ" của cặp đôi Từ Công Phụng - Từ Dung

Từ quê hương Ninh Thuận, chàng trai Từ Công Phụng lên Đà Lạt lập ban nhạc cùng với Lê Uyên Phương, chuyên biểu diễn tình ca. Tuy mày mò tự học nhưng Từ Công Phụng lại sớm định hình phong cách âm nhạc trữ tình. Khi về Sài Gòn học đại học, Từ Công Phụng được khán giả trẻ rất hâm mộ.

Những tình khúc mới của ông như “Mùa xuân trên đỉnh bình yên”, “Tuổi xa người”, “Mắt lệ cho người” hay “Trên ngọn tình sầu” và “Giữ đời cho nhau” đã làm day dứt tâm hồn của hàng ngàn khán giả yêu âm nhạc. Đó là nỗi buồn man mác trong giai điệu, sự bơ vơ trong nội tâm tạo nên nét khác lạ của âm nhạc Từ Công Phụng. Đặc biệt, với giọng hát trầm buồn, pha chút mơ màng của chính Từ Công Phụng luôn cuốn hút người nghe.

Nhạc sĩ Từ Công Phụng.

Nhưng sự gặp gỡ giữa nhạc sĩ và ca sĩ Từ Dung mới tạo nên dấu ấn đặc sắc trong giới âm nhạc. Đó là câu chuyện gây chấn động vào đầu năm 1966, cùng thời với những cặp đôi nổi danh khác như Trịnh Công Sơn - Khánh Ly và Lê Uyên - Phương. Dường như sáng tác của Từ Công Phụng chỉ dành cho giọng hát Từ Dung, hoặc có khi hai người song ca.

Ca sĩ Từ Dung xinh đẹp. Cô đã đoạt giải Á khôi trong cuộc thi Hoa hậu năm 1966. Từ Dung là con gái của nhà văn Hoàng Đạo (Nguyễn Tường Long) nhưng lại say mê âm nhạc. Trong lớp luyện thanh hôm ấy, Từ Dung đã nghe Từ Công Phụng biểu diễn tình khúc của mình.

Một phong cách âm nhạc mới sang trọng, thuần khiết lãng mạn đã thuyết phục Từ Dung. Nàng nguyện theo chàng lập nghiệp. Hai người đã xuất hiện tại sân khấu CLB Đại học Văn khoa và cùng hát mở đầu tình khúc “Bây giờ tháng mấy”. Sức cuốn hút đến nỗi, hai người phải hát đi hát lại nhiều lần để cho sinh viên hát theo. Họ có sân khấu riêng và có những fan hâm mộ đông đảo mỗi đêm. Hai người đã làm lễ thành hôn năm 1969.

Có thể nói, tình yêu của hai người cũng là mạch nguồn cảm xúc sáng tác cho Từ Công Phụng. Nhạc của ông ngày càng nặng trĩu nỗi lòng và sự dằn vặt trong tâm hồn. Cùng với đó là những lời ca viết ra chan chứa niềm xót xa và u uẩn trong tình yêu.

Đó là những tuyển tập "Tình khúc Từ Công Phụng" (1968 - tái bản 1969); “Trên ngọn tình sầu” (1970); tập hợp khoảng 20 tình khúc. Hầu hết đó là những bi kịch của nội tâm người nghệ sĩ. Hình ảnh dịu dàng của mùa thu và nỗi cô đơn luôn ám ảnh lòng người. Nào là “Mùa thu bơ vơ đến bên trời” (Mùa thu mây ngàn), hay “mùa thu chết bên sông”, hay nhẹ nhàng hơn là “mùa thu trút lá vàng ngậm ngùi…”; hoặc mộng mị u ám: “nghìn thu đắng cay trên từng nỗi khốn cùng…” (Như ngọn buồn rơi). Chính những nỗi niềm chia xa, khắc khoải và nỗi buồn mua thu chợt đến đã làm nên nét dị biệt của Từ Công Phụng.

Mười năm sau những rực rỡ của âm nhạc và tình yêu, sự rạn nứt của cuộc hôn nhân nảy sinh. Những biến động xã hội cùng sự cam go trong mưu sinh đã chia rẽ hai người. Miền Nam được giải phóng. Hai người mở quán cà phê Từ Dung ở phố Trần Quang Khải (năm 1976) rồi cũng phải đóng cửa theo sự lần hồi của cuộc sống. Linh cảm của sự đổ vỡ được  nhạc sĩ thể hiện qua tình ca “Chiếc que diêm”.

Đó là sự cứu vớt bất khả thi. Bi kịch nội tâm được bày tỏ: “Tình ta sớm muộn gì cũng hấp hối… Thôi cũng đành như chiếc que diêm một lần lóe lên. Thắp đi em sáng lung linh, buồn một cõi riêng. Những đêm sâu, những canh thâu. Nghe nước mắt nặng giọt sầu”. Hai người chia tay. Năm 1980, Từ Công Phụng định cư ở Mỹ.

“Hóa kiếp” 

Nỗi buồn rụng rời trong cuộc chia tay với vợ con, nhạc sĩ Từ Công Phụng đến với xứ người, với những ca khúc “Mắt lệ cho người”, “Que diêm”, “Trên những ngày tháng đã qua” và “Đêm độc thoại”. Đến đâu, nhạc sĩ cũng chỉ hát những bài đó như một sự rời xa khiên cưỡng, không hiểu vì sao. Vẫn còn đó nỗi xót xa, cay đắng trong chia ly. Giọng hát Từ Công Phụng càng buồn hơn khi nhạc sĩ lui về ẩn dật tại một bang xa xôi lạnh lẽo. Tuyết trắng bạc phận.

Nhưng cuộc sống bao giờ cũng mở ra chân trời mới. Từ Công Phụng gặp được người đàn bà tốt nết đảm đang. Đó là chị Kim Ái, người cùng đồng hành với Từ Công Phụng trên con đường tha hương nơi đất khách quê người. Họ thành hôn và cùng sinh sống tại bang Oregan. Tình yêu và sự đùm bọc của người thân đã làm thay đổi cuộc đời và khuynh hướng sáng tác của nhạc sĩ Từ Công Phụng. Dịu dàng. Ấm áp. Không còn nỗi muộn phiền cay đắng.

Cô đơn nhưng thoát khỏi sự bế tắc. Đó là sự giải thoát với sự mộng mơ: “Nghe gió ngàn hát ca. Nghe biển xanh thầm thì. Bản tình ca hạnh phúc. Trong cuộc tình đôi ta…” (Hóa kiếp). Người nghe đã yêu thêm Từ Công Phụng bởi những giai điệu cởi mở tươi mới. Trong sáng. Lãng mạn. Đó là sự phấn chấn cho một hạnh phúc chân thành.

Nhưng thật bất ngờ, một thử thách kinh khủng khác đến với Từ Công Phụng. Nhạc sĩ bị ung thư phổi trong mấy năm liền (2006-2010). Vậy mà âm nhạc của ông không bị dồn vào chân tường. Bởi nhạc sĩ được bao bọc bởi tình thương yêu của người vợ và những người con. Ít ai ngờ trong sức ép giữa sống và chết, những ca khúc của Từ Công Phụng lại càng ấm áp và nồng nàn hơn.

Bản nhạc đầu tiên của nhạc sĩ Từ Công Phụng.

Giai điệu và lời ca trong ca khúc thể hiện một sức sống mãnh liệt. Nhạc sĩ viết: “Gọi tên em lòng náo nức đêm mơ. Anh mơ bên em cho đến tận cuộc đời. Nếu có điều gì vĩnh cửu được em ơi. Thì em ơi đó là tình yêu chúng ta” (Mãi mãi bên em). Chính đó là tình yêu và cũng là động lực sáng tác của nhạc sĩ trong giai đoạn mới.

Một tâm hồn đa sầu, đa cảm mang chất Chăm trong con người ông tạo nên sự dị biệt. Mảnh đất đầy nắng và gió trên sa mạc nóng bỏng nhưng lại bay bổng tiếng kèn Saranai réo rắt. Những cánh hoa dịu êm thắm màu bừng lên trong khí hậu khô cằn. Nhạc ông là thế. Luôn trăn trở với nỗi đau và cả niềm vui khôn tả. Ông hát với “Xứ thâm trầm” xa vắng, trong nỗi cô đơn nhưng đã được ấp ủ chở che: “Một lần em có nói. Về xứ thâm trầm xa cuộc đời này. Sẽ không còn ngàn kiếp truân chuyên. Và hết nhân duyên. Tôi trở về kết đọng linh hồn. Làm mặt đá xây hồ lãng quên”.

Nhưng cuối cùng vẫn là lời ca về “Mùa xuân và tình yêu em” đã đem lại niềm vui sống trong chặng đường hạnh phúc còn lại: “Tình yêu trong tim ta em nghe chăng bừng nở. Như cánh hoa hồng thơm hương đời em…”.

Có một gương mặt cô đơn khác của Từ Công Phụng không u tối, mà được chiếu rọi qua ánh sáng hy vọng và được sưởi ấm bởi một tình yêu chân thành và mãnh liệt. Chuyến về nước biểu diễn của nhạc sĩ Từ Công Phụng (VTV9 - năm 2016), khán giả đã nhận ra điều đó. Tình ca của ông đẹp hơn, da diết và quyến rũ nhưng đã bứt thoát khỏi nỗi xót xa thuở nào. 

Những cung bậc tình yêu nhân từ dành để tạ ơn đời

Tại miền Nam, nhạc sĩ Từ Công Phụng được xếp vào “Ngũ hổ” âm nhạc thập niên 70 của thế kỷ trước cùng với các nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, Vũ Thành An, Ngô Thụy Miên và Lê Uyên Phương. Ông có phong cách không thể trộn lẫn. Trầm buồn. Day dứt.

Lời bài hát tựa những thi phẩm hiện đại với ngôn ngữ mang dấu ấn siêu thực đầy biểu cảm. Nhiều ca sĩ trong nước và hải ngoại đều rất thích trình bày bài hát của ông. Ca sĩ Tuấn Ngọc có riêng một album, hát 10 bài tình ca Từ Công Phụng, với nhan đề “Giọt lệ cho ngàn sau”. Anh nhận xét: “Bằng ngôn ngữ âm nhạc có học thuật cao, nhưng Từ Công Phụng lại kể chuyện tình yêu hết sức gần gũi. Chan chứa sự nồng ấm thiết tha”. 

Sau những ngày hoảng loạn tinh thần vì bệnh tật, nhạc sĩ đã tựa vào tình yêu đứng dậy. Ông đã tạ ơn cuộc đời. Tạ ơn hạnh phúc vượt qua những nhọc nhằn cay đắng. Giai điệu của ông đã mang nặng những suy tư, cứu rỗi: “Ơn em thơ dại từ trời. Theo ta đi xuống biển vớt đời ta trôi. Ơn em dáng mộng mưa vời. Theo ta lên núi, về đồi yêu thương. Tạ ơn em. Tạ ơn em…” (Tạ ơn em). Vậy đó, tâm hồn người nghệ sĩ nặng trĩu tình đời. Chính vì thế, nhạc sĩ Từ Công Phụng đã được mệnh danh là “Ông Hoàng tình ca”. Âm nhạc của ông mãi mãi thuộc về tình yêu.

Bội Kỳ
.
.
.