Những sự kiện văn hóa "tốn giấy mực" nhất năm 2017

Thứ Sáu, 19/01/2018, 08:37
Vừa qua, Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch đã công bố 10 sự kiện tiêu biểu của ngành trong năm 2017. Đây là hoạt động "đến hẹn lại lên" của Bộ, tuy nhiên, theo ý kiến của một số nhà báo theo dõi mảng văn hóa có uy tín, nếu chỉ đưa vào những sự kiện tiêu biểu - có nghĩa là những "việc tốt" đã làm được thì chưa đủ, mà cần phải nhìn nhận lại cả những vấn đề tiêu cực, còn tồn tại.


Chuyên đề Văn nghệ Công an xin được mạo muội bình chọn một số sự kiện "tốn giấy mực" báo chí nhất trong năm 2017 nhằm cung cấp thêm cho bạn đọc một cái nhìn khách quan hơn về bức tranh toàn cảnh văn hóa của năm.

"Dậy sóng" quanh việc tạm dừng phổ biến, lưu hành một số ca khúc

Theo công văn của Cục Nghệ thuật biểu diễn, 5 ca khúc bị tạm dừng phổ biến, lưu hành bao gồm: "Cánh thiệp đầu xuân" (Lê Dinh - Minh Kỳ), "Rừng xưa" (Lam Phương), "Chuyện buồn ngày xuân" (Lam Phương), "Đừng gọi anh bằng chú" (Diên An), "Con đường xưa em đi" (Châu Kỳ - Hồ Đình Phương), trong đó ca khúc "Con đường xưa em đi" đã trở nên quá quen thuộc với công chúng.

Trước những ý kiến trái chiều xung quanh việc tạm dừng lưu hành ca khúc này, Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn khi ấy là ông Nguyễn Đăng Chương đã cho biết lý do các ca khúc bị tạm dừng lưu hành là do: "vi phạm về quyền tác giả và quyền liên quan, có lời không đúng bản gốc và có những tác phẩm không đúng tác giả". Trong đó, "Đừng gọi anh bằng chú" là tác phẩm sai tên tác giả và 4 ca khúc còn lại là những bài hát đã bị thay đổi về ca từ nên cần có thời gian thẩm định, xác minh lại.

Tuy nhiên, quyết định này đã gây nên một làn sóng phản đối kịch liệt đối với vấn đề quản lý - cấp phép lưu hành ca khúc đang bộc lộ những những điểm bất cập và trở thành "sự cố" tốn giấy mực báo chí nhất trong năm. Sau một tháng ồn ã, Cục Nghệ thuật Biểu diễn đã phải ra quyết định thu hồi lại quyết định nói trên, đồng thời có những cuộc họp nội bộ để nghiêm túc rút kinh nghiệm. Cá nhân Cục trưởng Nguyễn Đăng Chương phải "đăng đàn" xin lỗi công luận và nhận lỗi trước lãnh đạo Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch.

Tranh cãi quanh việc cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam

Hãng phim truyện Việt Nam đã rục rịch việc cổ phần hóa từ hàng chục năm nay, đồng thời tiến hành cổ phần hóa cũng là chủ trương đúng đắn, là xu thế không thể khác đối với các đơn vị nghệ thuật sử dụng ngân sách Nhà nước.

Tuy nhiên, cách làm cổ phần hóa tại Hãng phim truyện Việt Nam lại khiến cho nhiều nghệ sĩ lo lắng, bất bình khi Tổng Công ty Vận tải thủy trở thành cổ đông chiến lược khiến nhiều nghệ sĩ lo lắng nhà đầu tư chiến lược sử dụng khu "đất vàng" của Hãng phim để phục vụ vào mục đích cho thuê, kinh doanh kiếm lời chứ không chú trọng vào việc làm phim.

Sự việc được đẩy lên cao trào khi trong một số cuộc họp nội bộ, ông Nguyễn Thủy Nguyên - "ông chủ mới" của Công ty TNHH MTV hãng phim truyện Việt Nam đã có những lời lẽ xúc phạm đến nghệ sĩ khiến báo chí trong nước một phen xôn xao.

Việc này đã khiến Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phải xuống tận "hiện trường" thị sát và có những chỉ đạo cụ thể, trong đó có đề nghị cho thanh tra toàn bộ quá trình cổ phần hoá tại Hãng phim truyện Việt Nam. Đặc biệt, phải có căn cứ xác định giá trị thương hiệu của Hãng phim truyện Việt Nam trước phát ngôn "0 đồng" của ông Trần Thủy Nguyên. Đến nay, sự việc vẫn đang trong quá trình thanh kiểm tra, dư luận và các văn nghệ sĩ vẫn đang chờ kết luận cuối cùng của cơ quan chức năng trước "sinh mệnh" của một đơn vị nghệ thuật từng được xem là "Lá cờ đầu" của nền điện ảnh Việt Nam.

Nghi án "tranh nhái - tranh giả" vẫn được đấu giá "khủng"

Hoạt động đấu giá tác phẩm nghệ thuật ở Việt Nam trong vài năm qua chủ yếu thông qua các phiên đấu giá của các nhà tổ chức đấu giá như Lạc Việt, Lythi Auction, Chọn Auction House... Thế nhưng thực tế, ở cả 3 đơn vị  này đều đã xảy ra các sự cố trong hoạt động đấu giá của mình, trong đó đã vài lần xảy ra sự cố liên quan đến tranh giả, tranh nhái xảy ra ở Chọn Auction House khiến dư luận xôn xao.

Cụ thể, trước phiên đấu giá lần thứ 5 của Chọn Auction House diễn ra vào ngày 30-7-2017 với 12 tác phẩm nghệ thuật của 2 bộ "tứ trụ" của hội họa Việt Nam là Trí - Lân - Vân - Cẩn và Nghiêm - Liên - Sáng - Phái. Bức "Phố cũ" của Bùi Xuân Phái được công bố giá khởi điểm cao nhất trong phiên: 8.000USD. Nhưng trước đó, họa sĩ Bùi Thanh Phương - con trai cố họa sĩ Bùi Xuân Phái đã lên tiếng cho rằng: Đó là... tranh giả. Bởi lẽ, trước đây nhà đấu giá Sotheby's (Singapore) từng bán đấu giá một bức "Phố cũ" tương tự với giá 11.443USD và nhà đấu giá Christie's (Hồng Kong) sau đó cũng bán một bức "Phố cũ" vào ngày 25-5-2014 với giá 12.804USD.

Sau những tranh cãi không có hồi kết và cũng không đủ căn cứ thể xác định được bức tranh nào trong 3 bức kể trên là tranh thật - tranh giả, cuối cùng bức "Phố cũ" vẫn được bán cho một một người Việt yêu nghệ thuật trẻ tuổi với giá 12.500USD - cao hơn 2 bức "cùng tên" từng được đấu giá ở nước ngoài. Cũng vẫn với nhà đấu giá Chọn Auction House, ở phiên đấu giá số 6 diễn ra ngày 27-8-2017 có bức "Rồng thức tỉnh" được chú giải là của họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ với mức giá khởi điểm cao: 9.600USD. Nhưng trước khi phiên đấu giá diễn ra ít lâu, con gái của họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ đã lên tiếng khẳng định rằng, đó không phải là tác phẩm của cha mình! Vì thế, tác phẩm này đã không có giao dịch.

Không chỉ dính nghi án "tranh giả", hiện tượng "tranh nhái" được đem ra bán đấu giá cũng không phải chưa từng xảy ra. Bức tranh "Cô gái thỏ" của họa sĩ Nguyễn Phan Bách (con trai nhà văn Nguyễn Huy Thiệp) được đấu giá thành công tại phiên đấu giá thứ 2 của Chọn Auction House với mức giá 25.000USD, được mua bởi ông Christopher - Tổng Giám đốc điều hành Playboy tại Việt Nam. Thế nhưng sau đó, người ta đã tìm thấy "bức tranh gốc" được vẽ bởi họa sĩ Pháp Louis Treserras mà Nguyễn Phan Bách được cho là đã "đạo", "nhái" với tỉ lệ rất cao mà Nguyễn Phan Bách có cố công bào chữa thế nào cũng vẫn rất... khó tin.

Lùm xùm quanh kết quả cuộc thi Hoa hậu đại dương

Quả thực, chưa bao giờ các cuộc thi nhan sắc lại "trăm hoa đua nở" như năm 2017. Theo thống kê, số cuộc thi nhan sắc được tổ chức trong nước cũng như các cuộc thi được tổ chức ở nước ngoài mà Việt Nam cử đại diện đi dự thi và "có giải thưởng" đem về lên đến mấy chục cuộc. Chỉ trong 1 năm, có tới gần 20 người đẹp đăng quang Hoa hậu, Á hậu các cuộc thi mà đến giờ có lẽ chẳng ai nhớ hết được tên.

Tuy nhiên, lùm xùm nhất và tốn giấy mực báo chí nhất phải kể đến là sự đăng quang của Hoa hậu Đại dương Lê Âu Ngân Anh. Ngay trong đêm đăng quang, Lê Âu Ngân Anh đã thực sự gây bão dư luận bởi những tranh cãi xung quanh vấn đề nhan sắc của cô. Tiếp sau đó, những bức ảnh khác hiện tại "một trời một vực" đã khiến báo chí và dư luận đặt câu hỏi: "Phải chăng tân Hoa hậu đã trải qua phẫu thuật thẩm mĩ?".

Dư luận lại càng dậy sóng hơn khi Lê Âu Ngân Anh công khai thừa nhận cô đã phẫu thuật mũi, nhưng đã tiến hành rút sụn mũi ra trước khi tham dự cuộc thi và việc này đã được cô báo cáo với Ban tổ chức cuộc thi Hoa hậu Đại dương.

Lúc này, vi phạm của đơn vị tổ chức cuộc thi đã bị cơ quan chức năng xử phạt với số tiền 4 triệu đồng nhưng không vì thế mà tranh cãi về cuộc thi và tân Hoa hậu hạ nhiệt. Mới đây nhất, sự việc lại trở nên "nóng giãy" khắp các mặt báo khi tân Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn - NSND Quang Vinh đã ký văn bản yêu cầu đơn vị tổ chức cuộc thi Hoa hậu Đại dương là Công ty TNHH Võ Việt Chung International hủy bỏ kết quả đối với thí sinh Lê Âu Ngân Anh do không đảm bảo các điều kiện dự thi theo quy định. Đến nay, phía Công ty TNHH Võ Việt Chung International do ông Võ Việt Chung làm Giám đốc vẫn chưa có công văn hồi đáp hoặc lên tiếng chính thức về vấn đề này.

10 sự kiện tiêu biểu năm 2017 do Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch công bố

- Hát Xoan Phú Thọ, Nghệ thuật Bài Chòi Trung Bộ Việt Nam được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

- Dấu ấn Việt Nam qua bộ phim Kong: Skull Island.

- Ấn tượng "Những ngày văn hóa Nga tại Việt Nam".

- Đoàn Thể thao Việt Nam thi đấu thành công tại SEA Games 29.

- Đội tuyển bóng đá nữ lần thứ 5 bước lên ngôi vô địch SEA Games.

- Thành tích ấn tượng của Đội tuyển Điền kinh Việt Nam năm 2017.

- Khách quốc tế đến Việt Nam tăng trưởng kỷ lục trong năm 2017.

- Luật Du lịch 2017 được thông qua với nhiều nội dung thúc đẩy phát triển du lịch.

- Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn

- Du lịch Việt Nam giành nhiều giải thưởng danh giá của Tổ chức Du lịch thế giới.

Nguyệt Hà
.
.
.