Nhớ mùa Xuân biên cương năm ấy

Thứ Hai, 08/02/2016, 08:06
Đầu năm 1981, chuyến công tác đầu tiên với nhiệm vụ phóng viên của tôi là vùng biên giới Hoàng Liên Sơn (thuộc Lào Cai bây giờ). Khi ở đài phát thanh tỉnh, tôi gặp anh Trường, cán bộ đài truyền thanh huyện Bắc Hà về tỉnh nhận thiết bị cho đài huyện. Sau khi hỏi han tình hình, máu nghề nổi lên, thế là tôi quyết định về Bắc Hà cùng anh. 


Vì đất biên giới xa lạ, đi lại khó khăn và hậu chiến vẫn đang còn nhiều chuyện, nên tôi rủ thêm anh Hà Tiến Ất, công tác ở đài phát thanh tỉnh đi cùng. Lúc đầu Ất lưỡng lự, hỏi ra mới biết, Ất đã có vợ và vợ anh sắp sinh con. Nhưng rồi anh vẫn quyết định cùng đi. Trước hôm đi, tôi và Ất về Mường Lò thăm cô Thuy (vợ Ất), cô Thuy bấy giờ làm nhân viên ở một cơ quan của huyện Văn Chấn. Nhìn thấy cô Thuy sắp đến ngày sinh, tôi cũng ái ngại, nói với cô đi chuyến này ngắn thôi, chắc chỉ một tuần là về.

Đúng hẹn 9h tối, ba chúng tôi có mặt ở ga Yên Bái lên tàu đi Phố Lu. Chúng tôi đỡ anh Trường xách theo lỉnh kỉnh những dây dợ, loa, mấy túi thiết bị lặt vặt khác. Vạ vật trên tàu từ 9 giờ tối đến 5 giờ sáng mới đến Phố Lu, xuống ga, chúng tôi nhanh chóng di chuyển đến bến xe để kịp lên xe khách chuyến 6 giờ, giờ này chỉ có một chuyến đi Bắc Hà, nếu lỡ phải đợi 3 tiếng nữa mới có xe.

Đài truyền thanh huyện Bắc Hà chỉ là một ngôi nhà cấp bốn đã cũ. Khu kỹ thuật của đài, ngoài chiếc máy phát điện công suất nhỏ, còn có một gian nhỏ đặt bộ amply kết nối với hơn chục cái loa truyền thanh mắc dây quanh khu vực cơ quan huyện, do một người Mông là anh Vàng Seo Tống làm đài trưởng. Vàng Seo Tống cũng là người sở tại Bắc Hà. Chúng tôi nói với anh Seo Tống là muốn đến một xã vùng cao xem cuộc sống tinh thần của bà con ra sao sau sự kiện năm 1979 và nhờ anh đưa đi.

Tưng bừng phiên chợ Cán Cấu ngày Xuân.

Sáng hôm sau, chúng tôi theo anh Tống về xã Bản Phố (Pản Phố). Tên xã tiếng địa phương có nghĩa là lưng chừng núi. Đúng như tên gọi, vừa bước ra khỏi nhà là bắt đầu leo dốc. Trời lâm thâm mưa, đường trơn trượt ngoằn ngoèo bên những vách núi dựng đứng, nhìn xuống vực cũng sương mù trắng xóa. Đến quá trưa sau khi leo hết ba tầng núi thì cũng đến được Bản Phố. Khi đến nơi, hầu hết các nhà người lớn đều đi vắng, giờ này họ đi ngoài nương hoặc ở dưới chợ.

Người dân Bản Phố ngoài làm nương còn có thêm nghề nấu rượu. Đặc sản rượu ngô Bản Phố nổi tiếng khắp vùng. Cứ vào dịp các phiên chợ, tìm đến hàng rượu, thấy người bán rượu ngồi bên từng dãy can dài, hẳn đấy là người Bản Phố. Hỏi thăm rồi cũng tìm đến được nhà anh Vàng Seo Diu, Bí thư kiêm chủ tịch xã, rất may anh cũng vừa ở dưới huyện về. Nghe giới thiệu nhà báo dưới xuôi lên, bí thư xã rất vui, chưa kịp chuyện trò gì, đã xách ngay can rượu cùng mấy cái bát ra rót tràn mời uống. Thấy chúng tôi sợ từ chối khéo, Vàng Seo Diu bảo “Không được chối, không uống thì không làm việc đâu”. Chúng tôi đành uống. Thứ rượu ngô nặng trên bốn mươi độ uống vào bỏng rát ruột gan.

Sau màn chào rượu, chúng tôi nói với anh Diu mục đích chuyến công tác về Bản Phố, là để tìm hiểu tình hình địa phương sau sự kiện năm 1979. Nghe vậy, anh Diu liền bảo: “Địa bàn Bản Phố là tuyến phòng thủ phía sau. Năm 1979 cũng phải sẵn sàng chi viện cho tuyến trước. Khi tình hình yên ắng trở lại, tỉnh, huyện đang chỉ đạo tất cả các xã phải củng cố thế trận phòng thủ. Hiện Bản Phố đang xây dựng  lực lượng dân quân hàng trăm người, được huấn luyện bài bản, lo xây dựng hậu cần tại chỗ. Tinh thần bà con rất hăng hái. Mình phải giữ đất của mình chớ”. Nói xong, anh Diu cười rất hào sảng.

Tối ấy chúng tôi nghỉ lại Bản Phố. Nhà đồng bào Mông nơi đây thường nhỏ và thấp. Có một gian rộng hơn thì trên làm gác để ngô, phía dưới là bếp. Anh Diu mời chúng tôi uống rượu ngoài sân. Nói là sân nhưng chỉ là một tảng đá tương đối phẳng vắt ngang một lạch nưới nhỏ chảy róc rách ngay trước nhà, nguồn nước anh bắc từ trên núi xuống để phục vụ cho gia đình.

Trời về tối càng lạnh, nhìn vầng trăng đang lên hắt quầng sáng lu mờ từ phía ngọn núi trước mặt. Khi chủ và khách ngấm rượu, cao hứng, tôi liền tức cảnh đọc thơ tặng chủ nhà: Bản Phố nghĩa là nửa dốc/ Đường lên biên giới dừng chân/ Đêm trăng rõ từng lá trúc/ Chủ nhà mời rượu giữa sân… Tiếng lục lạc về bản tối/ Rì rầm con suối đâu đây/ Gió nghiêng hơi lạnh tràn núi/ Sóng sánh trăng lên, rượu đầy

Anh Diu thạo tiếng Kinh nên rất hào hứng, cứ ép chúng tôi uống thật say. Kỷ niệm ở Bản Phố chính là cái đêm chúng tôi ở nhà anh. Nhà không có giường, anh dọn cái gác bếp cho chúng tôi nằm tạm. Khi chúng tôi lên gác thì đành nằm im không dám xuống đất, vì sợ mấy con chó trông như con bê con dữ tợn cứ lượn lờ trong nhà. Ban ngày leo dốc mệt, lại uống rượu nên chúng tôi chìm vào giấc ngủ lúc nào không hay.

Khoảng ba giờ sáng, thấy sống mũi cay sộc, tôi bừng tỉnh, thấy cả anh Tống và Ất cũng thức từ lúc nào. Khói bếp đã đánh thức chúng tôi dậy. Thì ra vợ anh Diu dậy sớm, nhóm bếp đồ mèn mén. Chúng tôi nằm trên gác bị khói hun không chịu nổi, bí quá đành phải vạch tấm liếp mái nhà để có chỗ thở. Sau cùng cũng không chịu được khói, cả ba tụt xuống ngồi bên bếp lửa cùng chủ nhà cho đến sáng.

Lên biên giới, muốn ra vùng biên lúc này phải có ý kiến của lãnh đạo huyện ủy, ủy ban. Thế là hôm sau chúng tôi vào huyện ủy đề đạt nguyện vọng được lên Si Ma Cai. Nhà huyện ủy cũng gồm mấy ngôi nhà cấp 4, theo kiểu dã chiến.

Người chúng tôi gặp đầu tiên là anh Tráng A Pao, bấy giờ là Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Huyện ủy Bắc Hà. Thấy chúng tôi lên anh rất vui, bảo các cậu cứ nghỉ lại đây, chờ xe ôtô đi công tác về sẽ đưa lên Si Ma Cai. Trong hai ba ngày chúng tôi nằm chờ ở huyện ủy, hàng ngày ăn cơm cơ quan, hút thuốc lào, trò chuyện cùng Bí thư Huyện ủy, mới hiểu thêm nhiều chuyện.

Có thể nói anh Tráng A Pao là cuốn “từ điển sống” của vùng đất Bắc Hà – Si Ma Cai, chỗ nào anh cũng thạo, chuyện gì anh cũng biết. Đêm Bắc Hà rất lạnh, sương buông trắng xóa. Từ ngôi nhà huyện ủy trông xuống phía trước mặt lờ mờ trong sương là dinh vua xứ Mèo Hoàng A Tưởng, một công trình đồ sộ, kết hợp kiến trúc Âu - Á, được khởi công xây dựng từ năm 1914, hoàn thành năm 1921.

Ngôi nhà quyền lực này từng là nỗi khiếp đảm của những người dân nghèo vùng Tây Bắc trong nhiều thập kỷ, giờ để hoang phế, cỏ dại mọc vào tận cửa. Trước nhà huyện ủy có khoảng đất rộng, tương đối bằng phẳng, đêm nào cũng có hàng chục đôi vợ chồng người Mông nghỉ lại. Những người này từ các xã lân cận, có khi cách nửa ngày đường xuống chợ, gặp bạn uống rượu cả buổi. Say rồi trời tối không về kịp, họ trải lá cây nằm ngổn ngang giữa bãi đất trống, chồng say thì vợ ngồi chờ, lúc nào tỉnh thì về.

Huyện ủy bố trí chiếc xe U oát đưa chúng tôi lên Si Ma Cai. Tiễn ra xe, anh Tráng A Pao bảo đã điện cho Đồn biên phòng 201 đón rồi, lên đấy việc ăn ở, đi lại sẽ do đồn biên phòng hướng dẫn. Sau một tuần, huyện sẽ cho xe lên đón chúng tôi. Xe nhằm hướng Si Ma Cai chạy con đường độc đạo men theo sườn núi đầy những ổ trâu, ổ gà, nhưng nhờ tay lái điêu luyện của bác tài, sau vài giờ đồng hồ chúng tôi đã đến được Đồn biên phòng Si Ma Cai,  có phiên hiệu là đồn 201.

Đón chúng tôi là anh Lý, Thiếu tá đồn trưởng cùng cán bộ chiến sỹ. Không khí hoạt náo bởi khoảng hai chục con chó của đồn nuôi, thấy khách lạ vào đua nhau sủa ầm ĩ. Đồn 201 được xây dựng từ thời Pháp, nằm ngay dưới chân dãy núi Lùng Phúng (nơi cắm ngọn cờ Tổ quốc tung bay trên đỉnh). Từ đồn 201 có thể nhìn rõ con sông La Hờ (còn gọi là sông Xanh) như một sợi chỉ mảnh chảy dưới chân núi phân định ranh giới đường biên giữa huyện Bắc Hà (Việt Nam) và huyện Mã Quan thuộc Vân Nam, Trung Quốc.  Si Ma Cai, tiếng địa phương có nghĩa là bãi chợ ngựa.

Cả xã có vài bản người Mông nằm cách xa nhau, dân cư thưa thớt. Bản Gia Khâu có hai chục nóc nhà nằm phơi mình ngay giáp đường biên. Lãnh đạo Đồn biên phòng cho biết, khu vực giáp biên không khí thường xuyên căng thẳng. Cán bộ, chiến sỹ của đồn đêm ngày bám cán bộ chính quyền các xã để nắm tình hình. Củng cố thế trận ở từng xã, từng bản. Bảo đảm ổn định sản xuất, duy trì các điểm trường, lớp học. Có thể nói trong khó khăn thử thách, cán bộ, chiến sỹ Đồn biên phòng 201 luôn là điểm tựa vững vàng, làm chỗ dựa giúp người dân trụ vững.

Nhớ một đêm nghỉ tại Đồn 201, lãnh đạo đồn bố trí cho chúng tôi nằm phòng khách, nơi vẫn dành cho đồng nghiệp phía bên kia mỗi lần sang giao lưu làm việc. Nửa đêm bỗng thấy cán bộ, chiến sỹ trong đồn được đánh thức dậy hết. Tiếng chó sủa râm ran. Bấy giờ anh Lý vào phòng gọi chúng tôi dậy và trao cho mỗi người một khẩu súng, nói “Phía đường biên có dấu hiệu lạ, các anh cứ cầm cái này để đề phòng…”, nói rồi anh vụt ra ngoài chỗ mọi người. Chúng tôi chạy ra, nhìn xuống phía đường biên thấy từng ánh đèn soi sáng rực khắp dọc tuyến.

Lúc này, Hà Tiến Ất nói với tôi là nếu có xảy ra đánh nhau cũng không sợ, sợ nhất ở nhà vợ đẻ lại nhận được tin này. Rất may không có chuyện gì xảy ra, phía bên kia họ định kỳ khảo sát đường biên. Những ngày ở đây chúng tôi đã được chứng kiến tình cảm quân dân sâu đậm. Đó là cuộc giao lưu giữa đoàn thanh niên xã Si Ma Cai với Đồn 201 diễn ra sôi nổi hào hứng. Tôi bỗng nhớ truyền thuyết về vùng đất này, ví Si Ma Cai như cô gái ngủ quên trong khu rừng yên bình, hoang sơ từ lâu lắm rồi, đến hôm nay mới bừng tỉnh.

35 năm đã trôi qua, Bắc Hà – Si Ma Cai giờ đã nhiều thay đổi, đời sống người dân no ấm hơn nhiều. Khi viết những dòng này, tôi lại nhớ kỷ niệm về anh Tráng A Pao (người mới vĩnh biệt chúng ta cách đây ít ngày). Một người con của quê hương Bắc Hà đã trọn đời mình cống hiến cho sự phát triển của đồng bào các dân tộc vùng cao.

Hà Văn Thể-Xuân 2016
.
.
.