Nhiếp ảnh gia Hoàng Kim Đáng: “Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ”
- Nhiếp ảnh gia Nguyễn Á và những bức ảnh sống động về đại dịch COVID-19
- Nhiếp ảnh gia Giản Thanh Sơn: Tạc hình Tổ quốc giữa tầng không
- Nhiếp ảnh gia Lê Bích: Chỉ những tâm hồn đủ tinh tế mới nhận ra vẻ đẹp của Hà Nội
Tôi chợt nhớ đến câu thơ của trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm khi đến thăm ngôi nhà nhỏ của nhiếp ảnh gia Hoàng Kim Đáng ở phía bên kia sông Hồng. Có lẽ vậy, sau nhiều năm vật lộn, vất vả với cuộc sống, cuối cùng ông cũng thực hiện được giấc mơ của mình, rời khỏi ồn ào phố xá để tìm về nơi vắng vẻ, tĩnh lặng, dành thời gian và tâm sức làm nốt những công việc cuối đời.
Ba năm nay, gia đình nhiếp ảnh gia Hoàng Kim Đáng mới thu xếp chuyển về ngôi nhà riêng ở Ngọc Thụy, Long Biên. Ở đây, ông có một không gian sống thư thái, tĩnh lặng và bình yên. Sức khỏe của ông cũng vì thế mà tốt lên nhiều. Tuổi 80, ông vẫn phóng xe máy đi sang Hà Nội thăm thú bạn bè, cộng tác viết bài với các báo.
Nhiếp ảnh gia Hoàng Kim Đáng. |
Ông dẫn tôi lên phòng làm việc trên tầng 3, một căn phòng nhỏ chỉ có ảnh và sách. Trên chiếc kệ trước bàn làm việc, ông để chiếc đài cũ thỉnh thoảng nghe nhạc. Cuộc sống của ông chìm trong sách, ảnh và những dự định gấp gáp. Lạ là tuổi già nhưng ông không nghĩ đến cái chết. Bởi hơn ai hết ông hiểu được sự hữu hạn của đời người. Vì thế, ông chắt chiu thời gian cho những dự định dài hơi của mình.
Tôi tự hỏi, vì sao, ở tuổi tri thiên mệnh đó, trong trái tim ông vẫn giữ được sự nồng nhiệt với cuộc sống như vậy? Vì sao, những vướng bận, mỏi mệt của cuộc sống không chạm tới được ông? Vì sao, ông có ngọn lửa đam mê và niềm tin vào chính mình, vào thời đại mình sống và vì sao, trong thế giới tưởng như chỉ có tuổi già ấy, ông vẫn giữ được phong cách làm việc khoa học, khẩn trương cho những kế hoạch dài hơi.
Ở tuổi 80, ông vẫn tự hoạch định lịch trình cho mình mà chỉ nhìn vào ta thấy sức làm việc bền bỉ của ông: “Triển lãm đất nước qua ống kính Hoàng Kim Đáng lần 5”, Vinh quang nhiếp ảnh Việt Nam, “Tình thơ- ảnh nghệ”, “Những dòng cảm xúc chân thực” (bút ký - phóng sự) “Vĩ nhân thời đại”, “Nhiếp ảnh Việt Nam - thực tiễn và lý luận”. Đây sẽ là những cuốn sách ra mắt vào dịp kỷ niệm sinh nhật 80 của ông. Và nếu còn thời gian, ông sẽ thưc hiện hai cuốn sách ảnh “Trường Sơn những năm đánh Mỹ”, “Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp - Danh tướng thế kỷ 21”…
Tôi đang cầm trên tay cuốn sách “Vinh quang nhiếp ảnh Việt Nam” vừa mới ra mắt cách đây vài tháng. Đây là một bộ sách đồ sộ về lịch sử nhiếp ảnh, tôn vinh những nghệ sĩ để lại dấu ấn trong lịch sử nhiếp ảnh Việt Nam. 5 năm ông mày mò, tìm tài liệu, biên soạn và xuất bản. Đây là cuốn sách tôn vinh nhiếp ảnh bằng con người thật, tác phẩm thật từ khi nhiếp ảnh ra đời đến hôm nay hội nhập và phát triển. Ông cho rằng, nhiếp ảnh Việt Nam ra đời muộn nhưng thành đạt sớm và cuốn sách là một cách khẳng định vị thế của nhiếp ảnh Việt Nam trong xu hướng hội nhập với thế giới.
Nhưng cuốn sách này chỉ là một phần công việc trong khối lượng công việc đồ sộ mà nhiếp ảnh gia Hoàng Kim Đáng đã và đang làm. Hầu hết, các nghệ sĩ nhiếp ảnh chỉ thể hiện bằng ngôn ngữ hình ảnh. Còn ông đi bằng hai chân, vừa cầm máy, vừa cầm bút, những lúc nhiếp ảnh bất lực, ông viết, và có những điều không thể viết vì bức ảnh đã nói lên tất cả. Vì thế, sự nghiệp của ông khá đồ sộ, không chỉ là các tác phẩm nhiếp ảnh mà còn là các công trình nghiên cứu, sưu tầm, biên soạn. Ở ông, có sự sáng tạo của một người nghệ sĩ nhưng có cả tư duy lý luận của một nhà nghiên cứu.
Nhiếp ảnh gia Hoàng Kim Đáng ở tuổi 80, ký tặng tác giả bài viết cuốn sách mới xuất bản “Vinh quang nhiếp ảnh Việt Nam”. |
Ông từng tổ chức 4 cuộc triển lãm cá nhân. Triển lãm đầu tiên “Đất nước qua những tấm hình” năm 1982 tại Nghĩa Bình, “Đất nước và Hội An đô thị cổ” năm 1985 tại Hội An, “Thăng Long- Hà Nội- trường ca bằng ảnh” và “Đất nước qua ống kính Hoàng Kim Đáng” (năm 2000 tại Hà Nội).
Những bức ảnh của ông đã phản ánh vẻ đẹp của đất nước và con người trong từng thời kỳ, cho thấy sức lao động và sự dấn thân của người nghệ sĩ trên mọi nẻo đường, trong mọi thời khắc khó khăn của đất nước. Nhiếp ảnh chính là những tư liệu lịch sử quý giá cho thế hệ hôm nay nhìn và hiểu về quá khứ của ông cha. Ông quan niệm, cái đẹp của nhiếp ảnh chính là cái đẹp của hiện thực.
“Nhiếp ảnh Việt Nam ra đời muộn nhưng thành đạt sớm. Nhiếp ảnh đang có chiều hướng sính ngoại. Hội nhập nhưng không thể bị hòa tan. Cái nạn dịch photoshop đang là những con virus phá hoại công nghệ thông tin, phá hoại nền nhiếp ảnh nghệ thuật truyền thống và đương đại Việt Nam đã có những cống hiến lớn lao, những thành tựu được ghi nhận”.
Hoàng Kim Đáng nói, ông rất muốn trò chuyện với nhiều bạn trẻ về giá trị chân thực của nghệ thuật trong thời buổi bị làm màu quá nhiều. Có thể đẹp đấy, bắt mắt đấy nhưng đó là cái đèm đẹp nhạt nhòa, dễ bị lướt qua. Nhiếp ảnh, hay nghệ thuật chính là cuộc sống với những vẻ chân thực, thô mộc nhất của nó.
Đó cũng chính là quan điểm làm nghề xuyên suốt cuộc đời lao động nghệ thuật của nhiếp ảnh gia Hoàng Kim Đáng. Vì thế, ngoài những bức ảnh nổi tiếng về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhạc sĩ Văn Cao, nhà văn Nguyễn Tuân… kho tàng ảnh của ông còn có rất nhiều những gương mặt đời thường mà ông gặp trong cuộc đời.
Chính vì vậy, cố nhà thơ Tố Hữu có viết khi tới thăm triển lãm “Đất nước qua ống kính Hoàng Kim Đáng” rằng: “Cả dân tộc và đất nước có thể tìm thấy hình dáng, màu sắc và cả tâm hồn mình trong những hình ảnh nhiều vẻ đẹp chân thực và sâu thẳm này của nghệ sĩ lớn Hoàng Kim Đáng”.
Ngoài ra, ông cũng là chủ biên của một số sách đáng chú ý “Hồ Gươm - Hà Nội - Việt Nam - 2000) nhân kỷ niệm 900 năm Thăng Long - Hà Nội. Đặc biệt là cuốn “Thăng Long - Hà Nội qua hình ảnh” xuất bản năm 2010 được Đại tướng Võ Nguyên Giáp đánh giá là một tác phẩm nghệ thuật phản ánh khá chân thực sự phát triển của kinh đô Thăng Long xưa và Thủ đô Hà Nội ngày nay qua 1000 năm.
Niềm say mê không chỉ dừng lại ở các công trình sưu tầm, biên soạn, ông còn là một cây bút phê bình. Ông có hai cuốn sách “Nhiếp ảnh nghệ thuật - hiện thực và sáng tạo” và “Nhiếp ảnh Việt Nam từ thực tiễn đến lý luận” được đánh giá cao. Hai cuốn sách trở thành nền tảng cho những người cầm máy muốn tìm hiểu sâu về nhiếp ảnh.
Chừng ấy cũng đủ cho thấy sức làm việc của ông trong hơn 50 năm qua. Điều quan trọng là tôi luôn cảm nhận được sự háo hức trẻ thơ trong tâm hồn ông khi nói về công việc của mình. Chỉ khi người nghệ sĩ giữ được tâm thế đó, họ mới có đủ năng lượng để sáng tạo và theo đuổi con đường của mình, mà không phải đắn đo vì cơm áo gạo tiền, vì những giá trị ồn ào, rộn rã ngoài kia.
Ông là một người lính trở về từ trường Sơn. Và có lẽ, những người lính trở về từ Trường Sơn vẫn luôn có khí chất riêng của mình. Nhà văn Phùng Văn Khai có viết về ông rằng: “Ông là một tấm gương lao động lớn. Không ồn ào. Càng không chờ đợi vào bất cứ điều gì. Người trở về từ Trường Sơn ấy điềm tĩnh nhưng kiên gan, thong thả nhưng quyết liệt, không một giờ khắc nào ngưng nghỉ, như dòng sông bốn mùa vẫn chảy về phía biển. Người trở về từ Trường Sơn ấy biết tổ chức và dành cuộc đời mình cho nghệ thuât. Nghệ thuật của ông, của những người trở về từ Trường Sơn huyền thoại luôn như những ngọn lửa tiếp sức cho thế hệ trẻ chúng tôi mạnh mẽ bước tiếp”.
Ông vào Trường Sơn cầm máy, cầm bút cùng lứa với các nhà thơ, nhà văn Cao Cần, Phạm Ngọc Huệ, Phạm Tiến Duật, Lê Lựu, Trần Nhương… Ông đến với nhiếp ảnh vì đam mê và tự học, học những người thầy đi trước và học từ cuộc sống. Vì thế, những bức ảnh của Hoàng Kim Đáng luôn mộc mạc, nguyên chất như cuộc sống đang diễn ra. Sự hồn nhiên, nhi nhiên ấy của ông khiến cho những bức ảnh trở nên tươi sáng hơn.
Ở đó, ta nhận ra tấm chân tình của một người luôn trân quý cuộc sống bởi họ từng vào sinh ra tử, thấu hiểu những mất mát, hy sinh của đồng đội mình. Vì thế, ảnh của Hoàng Kim Đáng mang vẻ đẹp ngồn ngộn, xù xì của cuộc sống chứ không phải là cái đẹp được làm màu, tô vẽ bằng công nghệ. Đó là giá trị mà những bức ảnh của Hoàng Kim Đáng để lại cho đời.
Ông đã sống một cuộc đời giản dị và khiêm nhường đến thế. Không bon chen hay ồn ào chức tước, mọi tâm huyết của ông dành cho công việc. Và có thể nói, ông đã để lại một di sản Hoàng Kim Đáng cho hậu thế. Thế nhưng, con người cả đời lao động không ngừng nghỉ ấy, giờ vẫn phải dành dụm mỗi tháng trong quỹ lương eo hẹp của mình, 1 triệu đồng để rửa ảnh làm khung, chuẩn bị cho triển lãm thứ 5 của ông tại Hà Nội.
Nghe câu chuyện của ông, tôi chạnh lòng buồn. Ngoài kia, nhìn qua cửa sổ ban công tầng 3, những bông hoa xử nữ vẫn lặng lẽ tỏa hương trước thềm nhà.