Nhạc sỹ, nhà viết kịch Minh Phương: “Người tuyên truyền viên vĩ đại”

Thứ Năm, 29/06/2017, 11:23
Bài viết nhỏ này của tôi thay một nén hương kính cẩn thắp trước linh hồn của một nhạc sỹ, nhà biên kịch Minh Phương "người tuyên truyền viên vĩ đại" của thời đại Hồ Chí Minh.


Tôi biết đọc dòng tít này sẽ có bạn đọc bĩu môi dè bỉu bảo rằng: "Nhà văn bốc phét nhà báo nói thêm. Cái lão Hữu Ước này hắn có cả hai nên lão nói quá. Ông Minh Phương làm gì tới cỡ đó..!!".

Thưa bạn đọc!

Thế hệ những người lính tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước nếm trải những năm tháng sống và chiến đấu ở vùng đất Khu 4 và vùng Trung Lào chắc chắn nhiều người biết đến một tác giả quen thuộc của một số ca khúc, một số vở kịch, ca kịch, kịch vui, kịch thông tin; đặc biệt là các bài hò, hoặc một khúc hát hò của đủ các làn điệu của các vùng miền Khu 4, Khu 5… Đó là tác giả Trương Minh Phương (tên thường gọi là Minh Phương). Một tác giả mà rất ít người biết mặt.

Với tôi, một người lính sau này là nhà báo có nhiều năm công tác và chiến đấu ở biên giới Lào - Việt, vùng đất giáp ranh giữa Khu 4, Khu 5 và trên dải Trường Sơn vùng Trung Lào thì gần như là đi tới vùng nào của mảnh đất này, tôi cũng được chứng kiến các buổi công diễn, các tác phẩm của nhạc sỹ, nhà viết kịch Minh Phương với đủ các loại hình biểu diễn trên sân khấu dã chiến hay những đêm văn nghệ tự biên tự diễn.

Đến với các trạm chuyển quân, trạm kiểm lâm, trạm cứu thương, những chốt kiểm soát giao thông của Cảnh sát Giao thông, Thanh niên xung phong và nhất là ở các đồn Biên phòng thì đêm đêm lại vang lên các nhạc phẩm, những ca kịch, những làn điệu hò và những bài hát về rừng, về màu xanh của rừng nhiều không kể hết của nhạc sỹ Minh Phương. 

Lạ nữa là trong những vở kịch ngắn, kịch dài, ca kịch, kịch thông tin và các bài hát văn, hát vần, hát hò với đủ các làn điệu dân ca từ xứ Nghệ cho tới các làn điệu hò Quảng Bình, hò Huế, hò Khu 4, Khu 5 không chỉ đáp ứng cho các đối tượng là diễn viên chuyên nghiệp hay nghiệp dư mà còn đáp ứng cả với các cháu thiếu nhi.

Là người hoạt động báo chí và văn học nghệ thuật nhiều năm của lực lượng Công an, tôi đã biết các tác phẩm của nhạc sỹ, nhà viết kịch Minh Phương từ những năm 1970 nhưng phải đến năm 1995, tại hội diễn văn nghệ của lực lượng Công an tôi mới gặp ông.

Lần ấy, có đến ba tác phẩm của ông do Đội Văn nghệ Công an Quảng Bình và Đội Văn nghệ Công an Thừa Thiên - Huế tham gia Hội diễn. Đó là ba vở kịch "Cảnh sát Giao thông mặc thường phục", "Lời hứa" và "Ngược chiều". Tôi từng xem nhiều vở kịch dài, kịch ngắn, ca kịch, kịch thông tin…của ông cho đủ các đối tượng.

Nhạc sĩ Trương Minh Phương.

Với quân đội, ông sáng tác cho đủ các binh chủng: bộ binh, phòng không không quân, đặc công, trinh sát, hải quân. Rồi Thanh niên xung phong, người bẻ ghi đường sắt, người bán hàng mậu dịch, học sinh, sinh viên… lại có cả kịch viết về đời sống của tướng tá ngụy sau ngày giải phóng… Nghĩa là tuốt tuột, không có đối tượng nào trong một cái xã hội muôn màu mà ông không có tác phẩm viết về họ.

Với ngành Công an chúng tôi, một tác giả trong một kỳ liên hoan văn nghệ mà có tới ba vở diễn như nhà viết kịch Minh Phương đã làm tôi thực sự choáng, thực sự kính nể không chỉ sức lao động sáng tạo mà cái chính là sự đam mê, là bề dày của vốn sống, là tầng của vốn văn hóa đầy đặn của ông.

Lại nữa, năm 1995 khi tôi làm Chủ biên Tạp chí Văn hóa Văn nghệ Công an (nay là Chuyên đề Văn nghệ Công an), tôi được mời tham gia trong ban giám khảo hội diễn "35 năm bộ đội Biên phòng", tôi lại gặp tác phẩm "Ánh mắt rừng xanh" do Đội Văn nghệ xung kích của Bộ đội Biên Phòng tỉnh Quảng Bình biểu diễn. "Ánh mắt rừng xanh" là vở kịch ngắn chỉ có 30 phút, vậy mà ông kết hợp đến bốn loại hình: Kịch nói, ca kịch, thơ và sử dụng trong một màn kịch tới ba ca khúc "Dòng suối thương anh nhiều", "lời ru của rừng" và "Biên cương xanh". Bố cục kịch kiểu này thì chỉ có nhà viết kịch Minh Phương.

Lớp lang của màn diễn ngọt, hợp lý, đầy chất anh hùng ca, hào sảng của những người dân, người lính Biên phòng đang ngày đêm bảo vệ biên cương Tổ quốc. Ban giám khảo chúng tôi đánh giá rất cao sự đổi mới phá cách của lối viết nhằm cổ động tuyên truyền kinh điển này. Chúng tôi chỉ tiếc cho tác giả là vở kịch ngắn quá nên đành phải cho giải B.

Cũng tại hội diễn này, tôi lần đầu tiên được trò chuyện với ông.

Tôi hỏi ông:

- Em cũng là nhà viết kịch nhưng em phục anh lắm đấy anh Minh Phương ạ!

Ông cười bảo:

- Cậu phục mình cái gì?

Tôi bảo:

- Em phục anh nhất là lĩnh vực nào anh cũng viết được. Mà kịch của anh nói mà như hát, hát mà như hò. Chất liệu đời sống của anh nó tươi rói, từ ngọn cây, lá cỏ cho tới chim muông, côn trùng và cả đến sâu

bọ qua tay anh nó đều long lanh và có tiếng nói riêng. Anh viết về thiên nhiên có lẽ chỉ sau Tô Hoài, Đoàn Giỏi, Sơn Nam… Anh viết về thiên nhiên hay lắm đấy.

Ông cười bảo:

- Thiên nhiên có bao giờ xung đột như con người đâu cậu. Mưa là mưa mà nắng là nắng. Với thiên nhiên thì mưa cũng đẹp mà nắng cũng đẹp. Mình yêu thiên nhiên vì thế mà mình cũng rất yêu con người…

Tôi mạnh dạn nói với ông:

- Em xem kịch của anh rất nhiều, anh viết về mảng sáng rất được nhưng với các nhân vật phản diện em nói thật nhé - Tôi ngập ngừng - Anh viết chưa tới…

Ông không bực tức mà ông khùng khục cười. Ông gật gù bảo:

- Thì cuộc sống của mình chỉ gặp những con người tốt, mình có gặp người xấu mấy đâu cậu.

Câu trả lời của ông đã giải thích cho tôi điều thắc mắc bấy lâu nay của tôi về ông. Đọc văn ông, thơ ông, kịch và nhạc của ông chỉ thấy đó là những áng văn thơ ngợi ca tình yêu cuộc sống, tình yêu con người, yêu thiên nhiên trong trẻo say đắm đến kỳ lạ. Không ở với ông, và biết về cuộc đời ông không nhiều nhưng tôi cứ luôn nghĩ đây là một con người sống quá vô tư. Ở con người này, ngoài tình yêu con người, yêu thiên nhiên chắc ông không bao giờ màng tới công danh, địa vị và tiền bạc…

Nghĩ thế, tôi lại hỏi ông:

- Em thán phục anh một điều nữa là tại sao ở đâu, ở lĩnh vực nào bài hát hay kịch họ "đặt hàng" là anh cũng có thể sáng tác được ngay cho họ…

Nhạc sĩ Trương Minh Phương và người bạn đời Nguyễn Thị Minh Tấn lúc ông còn sống.

Ông lại cười bảo:

- Về âm nhạc thì mình là nhạc sỹ chuyên nghiệp, mình học âm nhạc cơ bản mà cậu. Còn sân khấu thì mình làm trưởng đoàn tuyên truyền xung phong của Quảng Bình khi cậu còn chưa đẻ… Làm tuyên truyền cổ động thì dù là phục vụ có năm bảy người thì vẫn phải sáng tác, không là nhạc thì là kịch ngắn, kịch ca, kịch thơ phục vụ chính trị. Đó là nhiệm vụ cách mạng của mình…

Thôi bây giờ thì tôi hiểu rồi, hiểu là vì sao sự nghiệp âm nhạc của ông có tới gần 200 bài hát, còn trong lĩnh vực sân khấu ông là tác giả của gần 100 vở kịch…

Trở lại lĩnh vực âm nhạc của ông, ông không có nhiều những bài hát đỉnh cao nhưng ông cũng có đủ thể loại, từ giao hưởng, hợp xướng, tổ khúc… còn các ca khúc thì đủ các loại lĩnh vực: ca mới, ca cổ, dân ca, đủ các vùng miền, hò thì cũng đủ, hò Thanh Hóa, Nghệ An, Hà tĩnh, Quảng Bình, hò Huế, hò Khu 5… Với tôi, một người lính Trường Sơn, một người làm tổng đạo diễn nhiều chương trình đại nhạc hội, tôi mê nhất và sử dụng nhiều nhất ca khúc "Chiều Trường Sơn" của ông. Một đại hợp xướng đã làm rơi nước mắt và làm rung chuyển hàng vạn con tim nếu được nghe bài này ở giữa núi rừng Trường Sơn…

Bài viết nhỏ này của tôi thay một nén hương kính cẩn thắp trước linh hồn của một nhạc sỹ, nhà biên kịch Minh Phương "người tuyên truyền viên vĩ đại" của thời đại Hồ Chí Minh.

Khi viết tới đoạn kết của bài viết về ông, tôi sực nhớ là trong gần hai chục năm, thi thoảng tôi có gặp và đàm đạo với nhạc sỹ Minh Phương về thơ về nhạc về kịch nhưng không bao giờ ông bảo với tôi Trương Minh Tuấn là con ông và tôi cũng chơi với Tiến sỹ Trương Minh Tuấn có lẽ cũng tới hơn hai chục năm nay, kể từ ngày anh Tuấn còn là Vụ trưởng phụ trách Tuyên giáo ở miền Trung thì tôi cũng chưa bao giờ được nghe anh Tuấn bảo: "Nhạc sỹ Trương Minh Phương là bố tôi". Thì ra con đường cách mạng đường ai người ấy đi là thế…

21-6-2017

Anh hùng Lao động, Trung tướng, nhà văn Hữu Ước
.
.
.