Nguyễn Quang Thiều: Người mất ngủ vì lửa

Thứ Năm, 30/07/2020, 08:48
Người ta đã biết nhiều đến thơ Nguyễn Quang Thiều nhưng có lẽ tranh Nguyễn Quang Thiều vẫn là vùng miền cần được chờ đợi và khám phá dù tranh của anh được nhiều người ưa thích và chọn làm bìa sách.


Ngày tôi trở về Hà Nội sau mười năm xa cách để làm công việc mới, người đầu tiên tôi hẹn gặp là nhà thơ Nguyễn Quang Thiều. Không hiểu sao tôi lại tự tin đến thế vì Nguyễn Quang Thiều lúc ấy đã rất nổi tiếng còn tôi mới “chập chững” trong làng viết.

Tôi gặp Nguyễn Quang Thiều lần đầu nhưng tôi đã đọc và nghe anh từ lâu. Hồi nhỏ tôi đã đọc báo và nghe trên đài truyện ngắn “Mùa hoa cải ven sông” của anh. Câu chuyện khiến tôi nhớ mãi về một người đàn ông với lời nguyền không bao giờ bước lên mặt đất, kiên quyết chỉ ở trong con thuyền nhỏ dưới sông, thậm chí còn thuỷ táng vợ mình vì nỗi thù hận với những người trên bờ. 

Buổi gặp Nguyễn Quang Thiều hôm đó, nhà thơ hẹn tôi ở một quán cà phê trên đường Nguyễn Du gần chỗ anh làm việc. Tôi đoán sẽ có một sự khách sáo hoặc khoảng cách nhất định giữa một người nổi tiếng với cậu chàng mới lơ ngơ viết văn. Nhưng không, Nguyễn Quang Thiều gọi “ông, tôi” với tôi thân tình. 

Tôi bất ngờ với cách xưng hô ấy vì khi ở Quảng Ninh, tôi cũng tiếp xúc với một số văn nghệ sĩ nhưng không ai gọi kiểu thế. Các văn sĩ Hà Nội, nhất là đàn ông, họ gọi nhau rất đặc biệt, “ông, tôi” là cách xưng hô phổ biến và có thể cũng là phong cách ưa thích của nhiều người. Nguyễn Huy Thiệp cũng gọi “ông, tôi” với kẻ hậu sinh, Bảo Ninh qua điện thoại thì còn nhũn nhặn hơn thế. Được Nguyễn Quang Thiều gọi là “ông, tôi” tôi thấy rất sướng vì anh đã không coi tôi quá nhỏ bé.

Hôm đó Nguyễn Quang Thiều tặng tôi cuốn tuyển thơ “Châu thổ” của anh vừa mới in. Nói thật là tôi đọc truyện trước khi đọc thơ của anh. Rồi một hôm tôi ngạc nhiên nghe thấy một người bạn bảo rằng, Nguyễn Quang Thiều không còn coi truyện ngắn của mình là đáng kể nữa, anh đã chọn thơ là đứa con cưng! Nếu thế thì tôi buồn lắm, ngoài “Mùa hoa cải bên sông” thì “Người đàn bà tóc trắng” của anh cũng là một truyện ngắn tôi rất nhớ. 

Có ai nhận ra tiếng vọng của truyện ngắn ấy là nền văn hoá Việt bị bóp nghẹt âm thầm bởi một nền văn hoá của một nước láng giềng. Nguyễn Quang Thiều đã ý thức về  những  “bóng ma” văn hoá  từ rất sớm, anh viết truyện ngắn ấy khi còn trẻ. Và có lẽ lời phát biểu của Nguyễn Quang Thiều về những truyện ngắn của chính mình đã thay đổi theo thời gian. Tôi biết anh đã chọn những truyện ngắn hay nhất in thành một tuyển, có lẽ đó là cách anh trân trọng những gì mình đã viết và tôi nghĩ chúng xứng đáng được độc giả lưu nhớ dù tác giả nghĩ về chúng theo cách nào.

Về sự không hài lòng những đứa con đầu lòng đã có nhiều nhà văn từng làm. Linda Lê tuyên bố từ bỏ cuốn “Tình ca ác quỷ” nhưng tôi thấy đó là một cuốn khá thú vị. Nguyễn Bình Phương ngần ngừ mãi mới cho in lại “Bả giời” và “Vào cõi”, hai cuốn tiểu thuyết đầu tay nhưng tôi biết nhiều độc giả thậm chí thích hai cuốn đó hơn những cuốn lão luyện sau này của anh. 

Nguyễn Quang Thiều có thể không viết truyện ngắn nữa hoặc viết kĩ thuật hơn nhưng tôi vẫn thích những “Mùa hoa cải bên sông” và “Người đàn bà tóc trắng” của anh. Rốt cuộc thì nhà văn có quyền tuyên bố bất kì nhưng độc giả họ chỉ quan tâm tới tác phẩm thôi!

Khi bắt đầu viết báo, tôi quan sát những tờ báo Nguyễn Quang Thiều đã làm và tôi nể phục anh là tay làm báo cừ. Hồi anh tham gia làm tờ An ninh thế giới cuối tháng và Cảnh sát toàn cầu, tôi chưa cộng tác với anh nhưng khi Nguyễn Quang Thiều làm tờ Nghệ thuật mới, tôi rất hào hứng gửi bài. 

Một tờ báo thiên về văn chương nghệ thuật với cách tiếp cận mới mẻ và táo bạo, kể cả nội dung, hình thức với phong cách riêng. Báo ra được một thời gian, được hoan nghênh chào đón nhưng tôi không hiểu vì lí do gì anh đã thôi tờ đó và “nhường” quyền cho người khác...

Làng văn Việt từng có những người làm báo rất giỏi như nhóm Tự lực văn đoàn, Vũ Bằng… Thời sau này do đặc thù riêng, những thủ lĩnh làng báo ngày càng hiếm đi nhưng tôi nghĩ nếu có một danh sách những người làm báo giỏi nhất thì Nguyễn Quang Thiều xứng đáng có một vị trí trang trọng.  

Khi Nguyễn Quang Thiều làm tờ Văn nghệ trẻ nó đã tạo được ấn tượng tốt và bán chạy. Một lần tôi nghe anh nói vui rằng,  nếu ai làm cho tờ Văn nghệ trẻ bán chạy được như hồi anh làm thì anh sẽ đi… giặt quần đùi cho người ấy! Tất nhiên đó chỉ là một câu nói đùa nhưng quả thực Nguyễn Quang Thiều là trong số ít người có tư duy làm báo sắc sảo và tập hợp được một đội ngũ tinh nhuệ xung quanh mình.

Thỉnh thoảng tôi có gặp Nguyễn Quang Thiều ở những buổi này nọ nhưng cũng chỉ nói với anh vài câu xã giao và quan sát anh ở khoảng cách vừa đủ. Tôi nghĩ đến những khoảng cách giới văn nghệ cần có với nhau. Đôi khi sự gần gũi quá chưa chắc đã là điều tốt, ở một điểm thích hợp chúng ta sẽ nhìn nhau rõ hơn, cũng như khách quan hơn trong đánh giá và cư xử. 

Tôi giữ khoảng cách vừa đủ với Nguyễn Quang Thiều nhưng vẫn cộng tác và đọc anh. Tôi thích xem những bức tranh nhiều màu sắc và ấn tượng của anh công bố trên mạng xã hội. Có lẽ với hội hoạ, Nguyễn Quang Thiều đã có thêm một đam mê mới và dành nhiều tâm huyết vào đó. 

Tôi cũng chú ý những bài viết của anh về các vấn đề xã hội, đó là suy nghĩ, trách nhiệm và nghĩa vụ công dân của văn nghệ sĩ trước thời cuộc. Cũng như Trần Đăng Khoa, Nguyễn Quang Thiều thẳng thắn và chừng mực với những bài viết của mình. Anh dũng cảm và đúng mực khi nêu ra quan điểm cá nhân trước những vấn đề nóng và phức tạp. 

Tôi nghĩ không ai có thể đứng ngoài những vấn đề nổi cộm và thiết thực của đời sống xã hội, các văn nghệ sĩ lại càng không, nhất là những người có ảnh hưởng tới công chúng. Vấn đề là cách thể hiện và thái độ của văn nghệ sĩ, sao cho những ý kiến đóng góp mang tính xây dựng, có lợi cho sự phát triển của xã hội, đất nước và không khoan nhượng với cái xấu, cái ác. Nguyễn Quang Thiều theo quan sát của tôi là người đã tròn vai trách nhiệm nghệ sĩ và trách nhiệm công dân của mình.

Tranh của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều.

Một lần tôi hỏi Nguyễn Quang Thiều khi nào thì anh mở triển lãm tranh của riêng mình. Anh bảo đã có dự định nhưng phải đợi đến lượt vì số người đăng kí rất đông. Ở Hà Nội luôn có một hàng dài những nghệ sĩ chờ đợi được mang tác phẩm của mình trực tiếp đến công chúng. 

Người ta đã biết nhiều đến thơ Nguyễn Quang Thiều nhưng có lẽ tranh Nguyễn Quang Thiều vẫn là vùng miền cần được chờ đợi và khám phá dù tranh của anh được nhiều người ưa thích và chọn làm bìa sách. Những bức tranh của anh nổi bật với những gam màu mạnh và những hình ảnh mang tính biểu tượng cao. Tôi nghĩ giữa thơ và tranh của Nguyễn Quang Thiều có nhiều điểm tương đồng.

Vài lần tôi đến trụ sở Nhà xuất bản Hội nhà văn để dự những buổi ra mắt sách ở cơ quan mà Nguyễn Quang Thiều làm lãnh đạo. Nếu lịch sử ngành xuất bản Việt Nam được viết kĩ lưỡng, tỉ mỉ và có những nhìn nhận thật khách quan, nhất là khi có độ lùi thời gian thì Nhà xuất bản Hội nhà Văn chắc chắn có những dấu ấn rất riêng biệt. 

Rất nhiều người viết muốn sách của mình được “chuẩn y” ở nơi này, và cũng rất nhiều tác phẩm cá tính, táo bạo cũng từ đây mà đến với đông đảo bạn đọc. Có được những kết quả và dấu ấn đó có một phần đóng góp của thủ lĩnh Nguyễn Quang Thiều. Tôi nhìn những quyển sách có lô gô của Nhà xuất bản Hội nhà văn và tôi biết các anh suy nghĩ và làm việc thế nào, có nhiều cuốn sách nặng kí, đáng đọc, đáng nhớ. 

Và một thời gian ngắt quãng với tờ Nghệ thuật mới, Nguyễn Quang Thiều từ khi về Nhà xuất bản lại chủ xướng một tờ mới là “Đọc và Viết” và cũng giành được sự quan tâm, yêu quý của bạn đọc. Tôi thích nhất Nguyễn Quang Thiều ở điểm này, vẫn là nơi ấy, chỗ ấy nhưng khi anh “cầm trịch” thì luôn có một luồng gió mới được thổi đến. Nguyễn Quang Thiều có nhiều ý tưởng, dồi dào năng lượng và sở hữu một đặc điểm mà rất ít văn nghệ sĩ có được: đó là tư chất “thủ lĩnh” và khả năng tổ chức rất tốt.

Nhưng dù thế nào thì Nguyễn Quang Thiều vẫn nổi bật là một nhà thơ đương đại với những dấu ấn rất đậm nét và khác biệt. Tôi đọc lại tập thơ “Sự mất ngủ của lửa” của anh và giật mình khi đọc bài thơ này:

“Trên con đường gồ ghề
Gió lạnh gào thét
Con bò cắm mặt bước
Kéo chiếc xe nặng nề
Người đàn ông chân đất
Cúi rạp đẩy xe
Và trên đống đá thùng xe
Người đàn bà ngồi im lặng
Chiếc khăn trùm đầu
Bọc một gương mặt đẹp

Gió lạnh lồng lộng bốn phía chân trời
Con bò nguyền rủa con đường quá dài
Người đàn ông nguyền rủa con bò đi quá chậm
Người đàn bà lặng lẽ quàng lại khăn
Che bớt gương mặt.”

(Cái đẹp)

Một ẩn dụ, biểu tượng của cái đẹp và có thể cũng chẳng phải thế. Tôi nghĩ Nguyễn Quang Thiều khi viết bài thơ này có lẽ anh không đơn thuần nghĩ đến cái đẹp. Nếu hiểu quá rõ ràng và trần trụi thì thơ ca đâu còn sự hấp dẫn nữa, nghệ thuật có những khoảng lặng, những ám ảnh, trăn trở nhiều khi khiến người ta không thể chịu nổi…

Và tôi nghĩ Nguyễn Quang Thiều đã nhiều lần mất ngủ vì lửa để có một con người anh như hôm nay.

Uông Triều
.
.
.