Người Việt Nam đầu tiên trở thành Viện sĩ Viện Hàn lâm Pháp

Thứ Ba, 10/05/2016, 12:25
Đầu thế kỷ XX có một người Việt là ông Đào Thái Hanh được Viện Hàn lâm của nước Pháp bầu là Viện sĩ danh dự. Ông cũng là người đầu tiên ở nước ta được bầu làm Viện sĩ Viện Hàn lâm của nước ngoài. Đáng tiếc, trải qua hơn một thế kỷ, những công trình khoa học của ông vẫn chưa được ấn hành trở lại ở trong nước nên tên tuổi của ông gần như bị quên lãng theo thời gian.


Ông Đào Thái Hanh sinh ngày 24 tháng 2 năm 1871 tại làng An Tịch, tổng An Hội, huyện An Xuyên, phủ Tân Thành, tỉnh Sa Đéc (nay thuộc xã An Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp) trong một gia đình quan lại, trí thức Nho học. Ông nội là Đào Văn Quế, làm quan, được phong Hàn lâm viện thuỷ độc học sĩ, cha là Đào Văn Chung được thụ hàm Thái thường tự khanh.

Theo truyền thống gia đình, thuở nhỏ ông học chữ Hán do người cha dạy. Và ông đã được trang bị một nền tảng Hán văn khá vững chắc, giúp ông thuận lợi trong công việc nghiên cứu văn hoá về sau. Nhưng giai đoạn này là thời buổi Nho học đã suy tàn. Người Pháp sau khi chiếm và đặt bộ máy thống trị lên vùng đất Nam Kỳ, đã ra sức xoá bỏ nền giáo dục phong kiến và truyền bá nền giáo dục nước Pháp. Khoa thi Hương cuối cùng ở Nam Kỳ được tổ chức tại An Giang năm 1864. Sau đó nền giáo dục Hán học của chế độ phong kiến cáo chung và được thay thế bằng hệ thống trường học do người Pháp xây dựng.

Trong bối cảnh đó, để có thể bắt nhịp với thời thế mới, gia đình đã tạo điều kiện để ông theo học chữ Quốc ngữ và tiếng Pháp tại trường Pháp - Việt vừa được chính quyền thực dân xây dựng tại tỉnh lỵ Sa Đéc. Vốn tư chất thông minh và tinh thần hiếu học, ông đã tiến bộ rất nhanh và dần dần đi đến chỗ tinh thông Pháp văn và Quốc ngữ.

Ngựa trạm, một minh họa của họa sĩ Phùng Minh trong B.A.V.H.

Năm 1889, ra trường, ông bắt đầu mưu sinh bằng việc giữ chân Chánh thủ bộ cho làng An Tịch, chuyên lo giấy tờ, sổ sách. Hai năm sau (1891), ông tham dự và trúng tuyển trong kỳ thi tuyển công chức của chính quyền thực dân và được bổ nhiệm làm thư ký Sở Thương chánh Sài Gòn. Thời gian sau đó ông được thuyên chuyển xuống các tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau làm Thông sự rồi Thư ký. Cuối năm 1894, ông được điều ra miền Trung và bổ nhiệm làm Ký lục Toà sứ tỉnh Bình Định.

Con đường công danh của ông khá hanh thông vì ông là công chức có năng lực, nghiêm túc và mẫn cán. Năm 1902, ông được chọn làm thông dịch cho vua Thành Thái, năm sau được phong Hàn lâm viện Thị giảng và bổ nhiệm chức tri huyện. Năm 1906, ông được thăng tri phủ Cam Lộ (Quảng Trị), một năm sau nữa được đưa về Huế giữ chức Tham biện Cơ mật viện. Năm 1908, ông được bổ làm Thị lang Bộ Lại, đến năm 1911 thăng Tham tri Bộ Lại (tương đương Thứ trưởng Bộ Nội vụ ngày nay)…

 Đào Thế Hanh là công chức trong bộ máy chính quyền thuộc địa, nhưng đồng thời là một nhà nghiên cứu văn hoá, lịch sử có uy tín đương thời. Trong quá trình làm việc và thuyên chuyển qua nhiều địa phương ở Nam Kỳ, Trung Kỳ, ông có điều kiện đi "điền dã", xâm nhập thực tế, ghi chép được nhiều nguồn tư liệu ở hầu hết các lĩnh vực như tín ngưỡng, phong tục, nhân vật, truyền thuyết… Nhờ sự cần cù, tỉ mỉ ghi chép tư liệu và bằng kiến thức uyên bác, sự đam mê của mình, ông đã hoàn thành những bài nghiên cứu về lịch sử, văn hoá có giá trị. Đặc biệt ở mảng văn hoá dân gian, những bài viết của ông được giới học thuật lúc bấy giờ đánh giá là có những khám phá mới lạ, độc đáo và sâu sắc.

Trong thời gian làm việc ở kinh đô Huế, ông Đào Thái Hanh là một trong những người tham gia sáng lập và là hội viên của Hội "Những người bạn Huế xưa" (Association des amis du vieux Hué). Hội này xuất phát từ ý tưởng của một linh mục và học giả người Pháp là Léopold Cadière và được thành lập vào ngày 16 tháng 11 năm 1913. Hội đã cho xuất bản tập san mang tên "Những người bạn cố đô Huế" (Bulletin des Amis du Vieux Hué, viết tắt là B.A.V.H) do Léopold Cadière làm chủ bút (Tổng biên tập), đăng tải những bài nghiên cứu không chỉ về Huế mà cả triều Nguyễn và xứ An Nam thuộc Pháp trên tất cả các lĩnh vực văn hoá, lịch sử, địa lý, kinh tế...

Theo điều lệ của Hội đã quy định, các tác giả khi hoàn thành công trình nghiên cứu của mình đều phải tổ chức buổi trình bày trước tập thể thành viên của Hội, để các thành viên nhận xét, phản biện, góp ý để tác giả bổ sung, chỉnh sửa cho công trình hoàn thiện hơn, sau đó mới được đăng tải trên tập san B.A.V.H. Hầu hết các công trình đăng trên tập san này đều có độ dày cả trăm trang viết, như một cuốn sách thực thụ hoặc một luận án tiến sĩ chuyên ngành.

Tập san B.A.V.H xuất bản mỗi năm 4 kỳ, bắt đầu từ năm 1914 đến năm 1944 thì đình bản, hoạt động được 30 năm.

Trên tờ B.A.V.H. này, ông Đào Thái Hanh đã lần lượt công bố các bài viết của mình như: "Chuyện Thánh mẫu Y-a-na; Thánh mẫu Liễu Hạnh; Chuyện Thánh mẫu Thái dương phu nhân; Sự tích nữ thần; Ngài Phan Thanh Giản - Thượng thư An Nam (1796-1767)" v.v… Qua các chuyến đi xâm nhập thực tế ở các làng quê, ông đã tìm tòi, sưu tầm được những trang gia phả, tư liệu của các dòng họ, gia đình, những văn bia ở các đình chùa, truyền thuyết, giai thoại ở các vùng đất. Những tài liệu quý hiếm đó bằng chữ Hán hoặc chữ Nôm và được ông xử lý rất tốt. Ngoài ra ông còn đọc, tham khảo, đối chiếu các tác phẩm bằng Hán văn do các tác giả hoặc triều đại ở các thời kỳ lịch sử trước biên soạn lưu truyền. Vì vậy, những bài viết của ông về nhiều vấn đề trên các lĩnh vực đạt đến trình độ chuyên sâu của một chuyên gia, đặc biệt những bài viết của ông về văn hoá dân gian như thần tích, tục thờ cúng, văn bia, câu đối… trên tập san B.A.V.H. rất hấp dẫn, lôi cuốn người đọc.

Những công trình nghiên cứu văn hoá có giá trị, đặc biệt là văn hoá dân gian của Đào Thái Hanh được giới khoa học Pháp đánh giá rất cao. Ông đã được Viện Hàn lâm Pháp bầu chọn làm Viện sĩ danh dự vào năm 1910, khi ông mới 39 tuổi. Như vậy ông bước lên bậc thang tột đỉnh vinh quang trong nghiên cứu khoa học khi tuổi đời còn khá trẻ. Khi đã trở thành một "Viện sĩ" danh tiếng, ông vẫn không ngừng đi thực tế để sưu tầm, nghiên cứu về văn hoá, lịch sử và tiếp tục cho công bố những bài viết có giá trị trên tập san B.A.V.H.

Bìa một tập Đô thành hiếu cổ in năm 1933.

Năm 1915, ông được bổ nhiệm làm Tuần phủ Quảng Trị, hàm tòng nhị phẩm. Ông mất tại nhiệm sở vào ngày 16-1-1916 và được triều đình Huế truy tặng chức Thượng thư Bộ Lễ (Bộ trưởng Bộ Văn hoá), hàm chánh nhị phẩm. Tập san B.A.V.H đã có đăng bài viết đánh giá công lao nghiên cứu và sự gắn bó của ông với tờ tập san văn hoá, lịch sử ở vùng đất đế đô này: "…

Ông Đào Thái Hanh là Viện sĩ danh dự của Viện Hàn lâm Pháp từ năm 1910, là Hội viên của "Hội của những người bạn của Huế xưa" kể từ lúc mới thành lập ông không ngừng hoạt động tuyên truyền để tăng số người gia nhập và do đó để tăng nguồn lực lượng. Nhờ có tài thuyết phục được các vị Thượng thư của vương quốc An Nam quan tâm đến công trình của chúng ta. Ông còn là cộng tác viên cần cù của tập san và chúng ta nhờ vào ông mà có được những bài nghiên cứu hấp dẫn…".

Ngày nay việc sưu tầm, biên soạn và in thành sách các bài nghiên cứu của Đào Thái Hanh có lẽ là một việc làm cần thiết. Qua đó, giới thiệu cho hậu thế biết là vào đầu thế kỷ XX, có một người Việt Nam đã từng là Viện sĩ của Viện Hàn lâm nước Pháp, một nhà khoa học xã hội lẫy lừng.

Văn Thức - Văn Hào
.
.
.