Nghệ thuật đúc đồng Đại Bái thế kỷ XX

Thứ Năm, 23/07/2020, 09:00
Làng Đại Bái là một trong những làng đúc đồng có truyền thống lâu đời và đặc sắc, đồ thờ bằng đồng với nhiều mẫu mã đa dạng được thể hiện dưới nhiều hình thức đúc, chạm... tạo nên những sản phẩm đẹp, sắc nét, đạt chất lượng cao về kỹ thuật.


Thế kỷ XX thời kỳ đồ thờ bằng đồng phát triển và phong phú tiêu biểu như: Đỉnh đồng, bát hương, chân nến, mâm bồng, lọ hoa, chóe, đèn thờ...

Sự hình thành và phát triển làng nghề đúc đồng Đại Bái

Làng nghề đúc đồng Đại Bái hay còn gọi là làng Bưởi Nồi thuộc xã Đại Bái, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh. Ngôi làng nổi tiếng với những sản phẩm được đúc từ đồng như: Tượng đồng, đỉnh đồng, lư hương, lọ hoa, chân đèn, mâm bồng, chuông, khánh, tranh, câu đối… 

Theo các nguồn tài liệu và thư tịch cổ, nghề gò, giát đồng Đại Bái có từ đầu thế kỷ 11, ông tổ nghề là cụ Nguyễn Công Truyền (sinh năm 989, mất năm 1069). Khởi phát từ nghề đúc đồng thau, làng nghề được ông tổ nghề dạy cách đúc đồng làm các vật dụng đơn giản như thau, nồi, chảo…, dân làng tôn ông là "Tiền tiên sư", ông là người biết lo tổ chức sản xuất cho làng nghề và sáng tạo nhiều mẫu mã. 

Làng Đại Bái khi thành lập làng nghề có 4 xóm gồm: xóm Sơn, xóm Tây, xóm Giữa và xóm Ngoài. Thời kỳ đầu chỉ làm hàng gia dụng, đến thế hệ thứ 2 của làng nghề có 5 cụ người làng đỗ đạt tiến sỹ ra làm quan trong triều, quan tâm đến nghề của quê hương đã tổ chức thành lập các phường hội làng nghề, đi vào chuyên môn hóa. Kể từ đó 4 xóm làm 4 nghề khác nhau. Xóm Ngoài làm nghề gò nồi đồng, xóm Tây làm mâm, chậu, xóm Giữa làm cái siêu đun nước và niêu con, xóm Sơn làm âu đựng trầu và các đồ thờ.

Mâm đồng.

Ngày nay dù đã có sự thay đổi khi đưa các máy móc, khoa học vào nghề, nhưng 4 thôn vẫn phân nghề theo truyền thống xưa. Nhờ có sự phân công lao động như vậy mà Đại Bái qua từng thời kỳ vẫn phát triển, đạt đến chuyên môn hóa chặt chẽ. Những kỹ thuật luyện đồng, sản phẩm ngày càng đa dạng, tinh xảo, kỹ thuật luyện đồng, pha chế đồng đạt tới độ chuyên sâu, mang bí quyết riêng. 

Khi khách tham quan đến làng nghề Đại Bái có thể chiêm ngưỡng rất nhiều sản phẩm mỹ nghệ từ đồng, ngoài việc chế tác đồng thủ công truyền thống, với việc tiếp cận các công nghệ chế tác hiện đại, dập khuôn hình, đánh bóng, phủ màu, phủ PU, làng nghề Đại Bái đã tạo ra nhiều loại sản phẩm phong phú với mức độ chi tiết tinh xảo và năng suất cao được thị trường ưa chuộng. 

Nếu trước kia Đại Bái chỉ sản xuất đồ thờ cúng thì nay đã chuyển sang các mặt hàng như: các loại tượng đồng, đỉnh đồng, lư hương, tranh tứ quý, bình hoa, các bộ đồ trà, các bộ đồ thờ, tranh chạm khảm… đòi hỏi kỹ thuật, mỹ nghệ cao, được xuất khẩu sang thị trường một số nước ở khu vực châu Á, Đông Nam Á.

Vì vậy, các sản phẩm tại làng nghề Đại Bái luôn có giá thành tốt và sức bền cao, lưu giữ được giá trị nghệ thuật thông qua việc chế tác hoàn thiện sản phẩm bằng thủ công, công nghiệp. 

Được hình thành trên khả năng sáng tạo, năng lực kinh nghiệm, những bí quyết làng nghề được truyền giao trong gia đình từ đời này sang đời khác, đã tạo ra những tay nghề với khả năng chuyên môn hóa thủ công đúc, chạm đạt đến kỹ thuật cao, sự khéo léo, tinh tế thể hiện qua từng nét chạm từ những khâu làm khuôn mẫu, kỹ thuật đúc, phôi của nghệ nhân để đảm bảo các đường nét thể hiện được cái hồn của sản phẩm.

Qua những thăng trầm, hoạt động làng nghề ở Đại Bái ngày càng mở rộng và phát triển. Nghề thủ công truyền thống ở Đại Bái đang bước sang giai đoạn mới, góp phần nâng cao đời sống người dân làng nghề với những hợp tác xã, doanh nghiệp tư nhân lớn nhỏ cùng sự cải tiến kỹ thuật, tự trang, tự chế ra máy móc như máy cán, máy dập, máy đánh bóng… tìm kiếm thị trường xuất khẩu trong và ngoài nước.

Các sản phẩm đồ thờ bằng đồng ở làng Đại Bái

Qua từng giai đoạn lịch sử cho thấy các đồ thờ bằng đồng là những sản phẩm văn hóa, chứa đựng những ước vọng tinh thần truyền từ đời này sang đời khác, những đồ thờ đó mang trong mình yếu tố tín ngưỡng, tâm linh để tồn tại và minh chứng cho các giai đoạn lịch sử, gắn với những bước đi của xã hội người Việt đặc biệt là lịch sử văn hóa.

Đình đồng.

Từ thế kỷ 19 trở về trước, đồ thờ được làm bằng chất liệu không được bền và bị mai một đến ngày nay, đồ thờ lưu giữ còn lại không được nhiều, chỉ có thể tìm thấy các hiện vật đồ thờ qua Bảo tàng lịch sử Việt Nam và môt số di tích… 

Đồ thờ thế kỷ 16, 17 thường được làm bằng chất liệu gốm, gỗ như là bát hương, đèn thờ, lân đội đèn, lân thờ, đài thờ..., bát đựng quả, tam sơn... ngoài ra chuông đồng là một trong những hiện vật được lưu giữ và để lại đều mang những bút tích của lịch sử đầy đủ và nguyên vẹn nhất, đây là hiện vật có từ thế kỷ 10. 

Qua mỗi thời kỳ chuông đồng đều được biến chuyển và thay đổi để gắn với chặng đường của lịch sử và văn hóa Việt. Ngày nay, chất liệu đồng vẫn luôn là một trong những chất liệu được sử dụng và dùng phổ biến nhất trên đồ thờ.

Trong nhận thức của người Việt, những đồ thờ được đặt trên ban thờ ngoài là vật dụng để phục vụ tôn giáo, tín ngưỡng còn mang trong mình một sự linh thiêng nhất định, chính vì thế mà khi lựa chọn hay đặt để những đồ thờ đều thể hiện sự trang nghiêm, kính bái đến thần linh... những quan niệm đấy mà đồ thờ bằng đồng luôn là sự lựa chọn hàng đầu và được ưu tiên hơn cả so với các chất liệu khác. 

Đồ thờ bằng đồng tiêu biểu như: Đỉnh đồng, bát hương, chân nến, mâm bồng, lọ hoa, do nhu cầu sử dụng mà được bổ sung thêm nhiều đồ thờ khác như chóe, đèn thờ...

Nhìn chung, các sản phẩm đồ thờ bằng đồng ở làng Đại Bái phải gắn với nền kinh tế thị trường - mỹ thuật truyền thống của dân tộc, qua mỗi giai đoạn lịch sử nó lại có sự thay đổi khác nhau về hình dáng và họa tiết trang trí cho phù hợp hoàn cảnh lịch sử của đất nước và có ảnh hưởng phong cách thẩm mỹ giai đoạn đó. 

Xong việc ảnh hưởng mỹ thuật và kiểu dáng sản phẩm đồ thờ bằng đồng không có sự thay đổi rõ rệt như các sản phẩm mỹ thuật khác ở đình - chùa, một phần vì chức năng sử dụng của sản phẩm nhỏ. 

Từ thế kỷ 18 đến nay cho thấy sự thay đổi đa dạng và phong phú về mẫu mã, cũng như kiểu dáng sản phẩm, ngày một tinh xảo, họa tiết phong phú đáp ứng nhu cầu thẩm mĩ của nhiều tầng lớp xã hội trong cuộc sống.

Làng nghề Đại Bái ngày một phát triển mạnh, với nhiều hình thức phục vụ cộng đồng khác nhau, nhưng về cơ bản kiểu dáng, họa tiết và hoa văn trang trí chính thường vẫn sử dụng hình tượng truyền thống tứ linh, hoa lá, mây lửa…

Qua đó để thấy, từ nhiều ý nghĩa, quan niệm nghệ thuật trang trí đồ thờ bằng đồng ở làng Đại Bái thế kỷ 20 là sự chắt lọc về hình tượng, biểu tượng về tôn giáo, kết nối tư tưởng thẩm mỹ truyền thống của người Việt. 

Là một trong những làng đúc đồng có truyền thống lâu đời được hình thành và phát triển rộng rãi, phổ biến hơn ở các thời kỳ trước về mặt chất liệu, mẫu mã sản phẩm đa đạng và phong phú, nghệ thuật trang trí cũng như công năng sử dụng của sản phẩm đồ thờ bằng đồng với đời sống, văn hóa, tôn giáo tín ngưỡng. 

Vị trí đặt để của đồ thờ bằng đồng trên ban thờ phù hợp với từng di tích tôn giáo nó còn thể hiện sự linh thiêng, trang trọng, mang tư tưởng, ý niệm của con người đến thần linh.

Nguyễn Thị Thu Hương
.
.
.