Xuân về trên làng đúc đồng Ngũ Xã

Chủ Nhật, 01/02/2015, 13:59
Những ngày cuối năm này, làng nghề đúc đồng Ngũ Xã nức tiếng đất Kinh Kì lại “đỏ lửa”, hối hả phục vụ Tết Nguyên đán.
Rục rịch chuẩn bị Tết

Được ví là một trong tứ trụ tinh hoa bậc cao của Thăng Long xưa, làng đúc đồng Ngũ Xã nổi tiếng là nơi chuyên sản xuất và chế tác các loại đồ đồng tinh xảo, giàu tính nghệ thuật.

Làng nghề đúc đồng Ngũ Xã “đỏ lửa” đón Xuân.

Trải qua những thăng trầm của lịch sử, ngày nay chỉ còn 2 hộ còn bám trụ với nghề, đó là gia đình ông Nguyễn Văn Ứng và bà Ngô Thị Đan.

Đến thăm xưởng đúc đồng Ngũ Xã của nghệ nhân Nguyễn Văn Ứng (15 Hồng Hà, Yên Phụ, Tây Hồ, Hà Nội) vào thời điểm này, dễ nhận thấy không khí khẩn trương hoàn thiện các sản phẩm đồ đồng được đặt hàng phục vụ Tết Nguyên đán.

Một người thợ đang mài bóng sản phẩm.

Cả xưởng có khoảng hơn 20 nhân công và được phân công phụ trách các khâu riêng biệt, đảm bảo sự chuyên môn hóa trong quá trình sản xuất. Bởi lẽ, để làm ra một sản phẩm đồng đạt đến độ tinh xảo, phải trải qua nhiều công đoạn phức tạp, bao gồm: tạo mẫu, làm khuôn, nấu và rót đồng, hoàn thiện sản phẩm (sửa nguội, chạm khắc, lên màu).

Hầu hết các khâu đều được sản xuất thủ công, riêng chỉ có công đoạn mài đồng là sử dụng những chiếc máy mài.
Kế đến là khâu chạm khắc. Tay nghề người thợ quyết định hoàn toàn sản phẩm đẹp hay xấu nên công đoạn này thường được thực hiện bởi những người thợ có kinh nghiệm lâu năm.
Người thợ dùng các loại ve để chạm nổi các chi tiết, hoa văn trên sản phẩm. Công đoạn này mất rất nhiều thời gian vì cần tỉ mỉ từng chi tiết nhỏ.

Công đoạn nào cũng rất quan trọng và yêu cầu người thợ phải khéo léo, tỉ mỉ. Thông thường, mỗi người thợ chỉ làm tốt ở một công đoạn sản phẩm cho nên thành phẩm cuối cùng ra đời là công sức vất vả của cả một tập thể.

Sản phẩm đa dạng

Những vật phẩm đúc đồng của làng Ngũ Xã không chỉ nức tiếng trong nước mà còn được xuất khẩu ra cả nước ngoài. Bên cạnh các sản phẩm truyền thống như chuông đồng, tượng Phật, thạp trống đồng, đồ thờ… phục vụ cho nhu cầu tâm linh, các nghệ nhân còn tích cực sáng tạo, sản xuất nhiều sản phẩm mới với mẫu mã đa dạng.

Các sản phẩm đúc đồng của làng Ngũ Xã rất tinh xảo và đa dạng về chủng loại mẫu mã, từ đồ thờ cúng, đài rượu, mâm bồng…
… cho đến các loại tượng Phật.

Giống như mọi năm, những mặt hàng như chân nến, bát hương, đôi hạc, thạp đồng… khá chạy hàng vào thời điểm này. Đặc biệt năm nay, nắm bắt được nhu cầu thị trường, xưởng còn sản xuất cả linh vật Dê bằng đồng để khách trưng bày hoặc làm quà Tết, vừa “độc” lại quý.

Tuy nhiên, khách hàng muốn mua được sản phẩm ưng ý phải đặt trước đó vài tuần. Bởi lẽ, các khâu đều được làm thủ công, một sản phẩm tương ứng với một khuôn; làm một sản phẩm mới cũng đồng nghĩa với việc làm lại từ đầu nên tiêu tốn rất nhiều thời gian. Hơn nữa, các nghệ nhân làng đúc đồng Ngũ Xã rất cẩn thận, tỉ mỉ với từng “đứa con tinh thần” và cần thời gian chăm chút đến từng chi tiết nhỏ nhất để đảm bảo sản phẩm cuối cùng đạt tiêu chuẩn thẩm mĩ và chất lượng.

Nghệ nhân Nguyễn Thanh Tuấn (con trai của ông Nguyễn Văn Ứng) chia sẻ: “Đây là một công việc gắn với tâm linh nên nhu cầu của khách hàng là rất lớn. Đặc biệt, trong vài năm trở lại đây, đời sống của người dân khấm khá nên nhu cầu sử dụng và “chơi” đồ đúc cũng tăng mạnh. Vì thế, quanh năm xưởng nhận được lượng đơn đặt hàng ổn định, làm không hết việc, đặc biệt là dịp gần Tết”.

Còn đó những trăn trở

Tuy làng đúc đồng Ngũ Xã hiện vẫn đang được duy trì nhờ cái tâm và cái tài của những nghệ nhân nhưng nỗi trăn trở để làng nghề không bị mai một luôn bài toán nan giải.

Trước hết, nghề đúc đồng được xem là một nghề thủ công vừa phức tạp lại tiềm ẩn nhiều rủi ro bởi những người thợ theo nghề thường xuyên phải tiếp xúc với lửa than và bụi đồng bắn ra.

Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất vẫn là vấn đề truyền nghề và đào tạo nguồn nhân lực. Ông Ứng đã từng nhấn mạnh rằng: Nghề đúc đồng là một nghề khó lại vất vả, muốn gắn bó lâu dài với nghề điều kiện tiên quyết là phải có niềm đam mê. Yêu cầu kế đến là sự kiên trì, cẩn thận, tỉ mỉ và kinh nghiệm trên từng công đoạn.

Xưởng của nghệ nhân Nguyễn Văn Ứng ngoài một số thợ lớn tuổi có thâm niên hơn chục năm đóng vai trò mấu chốt, còn lại hầu hết là những thợ trẻ, vừa làm vừa đào tạo.

Nghề đúc đồng đòi hỏi người thợ phải có niềm đam mệ, sự kiên trì, tỉ mỉ trong từng công đoạn.
Anh Tuấn tâm sự, đào tạo nên một người thợ lành nghề rất khó và phải mất rất nhiều thời gian. Bởi, để làm một sản phẩm từ đầu chí cuối phải trải qua rất nhiều khâu, từ đơn giản đến phức tạp. Mỗi người thợ để làm tốt được một công đoạn cũng đã mất vài năm. Vì thế, có nhiều thợ trẻ sau một thời gian theo đuổi đành bỏ ngang do không chịu được vất vả và không đủ kiên nhẫn để học hết nghề. Cũng vì thiếu nhân lực nên mong muốn mở rộng cơ sở sản xuất phát triển làng nghề cũng trở nên khó khăn hơn.

Hàng ngày, từ 7h30 sáng đến 21h30 tối, những người thợ làng đúc đồng Ngũ Xã vẫn đang miệt mài bền bỉ bên những tác phẩm của mình, “giữ lửa” cho nghề tinh hoa. Đúng như những gì mà nghệ nhân Nguyễn Văn Ứng đã chia sẻ, nghề đúc đồng để cho ra các sản phẩm hoàn mỹ tinh xảo là cả một nghệ thuật được chắt lọc từ nhiều kiến thức khác nhau từ văn hóa, tôn giáo, hội họa, kỹ thuật… và hơn hết là cái tâm của người làm nghề.

Một mùa xuân nữa sắp tới, tin rằng với đôi bàn tay tài hoa và sự kiên trì, tỉ mỉ, những người thợ đúc đồng làng Ngũ Xã sẽ tiếp tục làm dầy lên trang sử của mảnh đất Thăng Long ngàn năm văn hiến và lưu giữ nét hồn dân tộc.

Khánh Linh
.
.
.