Nghệ sĩ Kim Sinh: Vinh quang từ vực sâu bất hạnh

Thứ Ba, 18/09/2018, 07:53
Trong làng cải lương, đặc biệt là ở miền Bắc, không ai không biết đến tên tuổi nghệ sỹ khiếm thị Kim Sinh. Nhiều người từng là học sinh của ông và cũng đã trở nên nổi tiếng từ lâu. Ông là thần tượng của mọi nghệ sỹ cải lương lứa đàn em, đàn con, cháu.


Nhắc đến Kim Sinh, người ta còn nghĩ đó là một kho báu làn điệu dân ca, đặc biệt là cải lương. Sẽ là một thiếu hụt cho những bạn trẻ muốn trở thành nghệ sỹ cải lương giỏi mà chưa được thụ giáo nơi ông, hoặc ít nhất được một lần tiếp xúc, nghe ông đàn, ca. Ông lại càng được nhiều người trân trọng hơn khi được biết, ngay từ lúc mới được 3 tháng tuổi, ông đã bị cướp đi ánh sáng nơi đôi mắt. Từ đó, cuộc đời ông hoàn toàn ngụp lặn trong bóng tối với bao nhiêu cay đắng, tủi cực.

Một ngày mùa đông rét như cắt ruột năm 1932, Kim Sinh ra đời ở phố Thể Giao (Hà Nội). Mẹ ông khi đó bán hàng xén ở Chợ Hôm. Lúc Kim Sinh mới được 3 tháng tuổi thì bị mù sau một trận đau mắt. Người mẹ một tay bồng con, một tay ôm chặt lấy chân giường khóc liền cả tuần. Thấy cảnh tượng này, người cha của Kim Sinh nói với bà hãy dứt tình, đưa thằng con xấu số vào nhà thờ cho các bà xơ nuôi hộ.

Bà nói với chồng: “Nó là con tôi. Nó có thế nào tôi cũng nuôi nó, không thể bỏ cho ai. Ông không muốn nuôi thì đi đâu cứ đi, mặc kệ tôi”. Thế rồi người cha của Kim Sinh bỏ đi thật, không bao giờ trở lại. Từ đó, bà ở vậy, tảo tần nuôi Kim Sinh lớn lên. Việc người cha rũ bỏ trách nhiệm với đứa con mù, mẹ không cho Kim Sinh biết. Cậu hỏi thì mẹ nói là cha đã mất.

NSƯT Kim Sinh.

Sau này nghe người khác nói rõ sự thật, cậu càng thương mẹ hơn. Đến khi Kim Sinh trưởng thành rồi lấy vợ, có con, mỗi khi con mình có biểu hiện không phải với mẹ chúng, ông rất nghiêm khắc uốn nắn trong khi dễ dàng bỏ qua khi chúng chưa ngoan với mình. Hình ảnh người mẹ của Kim Sinh đã đi suốt cuộc đời ông. Khi trở thành nghệ sỹ nổi tiếng, mỗi khi biểu diễn ở đâu, gặp tiết mục liên quan đến hình tượng người mẹ, lúc đàn, hát, ông vẫn ứa lệ nghẹn ngào.

Do nghèo mà Kim Sinh sớm phải cùng mẹ lang thang kiếm sống. Đó là những ngày tháng ông tiếp xúc với nhiều tầng lớp bần hàn, lam lũ. Cậu bé mù đã từng tìm đến khu vực Vĩnh Hồ để học làm thầy bói. Nhưng những tiếng đàn, hát của những người xẩm lại lôi cuốn và đánh thức khát vọng đến với âm nhạc của cậu. Khi chuyển về cư trú tại xóm Đình Phủ (Khâm Thiên, Hà Nội), cậu có dịp ở gần những nghệ sỹ cải lương nổi tiếng khi ấy là Bích Thuận, Tường Vi.

Thế là ngày ngày, nghe những đĩa hát cải lương từ bên nhà hai nghệ sỹ này vọng sang, cậu đã ngấm dần vào máu để làm hành trang theo suốt cuộc đời. Cũng từ lúc này, cậu trỗi dậy nhu cầu học đàn. Do không có tiền mua nổi đàn nên cậu đã tự tạo từ chiếc hộp xi đánh giày. Khâm Thiên ngày xưa là khu nổi tiếng về hát cô đầu (ả đào) nên Kim Sinh cũng nhanh chóng thẩm thấu những âm hưởng của làn điệu đặc biệt này. Về sau, được mẹ cho tiền mua giày, Kim Sinh đã đổi lấy chiếc đàn tứ mới của một ông đồ nho ở ngõ chợ Khâm Thiên.

Thế là cậu lao vào học đàn, tìm đến ngõ Vạn Thái ở phố Bạch Mai cũng là một chốn cô đầu nổi tiếng ở Hà Nội lúc bấy giờ để học. Do có ông ngoại biết đánh được nhiều thứ đàn dân tộc, lại vốn đam mê nên cậu học đàn khá nhanh, sớm có thể biểu diễn độc lập. Lớn hơn một chút, cậu tìm dến một ông thầy cũng tên Sinh ở ngõ chợ Khâm Thiên học hát văn. Gánh hát Huỳnh Lan Anh có tiếng ở Hà Nội khi ấy đã mời cậu vào làm diễn viên. Cậu được trả lương hậu vì đảm đương được nhiều vai trò: Đánh được nhiều loại đàn, lại hát hay cả vọng cổ lẫn tân nhạc.

Nghe tên tuổi những nghệ nhân hát ả đào nổi tiếng khi đó là Quách Thị Hồ, Trần Thị Phúc, cậu tìm đến học và tiếp thu rất nhanh. Lúc này, có một gánh hát khác của bà Nguyễn Thị Hoàn hội tụ nhiều người tài danh trong lĩnh vực cải lương nên Kim Sinh đã rời gánh Huỳnh Lan Anh để đầu quân. Quả là sau một thời gian ngắn, ở gánh hát này, Kim Sinh đã học hỏi và tích lũy được khá nhiều vốn liếng.

Sau ngày hòa bình lập lại trên miền Bắc (1954), Kim Sinh làm việc ở Đoàn Cải lương Kim Chung, về sau đổi tên thành Chuông vàng Thủ đô (rồi gộp với Đoàn Kim Phụng và Đoàn Hoa Mai của tỉnh Hà Tây cũ thành Nhà hát Cải lương Hà Nội). Ông vừa là diễn viên đệm đàn, vừa hát vọng cổ và sáng tác nhạc cho nhiều vở cải lương nổi tiếng như “Bạch Viên Tôn Các”, “Bạch Xà nương”, “Thoại Khanh - Châu Tuấn”…

Ông cũng cộng tác với Đài Tiếng nói Việt Nam liên tục trong nhiều năm, chủ yếu là đệm đàn cho ngâm thơ và hát dân ca. Ông sử dụng được nhiều nhạc cụ dân tộc như bầu, nhị, thập lục, tứ, nhưng sở trường và điêu luyện nhất là hai thứ đàn đáy và đàn nguyệt.

Nghệ sĩ Kim Sinh luôn có người đẹp ở bên.

Trong kho băng của Đài Tiếng nói Việt Nam, hàng nghìn bài thơ do các nghệ sỹ Trần Thị Tuyết, Tường Vi, Linh Nhâm, Vũ Kim Dung, Kim Cúc... thể hiên được thính giả mến mộ có công sức rất nhiều bởi sự phụ họa của Kim Sinh bằng tiếng đàn ngọt lừ, đầy sức mê hoặc, quyến rũ.

Kim Sinh có cuộc sống có thể nói lúc nào cũng nghèo khó, mặc dù tiền “cát-sê” người ta trả ông không đến nỗi nào do quá đông con. Được Nhà nước phong danh hiệu NSƯT ngay từ đợt đầu tiên (năm 1984), ông được phân một căn hộ. Nhưng phải bán, chia cho các con để lại phải ở chui rúc. Người nghệ sỹ tài danh khiếm thị này có hai thứ luôn thay đổi: Vợ và chỗ ở. Cứ lâu lâu, chừng vài năm không có dịp gặp ông, đến lúc gặp, tôi lại thấy ông sống với một người phụ nữ khác tại chỗ ở khác.

Tôi chỉ được gặp, chuyện trò với một người trong số đó. Chị có tên Huyền, cũng khiếm thị, làm nghề bán thuốc Tây ở chợ Đồng Xuân. Khi ấy, Kim Sinh sống trong một căn gác nhỏ tại phố Hàng Giầy. Thế rồi một thời gian sau, tôi lại nghe nói ông không ở đó nữa. Tôi cũng là một cộng tác viên chuyên ngâm, đọc thơ cho Đài Tiếng nói Việt Nam trong nhiều thập niên nên được làm việc nhiều với Kim Sinh, từ đó mà trở nên thân thiết, thành bạn vong niên.

Ông đã có lần “khai” với tôi về đời sống riêng tư: Có 4 người vợ chính thức - nghĩa là có đăng ký kết hôn. Ngoài ra, những mảnh tình của ông thì không sao có thể nhớ. Do đàn ngọt, hát hay lại luôn vui vẻ, tận tình chỉ bảo bất cứ ai có ý thụ giáo, dù lâu dài hay chỉ vài buổi ông cũng truyền dạy tận tụy, hết mình, lại có ngoại hình ưa nhìn nên nhiều chị em - đặc biệt là học trò - luôn sẵn sàng “xin chết”.

Kim Sinh chỉ bị hỏng mắt nên luôn phải đeo chiếc kính đen xì, còn thì rất bảnh trai với mái tóc dày, bềnh bồng lượn sóng, chiếc mũi thanh, gọn, dáng người thanh mảnh “hào hoa phong nhã” và đặc biệt là cái miệng rất duyên và hóm, khi “phun châu nhả ngọc” thì như rót mật ong vào tai các người đẹp.

Ông kể rằng cha mẹ đặt tên cho mình là Kim, mới 15-16 tuổi đã phải lòng một cô gái tên Sinh nên lấy luôn nghệ danh là Kim Sinh. Năm 19 tuổi đã lấy cô vợ đầu tiên tên Vương mới có 14 tuổi, rồi sinh liền tù tỳ 6 đứa con. Khi ông đầu quân cho gánh Minh Châu ở Hải Phòng, thấy xung quanh chồng mình luôn có các cô đào trẻ đẹp vây quanh, người vợ này đã bỏ Hà Nội theo chồng xuống đất Cảng để… giữ chồng vì nguy cơ có thể mất bất cứ lúc nào.

Một trong 4 người vợ chính thức của Kim Sinh có tên Bích Hợp đã từng bất chấp ông bị mù, rất đông con, lại bị gia đình đe sẽ từ, vẫn chủ động “tấn công” nghệ sỹ rồi cầm tay ông để ký vào tờ đăng ký kết hôn. Họ đưa nhau về sống trong một căn hộ nhỏ xíu, lụp xụp tại 46 Hàng Bồ (Hà Nội).

Chính Kim Sinh cho đến những năm tháng cuối cùng cũng không thể nhớ hết những phụ nữ đã đi qua cuộc đời mình. Có người chỉ sống với nhau được… vài tháng. Nhiều vợ và người tình như vậy nhưng những năm tháng cuối đời, Kim Sinh vẫn lẻ bóng, chỉ làm bạn với những cây đàn.

Kim Sinh chẳng những nổi tiếng ở trong nước mà nhiều nước trên thế giới đã biết đến và từng mời ông sang nước họ biểu diễn hoặc thu đĩa như  Mỹ, Nhật Bản, Thụy Điển, Na Uy, Phần Lan… Ở đâu, ông cũng được mến mộ đặc biệt. Từ ông, nhiều nước trên thế giới đã biết đến nền âm nhạc cổ truyền đặc sắc và văn hóa độc đáo của Việt Nam.

Ông qua đời ngày 18-1-2015.
Nguyễn Đình San
.
.
.