Nghệ sĩ Linh Huyền và ước mơ đưa cải lương ra thế giới

Thứ Bảy, 19/05/2018, 09:04
Nghệ sĩ Linh Huyền không chỉ là tác giả của nhiều vở cải lương được người trong giới công nhận có chất lượng tốt mà còn là giám đốc Công ty Mekong Artists – đơn vị sản xuất nhiều chương trình nghệ thuật được chú ý ở trong và ngoài nước.

Nhưng Linh Huyền vẫn chia sẽ rằng chị cảm thấy hổ thẹn vì những gì chị đã làm mới là bảo tồn, chứ chưa thực sự góp phần phát triển cải lương nói riêng, phát triển nghệ thuật truyền thống nói chung.

Nhắc tới Linh Huyền, người yêu nghệ thuật sân khấu Cải lương nhớ ngay đến nhiều vở diễn mà chị là tác giả: Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nữ sĩ Sương Nguyệt Anh, Bà chúa thơ Nôm…  

Với khán giả trong nước, đặc biệt là du khách nước ngoài, nữ nghệ sĩ là nhà sản xuất được yêu mến bởi khá nhiều chương trình ăn khách: Hồn Việt (The Soul of Viet Nam), Chất Ngọc không tan, Trúng độc đắc, Sắc âm hòa nhịp hùng ca...

Dù được cho là nhà sản xuất khá thành công song thực tế, không ít lần, khi chia sẻ về những công việc nói trên, nghệ sĩ Linh Huyền đều chia sẻ rằng, chị dành nhiều tâm huyết và nỗ lực cho các chương trình, vở diễn chỉ vì tiếc vốn quý của cha ông. 

Thời kỳ “Hồn Việt” đang nổi tiếng, được khen ngợi nhiều, là một trong những chương trình biểu diễn nghệ thuật truyền thống tiêu biểu trên cả nước trong hoạt động phục vụ khách du lịch, chúng tôi cứ ngỡ chị sẽ có thành công về doanh thu. 

Thế nhưng, nữ nghệ sĩ lại cho hay, để duy trì các suất diễn, chị vẫn phải trông chờ vào nhà tài trợ. Nếu họ “buông tay”, hoặc cắt giảm một nửa kinh phí hỗ trợ là rất lao đao.

Nghệ sĩ Linh Huyền trong buổi công bố dự án bảo tàng cải lương có vốn đầu tư 100 tỷ.

Riêng với sân khấu cải lương, chị chưa bao giờ thôi tiếc nuối thời hoàng kim của bộ môn nghệ thuật này. Chị chia sẻ rằng, đã có những thời điểm, cải lương có đến hơn 80 đoàn lớn nhỏ, hoạt động rất sôi nổi và chỉ có những vở được dư luận đánh giá cao, có tiếng vang lớn, mới được đài truyền hình danh tiếng hoặc hãng đĩa uy tín đề nghị thu âm, thu hình để phục vụ đa số quần chúng mộ điệu. 

Còn hiện nay, cải lương trở nên thiếu chuyên nghiệp. Công nghệ kỹ thuật số mang lại nhiều thuận lợi nhưng cũng khiến những sản phẩm vô thưởng vô phạt, thượng vàng hạ cám đều được phổ biến mang danh cải lương. 

Thầy tuồng tức soạn giả xưa, đa phần là những nhà mô phạm, mỗi tác phẩm ra đời đều mang tính giáo dục cao về thẩm mỹ, thuần phong mỹ tục, văn hoá ứng xử… 

Họ gián tiếp định hướng đạo đức xã hội, còn ngày nay, soạn giả thực tài hiếm hoi. Nghệ sỹ của thế hệ trước, đa phần được đào tạo kỹ lưỡng, khi thành thục mới được cho vào các đoàn hát để thực tập. 

Ngày nay, do không còn nhiều lò đào tạo nữa nên đa phần người trẻ mới hát được vài bài dễ nhất đã được tung lên sân khấu. Sự thưa thớt các rạp hát cũng là nguyên nhân khiến cho nghệ thuật cải lương truyền thống thiếu cơ hội phát huy. Chưa kể, nghệ sỹ phần lớn chỉ dành thời gian tham gia hát xướng vào những sự kiện, hội hè, tiệc tùng… 

Thỉnh thoảng được mời tham gia vở diễn thì lại không đảm bảo thời lượng tập dượt, học lời thoại dẫn đến tình trạng hát nhép, biểu diễn không chặt chẽ, gây những hiện tượng phản cảm với người mộ điệu…

Từ chỗ nỗ lực làm nghệ thuật vì thương tiếc vốn quý của cha ông, đến nay,  nghệ sĩ Linh Huyền đã có khá nhiều thành tựu. Trong đó, tác phẩm “Bà Chúa thơ Nôm” phụ đề tiếng Anh, đã có hơn 2.000 lượt khán giả yêu thích. 

Chương trình “Hồn Việt” được khách du lịch đánh giá cao, thuộc Top các chương trình được yêu thích nhất. Hiện tại, hàng loạt dự án cho cải lương đã, đang được Linh Huyền tích cực triển khai. 

2 tác phẩm nhạc kịch theo thể loại mới không lời thoại, dự kiến sẽ lên sàn tập vào tháng 6-2018 và chuẩn bị tham gia Festival Opera tại Italia, Hội diễn sân khấu cải lương vào tháng 9- 2018 tại Long An: “Tiếng trống Mê Linh”, “Trường ca biển mặn”. 

Tác phẩm ca vũ nhạc kịch “Cải lương tôn bảo” mô tả quá trình hình thành và phát triển Cải lương, đánh dấu kỷ niệm 100 năm cũng sẽ dự kiến lên sàn dựng vào tháng 8- 2018. Đây cũng là hoạt động nhằm vận động quyên góp xây dựng bảo tàng cải lương - đề án xây dựng “Bảo tàng cải lương Nam bộ”. 

Theo kế hoạch dự kiến, bảo tàng xây dựng lại Tân Trụ, Long An, có vốn đầu tư khoảng 100 tỷ đồng. Ở đó, các hiện vật về cải lương được thiết kế trưng bày theo lối kể chuyện về nguồn gốc ra đời và sự hoàn thiện của nó. 

Đặc biệt, mô hình sân khấu opera La Mã thời phục hưng cũng được xây dựng trong khuôn viên bảo tàng với hy vọng sẽ mở ra một không gian nghệ thuật đẳng cấp quốc tế để chờ đón bạn bè khắp năm châu hội tụ trong lễ hội nhạc kịch được tổ chức tại Việt Nam trong tương lai. Đề án đang chờ cấp phép quy hoạch xây dựng. 

Ngoài ra, Linh Huyền còn đang ấp ủ dự định đưa cải lương ra nước ngoài và mơ ước một ngày, “nghệ sĩ opera phương Tây hát cải lương bằng ngôn ngữ Việt kỳ diệu. 

Lúc đó, những tích tuồng theo những trang sử huy hoàng, những cảnh sắc sinh hoạt muôn thuở của nhân dân ta được rập rình khoe sắc khắp năm châu!”. 

Với chị, đây không phải là mơ ước viển vông vì Linh Huyền đang làm việc trong tổ chức “Gustav Mahler Foundation” ở Italia. Chị đã có vinh dự được chia sẻ đóng góp giải pháp, định hướng phát triển cho bộ môn nghệ thuật cải lương theo đúng đường hướng mà chính phủ nước này đã và đang vận hành trên quê hương của họ. 

Tất nhiên, để mơ ước trở thành hiện thực, chị sẽ còn rất nhiều việc phải làm và Linh Huyền sẽ còn cần thêm sự chung sức, đồng lòng của nhiều người đã, đang dành nhiều tâm huyết cho bộ môn nghệ thuật truyền thống độc đáo này…

N.H.
.
.
.