Mấy bài thơ ít người biết của Thanh Tịnh và Nguyễn Bính

Thứ Sáu, 21/06/2019, 10:40
Sinh thời, nhà thơ Trần Lê Văn có lần nói với tôi về một bài thơ chữ Hán của nhà thơ Nguyễn Bính chưa in ở đâu, mà ông vừa tìm lại được trong sổ tay của mình...


1. Lâu nay, nói về thơ của nhà thơ Thanh Tịnh trước Cách mạng Tháng Tám, người ta thường nhắc đến loại thơ “lãng mạn” kiểu:

Em ơi nhẹ cuốn bức rèm tơ
Tìm thử chân mây khói tỏa mờ
Có bóng tình quân muôn dặm ruổi
Ngựa hồng tuôn bụi cõi xa mơ

(trong bài “Mòn mỏi”)

Hay:

Còn nhớ hôm xưa độ tháng rày
Cánh đồng xào xạc gió đùa cây
Vô tình thiếu nữ cùng ta ngắm
Một đoạn tơ trời lững thững bay

(trong bài “Tơ trời với tơ lòng”)

Hoặc:

Một hai sao nỡ dần dần
Ngày đi lặng lẽ đêm gần gần đây
Bàng hoàng gió gạt hương cây
Đêm mông lung rộng chăng mây kín trời

(trong bài “Chiều về”)

Người ta quên mất loại thơ “hiện thực” của ông vốn thấy không nhiều ở những nhà thơ cùng thời (ngoài những nhà thơ là chiến sĩ cách mạng).

Từ trái qua, nhà thơ Nguyễn Bính và nhà thơ Thanh Tịnh

Chưa biết tập thơ “Hận chiến trường” ra sao, vì sau khi in (1936) đến nay chưa tìm lại được. Mà theo các tác giả “Thi nhân Việt Nam (1932-1941)” là Hoài Thanh và Hoài Chân, hồi tập thơ này in, thì “người ta bỗng thấy trên mặt nước dựng lên một lâu đài xương máu, nhưng không ngờ ta tới nơi, nó lại biến đâu mất. Thì ra là một ảo cảnh”.

Tiêu biểu nhất trong loại thơ “hiện thực” bị lãng quên nói trên có lẽ là bài “Vàng, máu” in ở Hà Nội báo số 27, ngày 8-7-1936, ngày nay không mấy người biết. Với ngôn ngữ, giọng điệu cách đây gần một thế kỷ, bài thơ đã nhìn thẳng vào cuộc đời lam lũ cùng cực của những người lao động, mà ở đây là những người phụ nữ nghèo và thương xót họ, thông cảm với họ.

Bài thơ rất khó tìm, nên ghi lại đây để nhiều người cùng biết:

Vàng, máu

Nào những buổi bình minh nắng gội
Tắm góc rừng run rẩy dưới sương mai
Thì giữa ngàn cây thác đổ rền tai
Vài cô gái trần truồng bì bõm lội.

Mấy cô gái đãi vàng trên dòng thác
Giữa voi gầm, gió hú, hổ rình xa
Và giữa ngàn linh, rừng thẳm bao la
Đàn trăn lục lượm mồi trên nước bạc.

Nước lay đá, hâm hùng như say phản
Chần các cô bên mỏm đá nhám xanh,
Đoạn cuốn lôi theo gậm núi loanh quanh
Vung máu nhuộm hang sâu màu đỏ loãng!

Trong lúc ấy các ngai vàng chói lọi
Bốn phương trời rạng rỡ ánh kim thoa
Buổi tiệc đêm trong điện các hương pha
Nghìn thanh nữ đầy thân vàng loáng ngợi...

Hay thiếu phụ cõng con trên lưng nặng
Đãi cát vàng bên hóc núi cheo leo
Thấy vàng trôi, nàng hớn hở với theo
Vô ý ngã, con rơi, dòng lôi thẳng.

Nàng hoảng hốt đuổi vàng theo con dại
Thì bên chân vàng đứng, xoáy không trôi
Cúi lượm lên, nàng bỗng ngã: con ôi!
Nước lùa mẹ theo con, dòng thác chảy.
Trong lúc ấy các ngai vàng chói lọi
Bốn phương trời rạng rỡ ánh kim thoa
Buổi tiệc đêm trong điện các hương pha
Nghìn thanh nữ đầy thân vàng loáng ngợi...

2. Thơ của nhà thơ Nguyễn Bính trước Cách mạng Tháng Tám hầu hết đều buồn - nhất là thơ viết về mùa xuân, về ngày Tết là thời gian dành cho sum họp, đoàn tụ... Chỉ một lần duy nhất, có một bài thơ, nhà thơ cho thấy mình vừa vui, vừa hóm hỉnh, dí dỏm - ngay giữa những ngày xuân. Ấy là bài này:

Bướm đi chợ

Có hai chị bướm đi chơi chợ
Chị áo hồ lơ, chị áo điều
Chị áo hồ lơ thầm hỏi bạn:
“Mùa xuân mày biết giá bao nhiêu?”
Chị áo điều nghe, cười ngặt nghẽo:
“Mùa xuân đắt lắm, cô mình ơi!
Trăm quan hồ dễ mà mua được!
Cố áo mà mua, tớ chịu thôi!”

Bài này tôi lấy ở bản chụp lại bản viết tay của chính nhà thơ Nguyễn Bính, có chỗ khác bản đã in trong tập thơ “Một nghìn cửa sổ” (1941).

Bài thơ có những chữ lâu nay không dùng hoặc ít được dùng, các bạn trẻ bây giờ khó biết, tôi ghi lại đây:

“Áo hồ lơ”: áo màu trắng đã giặt sạch, ngâm vào chậu nước có mảnh giấy thấm màu xanh loãng, cho đẹp.

“Áo điều”: áo màu đỏ tươi (ca dao: nhiễu điều phủ lấy giá gương...).

“Quan”: một đơn vị tiền tệ ngày trước (Thơ Nguyễn Bính: “Một quan là sáu trăm đồng/ Chắt chiu tháng tháng cho chồng đi thi”).

“Hồ dễ”: đâu dễ, chẳng dễ.

“Cố”: gán một vật để lấy tiền, như cầm trong “cầm đồ” hay dùng bây giờ.

3. Sinh thời, nhà thơ Trần Lê Văn có lần nói với tôi về một bài thơ chữ Hán của nhà thơ Nguyễn Bính chưa in ở đâu, mà ông vừa tìm lại được trong sổ tay của mình. Nhà thơ Trần Lê Văn cho biết, vào khoảng những năm 1956-1957, Nguyễn Bính đã đọc và ông ghi lại bài thơ này:

Phiên âm

Vô đề

Thiên nhai hải giác nhất phiêu bình
Hữu thử tài năng lụy thử sinh
Thư tác lữ trung vô nhạn túc
Nguyệt trầm song ngoại sổ kê thanh
Hương lân cửu biệt quy nan đắc
Đô thị trường lưu mộng bất thành
Cô quán tài thi cô bút tại
Khiêu đăng đảo chẩm đáo thời minh.

Dịch xuôi

Chân trời góc bể lênh đênh một cánh bèo
Có tài mà vất vả suốt một đời!
Thư viết trong quán trọ mà quán trọ không có chim nhạn (để nhạn đem thư đi)
Trăng chìm ngoài cửa sổ, nghe có mấy tiếng gà gáy
Xa hàng xóm lâu ngày, mà khó được về.
Sống lâu ở thành thị mà mộng chẳng thành
Tài thơ trong quán vắng chỉ có một cây bút (chỉ có một mình ta)
Khêu đèn, trở gối cho đến sáng.

Xin lưu ý là ở đây tôi chỉ dịch xuôi qua bản phiên âm, nhà thơ Trần Lê Văn không có bản chữ Hán, mà Hán ngữ nhiều chữ “đồng âm dị nghĩa”, nên có chỗ chưa hẳn đã hoàn toàn chuẩn xác.

Tôi thấy nhà thơ Trần Lê Văn đã dịch khá hay bài thơ này:

Chân trời góc bể chiếc bèo trôi
Mang nghiệp tài năng lụy một đời
Nhà trọ thư đề, chân nhạn vắng
Song ngoài gà gáy bóng trăng lui
Xa lâu hàng xóm, về không tiện
Ở mãi đô thành, mộng cũng vơi
Quán lẻ làm thơ, ngòi bút lẻ
Khêu đèn trằn trọc sáng chưa thôi

4. Nhà thơ Nguyễn Bính còn một bài thơ nữa cũng rất ít người biết. Tôi có được là do một sự tình cờ, đọc trong sổ tay của nhà soạn kịch Trúc Đường - anh ruột nhà thơ Nguyễn Bính - sau khi ông qua đời. Bài thơ này, có thể mới chỉ là phác thảo, nhà thơ chưa ưng ý, nên mới chỉ có phiên âm, không có dịch xuôi và dịch thơ, chưa rõ viết lúc nào, đề tặng ai (và cũng không có bản chữ Hán). Tôi xin làm hai phần còn thiếu này để giới thiệu một kỷ niệm của Nguyễn Bính:

Dịch xuôi:

Tôi là người thăng trầm, lưu lạc
Hôm nay rất vui được gặp anh trong xóm núi
Anh về, tôi chẳng biết tặng gì
Chỉ có mấy câu thơ gửi người mà tôi kính trọng.

Dịch thơ:

Sướng vui, đau khổ đã từng
Một ngày bản vắng vui mừng gặp anh
Chia tay, chỉ có lòng thành
Thơ dăm ba chữ loanh quanh làm quà!

Hồng Diệu
.
.
.