Kỷ niệm 110 năm ngày sinh và khánh thành Nhà tưởng niệm Trung tướng Nguyễn Bình

Thứ Bảy, 28/07/2018, 18:00
Sáng 28-7, Huyện ủy, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên tổ chức Lễ kỷ niệm 110 năm ngày sinh (30/7/1908-30/7/2018) và khánh thành Nhà tưởng niệm Trung tướng Nguyễn Bình. 


Đến dự buổi lễ có các đồng chí: Thượng tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an; Thượng tướng Phạm Thanh Ngân, nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam; Đỗ Tiến Sỹ, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên; Trung tướng Hoàng Xuân Chiến, Uỷ viên Trung ương Đảng, Tư lệnh Bộ đội Biên phòng; Nguyễn Văn Phóng, Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên.

Tại buổi lễ, các đại biểu đã cùng ôn lại thân thế sự nghiệp cách mạng của Trung tướng Nguyễn Bình và quá trình xây dựng nhà tưởng niệm. 

Trung tướng Nguyễn Bình (tên khai sinh là Nguyễn Phương Thảo), sinh ngày 30-7-1908 tại thôn Yên Phú, xã Tịnh Tiến (nay là xã Giai Phạm), huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên. Đồng chí lớn lên trong một gia đình yêu nước, ở miền quê giàu truyền thống văn hiến và cách mạng. 

Từ nhỏ, Nguyễn Phương Thảo đã sớm bộc lộ là người thông minh, nhanh nhẹn, ham học, ham đọc sách, báo và luyện tập võ nghệ, sớm hình thành tư tưởng yêu nước và tinh thần cách mạng. Lớn lên, bằng tình yêu quê hương, đất nước, chí căm thù giặc sâu sắc và một trí tuệ nhạy bén, tài thao lược quân sự đã đưa Nguyễn Phương Thảo trở thành người chiến sĩ cách mạng kiên trung, quả cảm, một tướng chỉ huy tài tình của Quân đội và của cách mạng Việt Nam.

Bộ trưởng Tô lâm cùng các đại biểu cắt băng khánh thành Nhà tưởng niệm Trung tướng Nguyễn Bình

Đồng chí Nguyễn Bình tham gia các mạng từ khi mới 16 tuổi. Sau khi bị đuổi học ở Hải Phòng vì tổ chức để tang cụ Phan Chu Trinh, đồng chí vào Nam làm việc. Năm 1928, xứ bộ Việt Nam Quốc dân Đảng Nam kì được thành lập, hoạt động với tôn chỉ “dân tộc độc lập, dân quyền tự do, dân sinh hạnh phúc”, trung tướng Nguyễn Bình được bầu vào Ban chấp hành xứ bộ. 

Năm 1929, Trung tướng Nguyễn Bình bị bắt, bị kết án 5 năm tù và đày ra Côn Đảo. Năm 1935, mãn hạn tù, trở về quê nhà, tuy bị quản thúc nhưng ông vẫn nuôi ý chí cách mạng, bí mật xây dựng Đông Triều làm căn cứ chống Pháp. Khoảng năm 1941-1942, đồng chí được tổ chức Đảng và Việt Minh giao cho nhiệm vụ mua vũ khí chuẩn bị cho tổng khởi nghĩa. Đồng chí đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đồng thời còn vận động binh lính các đồn Thủy Nguyên, Cửa Ông, thị xã Kiến An cung cấp vũ khí.

 Đêm ngày 12-3-1945, đồng chí trực tiếp chỉ huy đánh trận đồn Bần Yên Nhân, thu được nhiều thắng lợi. Trận đánh đồn Bần được Đại tướng Võ Nguyên Giáp đánh giá là trận đánh kiểu mẫu ở đồng bằng Bắc Bộ. Tháng 6, tháng 7-1945, đồng chí chỉ huy nhiều trận đánh lớn, thu được nhiều lương thực và vũ khí. Đồng chí chỉ huy giành chính quyền tại thị xã Quảng Yên, nơi duy nhất giành được chính quyền trước cách mạng tháng Tám năm 1945.

Do có biệt tài về quân sự, tháng 9-1945, đồng chí được Hồ Chủ tịch cử vào miền Nam lo việc thống nhất các lực lượng vũ trang tại chiến trường Nam bộ, được giao giữ chức Ủy viên quân sự Nam bộ kiêm Khu trưởng khu VII, rồi Tư lệnh Bộ Tư lệnh Nam bộ với toàn quyền quyết định các việc thuộc lĩnh vực quân sự tại Nam bộ. 

Trong những ngày đầu kháng chiến, tình hình Nam bộ hết sức rối ren, phức tạp, nhiều đảng phái, như lực lượng Bình Xuyên, Hòa Hảo và phải đối diện với một đội quân viễn chinh hùng hậu, Trung tướng Nguyễn Bình đã tìm mọi cách tập hợp các lực lượng kháng chiến dưới sự chỉ huy chung và nhanh chóng tổ chức một cuộc khánh chiến toàn lực, toàn diện. Đây là một công việc cực kỳ phức tạp, khó khăn. Nhưng biết dựa vào sức quần chúng, lấy chính nghĩa thu phục lòng người, đồng chí đã thành công trong sứ mệnh lịch sử này, góp phần thay đổi cục diện chiến trường có lợi cho ta, kìm hãm, đẩy lùi bước xâm lược của kẻ thù. Ngày 25-1-1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh phong quân hàm Trung tướng cho đồng chí Nguyễn Bình - đồng chí là Trung tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam. Tháng 9-1951, đồng chí hi sinh khi lên đường ra Bắc nhận nhiệm vụ mới. Tháng 2-1952, đồng chí được truy tặng Huân chương Quân công hạng Nhất, đồng chí là người đầu tiên trong Quân đội được nhận Huân chương cao quý này; đồng chí cũng được truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh và danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Các đại biểu dâng hương tưởng niệm Trung tướng Nguyễn Bình

Để tôn vinh sự nghiệp và những cống hiến to lớn đó, nhân dịp kỷ niệm 110 năm ngày sinh Trung tướng Nguyễn Bình, Nhà tưởng niệm Trung tướng Nguyễn Bình đã được xây dựng. Công trình được khởi công xây dựng tháng 2-2018, sau 6 tháng thi công, đến nay công trình đã hoàn thiện. 

Nhà tưởng niệm Trung tướng Nguyễn Bình nằm trong khuôn viên rộng 1.794 m2; trong đó, nhà lưu niệm rộng 170 m2 có cấu trúc mặt bằng hình chữ Đinh, được nằm song song với nhà tưởng niệm Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh. Đây là nơi trưng bày hình ảnh và thân thế, sự nghiệp của Trung tướng Nguyễn Bình. Nhà khách và quản lý rộng 80 m2 là nơi đón, tiếp khách, giới thiệu về thân thế, sự nghiệp của Trung tướng; nhà quản lý và các công trình phụ trợ; cổng tam quan.

Nhà tưởng niệm Trung tướng Nguyễn Bình sẽ là một trong những địa chỉ tham quan, du lịch của các cựu chiến binh, du khách trong và ngoài nước mỗi khi đến Hưng Yên. Công trình hoàn thành đã thể hiện tình cảm, lòng thành kính, sự biết ơn, trân trọng của Đảng và nhân dân ta nói chung, của Đảng bộ và nhân dân Hưng Yên nói riêng đối với một vị tướng tài ba của dân tộc, một chiến sĩ cộng sản kiên trung, một người con ưu tú của quê hương Hưng Yên và đất nước. 

Nhà tưởng niệm Trung tướng Nguyễn Bình cùng với Nhà tưởng niệm Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh tạo thành một quần thể di tích, điểm đến để cán bộ, đảng viên, nhân dân đến tham quan, nghiên cứu học tập; nhằm giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ sau…

                                                              

Vũ Linh
.
.
.