Lê Vũ Trường Giang: “Nở tàn… biên niên ký”
- Nhà văn Trần Thị Trường: Có nhiều người bị xã hội bỏ lại với chính cái giàu của họ
- Nhà văn Nguyễn Thành Nhân: Lãng tử sống đời nhẹ nhàng
- Nhà văn Nguyễn Quang Thiều: Mùi Tết - “Mùi của ký ức”
- Nhà văn Tô Hoài “làm hàng tết”
1.So với các báo/tạp chí về văn học nghệ thuật, Sông Hương, thời nào cũng vậy, luôn là tạp chí vươn hẳn khỏi địa phương, ra với văn nghệ sĩ cả nước, thậm chí là với cộng đồng hải ngoại. Và trong lấp lánh bề dày với nhiều dấu ấn của tạp chí, chắc hẳn không nhiều người nhớ, Sông Hương từng tổ chức cuộc thi sáng tác truyện ngắn dành cho sinh viên Huế vào năm 2009 - 2010.
Đó là thời điểm những người quan tâm đến nhịp đập văn nghệ ở Cố đô bắt đầu thảng thốt hoang mang, khi những 7X như Văn Cầm Hải, Nguyễn Lãm Thắng, Đông Hà, Phạm Nguyên Tường, Lê Mỹ Ý… từng sôi lên và dần đi vào "vết lăn trầm" mà hơn 10 năm qua chưa thấy lớp kế cận.
Thật bất ngờ, cuộc thi kiểu đóng cửa bảo nhau ở Huế ấy mà những trạng nguyên, bảng nhãn, thám hoa được xướng tên, đến giờ đã chững chạc giữa làng văn trẻ, là Nguyễn Lê Vân Khánh, Lê Vũ Trường Giang và Lê Minh Phong.
Ngay sau cuộc thi, cả ba cây viết trẻ đều được tòa soạn dọn đường, ngỏ lời mời về làm biên tập viên của tạp chí. Lê Vũ Trường Giang và Lê Minh Phong gật đầu, bước thẳng từ giảng đường đại học về ngôi nhà văn chương của xứ Huế, trong sự ngỡ ngàng ngưỡng mộ của nhiều người.
Chưa dừng lại. Vẫn năm đó, tin vui từ Hà Nội loang về xua tan hơi lạnh xứ Huế, khi Giang nhận tặng thưởng truyện ngắn hay năm 2010 của tạp chí Văn nghệ Quân đội. Truyện ngắn "Ngủ giữa trùng sơn" phục dựng đám tang vua Gia Long, lôi cuốn và ám ảnh.
"Văn chương "Ngủ giữa trùng sơn" già giặn, nghiêm cẩn, chi tiết chọn kĩ, sắc bén, còn nhân vật thì lạnh lùng và lồng lộng", theo lời lão nhà văn Hồng Nhu, đã vượt qua tất cả các truyện ngắn khác trong năm của tạp chí Văn nghệ Quân đội. Với tuổi 22, mới bước vào nghề viết chưa lâu, quả là dấu ấn đặc biệt.
2.Bây giờ, hầu như người yêu văn chương nào cũng ít nhiều nghe đến cái tên Lê Vũ Trường Giang. Ít ai biết, thuở ban đầu, Giang từng cắt phăng họ Lê, chỉ để tên Vũ Trường Giang cho gọn. Rồi Giang giật mình, khi bút hiệu này dễ bị nhà văn đàn anh 7X Vũ Đình Giang đang đình đám thời điểm đó phủ lên, che lấp, nên lại "anh trở về đúng nghĩa cái tên anh". Nhưng nhìn bạn viết ra sách và tuyên ngôn chóng mặt chỗ này chỗ kia, dường như Giang có phần phảng phất hoang mang giật mình sốt ruột.
Lần đó Giang hỏi tôi, có nên đổi bút hiệu khác không? Cảm giác tên dài quá, nặng quá, cứ trì níu Giang lại, không cất lên được. Tôi nghĩ ngay đến trường hợp anh lính Nguyễn Duy Nhuệ lột xác thành Nguyễn Duy và Thao Trường thành Nguyễn Khắc Trường, phất lên sừng sững. Nhưng tôi đã nói Giang nên "nằm im chờ trời sáng". Vì với tôi, Lê Vũ Trường Giang đã là cái tên rất rõ ràng, đã định hình. Chưa kể, văn chương là đường dài. Vẫn biết người trẻ nào cũng rộn ràng háo hức, nhanh nhanh muốn khẳng định mình.
Cái hay cũng là cái khó của Giang, là ngay khi xuất hiện đã ra dáng, chững chạc, người lớn. Không như tôi cùng bạn bè trang lứa, đi từ văn chương tuổi mới lớn lên văn chương người lớn. Nên người khác dễ nhìn ra sự trở mình hơn. Cái hay cũng là cái khó nữa, là Giang ở Huế. Huế đủ tĩnh lặng để người viết đào sâu vào mình mà chưng cất thành văn, nhưng Huế cũng quá trầm để mở ra những cơ hội cho trang văn đến với số đông.
Không rõ Giang có hỏi thêm ai nữa không? Nhưng Giang giữ nguyên bút hiệu theo tên khai sinh ban đầu. Và thời gian trả lời rằng tôi nghĩ đúng. Sau tập truyện đầu tay "Ngủ giữa trùng sơn" (Giải B, Giải thưởng Văn học Cố đô lần V, 2008 - 2013), đến các tập bút kí, tản văn "Đi như là ở lại", "Nở tàn biên niên kí", "Căn cước xứ mưa", Lê Vũ Trường Giang đã tạc được văn của mình vào lòng độc giả cả nước.
3.Lợi thế của một người học sử, nghiên cứu sử, nhưng là sử thế giới, Lê Vũ Trường Giang soi vào sử Việt, sử Huế, sử chính ngôi làng của mình, cùng thiên tính lãng du, với thực - tế - địa - lí và thực - tế - trang - sách, để tạo ra sức nặng và dư ba cho con chữ của mình trong các sáng tác. Sức nặng này có được nhờ sự dung chứa nhiều sâu của lịch sử, văn hóa, cùng giọng văn duy mĩ, làm đẹp và sang hơn cho tiếng Việt. Tôi tự tin khi nói, ở Huế, sau bút kí văn học, theo đúng nghĩa, của Hoàng Phủ Ngọc Tường và Văn Cầm Hải, thì Lê Vũ Trường Giang là người được gọi tên.
Chả thế mà giữa ngổn ngang các sáng tác hư cấu, tiểu thuyết và truyện ngắn, tập bút kí "Đi như là ở lại" đã đưa Giang chạm đến giải thưởng sách tư nhân "Chạm" năm 2018, do chính ban giám khảo là các nhà văn và nhà phê bình khó tính chọn. Có thể xếp "Đi như là ở lại" vào dạng sách du kí, nhưng ở "riêng một góc trời". Không giống thứ du kí đang thịnh hành ra nhan nhản mấy năm vừa qua của các tác giả trẻ, đi năm châu bốn biển check in viết sách, rồi cài cắm quảng cáo trong sách. Văn của Giang không trôi tuột đi khi gấp sách lại, nó bắt độc giả phải đọc chậm, ngấm sâu rồi thành thứ gây nhớ.
Chính "Đi như là ở lại" lại đưa Lê Vũ Trường Giang đến với giải B tiếp theo của Giải thưởng Văn học Cố đô lần VI (2013 - 2018) và bút kí cùng tên đoạt giải Nhì cuộc thi bút ký - truyện ngắn 2018 - 2019 trên tạp chí Cửa Việt. Và vẫn là mạch sử, Giang nhận giải Ba cuộc thi truyện ngắn trên tạp chí Văn nghệ Quân đội 2018 - 2019 qua hai truyện "Từ bờ bên kia" và "Quẩn mãi bóng người".
Một số tác phẩm của Tiến sĩ- Nhà văn Vũ Trường Giang. |
4.Nhìn lại sự vận động của các lớp tác giả trẻ hiện nay, tôi cảm giác người trẻ (trong đó có tôi) thường viết nhiều hơn nghĩ. Thời gian dành cho việc nghĩ suy, để nuôi văn trong đầu, ít hơn thời gian viết. Lê Vũ Trường Giang thuộc về số ít đi theo chiều ngược lại. Giang trăn trở, suy nghiệm nhiều về nghề viết, về văn chương. Đó không phải âm mưu để lập danh bằng chữ, thành ông nọ bà kia trong làng văn, mà cốt làm sao để con chữ thỏa mãn đam mê.
Trong nhiều lần trở lại Huế, Giang dẫn tôi ngang dọc khắp nơi, hay trong những lần Giang chớp nhoáng Sài Gòn, ngồi cà phê đâu đó nơi vòng xoay với bộn rộn nhịp thở người, tôi nhận ra mình còn hời hợt quá. Dứt khoát không phải Giang chém gió. Càng không phải kiểu tẩu hỏa nhập văn như một số người. Mà là gan ruột từ Giang. Nghe Giang nói, cảm giác như Giang đã xắn quần xắn tay áo nhảy xuống ruộng chữ từ lâu rồi mà mình còn đứng trên bờ ngó trước nhìn sau, không thể sao cũng được răng cũng ừ nữa.
Giang khiến tôi nghĩ về văn chương, về những người trẻ chúng tôi. Rồi chúng tôi sẽ đi đến đâu, con chữ và sức trẻ sẽ đẩy chúng tôi trôi dạt như thế nào. Ngoài kia ồn ào và náo nhiệt quá. Có ai còn đủ bình tâm để soi vào trang văn không, hay chúng tôi đang tự ảo tưởng, vẽ nên thứ vô hình để tự vui và an ủi chính mình?
5. Có lần tôi rủ Lê Vũ Trường Giang Nam tiến. Sài Gòn đủ đất để Giang bung hết sức, để quẩy đạp và tung tẩy. Tiến sĩ thật như Giang kiếm chỗ nào đó ở giảng đường đại học chắc không khó. Viết và "nhập vai" được như Giang có thể kiếm việc khác cũng dễ. Nhưng Giang lắc đầu. Gia đình lớn là thứ níu kéo Giang ở lại Huế.
Lần Giang ra mắt người yêu. Một o gái Huế nhưng không phải "Chân đi gót nhẹ xanh hồn cỏ" mà xinh xinh, năng động. O gái Huế cùng quê nhưng học đại học và bám trụ Sài Gòn. Tôi đinh ninh tình yêu có thể bốc Giang khỏi quê nhà xứ sở. Nhưng không, chính Giang làm cuộc rước nàng hồi hương.
Phải đến khi đọc "Nở tàn biên niên kí" của Giang tôi mới hiểu. Ngôi làng Thần Phù, những con người và đất quê "ăn" vào Giang thế nào. Tôi phục những người đứng ở xứ mình mà vẫn minh định nên mình, không bị ánh sáng kinh kì hút về. Xét đến cùng, người viết nào cũng đều bới quê hương bản quán và ấu thơ của mình ra mà viết cả. Dù ở nơi đâu. Nhưng không đứng từ xa nhìn về mà vẫn viết hay được thì tài hơn nhiều.
Lê Vũ Trường Giang nói: "Nghiệp viết suy cho cùng là cái duyên phú, là sự phân công của xã hội để giữ lại hồn cốt, tâm lý, thể tính của thời đại chúng ta đang sống. Ngoài kia, "những chân trời không có người bay" vẫn đang chờ chúng ta gặt mây và hái nắng. Trong sự lang thang cùng con chữ, "tìm giới hạn" và "chỗ đứng một và chỉ một" của chúng ta khả dĩ "mua vui cũng được một vài trống canh" ấy là đã vượt thoái khỏi vũ môn - cái tôi nhỏ bé của mình rồi".
Phải, ngày ngày sông Hương vẫn dùng dằng chảy. Con đường từ làng Thần Phù lên Huế dập dìu sương sớm gió chiều, vẫn theo Giang. Và tôi biết, Giang vẫn cần mẫn cùng trang văn phía trước. Và tôi tin, Giang đang gặt mây và hái nắng. Với văn chương…