Nhà văn Nguyễn Quang Thiều: Mùi Tết - “Mùi của ký ức”

Thứ Sáu, 24/01/2020, 07:44
Nhà văn Nguyễn Quang Thiều vừa ra mắt cuốn sách nói về ẩm thực của người Làng Chùa quê hương Hà Ðông của anh, nhưng nó không đơn giản chỉ là hương vị những món ăn, mà nó còn là hương vị của tình yêu thương, mùi của Tết, của mẹ cha, gia đình không bao giờ có thể quên đi trong cuộc đời mỗi con người, anh gọi nó là “Mùi của ký ức”.

Gặp nhà văn Nguyễn Quang Thiều, dù đó là khi anh đi bộ trên đường, là khi anh ngồi trên một chiếc xe sang hay khi anh đang ngồi trầm tư một mình trong căn phòng làm việc hút thuốc, thả những làn khói trắng vào không trung... tôi luôn có cảm giác, anh như đang nghĩ một điều gì đó, trăn trở một điều gì đó, viết nên một điều gì đó trong cái đầu cực kỳ thông tuệ và giỏi giang của anh. 

Có lẽ chính vì thế, mỗi bận gặp nhà văn Nguyễn Quang Thiều, đều thấy anh có một sản phẩm mới, một "món ăn tinh thần" mới tặng bạn đọc, có thể đó là một cuốn sách mới, một bức tranh mới, một bài thơ mới, hoặc chỉ đơn giản, một ý nghĩ mới...

Tôi thích cảm giác ngồi trong một buổi chiều bảng lảng cuối năm trò chuyện cùng anh về quê hương, về mẹ cha và những kỷ niệm. Cũng là ngần ấy kỷ niệm, cũng là ngần ấy ký ức, mà sao qua giọng kể của nhà văn Nguyễn Quang Thiều nó lại trở nên mềm mại, mượt mà và đẹp đến vậy. Mỗi câu chuyện của anh đều là một áng thơ, một bức tranh có nhiều sắc màu gợi nhớ. 

Anh đau đáu về mẹ, nhớ mẹ, viết về mẹ nhiều như thể đó đơn giản là tiếng gọi mẹ mỗi lần nhớ về bà, cho dù nay anh đã ở tuổi ngoài lục thập hoa giáp. 

Mới nhất, anh kể: "Mẹ tôi là một bà giáo làng. Ngoài việc đứng lớp, mẹ tôi còn lo mọi công việc gia đình, vườn tược và cả đồng áng. Vì vậy, ngày ngày khi chúng tôi đi ngủ là lúc mẹ bắt đầu soạn giáo án cho buổi dạy hôm sau. Ngọn đèn dầu được thắp lên và một vùng ngày riêng của mẹ mở ra. Trong vùng ngày riêng ấy mẹ lại làm việc. 11 năm trước ở khu vườn này, một buổi chiều nhiều gió, tôi ngồi với mẹ trong khu vườn. Mẹ tôi nói : "Sau này mẹ mất, có còn ai yêu con như mẹ không...". 

Và hơn một tháng sau mẹ tôi mất. Hôm nay về quê, tôi ngồi đúng nơi mẹ con tôi ngồi thuở trước và tôi vẫn nghe lời của mẹ xưa. Tôi thầm nói với mẹ: "Con vẫn sống trọn vẹn trong tình yêu thương của mẹ, con chỉ nhớ mẹ nhiều lúc không chịu nổi thôi:

"Hoàng hôn nào con cũng trở về

Trong suốt tháng Mười của Mẹ

Vầng mây tía bay qua

Con nghe thấy Mẹ gọi

Hoa mẫu đơn mỗi mùa nở nhiều hơn

Chỉ cải vàng đã tắt

Từ ngày Mẹ đi xa

Không còn ai gieo hạt

Con giờ đã là một ông già

Cô đơn theo cây mùa rụng lá

Một ông già lạc Mẹ

Trên lối mòn đầy bóng tối thời gian

Áo xưa Mẹ vẫn còn đây

Ðêm đêm con mặc vào ký ức

Nhưng ký ức không lớn lên

Còn con thì già mãi

Và sau mỗi hoàng hôn Mẹ gọi

Con lại thấy mình bé đi

Bé mãi cho đến một ngày

Ðược trở về nằm trong bụng Mẹ"

(Thị xã Hà Ðông ngày giỗ mẹ lần thứ 11)

Tôi hỏi nhà văn Nguyễn Quang Thiều, mỗi năm đều có những giây phút lòng người tĩnh lặng để nhớ về những ngày tháng cũ, những ký ức cũ. Với riêng ông, ông nghĩ gì? Nhà văn Nguyễn Quang Thiều chia sẻ:" Ta không hiểu điều gì trong trời đất lúc giao mùa này đã mang lại một hơi thở khác cho đời sống của ta. Phải chăng những ngày cuối cùng của năm cũ là lúc lòng ta trở nên yên tĩnh và xao động hơn bao giờ hết. Phải chăng mỗi năm đi qua ta lại nhận ra đã rời xa cuộc sống này thêm một chút và gần với cõi chết thêm một chút. 

Nhà văn Nguyễn Quang Thiều.

Trong những ngày này, ta nhớ đến những người thân yêu đã vĩnh viễn rời khỏi thế gian và đã tan vào đất đai nồng ấm, thân thuộc và vô tận. Ta nhớ đến những người thân đang ở một chốn xa xôi trên thế gian mênh mông mà chưa về đoàn tụ với ta trong ngôi nhà ông bà, cha mẹ đã dựng lên. Ta nhớ đến một người bạn bị lãng quên trong suốt một năm bởi công việc và bao chuyện thường nhật như bịt mất đôi mắt của ta. Ta bỗng hào phóng ban cho mình một khoảng bình yên để ngắm nhìn một cái cây đang nhú những chồi non... 

Lúc này đây, ta đang lau dọn ban thờ trong ngôi nhà ta. Ta thấy đôi mắt trong di ảnh của những người thân đã mất nhìn ta thương yêu và nhân ái làm sao. Ta lại nhớ đến những lời dạy dỗ của ông bà, cha mẹ ta khi họ còn sống và thấy lòng hổ thẹn vì ta chẳng làm được bao nhiêu điều tốt cho con người. Ta đâu có biết rằng: khi ta đưa bàn tay ra giúp đỡ một người gặp khó khăn hay sa ngã thì hạnh phúc nở trong ta chứ không phải nở trong lòng kẻ được giúp.

Bây giờ, trong yên tĩnh, ta nhìn ra cánh đồng mênh mông trước mặt đang xôn xao tiếng những hạt mầm, ta thấy trong góc vườn nhà ai đó những nụ hoa đang hé nở, ta thấy một gương mặt người đâu đó vừa lướt qua ta với ánh sáng của thân thiện… 

Ta bước đến những nơi chốn đó, trong ngọn gió ấm đầu tiên của mùa xuân vừa thổi đến từ chân trời, ta thấy lòng mình vang lên những giai điệu náo nức và ấm áp. Cảm giác ấy có phải là do ta vừa đi qua một đường hầm của sự sám hối để bước đến cánh đồng thanh sạch và nhiều ý nghĩa".

Có dịp chuyện trò cùng nhà văn Nguyễn Quang Thiều thấy rằng, ông là người hoài cổ. Dường như mọi năng lượng, mọi tâm sức, mọi nỗi niềm trong suốt cả những năm tháng qua đều hướng cả về quê hương. Anh chia sẻ rằng, cuộc sống thật kỳ diệu, nó luôn mang đến cho con người những món quà bất ngờ, chúng ta chỉ cần cúi xuống mặt đất dưới chân mình là nhận ra".

Mới đây, nhà văn Nguyễn Quang Thiều ra mắt cuốn sách "Mùi của ký ức", cuốn tản văn với 18 câu chuyện, 18 hồi ức ông viết về những món ăn đầy da diết của làng Chùa quê hương anh. 

Anh tâm sự rằng: "Tôi viết cuốn sách này để tưởng nhớ ông bà, cha mẹ tôi và những người làng Chùa đã khuất. Suốt trong những năm tháng ấu thơ cho đến khi rời làng đi học xa, cũng như những đứa trẻ trong làng, tôi lớn lên trong hai thế giới: thiên nhiên hoang dã và lề thói phong kiến. Vào những năm chiến tranh, hầu hết những người đàn ông lành lặn của làng đều đi vào mặt trận, bởi thế mà phần lớn những gì chúng tôi được học cho cuộc đời sau này là từ thiên nhiên hoang dã ấy và những người đàn bà như bà nội tôi, mẹ tôi, các cô, các dì, các chị và những người đàn bà trong làng. 

Họ dạy chúng tôi mọi thứ để sinh tồn như mò cua, bắt cá, cấy lúa, trồng rau, chăn gà chăn vịt, tự chăm sóc bản thân và cả cách tuốt trứng chấy và bắt chấy rận. Từ lúc lên 5-6 tuổi, chúng tôi đã phải nấu ăn. Bởi thế, tất cả các món ăn của người làng Chùa tôi đều biết cách nấu như mổ lợn, mổ gà vịt, gói giò xào, nấu thịt đông, nấu canh cua canh cá, kho cá, nướng cá, làm tương, muối cà, đồ xôi, làm bánh...".

Mỗi người con xa quê, lập nghiệp, trưởng thành và luôn tưởng vọng về quê hương luôn sẽ thấy lòng mình nặng một nỗi nhớ thương đồng quê khi gặp Nguyễn Quang Thiều. Bởi anh nặng lòng với tình yêu quê hương theo một cách riêng, không ai, như anh, có thể tôn vinh quê hương trong từng hơi thở, trong từng nhịp điệu, trong từng bài ca về xứ xở, về phận người, để yêu hơn mảnh đất của quê hương, nơi chôn rau, cắt rốn. Ðể cho dù là những người đang sống ở mảnh đất cố hương, những người đi xa chưa có dịp trở về, hay, ngay cả những người nằm dưới mộ sâu vẫn được ấm áp bởi tình yêu thương và lòng tưởng nhớ. 

Nhà văn Nguyễn Quang Thiều nói:  Ở làng tôi con đường ra nghĩa trang của làng bao giờ cũng được dọn dẹp sạch sẽ nhất, nghiêm trang nhất. Mọi người từ người trẻ đến người già đều ăn mặc thật tươm tất để ra mộ, mời người đã khuất về ăn Tết. Hồi bé, chiều 30 Tết tôi thấy cả làng ra thăm mộ, một cách mơ hồ tôi cảm nhận được sự linh thiêng của tục lệ đó.

Chúng tôi còn cùng nhau làm các món ăn truyền thống như cha mẹ tôi đã từng làm. Trong Tết, các gia đình sẽ tới thăm nom nhau, đóng góp cho quỹ khuyến học, vinh danh những người có thành tích trong dòng họ… Sau một năm làm việc bận rộn, có quá nhiều việc làm ta xao nhãng, dường tất cả những gì đẹp nhất của gia đình, dòng họ, của văn hóa đều được hồi phục lại trong những ngày Tết.

Như một đốm lửa trong mùa xuân chuyển giao năm mới, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều viết: "Bài thơ trong đêm cuối cùng của năm cũ" bằng một nét chấm phá đủ cho tình yêu và nỗi nhớ: "Ngọn đồi của khát vọng mọc xuyên qua bóng tối. Ðám mây của những ý tưởng/ Bay trên những vòm cây thẫm đen đang vọng xuống tiếng xào xạc/ Những đàn ông và những đàn bà không ngủ trong chính cơn mơ của họ/ Và những bàn tay ấm nóng mở ra những ngón - những tia lửa...".

Trần Hoàng Thiên Kim
.
.
.