Họa sĩ Phạm Mùi: Từ lá thư của Thùy đến những bức tranh thời chiến

Thứ Năm, 30/04/2020, 16:53
Từ chối lời ngỏ của các bảo tàng, 50 năm qua, họa sĩ Phạm Mùi cất giữ cẩn thận lá thư của liệt sĩ Đặng Thùy Trâm gửi cho mình vào ngăn tủ, vào chính trái tim mình. Đó là kỷ vật cuối cùng và duy nhất của ông về người bạn tri kỷ.


“Ngày mai nếu được trở về, được gặp lại nhau, Thùy sẽ mời người bạn thân thương đến căn phòng nhỏ của Thùy trên đất thủ đô. Thùy sẽ lại mở cho Mùi nghe bản nhạc ngày xưa. Và Mùi cho Thùy xem những tác phẩm đi ra từ trong cuộc chiến đấu sinh tử hôm nay. Còn nếu như không còn ngày đó nữa thì ai còn sống, người đó sẽ không được quên người đã mất, phải làm gì cho xứng đáng với người đã mất”.

Ngày Thùy hy sinh, ông coi đó như lời trăn trối của Thùy với mình để mang theo, để phụng hiến đến cuối đời.

Phòng tranh trên đường Mai Hắc Đế, TP Đà Lạt của họa sĩ Phạm Mùi ken dày những tranh. Nổi bật giữa những bức chân dung, cuộc sống xứ ngàn hoa là tranh về đề tài chiến tranh. Trong hơn một nghìn ký họa vẽ tại chiến trường Quảng Ngãi đỏ lửa những năm 1966 -1975, bây giờ, ông chỉ giữ  được gần trăm bức.

Họa sĩ Phạm Mùi.

Ngày ấy, chàng sinh viên Phạm Mùi gác bút nghiên tại Trường Trung cấp Mỹ thuật Yết Kiêu (Hà Nội) để xung phong cùng các văn nghệ sĩ khoác ba lô hành quân vào chiến trường Quảng Ngãi. Trong đoàn còn có hơn 70 bác sĩ, y sĩ, trong đó có bác sĩ Đặng Thùy Trâm. Ký họa kháng chiến của Phạm Mùi có rất nhiều tranh về cuộc chiến đấu, sinh hoạt đời thường, chân dung của đồng đội và người dân vùng chiến sự. Đó là cảnh bộ đội đánh chiếm cao điểm, cảnh cô y tá chăm sóc thương binh, là phút giao lưu văn nghệ của các chiến sĩ, là các mẹ, các chị vá áo cho bộ đội...

“Hồi đó, mỗi bức tranh chỉ ra đời trong thời gian ngắn nhưng đầy cảm xúc và sức sống. Tôi vẽ thường xuyên để không bỏ lọt một khoảnh khắc nào. Tuổi trẻ chúng tôi, nhất là sinh viên, sôi nổi bước vào cuộc chiến khi lồng ngực đầy ắp lý tưởng và những điều thiêng liêng” – ông nhớ lại.

Trong chùm ký họa kháng chiến, họa sĩ Phạm Mùi vẽ vô số bức về Đặng Thùy Trâm. Đó là bức vẽ lúc chị ca hát ven đường bên cây guitar của nhạc sĩ Thanh Đính để động viên tinh thần đồng đội, lúc chị say sưa lắng nghe ông phân tích chuyện thơ văn nhạc họa hay cảnh chị ân cần bón cháo cho thương binh... Ông yêu thầm người con gái dịu dàng, sâu sắc, dễ mến mà đầy dũng cảm ấy. Nhưng với chị, ông là một người bạn thân thiết, bên nhau chia ngọt sẻ bùi trên chiến trường lửa đạn. Chị mến bởi tìm thấy niềm đam mê văn chương, nhạc họa ở ông, gặp nhau ở cái lý tưởng, sự lãng mạn, bay bổng của tuổi trẻ “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”.

Có những đêm, giấc mơ thực tại đưa ông về phút chia ly ngày Thùy nhận công tác ở Đức Phổ. Sau đôi lời bịn rịn, Thùy ra đi. Ông đứng lặng bên vách đá ven rừng, nhìn dáng Thùy nhỏ bé với chiếc nón lá bình thản nhòa dần trong trời chiều. Hoàng hôn êm ả mà lòng ông nghe có tiếng nức nở, gào thét. Thùy đang đi vào nơi tàn khốc nhất của chiến trường Quảng Ngãi.

Ông họa lại cơn mơ ấy trên mặt toan: Thùy hiện lên kiên cường giữa một màu đỏ ối của vùng trời mù mịt lửa đạn. Thùy hay hát bài “Em là hoa pơ-lang”. Những lúc ấy, ngắm Thùy véo von trên chặng đường hành quân, chàng họa sĩ ngỡ cô bác sĩ xinh đẹp là đóa hoa đỏ tươi, rực rỡ giữa rừng già. Và dù chưa nhìn thấy hoa pơ-lang bao giờ nhưng Phạm Mùi cứ nghĩ mãi về một loài hoa đẹp, đầy sức sống vươn lên khi vẽ Thùy. Những bức tranh ấy ông đều dành tặng chị. Tiếc là đến nay, tranh về Thùy đều thất lạc gần hết.

Sau ngày thống nhất đất nước, ông bắt đầu vẽ tranh về thời bình, về cuộc tái thiết của đất nước. Thế nhưng, mang theo bức thư của người bạn tri kỷ, ông trăn trở phải làm sao để vẽ những tác phẩm xứng tầm với thời đại, với cuộc chiến mình đã trải qua,  phải làm gì xứng đáng với người đã mất như lời Thùy nhắn nhủ. Tranh về quê hương, chân dung con người thời bình thưa dần nhường chỗ cho ngày tháng bom đạn năm xưa quay về.

Vẽ về thời chiến, ông mới thực sự sống lại với một thời thanh xuân nhiệt huyết ra đi vì tiếng gọi Tổ quốc, mới trả hết nợ với một lớp người đã sống chết vì hai chữ Tự do.

Ký họa “Chiếm cao điểm” (vẽ năm 1972).

Năm 1985,  họa sĩ Phạm Mùi quyết định vẽ ba bức tranh sơn dầu kích thước lớn để dự Triển lãm mỹ thuật toàn quốc. Đó là bức “Đấu tranh đòi nợ máu”, “Nha Trang ngày giải phóng”, “Lá thư nhà đến đảo Trường Sa”. Tại Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc năm 1985, “Đấu tranh đòi nợ máu” được trao Huy chương Đồng.

Ông tâm sự: “Bức tranh tôi giành nhiều tâm huyết nhất là bức “Đấu tranh đòi nợ máu”. Đó là bức tranh mà tôi suy ngẫm từ những năm tuổi trẻ mới dấn thân vào chiến trường Quảng Ngãi quê hương mình. Trung tâm bức tranh là một bé gái 13 tuổi, cơ thể đầy vết thương và máu. Người bế em là một lão nông dân lam lũ đang bàng hoàng ngơ ngác. Đi bên họ là thiếu phụ lệ nhòa cố nén nỗi đau đớn vô tận, nhà sưđang thầm nguyện cầu, là một bé gái 8 tuổi vung tay thét gào, là một thiếu nữ ngóng về phương trời xa để tìm trong không gian lời đồng vọng.

Đoàn người như vô tận, những chiếc nón tơi tả, những vành khăn tang, những thân dừa tả tơi cụt ngọn, một bầu trời vần vũ như sắp đổ sập xuống bởi muôn tiếng sấm... Trong tranh chỉ có những người dân hiền lương không một tấc sắt đang đối diện với tội ác của quân thù. Trong vỏn vẹn bốn ngày đêm thức trắng thể hiện bức tranh, nước mắt tôi cứ tuôn trào”.

Trái ngược hoàn toàn không khí tang thương của “Đấu tranh đòi nợ máu”, bức sơn dầu “Ngày hòa bình thống nhất” (vẽ năm 2002) mang màu sắc tươi vui. Bức tranh theo bút pháp hiện thực, tả cảnh đoàn tụ sum vầy của đồng bào, bộ đội trước Dinh Thống Nhất ngày 30-4-1975. Nhân vật trung tâm là bà mẹ miền Nam rưng rưng đón đứa con bộ đội vào lòng. Làm nền cho hai nhân vật chính là nhân dân Sài Gòn đang reo mừng trong biển cờ hoa, náo nức ngày đất nước trọn niềm vui. Hiện, các bức tranh tiêu biểu của họa sĩ Phạm Mùi đều được lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Bảo tàng Quân khu 7...

Những bức tranh của họa sĩ Phạm Mùi thường vẽ về sự đau thương, mất mát trong chiến tranh. Bởi bao lần ông khóc trước dòng chữ ám ảnh của Thùy: “Cuộc chiến tranh thật là tàn khốc, cũng như Mùi, Thùy căm thù đến bầm gan, tím ruột kẻ nào đã gây chiến, kẻ nào đã cướp đi tất cả từ hạnh phúc đơn sơ nhất đến những gì quý báu nhất của mọi người.

Bao nhiêu là mất mát, bao nhiêu là đau thương, nói sao cho hết được hở Mùi? Lật lại từng trang nhật ký, Thùy gặp rất nhiều những lòng vùi nặng trĩu đau thương căm thù, thấm mặn nước mắt. Tất cả cũng vì chiến tranh!”.

Thế nên, tranh của ông gửi đi thông điệp hóa giải hận thù, mong muốn mọi người trân trọng những giây phút bình yên và đừng bao giờ quên: chiến tranh không phải trò đùa. Trong tranh của Phạm Mùi cũng đầy ắp hình ảnh người dân lành vùng lên chống lại cái ác, chống lại cường quyền bạo ngược. Ông tin, chính quần chúng nhân dân chứ không phải ai khác mới là người quyết định vận mệnh dân tộc.

Phan Thi Uyên
.
.
.