Họa sĩ Trần Thế Vĩnh: Vẽ để tri ân

Thứ Tư, 01/04/2020, 15:43
Hai năm trước, thời điểm đội tuyển bóng đá nam giành ngôi vị quán quân AFF Cup, bức tranh vẽ chân dung huấn luyện viên Park Hang Seo của họa sĩ Trần Thế Vĩnh đã tạo ra một cơn sốt trên mạng xã hội.


Đầu năm 2020, họa sĩ bất ngờ giới thiệu đến công chúng một sê-ri gồm 51 bức tranh chân dung vẽ các nhân vật là văn nghệ sĩ, trí thức, những người đã có những đóng góp quan trọng trong đời sống văn hóa văn nghệ. Thời điểm anh giới thiệu bộ tranh độc đáo này trên trang facebook cá nhân, chỉ sau một ngày đã có tới 2.000 lượt like và trên 1.000 lượt chia sẻ.

- Ý tưởng về việc vẽ loạt tranh chân dung văn nghệ sĩ trí thức này đến với anh từ khi nào?

+ Ý tưởng cho bộ tranh này đến với tôi từ khoảng thời gian giữa năm 2018. Đó là khoảng thời gian khá khó khăn, khi tôi gặp phải một số biến cố trong cuộc sống. Thời điểm đó tâm trạng tôi rất buồn. Tôi thường vùi đầu vào văn chương và âm nhạc, chỉ đọc và nghe là chính mà gần như bỏ bê không vẽ. Khi tìm hiểu về cuộc đời nhiều văn nghệ sĩ, trí thức, tôi nhận ra rằng, đời người làm nghệ thuật đa phần là cô đơn và thường phải mang chứa nhiều đau khổ.

Họa sĩ Trần Thế Vĩnh.

Mỗi người nghệ sĩ đều có một số phận riêng và một sự nghiệp khác biệt và ấn tượng của từng người để lại cho tôi đều vô cùng sâu đậm. Trong lòng nảy sinh một sự đồng cảm lớn, và với tinh thần tri ân những giá trị không thể phai mờ từ những người nghệ sĩ, tôi bắt đầu vẽ chân dung họ. Cho đến cuối năm 2019 thì tôi hoàn thành bộ tranh này và dự định sẽ tổ chức triển lãm trong thời gian tới.

- Được biết, không chỉ vẽ anh còn dự định cho ra mắt một cuốn sách viết về các nhân vật văn nghệ sĩ trí thức mà anh yêu mến nữa. Vậy cụ thể cuốn sách đó sẽ bao gồm những gì?

+ Tôi dự định sẽ làm một cuốn sách vào dịp trưng bày triển lãm bộ tranh mà tôi tâm đắc này. Cuốn sách đó tất nhiên sẽ gồm toàn bộ các bức tranh chân dung của tôi kèm những trang viết, là cảm nhận của tôi về cuộc đời, sự nghiệp sáng tác của những người nghệ sĩ mà tôi yêu mến. Ngoài ra trong cuốn sách sẽ còn có những bài viết của các chuyên gia mỹ thuật hoặc các văn nghệ sĩ trí thức đương thời đánh giá về bộ tranh này.

Chân dung nhà thơ Hàn Mặc Tử.

- Từ những con người tài hoa mà anh đã vẽ và viết về họ, anh học hỏi được những gì cho cuộc sống và công việc của mình?

+ Thực ra ngay từ khi bước chân vào nghệ thuật, tôi luôn có lòng tri ân đến những nhân vật xuất sắc trong giới văn nghệ sĩ trí thức Việt Nam, những người không chỉ đã “vang bóng một thời” mà còn có sức ảnh hưởng đến hôm nay. Để vẽ họ, tôi đã đọc rất nhiều, tìm hiểu về cuộc sống, nhân cách, sáng tạo của họ.

Qua đó tôi có thêm kiến thức, có thêm sự đồng cảm về đời sống của mỗi người, thẩm thấu tư tưởng, lối sống, tình yêu con người, tình yêu cuộc đời qua những con người đặc biệt đó. Vẽ về họ cũng chính là một cách để tôi có thể hoàn thiện chính bản thân mình.

Chân dung nhà thơ Nguyễn Bính.

- Đọc là một yếu tố quan trọng để mỗi người tích lũy kiến thức cho mình. Tuy nhiên có một thực tế là hiện nay nhiều người lười đọc sách, trong đó có cả trí thức, nghệ sĩ. Anh nhìn nhận câu chuyện này như thế nào?

+ Theo tôi, đọc sách là điều tối quan trọng trong đời sống mỗi người, không chỉ riêng gì giới văn nghệ sĩ trí thức. Đọc sách giúp chúng ta nâng cao tầm hiểu biết, tầm nhận thức và tạo dựng cho mình một hệ tư tưởng. Đối với người làm nghệ thuật, nếu không có tư tưởng và lập trường tri kiến riêng thì rất khó có thể giúp phát triển và nâng cao tầm sáng tạo, ngoài cái bản năng sẵn có. Đối với người trí thức thì có lẽ không cần phải bàn tới vì ai cũng hiểu rõ sự quan trọng của việc đọc sách như thế nào, tuy nhiên để thẩm thấu và hiểu sâu rộng mức độ nào là tùy vào khả năng của mỗi người. 

- Họa sĩ thường xuyên đưa tác phẩm của mình lên trang facebook cá nhân để giới thiệu với bạn bè, công chúng. Đối với một họa sĩ, việc sử dụng mạng xã hội có những ưu thế gì và anh có phải là người “nghiện” mạng xã hội hay không?

+ Tôi dùng mạng xã hội chủ yếu là để phục vụ công việc cũng như thu nạp thông tin. Tôi không nghĩ mình nghiện mạng xã hội. Đối với tôi, việc sử dụng một công cụ mà công nghệ hiện đại mang đến cũng tự nhiên như rất nhiều câu chuyện khác trong đời sống, tôi không lệ thuộc quá vào điều gì.

Chân dung nhà thơ, nhà viết kịch Lưu Quang Vũ.

- Năm ngoái, bức tranh vẽ chân dung huấn luyện viên Park Hang Seo của anh được dư luận chú ý khi được đấu giá tại nhà đấu giá Chọns. Việc đấu giá tranh đã không còn là chuyện xa lạ đối với đời sống mỹ thuật Việt. Anh nhận định gì về thị trường mỹ thuật hiện nay?

+ Theo tôi thị trường mỹ thuật Việt Nam đang ngày càng phát triển chuyên nghiệp hơn. Có không ít nhà sưu tập người Việt đã tham gia vào thị trường theo nhiều tầng bậc khác nhau, tuy nhiên đây mới chỉ là những dấu hiệu tốt trong nước, còn trong khu vực hay trên thế giới thì khoảng cách vẫn còn xa. Hy vọng trong tương lai gần, thị trường mỹ thuật sẽ đi đúng trật tự và rõ ràng phân loại giai tầng, từ đó thị trường mỹ thuật Việt sẽ phát triển một cách bền vững.

- Anh là một họa sĩ tự do. Việc bán tranh đối với một họa sĩ trẻ như anh hiện ra sao, có thể đủ để trang trải cuộc sống hay không? Khi vẽ một bức tranh, anh có nghĩ nhiều về việc phải vẽ thế nào để người  ta có thể muốn mua bức tranh đó hay không?

+ Với tôi việc bán tranh để sống là không hề dễ dàng, còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Nhưng tôi có niềm tin rằng nếu mình làm việc thật lòng, cần cù, dấn thân và đam mê thì chắc chắn sẽ có ngày được đền đáp. Còn về chuyện làm thế nào để người ta mua tranh thì tôi chưa từng nghĩ đến. Bởi vì với tôi, vẽ tranh là công việc sáng tạo thiêng liêng. Vẽ trước tiên là cho mình, vẽ những gì mình thích, mình đam mê, mình thỏa mãn với công việc đó, còn những chuyện phía sau tôi thực sự không quan tâm nhiều.

- Không chỉ vẽ, thỉnh thoảng còn thấy anh làm thơ, chơi đàn và hát, sắp tới lại còn xuất bản sách... Để nói ngắn ngọn về chính mình, anh sẽ nói gì?

+ Tôi chỉ dám nhận tôi là một họa sĩ và công việc tôi đắm đuối nhất là vẽ, những tài lẻ khác cũng giống như những gia vị làm cho đời sống bớt nhàm chán khi đối diện với cô đơn mà thôi. Tôi luôn mong muốn mình hoàn toàn tự do trong đời sống và sáng tạo.

- Xin cảm ơn họa sĩ Trần Thế Vĩnh và chúc anh sẽ có nhiều thành công!

Vũ Quỳnh (thực hiện)
.
.
.