Kỷ niệm 50 năm sự kiện hang Tám Cô (14/11/1972 – 14/11/2022)

Những con người đi vào lịch sử

Thứ Ba, 22/11/2022, 10:11

Khi viết bài này, tôi bỗng nhớ mấy câu thơ trong bài thơ “Hoan hô chiến sĩ Điện Biên” của nhà thơ Tố Hữu: “Hỡi các chị, các anh - Trên chiến trường ngã xuống! - Máu của anh chị, của chúng ta, không uổng - Sẽ xanh tươi đồng ruộng Việt Nam…”.

Lời của nhà thơ, như là lời hiệu triệu hào hùng của non nước! Dẫu biết rằng hơn 4.000 năm dựng nước và giữ nước, con người Việt Nam luôn mang dòng máu hào khí “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, nhưng khi xả thân vào trận để cứu nước và giữ nước, thì chẳng có ai nghĩ uổng máu, uổng công cả.

Tất cả 4 nữ, 4 nam thanh niên xung phong và 5 người lính pháo cao xạ, đã phải hy sinh một cách oanh liệt ấy, khi họ tạm biệt quê hương, tạm biệt những người thân thương lên đường cứu nước, chỉ mới mười tám tuổi đời không nỗi vấn vương. Cuộc đời của họ đã thành những vần thơ. Tờ giấy trắng chưa hoen mờ vết mực. “Đường Trường Sơn ngọn đèn em vẫn thức/ Dắt xe qua lưới lửa đạn bom thù/ Sừng sững dưới ngầm, cột mốc trời thu/ Tà áo trắng căn mốc đường xe vượt/ Bom nổ chậm cung đường cong phía trước/ Đã có em khóa ngòi nổ bom thù”.

1.jpg -0
Đền thờ các anh hùng liệt sĩ Đường 20 Quyết thắng

Họ sẵn sàng với tinh thần “Đường chưa thông không tiếc máu xương”, mặc bom rơi, máy bay Mỹ bổ nhào, giữa “tọa độ chết” - kiên cường bám trụ, chẳng sợ hãi - những người con ưu tú, lấp hố bom thù - những chuyến xe qua. Cuộc đời các chị, các anh đã hóa bài ca, trong thiên hùng ca - Việt Nam đánh Mỹ. Những chiến sĩ Thanh niên xung phong đi vào lịch sử như một dấu son chói lọi mở ra thời kỳ đầy tươi sáng, vẻ vang cho cả dân tộc. Dấu son ấy đã ghi tạc những chiến công bất hủ, đã vẽ nên chân dung những con người huyền thoại.

Nơi con đường có bao phận nữ nhi, chân yếu tay mềm cùng những đoàn quân ra trận. Tuổi đương thì mà lòng không vướng bận. Đời nữ trinh gắn bó với chiến trường. Mặc nguy nan nối sợi nhớ sợi thương, nối cả cung đường vào từng trận đánh, lòng căm thù cho họ thêm sức mạnh! Đỉnh Trường Sơn sợi nhớ cứ kéo dài, nối Đông sang Tây, nối Nam với Bắc, cùng mải miết nơi chiến trường đánh giặc, tuổi xuân thì mặc cho nó tàn phai!...

Và, họ đã trở thành cảm hứng để những ca khúc bất tử ra đời, như: “Cô gái mở đường” của nhạc sĩ Xuân Giao: “Đi dưới trời khuya sao đêm lấp lánh/ Tiếng hát ai vang động cây rừng/ Phải chăng em cô gái mở đường/ Không thấy mặt người chỉ nghe tiếng hát”. Hay “Đường Trường Sơn xe anh qua” của nhạc sĩ Văn Dung: “Ơi cô gái Trường Sơn/ bao đêm em đi mở đường/ cho từng chuyến xe anh qua/ vang giọng hát em ngân xa…, đường in dấu trong tim anh, đường in dấu chân em, đường Trường Sơn yêu biết mấy, khi tình em sáng trong lòng anh”.

Ơi những cung đường Trường Sơn huyền thoại đã dệt nên những bài ca thắm thiết. Trường Sơn in dấu chân hàng triệu người ra trận, hình ảnh những cô gái thanh niên xung phong làm cọc tiêu cho xe qua ngầm, qua suối, qua trọng điểm trên đường Trường Sơn là một biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng: “Mấy năm rồi chạy trên tuyến Trường Sơn/ Có đêm nào như đêm nay nhớ mãi/ Những cọc tiêu là những cô em gái/ Thanh thản đứng bên đường trọng điểm xe lên” (Cái điểm sáng ấy - Trần Nhật Thu). Những chiến sĩ Thanh niên xung phong  không run sợ trước kẻ thù, không chùn bước trước khó khăn và cái chết, sẵn sàng hoàn thành nhiệm vụ: “Xông vào nơi khói/ Để làm một cây chông nhỏ diệt thù/ Em đã vượt qua thử thách bước đầu/ Để làm người chiến thắng”. (Hơi ấm đường rừng - Nguyễn Mỹ).

Những con người đi vào lịch sử -0
Cây Rao ráng - nơi treo kẻng báo động của Bộ đội và Thanh niên xung phong Đường 20

Tính ra, bình quân mỗi người phải chịu đựng trên 600 quả bom cỡ lớn và hàng vạn tấn bom đạn các loại do máy bay Mỹ bắn phá dọc đường 20 cộng với điều kiện sinh hoạt thiếu thốn, kham khổ, nhưng với tinh thần “Quyết tử cho con đường bất tử”, “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả vì miền Nam ruột thịt”, 8 nữ thanh niên xung phong cùng với tập thể Đại đội 217 đã dũng cảm, không chịu khuất phục trước bom đạn ác liệt của kẻ thù. Với ý chí kiên cường, lực lượng Thanh niên xung phong luôn bám mặt đường phá bom nổ chậm, san lấp hố bom, khôi phục đường, cầu, mở đường tránh, nguỵ trang các mối đường vượt trọng điểm nhằm đảm bảo mạch máu giao thông thông suốt trong mọi tình huống.

Ai ngờ rằng tuổi thanh xuân phơi phới, đang sức như Phù Đổng, tràn trề khí huyết phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân, lại phải chịu cảnh thương tâm hơn mọi sự thương tâm! Có lẽ, trên đời này hiếm có cái chết nào mà đau thương và oanh liệt như cái chết của 13 chiến sĩ đã hy sinh trong “Hang Tám cô”.

Đó là ngày 14 tháng 11 năm 1972, nhằm ngày 9 tháng 10 năm Nhâm Tý, theo lịch vạn sự thì đó là ngày tốt “đương kim - xuất hành tốt, có quý nhân phù trợ, tài lộc thông suốt…”. Vậy mà, cái ngày “mọi sự tốt lành” ấy, giặc Mỹ đã  dùng không quân và đủ loại bom ồ ạt đánh vào đường 20, nơi có một đội thanh niên xung phong và một tiểu đội pháo đang đóng.

Đội thanh niên xung phong gồm 8 người, 4 nam 4 nữ. Anh lớn tuổi nhất khi đó 37 tuổi, còn 7 người còn lại tuổi từ 18 đến 20. Để tránh bom Mỹ, 8 người đã vào trong một hang núi ngay bên cạnh đường để trú. Lúc đó, bầu trời đường 20 như vỡ vụn bởi tiếng gầm rú của động cơ máy bay và những trận bom. Không chỉ mặt đường 20 bị cày nát mà ngay cả những khối núi xung quanh cũng rung chuyển bởi những đợt bom dữ.

Khi khói bụi tan đi, những đơn vị khác chiến đấu gần đó bàng hoàng nhận ra cửa hang Tám Cô trong đó có 13 chiến sĩ đã bị một khối đá khổng lồ nặng hàng trăm tấn bịt kín. Chạy đến nơi thì họ chỉ nghe thấy văng vẳng tiếng kêu cứu của đồng đội phía trong tảng đá. Tiếng kêu cứu xé cả ruột gan, lệ tràn cả mặt, nhưng không thể lay chuyển được tảng đá ngăn cách bên ngoài với bên trong. Những người bên ngoài sau trận bom đã tìm thấy hang, nhưng không sao có thể mở được đường vào.

Khối đá quá lớn. Họ chỉ biết lấy cây tre dài thông qua một chỗ hở để đưa nước uống và lương khô cho những người bị giam trong hang. Mỗi lần có xe qua, người ta lại tìm đủ mọi cách để cứu, nhưng vô vọng. Sau 9 ngày quằn quại, vật vã, những tiếng kêu “Mế ơi!”, “Mẹ ơi!”, “Bố ơi!”, “Đồng đội ơi!”… lịm dần... Để rồi, suốt nửa thế kỷ qua:

“Mẹ già đơn bóng một thân

Chờ con hết cả mùa xuân cuộc đời”.

(“Mẹ vẫn chờ con” của Chu Long)

“… Chiến tranh với tôi là những mẹ già hằng đêm lắng tai sát vách...

gió lao xao... vùng dậy ngỡ con về...!”.

(“Chiến tranh” - Phan Thúc Định).

Các anh, các chị đã trở thành hình tượng cao đẹp, trong sự cao đẹp của con người Việt Nam:

“Vươn cao muôn trượng bóng anh hùng

Tỏa sáng mười phương gương dũng liệt".

(Giáo sư Vũ Khiêu viết cho đền thờ hang Tám Cô vào năm 2006).

Những con người anh hùng đã tạo hóa cho đất trời bao điều kỳ diệu! Muôn vật ngàn cây luôn về, nâng niu từng giấc ngủ của các chị, các anh và đã tạo ra bao điều linh thiêng khó tưởng. Quanh hang đá và đền thờ nơi các anh chị đã ra đi, theo những người được chứng kiến kể lại, đúng vào dịp cả nước kỷ niệm 50 năm ngày mở đường Trường Sơn huyền thoại, có cây chuối rừng mọc ở cửa hang. Điều đáng nói là giữa nơi toàn đá sỏi lổm nhổm nhưng cây chuối vẫn cực kỳ xanh tốt, chiều cao khoảng 8m và ra một buồng chuối 8 nải. Buồng chuối ra 8 nải chưa làm mọi người hết ngạc nhiên thì liên tiếp có những sự trùng hợp về con số 8 mà  người ta đã nhắc đến như: đằng sau cây chuối, trên vách đá có một tổ chim với 8 quả trứng…

Những con người đi vào lịch sử -0
Tập thể lớp cao cấp lý luận chính trị của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh bày tỏ lòng tri ân trước sự hy sinh oanh liệt của những nữ thanh niên xung phong và đồng đội

Lại có chuyện khi có một đoàn cán bộ vào lấy tảng đá ở hang về đặt tại một đài tưởng niệm Thanh niên xung phong, đá được cẩu lên, xe chạy một đoạn thì không thể nổ máy, mặc tài xế thử hết cách. Đoàn vội mua 8 quả trứng luộc mang đến thắp hương tại cửa hang, xin giúp đỡ... Hôm sau, dù không làm gì nhưng xe lại chạy bình thường. Sau này, chuyện những xe không nổ, hay xịt lốp vì chủ xe và người đi trên xe không chấp hành lễ nghi, cùng với rất nhiều người gặp chuyện không hay khi phát ngôn những điều càn gỡ trước cửa hang, vẫn thường được nhiều người truyền miệng cho nhau. Trên vùng đất các chị các anh đã cống hiến cả tuổi thanh xuân và ngã xuống, đã trở thành di sản thiên nhiên thế giới, hàng ngày có hàng nghìn người từ khắp nơi đến chiêm ngưỡng và đến với các chị, các anh!

Chiến tranh đã qua đi. Những bạn bè trang lứa của các anh, các cô ngày ấy, nếu còn sống thì nay cũng đã già, nhiều người có con đàn cháu đống, có người hạnh phúc, và cũng không ít người vất vả, lận đận mưu sinh. Có lẽ ai cũng tự hào vì mình đã có một quãng đời, tuổi thanh xuân sống đầy ý nghĩa trong dòng chảy vĩ đại của dân tộc và lịch sử. Dù cho không gian có là bất tận, thời gian có là vô cùng, đến một ngàn năm sau và mai sau nữa, hình ảnh "tám cô" vẫn "mãi mãi vẫn là tuổi hai mươi" trong sáng, đẹp vô ngần!

Kim Cương
.
.
.