Richard Sorge - Nhà tình báo vĩ đại nhất trong Đại chiến thế giới lần thứ hai

Thứ Ba, 14/08/2018, 12:07
Trong tác phẩm "Tình báo Đối ngoại, sự nghiệp và số phận", tác giả Leonid Mlechin là nhà văn, nhà sử học, đã viết về một nhà Tình báo siêu hạng trong thế chiến thứ hai, đó là Richard Sorge. Ông là người con mang 2 dòng máu Nga và Đức, sinh ngày 4 tháng 10 năm 1895 tại Baku, thủ đô Cộng hòa Azerbaijan, thuộc Liên Xô trước 19-8-1991.

Cha ông là kỹ sư công nghệ người Đức được Công ty đầu tư khai thác dầu mỏ của Thụy Điển "Nobel" mời sang Baku làm việc. Tại đây, ông đã kết hôn với một phụ nữ người Nga, Nina Semenovna Kobeleva, bà là người con thứ năm trong gia đình công nhân đường sắt.

Truyền thống cách mạng của gia đình đã ảnh hưởng đến Richard Sorge như thế nào?

Khi cậu bé Sorge mới 3 tuổi đã cùng gia đình trở về Đức. Cậu bé Sorge đã sống và lớn lên trong một gia đình bên nội có bề dày truyền thống cách mạng lâu đời. Cả ông nội lẫn hai người ông họ của Sorge đều là những chiến sĩ cách mạng tích cực từ trước, trong và sau cuộc cách mạng 1848-1849 ở Châu Âu. Đặc biệt là ông chú họ, Friedrich Adolf Sorge (1826-1906) là Tổng thư ký của Hội đồng Quốc tế Cộng sản đệ nhất và là thư ký của Karl Marx.

Nhờ đó, khi đến tuổi trưởng thành, trong Richard Sorge luôn có một ngọn lửa khát vọng là sống chiến đấu hết mình cho tổ quốc.  Năm 1914, khi Chiến tranh thế giới thứ nhất bắt đầu, tuy đang là học sinh trung học phổ thông, Richard Sorge đã tình nguyện gia nhập quân đội Đức. Mùa hè năm 1915, trong trận chiến với Bỉ, Sorge bị thương ở vai phải. Ông đã được nghỉ phép và vượt qua kỳ thi tốt nghiệp phổ thông trung học với các môn Lịch sử, Địa lý, Toán học, Vật lý, Hóa học đạt loại khá; các môn Tiếng Đức, tiếng Pháp, tiếng Anh, Luật học đạt loại trung bình.

Giấy chứng nhận Sorge là tùy viên báo chí Đại sứ quán Đức tại Tokyo.

Ông không nghỉ hết phép mà quay trở lại mặt trận và nhận cấp hàm binh nhất. Trong trận đánh hồi năm 1916 vào Verden - thành trì của quân đội Pháp, ông đã bị thương cả 2 chân, tưởng đâu phải cắt cụt. Ngành quân y của Đức đã giữ lại được cả 2 chân cho ông, song 1 chân đã ngắn hơn 2 centimet, Sorge phải đi khập khiễng. Ông được phong quân hàm hạ sĩ quan và được tặng thưởng "Cây thánh giá bằng sắt hạng 2".

Vào cuối cuộc Chiến tranh thế giới thứ 1, tư tưởng cấp tiến thuộc đủ màu sắc ngập tràn trong đất nước Đức. Trong bối cảnh ấy, Sorge nghiêng dần về phái tả và gia nhập Đảng Dân chủ Xã hội cấp tiến. Ông có được học vị tiến sĩ vào năm 1919. Cùng năm này, ông gia nhập Đảng Cộng sản Đức.

Năm 1924, ông rời bỏ nước Đức để sang quê ngoại - nước Nga Xôviết. Tại đó, ông gia nhập tổ chức Quốc tế Cộng sản. Anh phụ trách công tác liên lạc với các Đảng Cộng sản nước ngoài, nên anh có dịp đi ra nước ngoài công tác. Tuy thế, Sorge không thích làm việc trong Quốc tế Cộng sản vì ông khao khát được làm những công việc phiêu lưu và độc lập.

Dịp ông sang Vương quốc Anh công tác, ông được ông Konstantin Mikhailovich Basov - một điệp viên tình báo Quân sự Liên Xô đang ở Vương quốc Anh chú ý đến. Ông coi Sorge là một người có nhiều triển vọng và muốn tuyển dụng Sorge vào ngành Tình báo Quân sự. Ông Konstantin Basov đã báo cáo về nước trường hợp này.

Sự nghiệp Tình báo của Richard Sorge

Tháng 11 năm 1929, Richard Sorge được nhận vào làm việc tại Cục Tình báo Quân sự Liên Xô, do Tướng Yan Karlovich Berzin phụ trách.

Bà Katya Maximova - Vợ nhà tình báo Richard Sorge.

Sorge được cử sang Trung Quốc, làm việc tại Thượng Hải với vỏ bọc là phóng viên cho tờ báo nông nghiệp Đức. Tại đây, Sorge xây dựng mạng lưới tình báo; hiệu thính viên của Sorge là một người Đức có tên là Maks Clauzen. Một thuận lợi cho việc sử dụng hiệu thính viên này là Maks Clauzen đã kết hôn với một phụ nữ Nga. Trong thời gian ở Thượng Hải, Sorge đã kết nối được với nhà báo Nhật Bản có tên là Khodzumi Ozaki.

Sau này, Khozumi Ozaki là thư ký của Thủ tướng Nhật - Hoàng tử Konoye. Ozaki là một nhà báo nổi tiếng có mối liên kết rộng trong bộ máy Chính phủ Nhật Bản. Ozaki trở thành Trưởng Trung tâm nghiên cứu trong Sở điều hành đường sắt Nam Mãn Châu Lý và ông đã cung cấp cho Sorge không chỉ những thông tin tối quan trọng về hành trình của các đơn vị trong đội quân Quan Đông mà cả những kế hoạch huấn luyện và tung gián điệp vào lãnh thổ Liên Xô... Khodzumi Ozaki trở thành nguồn cung cấp thông tin bí mật ở Nhật Bản cho Sorge.

 Sau khi Nhật Bản xâm chiếm Mãn Châu Lý trong các năm 1931-1932,  Moskva lo ngại Nhật có thể sẽ quay sang cả vùng Viễn Đông của Liên Xô. Tháng 9 năm 1933, Sorge được cử sang Nhật  với vỏ bọc là một phóng viên cho một tờ báo và tạp chí của Đức.  Các bài báo của Sorge giúp ông tạo dựng uy tín của một chuyên gia về Nhật Bản.

Ông được một chủ bút trao cho một bức thư giới thiệu gửi tới Đại tá Eugen Ott khi đó là Tùy viên Quân sự của Đức và họ đã trở thành đôi bạn thân thiết. Để chiếm lòng tin của Đại tá Ott, Sorge đã cung cấp cho viên sĩ quan Đức này các thông tin về các lực lượng vũ trang cũng như công nghiệp quốc phòng của Nhật Bản.

Kết quả là các bản báo cáo của ngài Tùy viên quân sự Ott trở nên giàu có nội dung và các phân tích sắc sảo mà trước đó ông không bao giờ có, khiến cấp trên ở Berlin phong ông lên Tướng, rồi đưa ông lên vị trí Đại sứ tại Tokyo. Sorge đã trở thành "người nhà" đối với gia đình Ott. Ngược lại, tướng Ott trở thành "món quà quý báu" đối với Sorge vì Ott hay có thói quen thảo luận với Sorge những công việc chuyên môn. Vợ của Eugen Ott - bà Helma cũng thường xuyên mời Sorge đến nhà.

Nhờ đó, Sorge trở nên thân thiện với nhiều nhà ngoại giao Đức, và thậm chí đã thiết lập một mối quan hệ tuyệt vời với nhân viên Gestapo Josef Albert Meisinger, tùy viên của Đại sứ quán Đức phụ trách công tác liên lạc với các cơ quan tình báo của Nhật. Bằng cách này, ông nhanh chóng tiếp cận với các nhà ngoại giao Đức và quân đội Đức. Nhờ đó, Chính quyền Đức coi Sorge là người đã rời Đức từ lâu, có ít vai trò trong Đảng Cộng sản.

Còn trong Gestapo, không ai quan tâm đến một người Đức sống ở nước ngoài. Hơn nữa, ông khăng khăng từ chối các đề nghị hấp dẫn chuyển đến làm việc tại Đại sứ quán Đức ở Tokyo, bởi vì trong trường hợp này, người ta sẽ kiểm tra một cách nghiêm túc quá khứ của ông. Chính vì thế, vỏ bọc nhà báo của ông chưa từng bị lộ, và ông có hai nguồn cung cấp tin cho ông.

Năm 1935, Sorge bí mật về Moskva. Ông được tướng Yan Karlovich Berzin -  Cục trưởng cục Tình báo Quân sự đón tiếp. Sorge yêu cầu gửi cho ông hiệu thính viên Maks Klauzen, người đã cùng ông làm việc tại Thượng Hải. Nhờ đó, đường liên lạc thông tin vô tuyến với Vladivostok luôn luôn được thông suốt.

Nhóm của Sorge bắt đầu làm việc từ tháng 2 năm 1936 và từ đó Sorge thường xuyên báo cáo về Moskva những tin quan trọng. Nhưng người đứng đầu nhà nước Liên Xô lúc bấy giờ là Stalin đã cho những thông tin của Sorge là thông tin giả.

Cụ thể là ngày 2 tháng 5 năm 1941, khi thông báo cho Moskva biết có khả năng sớm xảy ra cuộc chiến tranh, Sorge đã nói rõ ý đồ của quân đội Đức: "Các tướng lĩnh Đức đánh giá khả năng chiến đấu của Hồng quân quá thấp đến mức họ tin rằng chỉ sau vài tuần lễ Hồng quân sẽ bị tan rã". Cục trưởng Cục Tình báo - Trung tướng Golikov ra lệnh báo cáo thông tin của Sorge lên lãnh đạo Nhà nước, nhưng  thông tin này lại không được quan tâm.

Một bức điện khác, gửi vào ngày 30-5 mở đầu như sau: "Berlin đã thông báo cho Ott (Đại sứ Đức - NCK) rằng, cuộc tấn công của Đức vào Liên Xô sẽ mở màn vào hạ tuần tháng 6. Ott chắc chắn tới 95% cuộc chiến sẽ bắt đầu". Tiếp đó, ngày 1/6, Sorge gửi bức điện về Moskva với nội dung: "có 170-190 sư đoàn Đức tập trung ở biên giới Liên Xô". Đây có lẽ là bức điện quan trọng nhất trong sự nghiệp tình báo của Sorge, song vẫn bị cấp trên của ông đánh dấu "nghi ngờ".

Biết thượng cấp xem nhẹ các cảnh báo của mình, Sorge đã báo cáo thêm một lần nữa. Ngày 20-6, ông soạn thêm bức điện cảnh báo có nội dung sau: "Ott (Đại sứ Đức) nói với tôi rằng, chiến tranh giữa Đức và Liên Xô là không tránh khỏi... Còn Ozaki (thư ký của Thủ trướng Nhật - NCK) bảo tôi là Bộ Tổng tham mưu Nhật Bản đã thảo luận nên lựa chọn Đông Nam Á trong trường hợp nổ ra chiến tranh". Ngày 21-6, Max Clausen đã gửi bức điện trên về Moskva. Ngày hôm sau, 22-6, Quân đội Đức bắt đầu xâm lược Liên Xô.

Trong bức điện gửi ngày 20 tháng 6 năm 1941, Sorge cũng đã thông báo với Moskva rằng, Nhật Bản không có ý định tấn công Liên Xô vì quân đội Nhật đang tập trung vào chiến trường ở Đông Nam Á, các tàu ngư lôi Nhật Bản tấn công các tàu chiến Mỹ ở vịnh Trân Châu Cảng. 

Điều này cho phép Bộ chỉ huy tiền phương Hồng quân Liên Xô điều chuyển các đơn vị từ  Viễn Đông, từ Siberia, Ural, Volga, Trung Á, Kavkaz về tham gia một cuộc phản công gần Moskva. Ngày 7 tháng 12 năm 1941,  quân đội của các tướng  Rokosovsky, Govorov và Vlasov đã đánh đuổi lính Đức tại mặt trận gần Moskva, Thủ đô Moskva đã được cứu khỏi sự xâm lược của phát xít Đức.

Nhiều tác giả mô tả những chiến sĩ Siberia dũng cảm, ngày 07-11-1941 đã tham gia duyệt binh trên Hồng  trường và ngay lập tức đi thẳng ra mặt trận.

Truy tặng danh hiệu Anh hùng Liên Xô

Năm 1956, ông được dựng tượng đài. Nhiều cuốn sách viết về ông đã được xuất bản. Cả thế giới nói về ông. Ở phương Tây, một bộ phim truyện "Bạn là ai, Tiến sĩ Sorge?" đã được chiếu thành công ở khắp mọi nơi, ngoại trừ Liên Xô.

Tượng đài anh hùng Liên Xô Richard Sorge tại Moskva.

Tướng Nikolai S.Zakharov, người lãnh đạo đơn vị bảo vệ yếu nhân Đảng và Chính phủ Liên Xô, đã trình chiếu bộ phim cho Tổng bí thư Khrushev. Tổng bí thư đã bị sốc khi biết rằng Liên Xô có một trinh sát nổi tiếng thế giới. Ông Khrushev đã gọi điện cho Đại tướng Ivan Aleksandrovich Serov - Tổng cục trưởng Tổng cục Tình báo Bộ Tổng tham mưu quân đội Liên Xô và Đại tướng  báo cáo với Tổng bí thư rằng đã có người tình báo đó cách đây hơn 20 năm.

Năm 1964, Tổng cục Tình báo nhanh chóng thành lập một nhóm để nghiên cứu hồ sơ của Sorge. Ngày 5 tháng 11 năm 1964, Chủ tịch Đoàn Xôviết Tối cao Liên Xô Anastas  Ivanovich Mikoyan đã ký sắc lệnh "Truy tặng đồng chí Richard Sorge danh hiệu Anh hùng  Liên Xô".

Ngày nay, tượng đài của Richard Sorge được dựng trên một phố mang tên ông ở Moskva. Tên của Richard Sorge còn được đặt cho đường phố ở Lipetsk, Kazan, Ufa, Rostov trên sông Đông, Astana, Novosibirsk và ở Saint Petersburg.

Ở Baku, nơi người trinh sát được sinh ra, có một nhà bảo tàng Sorge, và tên của ông là tên một trong những con phố chính của thành phố này.

Ninh Công Khoát (tổng hợp)
.
.
.