“Ông trùm” bến Thượng Hải: Cơ hàn và bí ẩn

Thứ Ba, 18/08/2020, 22:30
Rất nhiều nhân vật "lão đại", những ông chủ Hoàng, ông chủ Đỗ, ông chủ Trịnh…của Hắc bang, Bạch bang, Thanh bang, Hồng bang, Bác Cổ bang, Quảng Đông bang, Triều Châu bang… xuất hiện trên màn ảnh đều lấy cảm hứng từ nguyên mẫu ngoài đời là ba ông trùm Bến Thượng Hải Hoàng Kim Vinh, Trương Tiêu Lâm và Đỗ Nguyệt Sênh.

Sau dòng phim cổ trang, điện ảnh Hong Kong rất mặn với dòng phim xã hội đen - võ thuật, lấy bối cảnh, con người, câu chuyện chủ yếu ở Thượng Hải và Hong Kong. Vì sao ư? Chỉ hai chữ: kịch tính.

Nhượng địa, tô giới, đặc khu… đều chứa sẵn trong lòng nó những câu chuyện về thời đại hỗn loạn, mảnh đất hỗn loạn, tụ đầy những con người nổi loạn, vô pháp và bất trị. Ở đó, chân lý thuộc về kẻ mạnh, quyền lực đồng nghĩa với bạo lực. Nó là đất diễn cho các màn hành động - võ thuật, là chất liệu cho các trường đoạn mưu mô, tạo nên kịch tính cho thể loại phim hành động.

Nhân vật "lão đại", cách gọi kiểu Trung Hoa cho vị trí "ông trùm", "bố già" của thế giới ngầm đã thành một mô típ nhân vật hấp dẫn trong loại phim này. Đặc biệt, những bộ phim ăn khách đó thường chọn bối cảnh là TP Thượng Hải thời Bắc Dương quân phiệt, từ sau Cách Mạng Tân Hợi 1911 cho đến trước ngày kết thúc nội chiến Quốc - Cộng với "bên thắng cuộc" là Đảng Cộng sản Trung Quốc, tháng 10/1949.

Từ một tên trùm tội phạm đường phố, Đỗ Nguyệt Sênh đã bắt tay với Tưởng Giới Thạch và Quốc dân Đảng để kháng Nhật và chống Cộng sản, dự phần vào chính trị, gây ảnh hưởng và có một vị thế nhất định, không nhỏ trong lịch sử Trung Quốc cận hiện đại. Trong tam đầu chế quyền lực Thượng Hải, Đỗ Nguyệt Sênh tuy sinh sau đẻ muộn, nhưng lại là tay quyền lực ghê gớm nhất, nhiều mưu lược nhất, cuộc đời nhiều sự thay đổi nhất, từ thân phận khuynh hướng, chính kiến cho đến vị thế chính trị - lịch sử.

Một góc Thượng Hải, 1930.

Hay hơn nữa, tuy cực kỳ xấu trai, Đỗ xếnh xáng lại là chủ nhân của một ông lô xích xông những câu chuyện diễm tình với các đào hát, người đẹp lừng danh của bến Thượng Hải trong suốt ba thập niên. Tình địch bị Đỗ đua tranh và đánh bạt có người từng là thiếu soái danh vọng như Trương Học Lương, lại có kẻ lão luyện già đời như lão đại Hoàng Kim Vinh - ông trùm của mọi ông trùm Bến Thượng Hải, thậm chí còn có cả một trong "tứ đại mỹ nam" của đất vàng đất bạc này, một đại danh ca vang danh tiêu xái.

Con người lừng lẫy, từng được xem là "đệ nhất Trung Hoa cận đại lục lâm", được báo chí đương thời ở Hong Kong, Thượng Hải xem như "công dân xứng đáng được gọi bằng "Ngài" nhất, nhân vật "có sắc thái truyền kỳ nhất"  hoá ra lại có xuất thân quá đỗi tầm thường và một tuổi thơ bần hàn cơ cực. Với điện ảnh, riêng cuộc đời của họ Đỗ đã là một kho tư liệu.

Đỗ Nguyệt Sênh sinh ngày 21/8/1888, nằm ngày 14/7 âm lịch, nhằm vào tiết Vu Lan của năm Quang Tự thứ 14. Ghi bằng chữ Hán, chữ Sênh (cũng đọc âm là Sinh) trong tên gã gồm bộ trúc phía trên, chữ sinh nằm dưới có nghĩa là chiếc sinh tiền, loại mộc khí dùng giữ nhịp trong giàn nhạc ngũ âm.

Vì nghĩa này, khi họ Đỗ đã thành kẻ đứng đầu quyền lực Thượng Hải, vị Quốc học Đại sư Chương Thái Viêm, Giáo sư Đại học Sư phạm Thượng Hải đã đặt thêm cho gã tên mới nữa là Dung, nghĩa là chiếc chuông nhỏ, chủ nhạc trong giàn nhạc lễ. Đây là một cách tán dương, bởi chữ dùng đặt tên nằm trong câu "Đông Phương chủ nhạc vi Sênh, Tây Phương chủ nhạc vi Dung".

Chưa hết, vị đại sư nguyên lão Đồng Minh hội, người sau này có công khai sáng Quốc giảng học tập hội ở Tô Châu (Quảng Châu) còn lần giở điển cố, lấy chữ từ sách "Chu lễ đại ti nhạc sơ" mà giải thích thêm rằng sách viết "Đông Phương chi nhạc vi Sênh, Đông phương chi nguyệt vi Dung", nghĩa là nhạc phương Đông là chiếc Sênh (phách), trăng phương Đông là vẻ đẹp, sự thành công". Vậy là gã du thủ du thực thời đắc chí có thêm cái tên Đỗ Nguyệt Dung ký công khai trong giấy tờ.

Đến ngày 18/10/1930, nhà đương cục Tô giới Pháp tại Thượng Hải tấn phong và công bố y trở thành Đổng sự Trung Hoa khu Tô giới cũng với tên Đỗ Dung. Tuy nhiên, cả trong ấn chương cá nhân và tên tuổi trên giang hồ, người ta vẫn quen gọi gã bằng nhũ danh Đỗ Nguyệt Sênh. 

 

Đỗ Nguyệt Sênh hồi trẻ.

Chữ Sênh (Sinh) đọc âm cũng gần như giống hoàn toàn với chữ "Thăng". Khi phiên âm tiếng Anh, tên gã được đọc là Du Yuesheng. Điều này gây ra một sự nhầm lẫn tai hại khiến một số tài liệu, tác giả - nhất là người phương Tây - đã hiểu nhầm nghĩa của từ Du Yuesheng - Đỗ Nguyệt Sênh (nhịp phách dưới trăng) mà ký âm ngược trở lại thành Đỗ Nguyệt Thăng (mặt trăng bay lên)! Đa số sách dịch ra tiếng Việt nếu có nhắc đến gã đều dùng nhầm tên Đỗ Nguyệt Thăng này, quên béng mất tên chính xác của tên ông nội kẻ cướp.

Khác với tướng mạo hoá thân phương phi, bệ vệ, đầy vẻ uy quyền trên phim ảnh, trong đời thật Đỗ Nguyệt Sênh là một gã cao gầy nhom, mặt chuột, mỏ dơi, rất xấu tướng. Tác giả Christopher Lender Wood trong cuốn "Journey to a war" (Hành trình đến cuộc chiến) mô tả Đỗ Nguyệt Sênh vào năm 1938 như sau: "Đỗ cao và gầy, khuôn mặt như đẽo bằng đá. Một bức tượng Sphinx phiên bản Trung Hoa. Ông ta trông khác thường và đáng sợ, chân luôn xỏ trong tất lụa và có đầu óc thông minh giảo hoạt kiều châu Âu".

Đã vậy gã lại có hai lỗ tai to ngoại cỡ, vểnh lật ra như hai cái quạt trông rất khó coi. Sau này, khi Đỗ đã gác chân lên quyền lực, đặc điểm chướng mắt này lại khiến người ta ưa gọi gã bằng biệt danh Đỗ "đại nhĩ” (Đỗ "tai lớn").

Sang tiếng Việt, cả sách lẫn phụ đề phim đều viết hoa biệt danh của gã. Vậy là giang hồ Thượng Hải thập niên 1930-1940 có thêm một đại bang chủ lừng danh là Đỗ Đại Nhĩ mà không khiến mấy ai thắc mắc. Tai hại hơn nữa, một số tác phẩm khác bằng tiếng Anh đề cập đến Đỗ thường ghi tên ông ta là Du "Big - Ears", không ghi rõ cả tên lẫn họ. Sang tiếng Việt, nó được dịch ngay và luôn thành ông Dư "tai to", cách xa tên thật tới một vạn rưỡi dặm!

Vô tình, danh xưng - cả tên thật lẫn biệt danh - đều ứng vào số phận, vẽ nên dung mạo một kẻ tai to mặt lớn theo quan niệm phương Đông. Việc Đỗ Nguyệt Sênh sẽ trở thành kẻ đứng đầu quyền lực thực thụ tại Thượng Hải mặc nhiên được dư luận gán cho hai chữ phần số!

Khi Đỗ được sinh ra, gia đình Đỗ vẫn chìm đắm trong cơ hàn. Nhà Đỗ thuộc hàng nghèo nhất của trấn Cao Kiều, huyện Xuyên Sa, tỉnh Giang Tô, nay là Đông Phố Tân Khu thuộc TP Thượng Hải. Năm Đỗ mới 4 tuổi thì người mẹ của gã đã mất trong khi sinh nở. Cha của Đỗ làm đầy tớ cho một hãng buôn gạo.

Tiền công chết đói, ông ta không nuôi nổi gia đình rạc rài thời củi quế gạo châu. Một người chị của Đỗ bị bán đi làm đầy tớ cho nhà giàu và biệt tăm. Đỗ Nguyệt Sênh được một người cậu ruột mang về nuôi, thực ra là để làm kẻ ăn người ở mà không phải trả tiền thuê.

Ông cậu này cũng chẳng lấy gì làm khá giả, lại cũng chẳng phải là người tử tế gì lắm. Đỗ bị buộc phải làm việc quần quật và liên tục bị hành hạ bằng roi vọt. Mỗi lần có chuyện bực dọc, mà đời sống khốn cùng thì ngày nào chẳng có chuyện bực dọc, ông cậu lại lôi Đỗ Nguyệt Sênh ra nện, xem như một trò tiêu khiển và trút giận. Chịu không nổi, khi người cha lấy vợ kế, Đỗ lại trốn cậu về ở cùng cha.

Cũng chẳng sung sướng gì hơn, thằng oắt con khốn khổ lay lắt lớn lên trong sự chăm sóc sơ sài, bữa no bữa đói - ăn đòn nhiều hơn ăn cơm - của mẹ kế và bố đẻ. Bị đánh đập quá nhiều (cả trong tuổi thơ lẫn trong những trận đụng độ hè phố khi đã lớn) nên sau này, Đỗ đã trở thành một gã dị hình quái tướng với một khuôn mặt gồ ghề méo mó với một đôi tai bẩm sinh vểnh ngược.

Tam đầu chế Thượng Hải Đỗ Nguyệt Sênh, Trương Tiêu Lâm, Hoàng Kim Vinh.

Khi Đỗ Nguyệt Sênh lên 8, nó lại tiếp tục mồ côi cha. Là một con nghiện thuốc phiện chân chính nhưng không bao giờ kiếm đủ tiền để hút xái, cha của Đỗ không có cơ hội kéo dài cuộc sống lâu hơn để suốt ngày ho hen khạc nhổ và liên tục đánh mắng con cái. Mồ ông chưa kịp se đất thì bà mẹ kế đã vội vã ôm tay nải bỏ xứ đi biệt.

Bà chẳng hoài công ở lại làm lụng quần quật để nuôi báo cô lũ con chồng nghịch như quỷ sứ mà không hứa hẹn sẽ được đền đáp, báo dưỡng lúc tuổi già. Đỗ được gửi trở lại thị trấn Cao Kiều sống với ông bà ngoại.

Gần như thất học, 14 tuổi (năm 1902), Đỗ Nguyệt Sênh đã bị ném ra đường. Lần mò, thằng bé theo những gã đồng hương nghèo lớn tuổi hơn mò lên TP Thượng Hải làm thuê kiếm sống, vạ vật lấy bến tàu, nhà kho cũ làm nơi tá túc.

Nằm ở phía nam lưu vực sông Dương Tử (Trường Giang), ban đầu, Thượng Hải chỉ là một làng chài nghèo nàn và thưa dân. Sự nhu nhược, hèn đớn đã khiến triều đình Mãn Thanh phải chấp nhận thất bại trong cuộc chiến tranh Nha phiến (1839-1842), buộc phải nhường Thượng Hải cho Anh - Pháp - Mỹ và các cường quốc phương Tây khác.

Sau khi trở thành tô giới của các cường quốc, hàng hóa phương Tây và những cú áp phe quốc tế đã nhanh chóng biến mảnh đất này thành một đô thị sầm uất, thu hút dân chúng từ các miền Hoa Bắc, Hoa Trung đổ về.

Đến cuối thế kỷ XIX, Thượng Hải đã trở thành thành phố công nghiệp lớn nhất của Trung Quốc, dân số khoảng 3,5 triệu người. Chiếm phần đông trong số đó là người lao động nghèo đảm nhận những công việc phu phen, tạp dịch. Một bộ phận không nhỏ trong số họ bị cuộc sống chà đạp, nhào nặn, biến chất thành những tên lưu manh cường đạo, tụ nhau trong các hắc bang hoành hành bá đạo.

Thời gian đầu, Đỗ Nguyệt Sênh xin được một chân bốc vác và sai vặt tại hãng buôn hoa quả Hồng Nguyên Thịnh (Dah Yeu Fruit Hong) nằm trên phố 16, khu Nan Tao (Nam Đảo) của Thượng Hải. Luôn đói ăn, Đỗ gia tăng "cải thiện" bằng trò ăn cắp vặt. Ngưu tầm ngưu, mã tầm mã, cứ sểnh mắt, thằng oắt con sớm lưu manh lại trốn việc la cà, đập lộn và đánh bạc, gây ra không ít chuyện phiền toái cho cả ông chủ lẫn nhân viên tiệm buôn. Không thể chứa chấp mãi một tên tiểu lưu manh, hãng Hồng Nguyên Thịnh đuổi việc Đỗ Nguyệt Sênh sau chỉ mấy tháng.

Lưu manh, láu cá nhưng phải thừa nhận là Đỗ Nguyệt Sênh không những không dốt (vì ít học) mà còn tỏ ra là một thiếu niên khá nhanh nhạy.  Nhanh chóng, gã lại được Phan Nguyên Thịnh, một hãng buôn hoa quả có tiếng khác tiếp nhận vào vị trí nhân viên bán hàng. Tại đây, Đỗ chơi thân với một tên du đãng tên là Đồng A San.

Cuộc đời rẽ ngoặt năm 1911, khi Đỗ Nguyệt Sênh 23 tuổi. Cuộc cách Mạng Tân Hợi truất phế Hoàng Đế Phổ Nghi tuy chưa làm thay đổi được toàn bộ cấu trúc xã hội của Trung Quốc nhưng cũng đủ để bào mòn hệ thống quyền lực phong kiến thống trị hàng ngàn năm. Miền Đông, miền Nam đất nước Trung Hoa, sau cuộc Cách Mạng này, nạn cát cứ nổi lên khắp nơi.

Ở các thành phố lớn như Thượng Hải, quyền lực phong kiến và sức mạnh của bộ máy hành chính yếu dần, nhường chỗ cho quyền lực tư sản bắt đầu manh nha, ít nhiều mang màu sắc vô chính phủ của thời ly loạn. Băng đảng xã hội đen mọc lên như nấm khiến dân tình khốn khổ. Dân nghèo, người lao động nhỏ bé nếu không muốn bị chà đạp, chỉ còn cách ngoi lên bắt nạt kẻ yếu hơn bằng cách tham gia một băng đảng xã hội đen nào đó, bán mạng nhưng còn có chỗ dựa cậy.

Sau 4 năm quen biết, một hôm Đỗ được Đồng A San dẫn đi xem bói. Thầy bói phán: "Số ngươi không có cung phụ tử nhưng phát cung bằng hữu. Gia đình thì người chẳng nhờ cậy được gì, nhưng theo bạn bè thì thế nào cũng phát".

Đỗ tin ngay. Gã quyết định dọn về sống chung cùng A San tại một chốn có tấm biển tiếng Anh treo trước cổng ghi "Tian Song Lodging House" (Nhà nghỉ Thiên Thống). Thực chất, đây là một nhà chứa bình dân. A San sống, đồng thời làm bảo kê, chăn dắt gái ở đó. Gã là thành viên của băng Bác Cổ bang.

Trong phim xã hội đen, cứ thấy thằng du thủ du thực nào tay lăm lăm hai cây búa nhỏ, lưỡi rìu thì đích thị thằng đó là "đệ" của băng Bác Cổ. Cho dễ hình dung, bạn cứ mở đại một phim võ thuật bố láo nào đó của Châu Tinh Trì, kiểu như "Giáng Long thập bát chưởng" ra xem là hình dung ra ngay.

Nguyễn Hồng Lam (Còn tiếp)
.
.
.