“Nữ sinh biệt động xứ dừa” và trận đánh giữa sào huyệt địch

Thứ Năm, 11/02/2016, 10:30
Đường về Bến Tre không còn trễ nải những chuyến phà Rạch Miễu chậm chạp như rùa bò mà vun vút gió lộng trên cây cầu Bến Tre dây văng. Nhưng người hoài cổ vẫn thích những chuyến phà ì ạch vỗ sóng vượt qua ba cồn đất nổi Thái Sơn, Cồn Phụng để được tận hưởng cảm giác mơn man tuyệt vời của miền sông nước xứ Dừa.


Có câu hát rằng:

Con gái Bến Tre tóc mây da trắng,
Mắt nhung đen má phấn môi son,
Dáng đi yểu điệu ru hồn,
Em đi khuất dạng mà anh còn trồng cây si...

Thùy Vân sinh ra trong một gia đình yêu nước, có truyền thống cách mạng ở Tân Xuân, huyện Giồng Trôm. Khi còn nhỏ tuổi cô đã tham gia các hoạt động cách mạng ở địa phương, được B.1000 (Ty Giáo dục Bến Tre cũ) đào tạo thành giáo viên tiểu học, dạy ở Tân Hào, sau đó chuyển vào hoạt động nội thành.

Trong vai nữ sinh đệ tam trường Bồ Đề, Thùy Vân được rất nhiều người chú ý vì xinh đẹp, dịu dàng, học giỏi, có năng khiếu văn nghệ, nữ công gia chánh, cô đều đứng nhất bảng. Nhóm "Thi văn đoàn" có Thùy Vân tham gia đã tập hợp trên 10 bạn nam nữ cùng sở thích văn chương, trong đó có cả "cô chiêu" Trần Thanh Thùy, con gái rượu của Trần Thanh Nhiên - Tỉnh trưởng Tiểu khu Kiến Hòa (Bến Tre cũ). Mối thân tình đặc biệt này là điều kiện tốt để Thùy Vân tiếp cận các mối quan hệ phục vụ công tác.

Nữ sinh biệt động Thùy Vân tại Đại hội Thi đua Quân khu 8 và đồng đội Lệ Thanh thời kỳ hoạt động trong lòng địch ở Bến Tre. Ảnh: Tư liệu.

Dòng ký ức lần lượt hiện về như con nước đồng bằng mùa lũ lên, đều đặn, âm thầm trong mạch nhớ dĩ vãng. Vào dịp chào mừng năm mới Xuân Kỷ Dậu 1969, nhóm "Thi văn đoàn" của Trường trung học tư thục Bồ Đề do Thùy Vân làm trưởng nhóm, phối hợp với Trường trung học công lập Kiến Hòa (nay là Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu, TP Bến Tre) tổ chức liên hoan văn nghệ. Đêm ấy Thùy Vân hát bài "Trăng soi duyên lành". Những câu hát trữ tình mượt mà của tình yêu đôi lứa, của quê hương xứ Dừa, của mạch nguồn dân ca Nam Bộ cất lên trong trẻo:

"Trên sông sâu, đôi mái chèo nhẹ khoan
Đây quê tôi đẹp như ánh trăng ngàn
Trăng lên khơi, tôi hát lời hò khoan
Trăng sáng cả miền Nam...
Đêm hôm nay trăng rót vào lều tranh
Nghe êm êm vài cơn gió vương lành
Trăng ơi yêu kiếp đời cần lao
Yêu kiếp nghèo gian lao"...

Những tràng pháo tay cổ vũ vang dậy khắp sân trường khi cô cúi chào khán giả. Từ phía sau cánh gà sân khấu, một viên cảnh sát đặc biệt của chính quyền Sài Gòn xuất hiện, trên tay cầm bó hoa tươi tặng cô bày tỏ sự ái mộ và tự giới thiệu tên là Võ Hồng Thạnh, quê ở đất cố đô Huế. Tuy giả bộ thẹn thùng, nhưng Thùy Vân biết, đây là một cơ hội tốt để cô hoàn thành nhiệm vụ của một chiến sĩ  biệt động nếu kết bạn với viên cảnh sát đặc biệt này. Theo lời tâm sự của Hồng Thạnh, trước đây, anh từng yêu say đắm con gái của bà Ưng Thi (chủ rạp REX ở Sài Gòn), hứa hẹn đi đến hôn nhân. Nhưng do không "môn đăng hộ đối" nên người yêu đã quay lưng để lấy một sĩ quan du học từ Mỹ về làm chồng. Hận người yêu "sang ngang phụ tình", Thạnh quyết định xa chốn đô thành Sài Gòn nhiều kỷ niệm buồn đau, xin về Kiến Hòa phục vụ trong ngành cảnh sát đặc biệt.

Nắm được tâm lý ấy, Thùy Vân cùng nhóm bạn trong cơ sở khôn khéo tìm cách "tấn công", cảm hóa tình cảm, khơi gợi trong Thạnh về tình yêu quê hương đất nước, dân tộc, nhận rõ cuộc chiến tranh phi nghĩa, chống lại ngoại bang xâm lược để có tình yêu trọn vẹn… Sau những lần ấy, suy nghĩ, tâm lý của Thạnh có những chuyển biến rõ rệt…

Trận chiến thầm lặng

Một hôm, Thạnh hẹn gặp Thùy Vân uống cà phê ở bờ hồ Trúc Giang thơ mộng và cung cấp một thông tin đặc biệt: "Sắp tới, ở Kiến Hòa sẽ có một cuộc tập huấn dành cho sĩ quan cốt cán của khối An ninh, Cảnh sát đặc biệt và Bình định nông thôn, do quan chức cao cấp ở Sài Gòn xuống giáo huấn. Thùy Vân xem đây là thời cơ tốt để hành động bởi Hồng Thạnh là thành phần tham dự cuộc họp và có trong tay chìa khóa mở cửa phòng họp. Thùy Vân bí mật ra căn cứ, báo cáo xin chỉ thị và bàn kế hoạch với các đồng chí chỉ huy Trịnh Văn Nở, Hoàng Quốc Thanh, Huỳnh Hà Sang. Thống nhất đánh vào thời điểm hội nghị, chủ động phá kế hoạch bình định cấp tốc của đối phương, giáng những đòn cân não làm lung lay ý chí của địch.

Nhưng cái khó là việc mang lựu đạn từ căn cứ vào nội thành và tiếp cận mục tiêu rất nguy hiểm, không an toàn cho biệt động và cơ sở. Nhiều giả thuyết đặt ra như: Nếu đóng vai người bán hàng rong, đặt lựu đạn trong gánh rau xanh hoặc thùng cà rem ở bên cổng hội trường công chức thì cách quá xa mục tiêu, không gây sát thương lớn cho đối phương, ngược lại sẽ ảnh hưởng đến người dân qua lại trên đại lộ Phan Thanh Giản ngang qua hội trường. Cuối cùng, chỉ huy biệt động Bến Tre chọn phương án dùng "cơ sở" bên trong và vũ khí của địch để diệt địch là an toàn và hiệu quả nhất.

Quay trở về thị xã, Thùy Vân cùng Thạnh bàn tính kỹ lưỡng từng chi tiết cho kế hoạch hành động kể cả phương án rút lui nếu thất bại. Thùy Vân chỉ huy nhóm hành động và trực tiếp tham gia. Trước ngày diễn ra trận đánh, Võ Hồng Thạnh bí mật vào trong hội trường công chức lấy hai quyển "Chống chiến tranh nhân dân du kích miền Nam" và "Bình định miền Nam trong vòng 18 tháng" để trong tủ đầy các loại sách tài liệu dùng cho các lớp tập huấn, hội nghị của ngụy quân ngụy quyền ở Kiến Hòa.

Hai quyển sách cùng hai quả lựu đạn da láng được Hồng Thạnh cấp tốc chuyển đến Thùy Vân. Lập tức Thùy Vân cùng đồng đội là Thanh Lệ (Đặng Thị Thủ) đem về nhà trọ của một viên cảnh sát ở Cù lao Dê (nay là Cù lao Bình Dương) bắt tay vào việc khoét lỗ hai quyển sách để lọt hai lựu đạn da láng vào sách, cẩn thận ràng chặt sách bằng dây thun, bỏ vào cặp học sinh, mặc áo dài trắng, mang sách ra điểm hẹn giao cho Hồng Thạnh.

Khi đến điểm hẹn phía sau hội trường công chức tỉnh (nay là rạp Lê Anh Xuân), Thùy Vân giao cặp sách cho Thạnh, yêu cầu đặt sách lại chỗ cũ trong tủ tài liệu và gỡ dây ràng ra khỏi sách chốt lựu đạn tự bật sẵn.  Sau khi làm tín hiệu báo cho đồng đội biết công việc đã trót lọt, hoàn thành như kế hoạch, lúc này Thạnh rời khỏi hội trường, bên ngoài đường Thùy Vân đã bố trí cho một đồng chí "cơ sở" chạy xe đụng vào Hồng Thạnh đủ gây trầy xước.

"Nạn nhân" Thạnh giả bộ bất tỉnh để được đưa vào bệnh viện điều trị nhằm tránh sự nghi ngờ, tạo bằng chứng ngoại phạm. Đến giờ khai mạc lớp tập huấn, tên quan chức cao cấp của Sài Gòn chủ trì giáo huấn đến tủ tài liệu, lấy cuốn "Chống chiến tranh nhân dân du kích miền Nam" thì cuốn "Bình định miền Nam trong vòng 18 tháng" lật bung ra, lựu đạn bật kíp nổ khiến những tên đứng gần đấy lớp chết lớp bị thương. Tiếp theo đó, trái lựu đạn trong quyển sách trên tay của tên quan chức cao cấp lại nổ gây sát thương gấp bội.

Sau hai tiếng nổ bất thần, gần 30 tên chết và nhiều tên bị thương, hội trường công chức như bầy ong vỡ tổ. Thùy Vân, Thanh Lệ, Hồng Thạnh và nhóm "cơ sở" đều an toàn. Trận đánh hay, đánh đẹp, đánh hiểm, đánh táo bạo, mưu trí dũng cảm của nữ sinh biệt động Thùy Vân cùng "cơ sở" nội thành và người sĩ quan "Cảnh sát đặc biệt" phản chiến như một cú đấm ngoạn mục làm cho đối phương choáng váng. Tin chiến thắng vang xa, nức lòng quân dân trong tỉnh. Sau trận đánh, Võ Hồng Thạnh nằm trong diện bị nghi ngờ, anh bị triệu hồi về Bộ Tư lệnh Cảnh sát quốc gia để sưu tra. Kể từ đó mất liên lạc giữa Hồng Thạnh và Thùy Vân, tình yêu đơn phương của Hồng Thạnh cũng kết thúc từ đó.

Trong hai năm (1968-1969), ngoài trận đánh vào hội trường công chức, chỉ huy biệt động Bến Tre và Thùy Vân còn trực tiếp đánh và vạch kế hoạch chỉ huy các trận đánh vào các mục tiêu như: Đồn cảnh sát đặc biệt, hậu cứ Trung đoàn 10 thuộc Sư đoàn 7, khu An Hòa, trại Huỳnh Ngọc An (sau trở thành trại Quang Trung, hiện nay là trụ sở Công an Bến Tre), khu nhà nghỉ của công chức và sĩ quan cao cấp, dinh Tỉnh trưởng Kiến Hòa. Thùy Vân còn là người đề xuất phương án và trực tiếp điều tra, nghiên cứu, trinh sát mục tiêu Chiến hạm 833 của Mỹ đang neo đậu ở Vàm Bến Tre (sau này do chiến sĩ đặc công thủy Hoàng Lam và đồng đội mưu trí, dũng cảm thực hiện trận đánh vang danh "cưỡi sóng Hàm Luông, diệt hạm đội Mỹ").

Cuộc đời chìm nổi

Không một ai có thể ngờ rằng cô nữ sinh Trường Bồ Đề xinh đẹp, học giỏi, hát hay là một chiến sĩ biệt động thành. Duy nhất có "cảnh sát đặc biệt" Võ Hồng Thạnh biết được điều đó, nhưng sự im lặng đã trở về với im lặng khi mà hai con người ở hai chiến tuyến không còn tiếp tục chiến đấu chung chiến hào. Thùy Vân được vinh dự chọn tham gia cùng đoàn đại biểu thay mặt Lực lượng Vũ trang tỉnh Bến Tre tham dự Đại hội Chiến sĩ thi đua cấp Quân Khu.

Tại Đại hội thi đua Quân khu 8, với Thùy Vân là một sự kiện quá lớn lao, đầy vinh dự và tự hào. Trong đoàn đại biểu Bến Tre ngày đó có Thùy Vân - Trung đội trưởng Đặc công biệt động nội thành và những anh hùng sau này như: đồng chí Võ Viết Thanh - Nguyên Thứ trưởng Bộ Công an, lúc đó là Đại đội phó xưởng sản xuất vũ khí, Nguyễn Thế Đoàn - Đội trưởng Đội phẫu thuật tiền phương) và tập thể Đội săn tàu của Trương Vũ Sơn được chọn vào diện đề nghị phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân trong Đại hội thi đua cấp Miền.

Là trung đội trưởng biệt động trẻ trung, xinh đẹp lập nhiều chiến công vang dội giữa nội đô, nên Thùy Vân rất được mọi người quan tâm. Cô như một bông hoa mới nở, rất đẹp, tỏa sáng giữa bao anh hùng, chiến sĩ thi đua Quân khu 8. Do công việc đột xuất, cô được tổ chức bố trí theo đường giao liên trở lại Bến Tre sớm hơn, để lên đường nhận nhiệm vụ mới. Không ngờ, trên đường về đến xã Long Định (huyện Châu Thành, Tiền Giang) Thùy Vân lọt vào ổ phục kích của địch…

"Nữ sinh biệt động" Thùy Vân hơn 40 năm về trước, bây giờ là một doanh nhân thành đạt của TP Hồ Chí Minh. Bà chọn cuộc sống thầm lặng, không ồn ào. Và thời gian cứ trôi qua, trôi qua…

Hoàng Châu – Hoàng An
.
.
.