Cựu đặc công biệt động Sài Gòn và hơn 20 năm duy trì lò võ miễn phí

Thứ Năm, 15/10/2015, 14:00
Rời quân ngũ với những thương tích nặng nề từ chiến tranh, người thương binh hạng 2/4 ấy vẫn không quên được những đam mê của mình với võ thuật. Người lính biệt động Trần Huy Sơn (thôn Tân Văn 1, xã Tân Dĩnh, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang) vẫn luôn suy nghĩ rằng, những tinh hoa của võ thuật dân tộc nếu không được truyền thụ tất sẽ biến mất. Cũng vì suy nghĩ đó mà sau nhiều năm trăn trở, năm 1995, ông thành lập Câu lạc bộ (CLB) võ thuật Lam Sơn tại nơi mình sinh sống với tiêu chí "dạy võ để rèn đức".
Câu chuyện về vị võ sư, thiếu tá quân đội nghỉ hưu và là một thương binh đang mang trong mình mảnh bom từ chiến trường khốc liệt nhưng vẫn luôn cháy bỏng đam mê truyền thụ võ thuật cho lớp lớp cháu con, đã khiến cho nhiều người cảm phục.

Như lời kể của cựu chiến binh Trần Huy Sơn, nghiệp võ của ông cũng được đúc kết từ những năm tháng chiến tranh khói lửa bảo vệ Tổ quốc. Ông cũng không quên nhắc lại những kỉ niệm xương máu trong chặng đường tiến về giải phóng Sài Gòn, mà khi đó với trách nhiệm là người lính đặc công, luôn phải đối mặt với những nguy hiểm chết chóc.

Theo đó, vào đầu năm 1974, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đang ở giai đoạn quyết liệt, ông Sơn xung phong nhập ngũ. Với thân hình, sức khỏe nổi trội hơn nhiều người cùng nhập ngũ, ông được chọn để tham gia một khóa huấn luyện đặc công, rèn nhiều kỹ năng, trong đó có võ thuật, sử dụng binh khí và lái xe cơ giới. Với sự nhiệt huyết của tuổi trẻ và năng khiếu với bộ môn võ thuật, ông trở thành một trong những người lính hoàn thành xuất sắc khóa huấn luyện.

Kết thúc khóa học, ông được biên chế về đơn vị Z82-316 của lực lượng Biệt động Sài Gòn, chiến đấu chủ yếu trong biệt khu Sài Gòn - Gia Định. Chỉ trong thời gian ngắn, chiến sĩ đặc công Trần Huy Sơn tham gia nhiều trận đánh trong khu vực nội đô. Đặc biệt, những ngày cuối tháng 4/1975, ông có mặt trong lực lượng biệt động đánh chiếm Tổng nha cảnh sát ngụy và giành nhiều thành tích, ông được thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba.

Sau khi đất nước thống nhất, ông Sơn được luân chuyển sang lực lượng quân báo của Tiểu đoàn 302 và hoạt động ở chiến trường biên giới Tây Nam. Năm 1978, trong một lần tham gia chiến đấu, mở rộng vành đai, xây dựng lực lượng giải phóng ở tỉnh Kôngpônchàm (Campuchia), ông đã bị mảnh đạn M79 ghim vào cột sống. Do đạn nằm ở vị trí cực kì nguy hiểm nên các bác sĩ không thể phẫu thuật gắp bỏ.

Võ sư Trần Huy Sơn.

Chiến tranh biên giới Tây Nam kết thúc, năm 1980, ông Sơn trở về nước làm công tác huấn luyện võ thuật tại trường Quân chính Quân khu 7, tham gia huấn luyện các khóa pháo binh, trinh sát. Năm 1995, ông về hưu với quân hàm thiếu tá. Hành trang ông mang về quê chỉ là chiếc ba lô đựng mấy bộ quần áo bạc màu, những kỷ niệm, nhiều "tuyệt kỹ" võ thuật học được từ thời quân ngũ và những vết thương hằn sâu do chiến tranh để lại. Trước đó, khi còn công tác tại trường Quân chính, bố mẹ ông Sơn đã mai mối cho ông với cô thôn nữ cùng xã và họ đã nên duyên vợ chồng.

Nếu không được nghe sự xác minh của những người thân, đồng đội thì không thể biết được người võ sư đang say sưa dạy võ cho học trò đã từng tham gia hơn 30 trận đánh lớn nhỏ và hiện còn mang một mảnh bom găm trong cột sống khiến cho nửa thân trên của ông rất không thể quay ngang mà chỉ có thể nhìn thẳng về phía trước. Ông bảo, giờ thì cứ tiếp tục sống và làm công việc mình yêu thích, còn hơn là phải bận tâm tới những vết thương của quá khứ. Dù vết thương nặng như vậy nhưng mỗi ngày ông Sơn vẫn giữ thói quen rèn luyện thể lực như ngày còn trong quân ngũ, sáng sáng chạy bộ mấy cây số rồi về tắm nước lạnh, đông cũng như hè.

Ông Sơn đang dạy võ cho học trò của mình.

Ông Sơn chia sẻ: "Trước kia khi mới nghỉ hưu, tối nào tôi cũng cùng cậu con trai luyện võ để truyền đạt hết những gì cho con lưu giữ. Bọn trẻ trong vùng biết được thường đến xem rồi xin học. Ngày qua ngày, lũ trẻ đến xin học ngày một đông. Thấy các cháu có đam mê nhiệt huyết với võ thuật cổ truyền, cái máu với nghề võ trong mình lại nổi lên, lại thấy trẻ em nhiều đứa sa ngã do ham chơi và đua đòi, lại không có một sân chơi lành mạnh nên tôi mới mở câu lạc bộ võ để các cháu có thể đến sinh hoạt thường xuyên hơn", ông Sơn chia sẻ.

Sau khi thành lập, CLB được võ sinh theo học nườm nượp. Cái tiếng "thầy", tức là thầy võ của ông bắt đầu từ đó. Tuy thế, ban đầu lò võ của ông là tự phát, muốn được phép thành lập Câu lạc bộ, phải có danh vị võ sư. Vậy là ông vừa dạy học trò, vừa học và thi để lấy bằng. Có rồi, ông xin phép địa phương thành lập một câu lạc bộ võ thuật cổ truyền và được phép chính thức hoạt động từ năm 1996.

Cái tên Lam Sơn, như ông giải thích, không phải lấy nghĩa từ tên ông mà là tên CLB võ thuật ở đơn vị ông khi trước. Đó là đạo nghĩa của người học võ: Không bao giờ quên cội rễ gốc gác võ học của mình. Chưa có võ đường đàng hoàng, ông biến nhà mình thành nơi tập võ, vườn cây thành nơi luyện võ. Ấy vậy mà nhiều người vẫn biết tiếng tìm đến xin học.

Mỗi năm, ông có từ 300 đến 500 học trò, chia làm sáu lớp từ nhiều lứa tuổi khác nhau. Các võ sinh chủ yếu là người trong huyện và các huyện lân cận đến học. "Học võ cốt ở chỗ rèn luyện kỷ luật, bản lĩnh và lòng kiên trì, không ngại khó và phải có mục đích tích cực. Phải đặt chữ đức và cái tâm trong sáng lên hàng đầu. Không rèn được mấy đức tính ấy thì khó mà thành", ông Sơn tâm sự.

Như vậy, cái tâm trong sáng và lòng say mê hướng tới điều thiện chính là tiêu chí để ông lựa chọn học trò. Là một người thầy của hàng nghìn học trò, bản thân ông tự biết mình phải nêu gương sáng, đem võ đức truyền cho các em. Bước khởi đầu của mỗi võ sinh là phải rèn tấn pháp cho chuẩn. Đây là chìa khóa để vào quyền, bởi tấn pháp không tốt thì không đi quyền được.

Huy chương và cờ lưu niệm mà các võ sinh của ông Sơn đạt được.

Học võ cổ truyền, các võ sinh phải thành thục chín bài quyền gồm lão mai quyền, lão hổ thượng sơn, ngọc trản quyền, hùng kê quyền, tứ linh đao, huỳnh long độc kiếm, đao xung thiên, bát quái côn, roi thái sơn. Khi võ sinh thạo các bài quyền rồi thầy sẽ căn cứ vào thế mạnh của võ sinh để huấn luyện chiến thuật tiếp. Ông Sơn cho biết: "Khi đã sử dụng võ thuật thì không nên chỉ mạnh về cước hay chưởng mà phải sử dụng điêu luyện cả chân tay. CLB chúng tôi rất để ý đến điều này, và đó cũng là những tiền đề cho sự thành công".

Sau khi học chiến thuật, võ sinh phải luyện khí (luyện cách thở sao cho khỏi mệt để có sức bền), luyện nội công (luyện bộ cơ sao cho dẻo dai, bền bỉ, chịu được cường độ đòn lớn) rồi luyện công phá để biến hóa lực đánh, sử dụng nhu, cương cho phù hợp. Khi thi đấu, ông Sơn dạy học trò phải giữ tâm lý ổn định, vững vàng. Các đường quyền không những mạnh mà còn phải dứt khoát, có lực. Đồng thời phải biết đánh giá sức mạnh của đối phương, đánh vào điểm yếu của họ và không lộ ra điểm yếu của mình.

Nhờ có tố chất và được người thầy tâm huyết công phu rèn luyện, các thế hệ võ sinh của ông có không ít em đã thành tài. Điều đặc biệt là ông dạy miễn phí cho tất cả học trò. Có những thời điểm, do kinh phí thi đấu ít, ông Sơn phải bỏ chút tiền lương hưu để tổ chức thi đấu và trao giải thưởng cho các em. Từ khi thành lập CLB đến nay, tham gia các giải đấu của tỉnh và quốc gia, CLB võ thuật của ông đã đem về cho huyện hơn 100 tấm huy chương các loại, trong đó có 65 huy chương vàng, 30 huy chương bạc và 20 huy chương đồng. Riêng năm 2008, tham gia kỳ thi đấu cấp tỉnh, CLB võ thuật Lạng Giang giành giải nhì toàn đoàn với năm huy chương vàng, ba huy chương bạc và hai huy chương đồng.

Ảnh các giải đấu mà học viên CLB tham gia.

Tâm huyết của ông đã giúp cho nhiều em tránh xa được tệ nạn xã hội như nghiện hút, trộm cắp, đánh nhau… Bởi, khi đã tạo được cho các em một sân chơi lành mạnh, một niềm đam mê thì các em sẽ tự động tránh xa những điều xấu. Ông mong muốn có nhiều CLB được mở ra để làm sân chơi cho các em, nhất là khi tỉnh đã có chủ trương xã hội hóa thể thao. Nhờ học võ và tinh thần thượng võ, nhiều em đạt được đỉnh cao trong học tập và trở lại thăm thầy cũ.

Mặc dù khó khăn về kinh tế nhưng ông vẫn dành một phần lớn đất của gia đình để cho các em luyện võ. Nhìn sân vườn của ông đầy những bao cát, tạ sắt, hình nhân, tôi tự hỏi gia đình ông sẽ sống sao với đồng lương hưu ít ỏi.

Nói về chuyện đó, ông Sơn tâm sự: "Tất cả đều nhờ sự đảm đang của vợ tôi. Bà ấy ủng hộ việc mở lớp võ miễn phí cho các cháu có nơi sinh hoạt lành mạnh nên không than phiền gì khi tôi đưa các cháu về sân nhà mình để dạy. Còn một mảnh đất sau nhà, vợ tôi làm đủ mọi việc như nuôi lợn, gà rồi lại trồng thêm nấm rơm và lo toan mấy sào ruộng. Tôi có sức nhưng do vết thương khiến cơ thể không hoạt động theo ý muốn, giúp được bà ấy bao nhiêu thì giúp. Túc tắc cũng đủ lo toan cuộc sống gia đình. Còn về lớp võ, các cháu vẫn tự đóng tiền quỹ để sinh hoạt, tu sửa dụng cụ tập luyện chứ tôi không yêu cầu đóng góp gì. Mình không có nhiều tiền thì góp sức dạy võ, dạy cái đức cho các cháu, góp sức được cho phong trào chung của huyện, của tỉnh, vậy là vui lắm rồi, còn mong gì hơn nữa".

Ngọc Minh
.
.
.