Nigel Farage có phải là “người tạo ra những vị vua” mới trong lịch sử nước Anh?

Thứ Ba, 11/06/2019, 20:38
Làm thế nào mà một chuyên gia môi giới hàng hóa, một chính trị gia như Farage lại có thể đi vào lịch sử như vậy?

Mới hơn 20 năm trước, Nigel Farage còn bị coi là một anh hề trên chính trường. Tuy nhiên chỉ trong vòng 3 năm gần đây, nhân vật này đã thành công trong việc biến những dự án chính trị của mình thành một trong những điểm chủ chốt trong chính sách của châu Âu và thế giới, làm thay đổi 2 chính phủ tại Anh và làm chấn động những nền tảng của quá trình tích hợp cả châu Âu.

Làm thế nào mà một chuyên gia môi giới hàng hóa, một chính trị gia như Farage lại có thể đi vào lịch sử như vậy?

Vào thế kỷ XV, khi nước Anh phải trải qua một trong những cuộc khủng hoảng đáng sợ nhất trong lịch sử của mình - giai đoạn đối đầu giữa hai dòng họ Lancaster và York để tranh giành vương vị, được biết đến với cái tên Cuộc chiến hoa hồng - đã từng nổi lên một cái tên được cho là có ảnh hưởng nhất tại đất nước này trong thời điểm bấy giờ, Richard Neville, bá tước thứ 16 của Warwick.

Ông ta khi thì ủng hộ phe này, khi thì phe bên kia, là người khởi xướng việc lật đổ hai nhà vua. Ảnh hưởng của nhân vật này chỉ thực sự kết thúc sau cái chết của ông ta trên chiến trường vào ngày 14-4-1471. Nhưng cái tên Richard Neville đã mãi mãi đi vào lịch sử nước Anh với biệt danh "Người tạo ra những vị vua" (Warwick the Kingmaker).

Nigel Farage.

Còn "Người tạo ra những vị vua" thời hiện đại của Anh về xuất thân không gì có thể so sánh với vị bá tước trong quá khứ. Ông chỉ là con trai một nhà môi giới mắc chứng nghiện rượu, có bề ngoài giống một viên thư ký hay một nhà môi giới hàng hóa không có gì nổi bật.

Tuy nhiên, chính nhân vật này đã góp phần làm thay đổi xu hướng phát triển của nước Anh nói riêng và châu Âu nói chung. Ông ta là người đã khiến David Cameron phải đưa ra lời hứa hẹn sẽ tiến hành trưng cầu dân ý về việc Anh rời khỏi EU. Sau đó, cũng chính ông đã nỗ lực làm tất cả để cuộc trưng cầu này có được kết quả như mình mong muốn.

Mới tuần vừa rồi, Farage đã lật đổ thêm một thủ tướng Anh nữa, và theo dự đoán sẽ là người giành thắng lợi trong cuộc bầu cử vào Nghị viện châu Âu, một tổ chức luôn bị ông khinh thường nhưng lại tận dụng rất tốt.

Nếu như nước Anh rời khỏi EU thành công, tác giả hàng đầu của sự kiện lịch sử này chắc chắn là Nigel Farage, người từng thành lập ra hai đảng phái mới, đại biểu nhiều năm của Nghị viện châu Âu, đồng thời là thủ lĩnh tinh thần của những người theo chủ nghĩa dân túy trên toàn châu Âu.

Nigel Farage ngay từ khi học trong trường phổ thông đã bày tỏ sự quan tâm với chính trị, với những quan điểm khác biệt đáng kể so với đa số. Ông  lựa chọn thần tượng là một nhân vật nhiều tranh cãi - Enoch Powell (1912-1998). Đây là một nghị sĩ bảo thủ nổi tiếng theo quan điểm cực hữu, phân biệt chủng tộc nên còn bị gán là kẻ theo chủ nghĩa phát xít.

Tốt nghiệp phổ thông, Farage bằng lòng với việc làm tại một hãng môi giới mua bán kim loại. Đồng thời với đó, ông cũng bước vào con đường hoạt động chính trị. Năm 1992, Anh ký Hiệp ước Maastricht về việc thành lập Liên minh châu Âu.

Chính trị gia trẻ tuổi Farage khi đó đã tuyên bố rời bỏ đảng Bảo thủ, cùng với bạn bè đứng ra thành lập Đảng độc lập Anh (UKIP). Farage đã gây bất ngờ thực sự với tuyên bố, UKIP sẽ tham gia tranh cử vào Nghị viện châu Âu.

Khác với bầu cử tại Anh diễn ra theo hệ thống bầu cử đa số (khiến những đảng phái phi truyền thống thường gặp bất lợi), bầu cử Nghị viện châu Âu lại tổ chức theo hình thức tỉ lệ cân đối, giúp nâng cao khá nhiều cơ hội của UKIP. Kết quả là sau cuộc bầu cử năm 1999, UKIP có tới 3 ứng cử viên giành thắng lợi, trong đó có cả Farage.

Thành công trên dù nhỏ, nhưng đã tạo tiền đề cho những bước đi có tính toán tiếp sau của Farage. Giờ đây ông có thể công khai chỉ trích các bất lợi của một Liên minh châu Âu trên diễn  đàn của EU.

Mặt khác, việc có mặt thường xuyên tại Brussels giúp cho Farage có cơ hội làm quen với nhiều chính trị gia có quan điểm hoài nghi về châu Âu thống nhất, cũng như những người theo chủ nghĩa dân túy từ nhiều quốc gia khác.

Farage cùng với UKIP không ngại ngần bày tỏ những quan điểm phi truyền thống, hoài nghi về châu Âu và thậm chí cả những phát ngôn mang tính phân biệt chủng tộc. Dù xu hướng trên ban đầu đã khiến các cử tri lo ngại, nhưng Farage biết cách chờ đợi.

Xu hướng bất bình với các đảng phái chính trị truyền thống, những sai lầm trong phân chia chức năng trong EU đã khiến cho uy tín của UKIP cùng các đảng có quan điểm tương tự gia tăng nhanh chóng tại Anh. Khẩu hiệu "Trả lại đất nước cho tôi" từ lâu nay của ông đã trở thành khẩu hiệu của hàng triệu người dân Anh. Lần đầu tiên, Farage đã khiến giới chức chính trị hàng đầu của Anh phải lo ngại.

David Cameron, do lo sợ trào lưu hoài nghi châu Âu sẽ lấy đi đáng kể số phiếu của phe Bảo thủ dành cho ông, đã long trọng hứa hẹn sẽ tiến hành trưng cầu dân ý về vấn đề thành viên của Anh trong EU nếu giành thắng lợi trong cuộc bầu cử năm 2015. Vào thời điểm đó, đa phần đều đánh giá đây chỉ là một động thái mang tính mị dân, khi không mấy ai có thể hình dung về khả năng sẽ bỏ phiếu cho Brexit.

Kết quả bầu cử đã giúp UKIP giành được 12,6% số phiếu bầu. Chỉ có các qui định của hệ thống bầu cử cũ mới giúp ngăn chặn được Farage thành lập được phe thiểu số đứng thứ 3 trong quốc hội. Nhưng chỉ cần có một ghế nghị sĩ tại Hạ viện đã giúp cho UKIP làm nên lịch sử. Năm 2016 chứng kiến Farage giành thắng lợi trong cuộc trưng cầu dân ý, khiến ông David Cameron phải từ chức.

Nhưng khi tiến trình Brexit bị đình trệ, ông quyết định thành lập một đảng mới có tên là "Brexit" với mục tiêu duy nhất là bảo vệ kết quả cuộc trưng cầu dân ý. Lúc này, Farage đã trở thành một chính trị gia tầm cỡ quốc tế, ông kết bạn với Donald Trump ngay từ khi nhà tỉ phú Mỹ còn đang trong chiến dịch tranh cử tổng thống.

Các kết quả thăm dò cho thấy, Farage sẽ lại là người chiến thắng. Ông là người đã khiến Thủ tướng Theresa May phải lâm vào tình cảnh không lối thoát, khiến bà buộc phải tuyên bố từ chức để bảo vệ đảng và chính phủ.

Thành công mới nhất của Farage có thể tóm tắt ngắn gọn bằng đánh giá của một ký giả trên tờ The Economist: "Thành công của ngài Farage báo hiệu về việc hình thành một kiểu mẫu chính trị gia mới, người có thể đặt ý chí của người dân cao hơn quan điểm của các nghị sĩ quốc hội".

Đinh Linh (tổng hợp)
.
.
.