Những tình tiết về cuộc chạy trốn của Phó Tổng thư ký Liên hiệp quốc

Thứ Năm, 28/06/2018, 15:26
Cách đây 40 năm, trong Ngành Tình báo Đối ngoại Liên Xô đã xảy ra một vụ án nổi tiếng, gây ầm ĩ ở cả trong nước và ngoài nước. Đó là cuộc chạy trốn sang Phương Tây của Phó Tổng thư ký Liên hiệp Quốc từng là trợ lý có uy tín của Ngoại trưởng Liên Xô Gromyko.

Trong tác phẩm "Tình báo Đối ngoại - sự nghiệp và số phận", tác giả Leonid Mlechin không chỉ là nhà văn mà còn là nhà lịch sử, nhà chính luận, người bình luận các sự kiện chính trị trên kênh truyền hình trung ương Nga, đã cho bạn đọc biết thêm những tình tiết của vụ án tai tiếng này.

Kỳ 1: Từ trợ lý Bộ trưởng trở thành Phó Tổng thư ký liên hiệp quốc

Arkady Nikolaevich Shevchenko, nguyên trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Liên Xô, nguyên Phó Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, sinh ngày 11 tháng 10 năm 1930 tại thành phố Gorlovka vùng Donetsk - miền Nam Ukraina. Năm 1949, ông vào học tại Học viện Quan hệ quốc tế Moskva. Năm 1954, ông tốt nghiệp loại giỏi (nhận bằng đỏ). Ông học nghiên cứu sinh tại Học viện này và bảo vệ thành công luận án tốt nghiệp, được nhận học hàm Phó Tiến sĩ Luật.

Trong những ngày học trong Học viện, ông đã gặp và kết bạn với con trai Ngoại trưởng Liên Xô Gromyko. Ông thường xuyên đến thăm gia đình ngoại trưởng, gây được tình cảm thân thiết với mọi người trong gia đình Ngoại trưởng Gromyko.

Được nhận về làm việc tại Bộ Ngoại giao Liên Xô, Arkady Shevchenko nhanh chóng trở thành nhân vật sáng giá trong Bộ Ngoại giao và là một trong những trợ lý của Ngoại trưởng Gromyko. Hàng ngày, trước khi Bộ trưởng đến nhiệm sở, các trợ lý chọn và đặt lên bàn làm việc Bộ trưởng những bức điện và thông tin quan trọng nhất đã nhận được trong đêm. Vào lúc 9 giờ hàng ngày, Bộ trưởng triệu tập các trợ lý để nghe báo cáo về những tài liệu quan trọng nhất đã được gửi đến từ các cơ quan thông tấn.

Cần phải hiểu rằng Shevchenko được Bộ trưởng yêu thích không chỉ vì tài năng trong công tác mà còn vì mối quan hệ đặc biệt giữa 2 người phụ nữ của mỗi gia đình. Từ năm 1969, khi Shevchenko đã là trợ lý của Ngoại trưởng Gromyko, vợ của Shevchenko là Leongina đã kết bạn với bà Lydia  Gromyko. Họ là đôi bạn không chịu xa nhau và đều yêu thích các đồ trang sức đắt tiền, họ trao đổi hoặc tặng nhau, và thậm chí còn bán lại cho nhau.  

Tháng 12 năm 1972, Gromyko nói với Shevchenko: "Tôi được mọi người đề xuất giới thiệu anh vào vị trí Phó Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc. Anh cảm thấy thế nào? Nếu anh muốn, anh có thể suy nghĩ và ngày mai trả lời cho tôi".

Cuối tháng 2 năm 1973, Vasily Makarov - Trợ lý cấp cao của Bộ trưởng đã báo cho Shevchenko biết, Bộ Ngoại giao đã quyết định cử Shevchenko đến công tác tại New York. Shevchenko biết một trong những người tiền nhiệm của ông ở vị trí này là Anatoly Dobrynin đã được bổ nhiệm làm Đại sứ Liên Xô tại Hoa Kỳ. Shevchenko hy vọng vào sự nghiệp tuyệt vời đang mở ra trước mắt.

Đào tẩu

Ngày 28-2-1998, báo chí Mỹ đưa tin Arkady Nikolaevich Shevchenko đã chết vì chứng bệnh xơ gan. Cái chết của Shevchenko thật là ảm đạm, không tương xứng với cương vị công tác mà ông đã kinh qua. Đó là sự trả giá của những người đã phản bội sự nghiệp của chính mình. Nhưng trong câu chuyện đào tẩu của Shevchenko vẫn còn uẩn khúc. Câu hỏi chính là tại sao ông ta lại chạy sang phía Mỹ?

A.N. Shevchenko (1930 - 1998).

Vào ngày cuối cùng của tháng 3 năm 1978, hôm đó là chủ nhật, Oleg Aleksandrovich Troyanovsky - người đứng đầu Văn phòng đại diện của Liên Xô tại LHQ  đã gọi điện đề nghị Arkady Shevchenko, Phó Tổng thư ký LHQ ghé qua trụ sở Phái đoàn Liên Xô tại Liên Hợp Quốc có việc cần trao đổi. Tòa nhà này nằm ở trung tâm New York, đối diện với đồn cảnh sát và trạm cứu hỏa.

Khi Shevchenko đến Cơ quan đại diện trời đã tối, Oleg Troyanovsky đã chuẩn bị đi đâu đó. Ông chỉ kịp nói rằng có một bức điện khẩn cấp từ Moskva gửi cho Shevchenko, đúng lúc đó máy điện thoại của Oleg Troyanovsky có tiếng chuông gọi. Arkady Shevchenko nghe thấy trong ống nghe vang lên tiếng nói lớn của vợ Troyanovsky yêu cầu chồng đóng cửa nhà lại và mau chóng ra xe ô tô đang chờ ngoài cổng. Troyanovsky mỉm cười, đứng dậy, xin lỗi Arkady  Shevchenko và nói ngày mai chúng ta sẽ nói về bức điện đó.

Shevchenko lên tầng thứ 7 và đọc bức điện mật gửi cho ông. Ông được triệu tập về nước khẩn cấp để  "tham vấn những vấn đề liên quan đến phiên họp đặc biệt sắp tới của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc về giải trừ vũ khí, cũng như thảo luận một số vấn đề khác".

Shevchenko đã cảnh giác : tại sao chúng ta có thể thảo luận bất cứ điều gì khi  phái đoàn Liên Xô trong phiên họp đã sẵn sàng thực hiện theo mọi chỉ thị? Và còn những  "câu hỏi khác" là gì? Ông biết chắc chắn,  khi các nhà ngoại giao cấp bậc như ông được triệu tập khẩn cấp về Moskva, lý do cần được giải thích rõ ràng và rành rọt. Bức điện đã làm Shevchenko hoảng loạn. Ông trở về nhà của mình trong tòa nhà Liên Hiệp Quốc và gọi điện cho người giao liên của mình, một sĩ quan Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) đề nghị được gặp càng sớm càng tốt.

Khi gặp người của CIA, ông nói rằng ông sẽ không về Moskva. Ông đã làm việc cho CIA  được 27 tháng và nói rằng ông không thể tiếp tục được nữa. Ông yêu cầu CIA thực hiện lời đã hứa với ông: đảm bảo cho ông tị nạn chính trị tại Hoa Kỳ.

Sĩ quan CIA thở dài, hiểu kiều dân Shevchenko này không đem lại lợi ích gì cho tình báo Mỹ. Nhưng sĩ quan CIA nhận ra rằng Arkady Shevchenko đã rất sợ hãi và không thể làm yên tâm ông ta được. Ông cần thời gian cho đến thứ Năm để chuẩn bị mọi thứ. Ngày hôm sau, Shevchenko nói với Oleg Troyanovsky một cách cáu kỉnh rằng, ông có rất nhiều việc phải làm và ông sẽ bay về Moskva vào Chủ nhật. Troyanovsky trả lời: "Tôi sẽ không khuyên bạn kéo dài thời gian. Nó không phải là việc của tôi, nhưng khi Trung tâm gửi một bức điện như vậy, tốt hơn là không nên chùng chình".

Shevchenko tìm gặp Gennady Stashevsky, cố vấn Phòng quản lý các Tổ chức đang công tác ở nước ngoài của Bộ Ngoại giao vừa bay từ Moskva sang, Shevchenko mời ông đến nhà hàng và nói với ông rằng ông muốn đi về Moskva để tham vấn những vấn đề liên quan đến kỳ họp đặc biệt của LHQ.  Stashevsky không mảy may có nghi ngờ việc Shevchenko được gọi về Moskva là  theo yêu cầu của KGB. Stashevsky ngắt lời Arkady  Shevchenko: "Không liên quan đến việc đó. Bạn hoàn toàn không cần phải về. Có lẽ  trong nước, mọi người chỉ muốn bạn vè thăm Moskva thôi".

Qua cuộc trò chuyện với Gennady Stashevsky, Arkady Shevchenko càng tin chắc rằng, gọi ông về Moskva là một cái bẫy.

Vào đêm thứ Năm, ông đi xuống tầng dưới trong tòa nhà ông đang sống, và bước vào căn hộ bí mật của Tình báo Mỹ được dành riêng cho các cuộc gặp với ông. Người ta thuyết phục ông để lại cho vợ một bức thư để vợ không nghi ngờ gì. Shevchenko đi về phòng của mình và viết một lá thư cho vợ. Chỉ sáng ra vợ ông mới nhìn thấy lá thư đó. Ông bỏ vào cặp một bức ảnh của con gái mình,  một bức ảnh của vợ mình chụp với vợ Ngoại trưởng Gromyko và một tập ảnh ông chụp với Brezhnev.

Shevchenko xuống theo cầu thang cứu hỏa, băng qua đường và ngồi vào xe đang đợi ông. Ông bị giấu trong một ngôi nhà thuộc sở hữu của CIA. Trớ trêu thay, một trong những nhân viên CIA chăm sóc cho Shevchenko có tên là Aldrich Ames, sau một vài năm,  được phát hiện là một điệp viên của tình báo Liên Xô...

Điệp viên hai mang

Trong cuốn sách "Đoạn tuyệt  Moskva", Shevchenko tự mô tả trong một vài năm trước khi chạy trốn, ông đã đến với người Mỹ như đến với người bạn cũ, và bày tỏ nỗi niềm của mình:

Năm 1978, con gái Anna vào tuổi 15, là thời điểm Shevchenko chạy trốn sang phía Mỹ.

"Tôi có một yêu cầu không bình thường với bạn. Tôi quyết định chia tay với Chính phủ Liên Xô, và tôi muốn biết trước phản ứng của người Mỹ như thế nào nếu tôi xin tị nạn chính trị".

" Ôi, Arkady! Bạn đang nói đùa!" - anh ta nói một cách sững sờ.

"Tôi hoàn toàn nghiêm túc - Shevchenko nhấn mạnh - Những chuyện như vậy không đùa".

Sau khi suy nghĩ, người Mỹ nói:

" Chúng ta đã biết nhau từ lâu, và tất nhiên, tôi sẽ cố gắng giúp bạn. Tôi sẽ đến Washington vào tuần tới. Tôi sẽ dò hỏi tường tận. Nhưng chúng ta không nên gặp lại nhau".  

Một vài ngày sau, trong thư viện Liên Hiệp Quốc, người Mỹ đã đưa cho Shevchenko một mảnh giấy có ghi:

"Một người từ Washington đến chỉ để gặp bạn. Tôi có ấn tượng rằng bạn sẽ được cấp tị nạn chính trị, và tôi hy vọng rằng nói chuyện với người này sẽ giúp bạn bình tĩnh lại".

Nhân viên CIA đã tiến hành một cuộc trò chuyện tuyển dụng cổ điển với Shevchenko:

"Nếu bạn đã sẵn sàng để “chạy”, chúng tôi sẵn sàng giúp bạn. Chúng tôi sẽ tiếp nhận bạn, nếu bạn thực sự muốn điều đó".

 Đúng, người Mỹ ngay lập tức cảnh báo rằng ở Hoa Kỳ, Shevchenko sẽ không có đặc quyền đặc lợi mà ông đã có, như: xe hơi có tài xế, một căn hộ của nhà nước, sự sang trọng dành cho một quan chức cấp cao của Liên Xô.  Nhân viên của CIA nói:

- Bạn có hiểu rằng nếu bạn sống công khai, cuộc sống của bạn sẽ luôn bị đe dọa?.

- Tôi đã được thông báo đầy đủ về bàn tay dài và bộ nhớ lâu của KGB.

Shevchenko nghĩ: "Tại sao anh ấy nói trước về điều này? Phải chăng  anh ấy muốn can ngăn tôi?".

Nhưng người Mỹ theo đuổi một mục tiêu khác. Họ phải thuyết phục Shevchenko đừng vội chạy trốn:

- Hãy suy nghĩ về số tiền bạn có thể nhận được, nếu bạn ở lại tại chỗ. Bạn có thể cung cấp cho chúng tôi một lượng thông tin.

- Có nghĩa là, bạn muốn tôi trở thành một điệp viên?".

- Chúng tôi sẽ không gọi đó là điệp viên  - người Mỹ trả lời một cách thận trọng - Hãy hiểu như thế này: thỉnh thoảng bạn sẽ cung cấp cho chúng tôi thông tin tại các cuộc họp như bạn đã làm.

Shevchenko đồng ý, hiểu ra rằng trong trường hợp này, người Mỹ sẽ  có lợi nhiều hơn. Nhưng ông đánh giá chưa hết sức ép tâm lý, nó có khả năng đè bẹp một người rất mạnh mẽ. Không phải ai cũng có thể làm điệp viên hai mang, nếu không phải là một người chuyên nghiệp.

Ông thường xuyên rẽ vào buồng thông tin - phòng mật mã trên tầng 7 của Cơ quan Đại diện Liên Xô. Phòng này được những nhân viên An ninh có vũ trang bảo vệ. Trong một căn phòng đặc biệt, Shevchenko đã đọc những bức điện mật được gửi từ Moskva, sau đó ông kể lại cho người Mỹ. Ngoài ra, ông đã kể lại tin tức mà ông đã nghe được từ những vị khách cao cấp vừa từ  Moskva đến New York.

Shevchenko đã khai báo với người Mỹ để họ biết về các nhân viên của KGB và của Tình báo Quân sự mà Shevchenko  biết. Và có lẽ, ông ta cũng khai tất cả những người làm việc ở New York,  ở Washington, ở San Francisco (nơi có Tổng lãnh sự Liên Xô) ...

Sau khi Shevchenko trốn thoát, Ngoại trưởng Andrei Andreevich Gromyko giận dữ nói với Chủ tịch KGB Andropov rằng, Chủ tịch có nhiều trợ lý và Chủ tịch không nhớ một  con người như  Shevchenko. Các nhân viên phản gián đã lục soát căn hộ của Shevchenko ở Moskva, đã mang về cho Andropov những bức ảnh Bộ trưởng Bộ Ngoại giao chụp cùng với Shevchenko - trợ lý của Ngoại trưởng.

(Đón đọc kỳ 2: Những tác động của các cấp “Chỉ huy”  đến Shevchenko)

Ninh Công Khoát
.
.
.