Người thợ máy biệt động kiên cường
- Tưởng niệm anh hùng Nguyễn Văn Trỗi và chiến dịch mang tên anh tại Venezuela
- Có một hòa thượng… biệt động Sài Gòn
- Những trận đánh nổi danh 'Biệt động Sài Gòn'
Thợ điện Nguyễn Văn Trỗi, thợ máy Trần Văn Đang từng là hai cái tên gan dạ, anh hùng nổi tiếng của lực lượng biệt động thành, từng khiến kẻ thù khiếp đảm.
Di ảnh Anh hùng Trần Văn Đang. |
Năm 1993, cuốn sách “Chung một bóng cờ” do Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia (Hà Nội) ấn hành, gồm những bài viết đầy tâm huyết của các đồng chí lãnh đạo Nguyễn Văn Linh, Nguyễn Hữu Thọ, Phạm Văn Đồng, Trần Bạch Đằng... nhắc đến gương hy sinh của Anh hùng Trần Văn Đang có đoạn: “Sáng ngày 22-6-1965 lúc 5 giờ 52 phút, Mỹ và chính quyền Sài Gòn đem anh ra xử bắn tại pháp trường cát, với hy vọng có thể khủng bố được tinh thần nhân dân Sài Gòn. Nhưng chúng đã lầm. Trước đông đảo đồng bào và phóng viên trong và ngoài nước đang tụ tập dọc đường Hàm Nghi và chợ Bến Thành, vừa bước xuống xe, Trần Văn Đang dõng dạc nói lớn: “Hỡi đồng bào chợ Bến Thành, hỡi đồng bào Sài Gòn thân yêu, tôi là Trần Văn Đang đây, chiến sĩ giải phóng, tôi đánh Mỹ để giải phóng dân tộc... Đả đảo đế quốc Mỹ... Đả đảo tập đoàn tay sai bán nước”. Ngay trước khi súng nổ, anh vẫn không ngừng hô to: “Hồ Chủ tịch muôn năm… Đả đảo đế quốc Mỹ”.
Gương hy sinh anh dũng của liệt sĩ biệt động Trần Văn Đang và thái độ anh dũng hiên ngang trước kẻ thù của anh đã tác động đến hàng triệu trái tim thanh niên Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Lúc sinh thời, Bác Hồ viết trong thư gửi thế hệ trẻ cả nước tháng 10-1966 đã tuyên dương, động viên thanh niên cả nước học tập gương anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi và Trần Văn Đang đã anh dũng hy sinh ở tuổi 23.
Người thợ máy biệt động Sài Gòn
Dịp kỷ niệm 68 năm ngày thương binh liệt sỹ năm ngoái, Chi đoàn thanh niên UBND Phường 7, quận Phú Nhuận (TP Hồ Chí Minh) đã góp kinh phí, huy động đoàn viên thanh niên tổ chức sơn sửa nhà, trao tặng sổ tiết kiệm cho gia đình Anh hùng liệt sỹ Trần Văn Đang tại số 46/18 đường Nhiêu Tứ, P.7, Q.Phú Nhuận. Đây là căn nhà tình nghĩa do một doanh nghiệp trao tặng. Bà Tô Thị Hai, vợ Anh hùng liệt sĩ Trần Văn Đang đang cư ngụ tại căn nhà chiều ngang gần 5m, dài chưa đến 10m, tại một góc ngã ba con hẻm nhỏ. Mặt trước căn nhà gần như che kín phần trệt, bên trên là lưới B40, còn in rõ màu sơn xanh của các bạn trẻ Phường 7 sơn sửa từ năm trước.
Anh hùng biệt động Trần Văn Đang, sinh năm 1942, trong một gia đình nông dân nghèo khổ tại xã Long Hồ, Châu Thành Tây, nay là xã Long Phước, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long. Mồ côi cha từ nhỏ nên mấy mẹ con đùm túm nuôi nhau, làm thuê mướn sống qua ngày. Lớn lên, Trần Văn Đang bỏ quê lên Sài Gòn sống với người chú ruột học và làm nghề thợ máy. Ban đầu, anh làm nghề phụ xe, sau đó học và làm nghề thợ máy, thợ điện. Khi lành nghề, anh không làm công tại tiệm mà đi sửa chữa dạo, sạc bình ăc-quy và tham gia biệt động thành.
Anh hùng Trần Văn đang bị địch xử bắn tại pháp trường cát, chợ Bến Thành rạng sáng ngày 22-6-1965. |
Thời gian chưa có gia đình, anh Đang tá túc trong nhà người chú ruột. Chú ruột anh là một Đảng viên cộng sản đang hoạt động bí mật trong nội thành, nên anh sớm được giác ngộ cách mạng và gia nhập lực lượng vũ trang nội thành của biệt động Sài Gòn từ tháng 3-1964 mang bí danh là Sang. Sau một thời gian thử thách, học tập chính trị và quân sự tại căn cứ của đội biệt động Sài Gòn ở Củ Chi, anh Trần Văn Đang được lãnh đạo giao nhiệm vụ đánh mìn ở Câu lạc bộ sĩ quan Mỹ tại số 3, đường Võ Tánh, Quận Tân Bình, Sài Gòn.
Qua điều tra nghiên cứu nhiều ngày, anh nắm chắc quy luật ra vào CLB của cố vấn, phi công Mỹ và đề xuất tổ chức sử dụng khoảng 10kg thuốc nổ TNT để tiêu diệt địch và phá hủy CLB sỹ quan Mỹ. Đây là nơi hội họp, ăn chơi của cố vấn Mỹ và phi công sau mỗi lần đi gây nợ máu với đồng bào ta bằng các cuộc oanh tạc, càn quét, hành quân trở về. Theo tài liệu lưu trữ cho biết: Do sơ hở trong công tác sử dụng người, có thể nhầm kẻ phản bội, nên người cùng hành động với anh đã báo cho quân cảnh, mật vụ địch giương bẫy chờ bắt anh.
Hiên ngang trước họng súng quân thù
Đó là lúc thành phố lên đèn màu rực rỡ một ngày cuối tuần 20-3-1965, chiến sỹ biệt động Trần Văn Đang sa vào tay giặc. Mục tiêu đánh mìn là quán “bar” Mỹ (CLB) số 3, đường Võ Tánh, Quận Tân Bình. Theo phân công, anh điều khiển một xe vespa chở theo 10kg thuốc nổ đánh CLB Mỹ, còn một đồng đội khác điều khiển xe vespa chở theo 10kg thuốc nổ bên thùng hông xe, đánh một quán bar khác gần khách sạn Eden Rock ở cuối đường Võ Tánh. Khi Trần Văn Đang đang cài đặt giờ hẹn thì cảnh sát ập đến bắt.
Căn nhà nơi vợ anh hùng liệt sĩ Trần Văn Đang sinh sống. |
Bị địch bắt quả tang trong xe Vespa có chứa quả mìn gắn kíp nổ nặng 10kg, bọn địch dùng mọi thủ đoạn tinh vi và cực hình tra tấn dã man để tìm đồng đội biệt động thành của anh. Nhưng chúng đã không thể biết thêm bất cứ điều gì ngoài hành động gật hoặc lắc đầu của Trần Văn Đang.
Anh khinh bỉ, không nói chuyện với kẻ thù khi hỏi cung và ngay cả viên luật sư Nguyễn Văn Chức được tòa án binh chỉ định bào chữa cũng rất khó khăn mới nghe anh nói vài lời. Theo tài liệu hồ sơ lưu cho biết: Anh khai, sinh hạ tại Gò Dầu Hạ, cha vô danh, mồ côi mẹ từ 15 tuổi, theo người chú lên Sài Gòn sửa xe tại đường Trương Minh Giảng và nhận là người đánh mìn CLB sĩ quan Mỹ, đơn phương không có đồng đội, tổ chức nào cả…
Sáng ngày 9-4-1965, bọn địch mở phiên tòa đặc biệt để xét xử Trần Văn Đang tại tòa án mặt trận bến Bạch Đằng, quận Nhứt. Vợ anh, là Tô Thị Hai ôm con nhỏ 10 tháng tuổi từ dưới quê hay tin lên gặp chồng vài phút ngắn ngủi tại sân tòa.
Trước vành móng ngựa, khi tên Chánh thẩm hỏi lý lịch, đọc cáo trạng buộc tội… phòng xử án im lặng như tờ, còn Trần Văn Đang thì ơ hờ không nghe gì cả, anh chỉ ngoái đầu lại phía sau để tìm vợ con… Cho đến khi Chánh thẩm hỏi có nghe cáo trạng buộc tội phản nghịch và mưu sát không? Anh gật đầu.
Các đoàn viên thanh niên sửa nhà cho bà Tô Thị Hai, vợ Anh hùng liệt sỹ Trần Văn Đang. |
Tòa yêu cầu tường thuật lại toàn bộ diễn biến sự việc, anh lại lắc đầu. Rồi mặc cho những cáo buộc, anh gật đầu và lắc đầu làm hiệu, không hé răng một lời. Đến nỗi tên Đại tá Ủy viên Chính phủ nổi điên hét lên tại Tòa vì bị cáo chỉ gật và lắc đầu không trả lời bất cứ câu hỏi gì.
Rồi mặc cho các trình tự, thủ tục của quan tòa diễn ra như một vở tuồng diễn xướng được dàn dựng sẵn, chiến sỹ biệt động Trần Văn Đang đã làm cho kẻ thù khiếp sợ trước thái độ hiên ngang, lạnh lùng của anh khi đối mặt với kẻ thù. Trần Văn Đang đã bị địch kết án tử hình… Lúc đó hơn 10 giờ trưa. Nắng tràn ngập sân tòa, anh bình thản bước ra xe tù chạy về khám Chí Hòa.
Tại phòng giam tử tù ở khám Chí Hòa, Trần Văn Đang đã sống những ngày đẹp nhất của cuộc đời người chiến sĩ biệt động thành Sài Gòn. Anh bị nhốt chung buồng với chiến sỹ biệt động Lê Văn Việt trước khi đồng chí này bị đày đi Côn Đảo và hy sinh. Lê Văn Việt sinh năm 1937, quê xã Long Phước, quận Thủ Đức mang các bí danh: Tư Việt, Nguyễn Văn Hai, Ba thợ mộc. Đồng chí Tư Việt đã cùng đồng đội Ba Đen, Bảy Bê, Tư Mập… đánh nhiều trận “kinh thiên động địa” tại các trung tâm đầu não địch giữa Sài Gòn, lập nên những chiến công huyền thoại cho biệt động thành. Bị địch bắt trong trận đánh vào tòa đại sứ Mỹ ngày 30-5-1965 tại góc đường Hàm Nghi, địch tra tấn và đày ra Côn Đảo, đồng chí đã hy sinh ngày 12-10-1966.
Cùng đồng đội tử tù, anh dành hết mọi điều kiện, đồ ăn thức uống thăm nuôi để bồi dưỡng sức khỏe và chăm sóc cho đồng chí Tư Việt do trúng đạn khi ở lại chiến đấu, để đồng đội thoát hiểm. Trong phòng biệt giam, Trần Văn Đang kiên cường, không nhận bất cứ sự dụ dỗ nào của địch, không hé răng nửa lời về tổ chức, đồng đội.
Từ 3h sáng, tại phòng đợi khám Chí Hòa, viên luật sư Nguyễn Văn Chức đã thuật lại: Có một nhà sư, một linh mục, Ủy viên Chính phủ, Quản đốc nhà lao, luật sư và hai vị Tuyên úy lặng lẽ đi vào một căn phòng rộng là chỗ điểm danh tội nhân. Trần Văn Đang đã từ chối rửa tội, từ chối bữa ăn cuối cùng, chỉ xin hút thuốc lá, uống trà và thay quần áo sạch sẽ để ra pháp trường và không cần nói thêm lời nào cả.
Đúng 5h30 sáng ngày 22-6-1965, Trần Văn Đang bị địch đưa ra pháp trường cát, gần bùng binh chợ Bến Thành, ngay vách của Nha Hỏa xa. Nhân dân Sài Gòn tập trung xung quanh khu vực chợ Bến Thành rất sớm và rất đông, mọi người ai cũng xúc động và khâm phục một chiến sĩ biệt động thành còn quá trẻ. Trong những giây phút cuối cùng, anh đã noi gương người thợ điện anh hùng Nguyễn Văn Trỗi hô to: Hồ Chí Minh muôn năm… và gọi tên con trai: Cảnh ơi…
Sau ngày đất nước thống nhất, vợ và con anh sinh sống tại quận Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh. Ngày 6-11-1978, Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đã tuyên dương danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang cho liệt sĩ Trần Văn Đang và truy tặng Huân chương Chiến công hạng Nhất.