Những trận đánh nổi danh 'Biệt động Sài Gòn'

Thứ Ba, 14/04/2015, 08:37
Sài Gòn - Gia Định là địa bàn chiến lược, trung tâm, thủ phủ của chính quyền Sài Gòn, giữ vai trò quyết định cuộc chiến tranh của Mỹ ở miền Nam Việt Nam…

Nhận thức và đánh giá đúng vị trí, đặc điểm, tầm quan trọng của địa bàn chiến lược Sài Gòn - Gia Định, trong từng giai đoạn của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Bộ Công an, Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam đã chỉ đạo, định hướng cho An ninh Sài Gòn - Gia Định triển khai các mặt công tác mang tầm chiến lược, giúp cho Đảng, Trung ương Cục miền Nam và Bộ Công an đề ra những quyết sách đúng đắn.

Trong giai đoạn đầu của cuộc kháng chiến, Bộ Công an, Xứ ủy Nam Bộ đã chỉ đạo lực lượng An ninh T4 chủ động thế trận nắm vững nội bộ các cơ quan đầu não của địch; làm rõ âm mưu, ý đồ của Pháp, Mỹ đối với miền Nam; tình hình các đảng phái, tôn giáo; coi trọng công tác bảo vệ Đảng, bảo vệ cán bộ; tập trung nắm tình hình về tổ chức, chương trình, kế hoạch hoạt động của các lực lượng gián điệp, biệt kích Mỹ - ngụy; diễn biến tư tưởng, thái độ, hoạt động chính trị của các cá nhân trong hàng ngũ chóp bu chính quyền Sài Gòn trước, trong và sau cuộc đảo chính Diệm – Nhu...

Lực lượng An ninh T4 (Sài Gòn – Gia Định) đào địa đạo chiến đấu bảo vệ Thành ủy. 

Khi tình hình miền Nam có những chuyển biến mau lẹ, phức tạp, Bộ Công an đã nhanh chóng chỉ đạo lực lượng An ninh T4 tập trung tổ chức lại mạng lưới giao liên phục vụ công tác lãnh đạo chỉ đạo của Trung ương Cục và Khu ủy; cung cấp tài liệu, sơ đồ mục tiêu phục vụ cuộc Tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân; bộ phận trinh sát vũ trang nội đô phối hợp với điệp báo an ninh tích cực chuẩn bị hậu cần, sử dụng nhiều hình thức ngụy trang khôn khéo vận chuyển vũ khí, đạn dược, lương thực vào nội thành phục vụ các trận đánh của lực lượng biệt động và trinh sát vũ trang.

Đặc biệt trong giai đoạn phục vụ cho trận quyết chiến chiến lược cuối cùng, Bộ Công an, Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam chỉ đạo An ninh Sài Gòn - Gia Định tập trung thu thập tình hình nội bộ, thái độ của các phe phái đối lập, lực lượng thứ ba; chỉ đạo các cơ sở nội thành mở rộng công tác tuyên truyền công khai những thắng lợi của quân và dân ta, tác động thúc đẩy nhóm Dương Văn Minh đòi lật đổ Nguyễn Văn Thiệu, đồng thời nhanh chóng tiếp cận và cùng các lực lượng khác tác động Tổng thống Dương Văn Minh sớm đầu hàng vô điều kiện. 

Các tổ công tác của An ninh T4 phối hợp chặt chẽ, hợp đồng tác chiến với các lực lượng cách mạng khác trong nội thành tổ chức phát động quần chúng nổi dậy ở 26 điểm, giành quyền làm chủ; tác động tư tưởng bọn sĩ quan ngụy án binh bất động; nhanh chóng đánh chiếm và tiếp quản những mục tiêu được phân công (Bộ Chỉ huy cảnh sát đô thành, Bộ Tư lệnh Cảnh sát quốc gia, các Ty Cảnh sát ngụy); tổ chức quản lý, tiếp quản hồ sơ tài liệu, máy móc, phương tiện của địch nguyên vẹn, bảo vệ mục tiêu chờ bàn giao cho lực lượng quân giải phóng vào tiếp quản thành phố… Trong đó có nhiều bộ hồ sơ tài liệu có giá trị đặc biệt quan trọng góp phần phục vụ thắng lợi nhiều chuyên án cũng như yêu cầu công tác an ninh trật tự sau này. 

Cùng với việc chỉ đạo công tác nắm tình hình chiến lược, Bộ Công an, Ban An ninh Trung ương Cục đã chỉ đạo An ninh Sài Gòn - Gia Định tiến hành lựa chọn các hình thức, cách thức đánh địch, tấn công vào các mục tiêu trọng tâm, trọng điểm với phương châm “đánh sâu, đánh hiểm, đánh trúng đối tượng” nhằm vào các cơ sở hạ tầng quan trọng của địch; tiêu diệt, trừ khử những phần tử đầu sỏ ác ôn, có nhiều nợ máu với nhân dân... 

Tiêu biểu là các trận đánh nhanh gọn, táo bạo, của trinh sát vũ trang nội đô An ninh T4, như: tổ chức diệt Nguyễn Xuân Chữ, Bộ trưởng Bộ Chiến tranh tâm lý, một tên phản cách mạng khét tiếng gian ác, có nhiều nợ máu với cách mạng (6/1966); tên Trần Văn Văn, Chủ tịch Quốc hội Sài Gòn (12/1966); tên Thiếu tướng Nguyễn Văn Kiểm, Tư lệnh trưởng Biệt bộ Phủ Tổng thống, phụ trách Phủ Đặc ủy Trung ương tình báo (2/1969)... và nhiều trận đánh trực tiếp vào Tổng Nha Cảnh sát ngụy. 

Những đòn tấn công táo bạo đó đã gây bất ngờ đối với địch giữa lòng thành phố, tạo niềm tin cho quần chúng yêu nước, hỗ trợ đắc lực cho phong trào đấu tranh chính trị trong nội đô, đồng thời gây hoang mang, bất ổn, mâu thuẫn, phân hóa, chia rẽ hàng ngũ chóp bu của bộ máy chính quyền địch.

Sau Tết Mậu Thân 1968, lực lượng cách mạng ở nội thành Sài Gòn - Gia Định bị tổn thất, nhiều cán bộ điệp báo, trinh sát vũ trang, an ninh khu vực của An ninh Sài Gòn - Gia Định bị địch bắt, tù đày hoặc hy sinh anh dũng. 

Bộ Công an, Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam chỉ đạo Ban An ninh Sài Gòn - Gia Định nhanh chóng củng cố lại các lực lượng nghiệp vụ mũi nhọn hoạt động trong nội thành theo hướng cơ bản, lâu dài, đồng thời tăng cường nhiều cán bộ lãnh đạo, cán bộ cốt cán am hiểu địa bàn nội thành; xây dựng và phát triển lực lượng An ninh khu vực và cơ sở quần chúng trong các quận nội thành, đảm bảo hậu cần, kỹ thuật, thông tin liên lạc, đủ sức hoàn thành nhiệm vụ phát động quần chúng nổi dậy và tiến công đánh chiếm các mục tiêu được phân công trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. 

Trong 21 năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp toàn diện của Đảng, trực tiếp là Khu ủy, Thành ủy Sài Gòn - Gia Định, sự chỉ đạo sâu sát về chuyên môn, nghiệp vụ và chi viện kịp thời của Bộ Công an, Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam, lực lượng An ninh T4 đã không ngừng lớn mạnh và trưởng thành về mọi mặt, vượt qua muôn vàn khó khăn thử thách, gian khổ hy sinh, lập nhiều chiến công xuất sắc góp phần xứng đáng vào công cuộc giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. 

Để có thắng lợi đó, hàng nghìn cán bộ chiến sĩ An ninh T4 bị bắt, bị tra tấn dã man, bị giam cầm tù đày trong các nhà giam của Mỹ - ngụy, nhiều đồng chí đã chiến đấu anh dũng, hy sinh oanh liệt vì nền độc lập tự do của Tổ quốc. Chúng ta tự hào và mãi mãi tôn vinh những chiến công to lớn, những thành tích xuất sắc của lực lượng An ninh T4 trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. 

Ghi nhận những thành tích đó, lực lượng An ninh T4 đã được Đảng, Nhà nước tuyên dương công trạng với 6 tập thể và 16 cá nhân được vinh danh, phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; hàng trăm tập thể và cá nhân được nhận các phần thưởng cao quý khác của Đảng, Nhà nước và lực lượng Công an trao tặng.

Thiếu tướng, PGS,TS Nguyễn Bình Ban (Viện trưởng Viện Lịch sử CAND)
.
.
.