Người liệt sĩ Công an kiên cường: Ám sát trùm Việt gian

Thứ Bảy, 27/07/2019, 07:17
Khi đọc bút ký kể về ông Trần Bình trong trại giam của giặc Pháp, nhất là thời gian thực dân Pháp tra tấn dã man, ai cũng chảy nước mắt, thương nhớ người liệt sĩ Công an nhân dân Trần Bình. Ai cũng khâm phục ý chí kiên cường, chịu đau buốt đến tận gan ruột, mà vẫn kiên trì học tập, vươn lên bằng ý chí căm thù giặc ngoại xâm.

Để ghi công lao của Anh hùng Lực lượng vũ trang - Liệt sĩ Trần Bình, trong cuộc kháng chiến chống Pháp, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội đã quyết định đặt tên ông cho một phố thuộc quận Cầu Giấy, Hà Nội.

Tại quê hương Thọ Lộc, nhà tôi với nhà ông Trần Bình gần nhau, cùng một xóm, đi cùng một lối ngõ, tắm cùng nước ao Sen. Ngày đó các gia đình ở xóm tôi, đều dùng nước ao sen của xóm. Đó là xóm 10 (xưa là xóm Trong), thôn Thọ Lộc, xã Minh Khai, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình.

Hồi cấp một (tiểu học), cấp hai (trung học cơ sở), tôi học cùng với ông Trần Văn Thể, ông Trần Văn Đức (là hai em trai ông Trần Bình). Tôi thường sinh hoạt thiếu niên và chơi với bà Trần Thị Tám, bà Trần Thị Thơm (là hai em gái ông Trần Bình). Nhà ông rất nhiều sách truyện (Tam Quốc, Thủy Hử, Đông Chu Liệt Quốc, Hồng Lâu Mộng, Chinh Đông Chinh Tây…).

Ngay từ bé, học lớp một, lớp hai, tôi đã say mê đọc truyện. Khi sang cùng học, cùng làm bài, trao đổi bài với ông Trần Văn Thể, ông Trần Văn Đức, các ông cho tôi xem nhiều truyện. Khi các ông không có nhà, thì bà Tám, bà Thơm lấy cho tôi mượn về nhà đọc. Chính vì thế, hai cụ rất quý tôi, coi như người nhà.

Khi ở trên Hà Nội, tôi hay sang thăm hai cụ và gia đình (các cụ có ba nhà ở phố Minh Khai; ở 23, phố Bát Sứ, Hoàn Kiếm; ở phố Nguyễn Siêu, Hoàn Kiếm). Ngày 13/3/1972, tôi và bà Thơm, bà Tám đào cho hai cụ cái hầm tránh bom trong nhà phố Minh Khai, Hai Bà Trưng, Hà Nội. Sau đó nhà bị bom phá tan, các cụ chuyển lên ở 23, phố Bát Sứ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Bởi vậy, tôi thường được nghe ông Trần Văn Thể, ông Trần Văn Đức kể chuyện về ông Trần Bình.

***

Ông Trần Bình sinh năm 1928, ở Thọ Lộc, là anh cả trong một gia đình có tám anh chị em. Hồi nhỏ ông tên là Trần Tích, sau đổi là Trần Bình. Nhà đông con, nên kinh tế có khó khăn, ông là con cả phải gánh vác công việc gia đình thay cha mẹ chăm nuôi các em.

Đội "Hành động" thuộc Công an quận 6, thành phố Hà Nội.

Làng Thọ Lộc của chúng tôi bấy giờ nghèo lắm. Ruộng đất tốt thì một số nhà giàu lấy hết. Ruộng ít, người đông, nên quanh năm thiếu đói. Bấy giờ (khoảng những năm 30 của thế kỷ 20), ở làng tôi, các cụ rủ nhau lên Hà Nội làm ăn, kiếm sống. Trong đó có cụ Trần Văn Trấm (bố ông Trần Bình) và cụ Ngô Văn Tích (bố tôi).

Năm 1938, cụ Trần Văn Trấm đưa cả gia đình lên sinh sống ở làng Thanh Trì, ngoại thành Hà Nội. Bà cụ (mẹ ông Trần Bình), rất giỏi buôn bán, để nuôi 10 người trong gia đình. Hồi nhỏ ông Trần Bình người gầy, cao, da ngăm, đôi mắt sáng, nhanh nhẹn, hoạt bát. Khi lên Hà Nội, ông Trần Bình đi bán lạc rang, bán báo, phụ giúp mẹ về kinh tế nuôi gia đình.

Chính vì thế ông rất thuộc đường phố Hà Nội. Từng ngõ ngách ông đều thuộc như lòng bàn tay, giúp ích cho công việc sau này đi hoạt động cách mạng. Đi bán lạc rang, bán báo, nên ông có nhiều bạn bè và được các cán bộ Việt Minh giao khẩu hiệu, rải truyền đơn, giao chuyển tài liệu.

Năm 1945, 17 tuổi, ông Trần Bình đã tình nguyện gia nhập Công an quận 6, Công an Hà Nội. Khi trưởng thành, ông Trần Bình có dáng cao ráo, người rắn chắc, nhanh nhẹn, đôi mắt sáng, đẹp trai, ham học tập. Chính tác phong nhanh nhẹn, năng nổ, thích hoạt động và hiểu kỹ, nắm chắc các đường phố Hà Nội, nên ngày 5-1-1946, cấp trên điều chuyển ông sang công tác ở đội "Hành Động" (đội "Thanh Việt" của Công an quận 6, Hà Nội).

Trong thời gian công tác ở đội "Thanh Việt" Công an quận 6, Hà Nội, ông Trần Bình rất năng nổ, nhanh nhẹn, hoạt bát, công việc gì cấp trên giao, đều hoàn thành xuất sắc. Ông lập nhiều thành tích trong hoạt động của Công an quận 6, nhiều lần cấp trên khen ngợi. Vừa hoạt động cách mạng, ông Trần Bình vừa tranh thủ ban đêm học bổ túc, nâng cao trình độ. Ông Trần Bình học tại lớp bổ túc văn hóa, do ta tổ chức, đồng thời học hỏi anh em, đồng chí, đồng đội.

Ngày 7-10-1947, Pháp cho quân nhảy dù xuống Việt Bắc và tập trung bộ binh lên Việt Bắc, nhằm tiêu diệt các cơ quan đầu não của ta. Ở Hà Nội, Pháp cho quân lính Pháp, lính Âu Phi kết hợp với bọn tay sai ra sức hoạt động, lùng sục mọi ngóc ngách trong thành phố, tìm diệt cán bộ cách mạng, bộ đội của ta, phá hoại cơ sở cách mạng của ta.

 Nhận lệnh của Trung ương và công an Hà Nội về việc trấn áp bọn Việt gian, bọn tay sai đắc lực cho Pháp, bọn chỉ điểm; đảm bảo an toàn lực lượng cách mạng. Nhận chỉ thị của Công an Hà Nội, đội Thanh Việt Công an quận 6 tổ chức tiêu diệt Trương Đình Tri, chủ tịch Hội đồng an dân Bắc Việt, một tên chỉ điểm cho Pháp phá hoại nhiều cơ sở cách mạng của ta ở Hà Nội. Trương Đình Tri là tên Việt gian đầu sỏ, rất lợi hại.

Thành ủy, ủy ban kháng chiến Hà Nội quyết định giao việc trừ khử tên Trương Đình Tri cho đội Thanh Việt. Lãnh đạo đội Thanh Việt Công an quận 6, tổ chức họp toàn đội, quyết tâm bằng mọi giá tiêu diệt tên Việt gian Trương Đình Tri.

Ông Trần Bình đã đứng lên, xung phong nhận nhiệm vụ quan trọng này. Lãnh đạo đội Thanh Việt còn chưa quyết, còn cân nhắc, nghĩ là ông Trần Bình còn quá trẻ (19 tuổi), chưa có kinh nghiệm, mà việc tiêu diệt tên Việt gian Trương Đình Tri là một việc rất quan trọng. Chỉ huy đội Thanh Việt họp đi họp lại, cân nhắc. Ông Trần Bình tiếp tục làm đơn xung phong một lần nữa, nhận nhiệm vụ quan trọng, hứa trước lãnh đạo và toàn đội Thanh Việt Công an quận 6, Công an Hà Nội, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ.

Lãnh đạo đội Thanh Việt Công an quận 6, nhận xét: Tuy còn trẻ, song thời gian qua, công tác tại đội 6, ông Trần Bình rất nhanh nhẹn, năng nổ, nhiệt tình hoàn thành xuất sắc nhiều nhiệm vụ cấp trên giao. Cuối cùng lãnh đạo đội Thanh Việt Công an quận 6, Hà Nội quyết định giao nhiệm vụ quan trọng (tiêu diệt tên Việt gian Trương Đình Tri) cho ông Trần Bình và cử ông Đặng Đình Kỳ cùng đi.

Ông Đặng Đình Kỳ (sinh 1923), hơn ông Trần Bình 5 tuổi, người đậm chắc, hiểu rõ đường phố Hà Nội và rất gan dạ. Nhà văn Minh Chuyên kể lại: "Khi nhận nhiệm vụ của ban chỉ huy đội 6, Công an Hà Nội giao, ngày đêm hai ông nghiên cứu cách đi, đứng, làm việc của tên Việt gian Trương Đình Tri. Hàng tháng trời, ngày đêm theo dõi quy luật hoạt động của Trương Đình Tri. Hai ông Trần Bình, Đặng Đình Kỳ đi đến các cơ sở cách mạng để nắm bắt tin tức họ hàng thân thuộc của Trương Đình Tri. Hai ông bí mật đến khảo sát nơi làm việc, nơi ở số 98 phố Hàng Mã và nơi tên Việt gian Trương Đình Tri hay đến ăn chơi, nhậu nhẹt.

Chủ tịch Hội đồng an dân Bắc Việt Trương Đình Tri, có dáng người to, cao, đầu đội mũ phớt, mắt đeo kính râm, trông rất gian giảo.

Luôn luôn đi sát, bảo vệ Trường Đình Tri, là một tên vệ sỹ, cao, khỏe, tóc húi ngắn, da nâu đen, súng ngắn đeo bên hông. Nhiều khi có cả tiểu đội bảo vệ, rất khó tiếp cận.

Chiều 10-10-1947, hai đồng chí Trần Bình và Đặng Đình Kỳ, bí mật phục kích, đón lõng Trương Đình Tri trong một ngõ hẻm, gần nhà hắn ở số 98 phố Hàng Mã, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Ông Trần Bình mang theo một khẩu súng ngắn Bro-ning, một quả lựu đạn, ông Đặng Đình Kỳ, mang một súng côn bát và một quả lựu đạn cháy. Cả hai đều mở chốt súng, mở chốt lựu đạn, sẵn sàng chiến đấu. Tên Trương Đình Tri khệ nệ đi từ nhà hắn ra ngõ, vừa bước lên xe, chưa kịp đóng cửa xe.

Nhanh như chớp, hai đồng chí Trần Bình, Đặng Đình Kỳ, vút tới ném lựu đạn vào trong xe và biến mất. Lựu đạn nổ vang, tên lái xe và tên vệ sỹ chết ngay tại xe. Trương Đình Tri bị trọng thương, vào cấp cứu tại bệnh viện Đồn Thủy (nay là Viện 108 Quân đội). Vì vết thương quá nặng, tên Trương Đình Tri đã chết tại bệnh viện Đồn Thủy.

Tin Chủ tịch Hội đồng an dân Bắc Việt Trương Đình Tri bị giết ngay giữa ban ngày, làm cả Hà Nội xôn xao, bọn tay sai, bọn Việt gian khiếp sợ. Bọn thực dân Pháp cũng kinh ngạc, choáng váng,  không ngờ Việt Minh làm được những điều to lớn thế. Được tin chiến thắng đó, nhân dân Hà Nội nức lòng, hả dạ, vì đã tiêu diệt được tên Việt gian lợi hại. Tòa án quân sự Pháp đã ra lệnh xử án vắng mặt hai ông Trần Bình và Đặng Đình Kỳ. Chúng treo giải bắt ông Trần Bình và ông Đặng Đình Kỳ, với giá mười nghìn tiền Đông Dương.

Ngày 23-4-1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh số 22, tặng Huân chương chiến công hạng nhất cho ông Trần Bình và ông Đặng Đình Kỳ. Lần đầu tiên, được Bác Hồ tặng thưởng huân chương cao nhất cho các đồng chí trong ngành Công an Hà Nội. Một vinh dự lớn, một dấu ấn lịch sử của Công an Hà Nội. Nhân dân Hà Nội rất phấn khởi, tự hào, đặc biệt Công an Hà Nội.

Cuối năm 1947, gia đình cụ Trần Văn Trấm lại chuyển cả gia đình về quê hương Thọ Lộc, Thái Bình sinh sống. Mãi tới năm 1970, gia đình cụ Trần Văn Trấm lại chuyển lên Hà Nội sinh sống ở phố Minh Khai, Hai Bà Trưng. Sau chuyển về số 23, phố Bát Sứ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Sau khi tiêu diệt tên chủ tịch Hội đồng an dân Bắc Việt Trương Đình Tri, nhân dân ngoại thành Hà Nội nổi dậy mạnh mẽ, đấu tranh với giặc. Việc trừ khử bọn Việt gian, tay sai cho Pháp và phá tề nổi lên khắp các quận, huyện. Giặc Pháp điên cuồng chống đối, chúng tăng cường cho lính, mật thám lùng sục khắp nơi tìm diệt cán bộ, bộ đội và phá hoại cơ sở cách mạng của ta.

Nhận thấy tình hình căng thẳng như vậy, cấp trên quyết định tiêu diệt tên Chánh mật thám Pháp Buốc-Ních. Chánh mật thám liên bang Buốc-Ních là một sỹ quan cao cấp của đế quốc Pháp ở Đông Dương.

Hắn có nhiều tội ác với nhân dân, hắn có nhiều kinh nghiệm đàn áp nhân dân, nhiều kinh nghiệm phá hoại cách mạng. Hắn là tên thực dân Pháp cáo già, chỉ huy nhiều cuộc tàn sát nhân dân, tra tấn và giết hại tàn bạo nhiều cán bộ cách mạng của ta. Bởi vậy, việc bảo vệ của Pháp rất cẩn mật, chặt chẽ. Bọn Pháp tăng cường lực lượng lính Âu Phi bảo vệ, chúng bố trí nhiều  mật thám Việt gian vòng trong, vòng ngoài để bảo vệ Buốc-Ních.

Đầu tháng 12-1947, cấp trên giao nhiệm vụ quan trọng tiêu diệt Chánh mật thám liên bang Buốc-Ních cho Công an Hà Nội. Bởi vì có nhiều thành tích diệt ác phá kìm, có nhiều kinh nghiệm lại có nhiều cán bộ, chiến sỹ dũng cảm, mưu trí, nhanh nhẹn trong việc diệt ác ôn, diệt các tên Việt gian, Công an Hà Nội quyết định giao việc quan trọng (tiêu diệt tên Buốc-Ních), cho đội Thanh Việt, công an quận 6 Hà Nội. Trong cuộc họp toàn đội lần này, ông Trần Bình lại xung phong nhận nhiệm vụ quan trọng.

Tin vào khả năng mưu trí, linh hoạt, tác phong nhanh nhẹn, dũng cảm, quyết đoán của đồng chí Trần Bình, nên chỉ huy đội 6 quyết định giao việc tiêu diệt tên Buốc-Ních cho Trần Bình. Người thứ hai đi cùng Trần Bình là Nguyễn Văn Thuận.

Ông Trần Ngọc Doãn, em họ và là người lưu giữ những kỷ vật của Liệt sỹ Trần Bình.

Ông Thuận xấp xỉ tuổi với ông Bình, là hai bạn thân trong đội 6, tính tình hiền hậu, sống chan hòa, dễ gần, ai cũng quý mến. Ông Nguyễn Văn Thuận cao 1,65m, người tầm thước, da trắng, đẹp trai và rất gan dạ. Sau ngày thống nhất Tổ quốc (1975), ông Nguyễn Văn Thuận làm quận trưởng công an quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh.

Ông Nguyễn Văn Thuận kể: "Ngày 15-12-1947, buổi trưa, Bình và Thuận giấu kín lựu đạn và súng trong người, lững thững đi xuống phố Paris như hai chàng trai lẳng lơ đi chơi phố. Phố Paris, nay là phố Hàng Chuối, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.

Tới một gia đình cơ sở cách mạng, sát nhà riêng tên Buốc-Ních, Bình và Thuận lặng lẽ phục kích chờ đợi. Ngày thứ nhất vắng lặng, không thấy hắn về, ngày thứ hai trôi qua. Cổng nhà Buốc-Ních thỉnh thoảng kẻ ra người vào, nhưng chẳng thấy tên mật thám cáo già về. Bình và Thuận nóng lòng sốt ruột. Bình suy đoán: Hay kế hoạch bị lộ, hắn không về nhà? Thuận bảo: Nếu bị lộ, chúng đã bổ vây mình rồi!

Hai người quyết định viết báo cáo gửi về cấp trên. Viết xong, Thuận đang vo tờ giấy nhờ cơ sở chuyển đi. Chợt có tiếng phanh xe gấp và tiếng động cơ xe ô tô trước cửa hiệu Patê, nơi hai người đang nằm phục.

Linh tính bất thường, Bình và Thuận định vọt ra cửa sau. Nhưng không kịp, bốn tên lính mật thám Pháp, mặt đỏ, râu xồm, mắt xanh, đạp cửa vào trong nhà, chĩa bốn nòng súng vào trước mặt Bình và Thuận. Một giọng nói tiếng Việt, lơ lớ:

- Chúng mày đến đây làm gì?

Bình thản nhiên trả lời:

- Chúng tôi đến mua Patê.

Chúng hét lớn:

- Patê đâu, nói láo.

Bốn tên lính Pháp to cao, xấn vào túm lấy Bình và Thuận đè xuống và lục soát, khám xét. Sau đó chúng trói hai ông Bình và Thuận đưa lên xe.

(Còn tiếp)

Ngô Duy Luân
.
.
.