Một liệt sĩ Công an trọn đời vì Tổ quốc

Thứ Năm, 10/12/2009, 16:30
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, hàng ngàn cán bộ An ninh miền Bắc đã xung phong lên đường xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước. Là một trong những cán bộ An ninh của Bộ tăng cường cho An ninh miền Nam đợt đầu, đồng chí Đậu Văn Ngôn (tức Ba Duy) được giao trọng trách Trưởng tiểu ban Bảo vệ Chính trị Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam (từ tháng 2/1962 đến tháng 12/1965, khi đồng chí hy sinh tại chiến trường Nam bộ)...

Với những chiến công xuất sắc trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, liệt sỹ Đậu Văn Ngôn vừa được Chủ tịch nước ký quyết định truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND.

Người con ưu tú

Trong số những đồng đội của đồng chí Đậu Văn Ngôn, Thiếu tướng Lê Tiền, Anh hùng LLVTND, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh, là người thân thiết như anh em ruột thịt từ lúc công tác ở miền Bắc đến khi cùng vào Nam chiến đấu. Hai người gắn bó với nhau, mọi tâm tư, tình cảm đều có thể sẻ chia.

Trong nhật kí viết tại chiến trường miền Nam đầu năm 1966, đồng chí Lê Tiền nhớ về người đồng đội, người anh của mình: "Một tin buồn đến với tôi rất đột ngột - Ngôn đã hi sinh rồi, trong một chuyến công tác. Thế là bộ ba Tiền - Ngôn - Bội đã mất một... Đúng là với tôi, Ngôn là một người anh, tôi thấy rõ điều đó. Ngôn có kiến thức rộng hơn tôi về xã hội và cách mạng cũng hiểu hơn tôi nhiều".

Đồng chí Đậu Văn Ngôn sinh năm 1925 tại xã Minh Tân (nay là thị trấn Yên Lạc, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc). Sớm giác ngộ cách mạng và tham gia công tác từ tháng 3/1943, đến năm 1947, đồng chí Đậu Văn Ngôn được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam và được giao công tác Công an. Trên cương vị Trưởng đồn Công an Quán Ngõa, Chính trị viên Đội diệt tề, đồng chí đã tham mưu cho cấp ủy chỉ đạo và trực tiếp tổ chức các đội vũ trang luồn sâu vào lòng địch, trừng trị những tên ác ôn, tề điệp; giữ vững trật tự, trị an.

Ghi nhận năng lực và nhiệt huyết của người cán bộ trẻ, cuối năm 1950, tổ chức điều động đồng chí về công tác tại Ban Bảo vệ chính trị, Ty Công an Vĩnh Phúc. Địa bàn Vĩnh Phúc thời kì này, nổi lên hoạt động chống phá quyết liệt của bọn phản động trong Quốc dân đảng ở Thổ Tang (huyện Vĩnh Tường) do Vũ Hồng Khanh cầm đầu.

Trong lúc hoàn cảnh gia đình tang thương vì giặc Pháp (vợ bị bắt giam tra tấn dã man, con gái bị chúng bắn chết), đồng chí Đậu Văn Ngôn vẫn tập trung sức lực, trí tuệ xây dựng phương án tấn công vào sào huyệt bọn phản động. Qua đó, lực lượng Bảo vệ chính trị Ty Công an Vĩnh Phúc đã bắt giữ hai tên cốt cán của Quốc dân đảng là Nguyễn Văn Tín và Thân Văn Ngọc cùng một số tay chân của chúng, thu giữ 42 lựu đạn, 1 con dấu, 2 bản đồ quân sự... cùng nhiều tài liệu, tang vật khác. Đồng chí Đậu Văn Ngôn còn trực tiếp tham mưu, chỉ đạo chiến dịch truy quét hàng chục tên Đại Việt quốc dân đảng; làm tan rã 14 ban tề, bắt 137 tên phản động, đập tan các vụ nổi dậy chống phá cách mạng...

Những chiến công này đã bổ sung kinh nghiệm quý báu trong việc chỉ đạo, đấu tranh, bóc gỡ các tổ chức phản cách mạng; được lãnh đạo Thứ Bộ Công an chỉ đạo nghiên cứu, vận dụng đối với nhiều địa phương khác.

Dâng trọn cuộc đời cho Tổ quốc

Do có kinh nghiệm trong công tác bảo vệ chính trị và công tác địch hậu, nên cuối năm 1959, khi đang là Trưởng ban Bảo vệ chính trị - Ty Công an Vĩnh Phúc, đồng chí Đậu Văn Ngôn được Bộ điều về công tác tại Vụ Bảo vệ chính trị - Bộ Công an. Sau Nghị quyết 15 của Đảng về cách mạng miền Nam, Bộ Công an quyết định tăng cường cán bộ cho an ninh miền Nam. Đồng chí Đậu Văn Ngôn là một trong những cán bộ xung phong đợt đầu tiên. Sau 6 tháng vượt Trường Sơn, đồng chí vào đến căn cứ Trung ương Cục miền Nam. Đầu năm 1962, đồng chí Đậu Văn Ngôn được phân công giữ chức Thường trực, rồi Trưởng Tiểu ban Bảo vệ chính trị Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam, khi bộ phận này được thành lập.

Trên cương vị này, đồng chí đã tham mưu cho Trung ương Cục miền Nam đề ra các chỉ thị và tổ chức triển khai tới Ban Bảo vệ an ninh các tỉnh, khu về công tác nắm tình hình hoạt động và tổ chức do thám, gián điệp của địch; đẩy mạnh công tác đấu tranh chống gián điệp và phản động tay sai đồng thời xây dựng bộ máy phản gián của ta. Tiểu ban Bảo vệ Chính trị đã khám phá hàng chục vụ nội gián lớn nhỏ ở cấp khu, tỉnh, huyện; góp phần bảo vệ an toàn căn cứ kháng chiến và tổ chức, lực lượng cách mạng.

Sau sự kiện Vịnh Bắc bộ, Mỹ ồ ạt đưa quân vào Việt Nam thực hiện Chiến lược chiến tranh cục bộ. Cách mạng miền Nam đứng trước thử thách hiểm nghèo, sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước gặp muôn vàn khó khăn. Mỹ - ngụy ra sức củng cố chính quyền tay sai các cấp, tăng cường lực lượng quân đội, cảnh sát để đàn áp, tìm và diệt các cơ sở, cán bộ cách mạng.

Trước tình hình đó, tháng 5/1965, Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam ra Chỉ thị "Về công tác an ninh đấu tranh với cảnh sát ngụy"; với những nội dung cụ thể như: "Phải tích cực phá chủ trương phát triển lực lượng cảnh sát của địch. Lợi dụng mọi điều kiện thuận lợi, tiêu diệt những tên ác ôn, đầu sỏ; đẩy mạnh tấn công chính trị làm hoang mang hàng ngũ địch...".

Thực hiện chủ trương này, đồng chí Đậu Văn Ngôn đã đề xuất lãnh đạo Ban An ninh Trung ương Cục kế hoạch đi thực tế chiến trường T2. Đây là địa bàn chiến sự diễn ra rất ác liệt, nhiều cán bộ ta bị hy sinh hoặc sa vào tay địch. Trong những ngày ở chiến trường T2, sống giữa cảnh mưa bom bão đạn, địch chà đi xát lại hằng ngày nhưng đồng chí Đậu Văn Ngôn vẫn kiên cường bám trụ; trực tiếp tham gia chiến đấu nhiều trận.

Trong một chuyến luồn sâu vào vùng địch xây dựng màng lưới bí mật ở địa bàn huyện Cái Bè (tỉnh Tiền Giang hiện nay), ngày 13/12/1965, tổ công tác của đồng chí Đậu Văn Ngôn rơi vào một ổ phục kích của địch. Đồng chí đã mưu trí, dũng cảm tổ chức lực lượng chiến đấu, tiêu hao nhiều sinh lực địch và anh dũng hi sinh.

Đánh giá về đồng chí Đậu Văn Ngôn, Thượng tướng Cao Đăng Chiếm (nguyên Thứ trưởng Bộ Công an, nguyên Ủy viên Thường vụ Trung ương Cục miền Nam) lúc sinh thời, đã khẳng định: "Đồng chí Đậu Văn Ngôn là một cán bộ miền Bắc, khi vào miền Nam đã có tinh thần nghiêm túc tiếp cận với thực tế miền Nam và trải nghiệm thực tiễn công tác an ninh miền Nam, đã có nhiều ý kiến đề xuất rất bổ ích và tôi cũng rất tâm đắc với nhiệt tình và trí tuệ của đồng chí.

Năm 1965, đồng chí Ngôn xin được đi xuống chiến trường đồng bằng để có dịp kiểm nghiệm thực tế, hoàn thiện những đề xuất một số vấn đề về an ninh miền Nam. Ý tôi không muốn, nhưng đồng chí cương quyết đòi đi, không ngờ chuyến này đồng chí hi sinh. Đồng chí mất đi là một tổn thất to lớn của lực lượng an ninh miền Nam lúc bấy giờ".

Với những thành tích, chiến công xuất sắc trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Tiểu ban Bảo vệ chính trị Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND năm 2007; và ngày 5/11 vừa qua, Chủ tịch nước kí quyết định truy tặng danh hiệu cao quý này cho liệt sĩ Đậu Văn Ngôn, người Trưởng tiểu ban Bảo vệ chính trị của Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam.

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, các đồng chí nguyên là lãnh đạo Ban ANTW Cục miền Nam cùng đồng đội của ông đã dày công tìm kiếm hài cốt của ông nhưng không có kết quả. Những năm sau này, các đồng chí Phạm Văn Trà, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, đồng chí Bùi Thiện Ngộ, nguyên Bộ trưởng Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) đã trực tiếp chỉ đạo các đơn vị chức năng phối hợp cùng gia đình tìm mộ phần của ông nhưng vẫn không tìm thấy.

Năm 1998, đồng chí Thượng tướng Nguyễn Khánh Toàn, Thứ trưởng Thường trực Bộ Công an có công văn chỉ đạo tiếp tục tìm kiếm hài cốt Liệt sỹ. Mãi đến tháng 6/2009 mới tìm và xác định được nơi an táng của ông tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện Cái Bè, Tiền Giang.

Ngày 10/12/2009, Bộ Công an sẽ long trọng tổ chức lễ truy điệu và công bố Quyết định của Chủ tịch nước truy tặng đồng chí Đậu Văn Ngôn danh hiệu Anh hùng LLVTND, sau đó tiễn đưa ông trở về quê nhà sau gần 50 năm xa cách.

Cuộc đời hoạt động cách mạng và hy sinh của Anh hùng Đậu Văn Ngôn là tấm gương sáng về lòng tận trung với Đảng, tận hiếu với dân; sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân; góp phần tô thắm thêm truyền thống vẻ vang của Công an nhân dân Việt Nam Anh hùng.

Lịch sử là dòng chảy không ngừng. Thời gian có thể bị phủ lấp nhưng lịch sử còn vẹn nguyên, lắng đọng và kết tinh để truyền cho thế hệ nối tiếp. Lịch sử của lực lượng Công an nhân dân là như thế, và đó là tài sản vô giá dành cho hậu thế!

Duy Hiển – Quang Đạo
.
.