Nghề khám phá bí ẩn trong lòng đất

Thứ Sáu, 11/10/2019, 07:24
Đến thăm không gian trưng bày "Chuyện nghề địa chất" tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam, tôi thực sự bị thu hút, bởi đây là lần đầu tiên thực tế công việc và quá trình lao động khoa học của những nhà địa chất được tái hiện sinh động.

Từ những ấn tượng ban đầu ấy, tôi tìm gặp Giáo sư - Tiến sĩ khoa học địa chất Phan Trường Thị - nguyên Phó hiệu trưởng Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Đại học Khoa học Tự nhiên - Đại học Quốc gia Hà Nội) để tìm hiểu về công việc đặc thù, nhiều gian nan vất vả, luôn diễn ra trong thầm lặng mà ông và những nhà địa chất cùng thế hệ đã trải qua.

Điểm lộ và những trang nhật kí bút chì

Giáo sư - Tiến sĩ khoa học (GS.TSKH) Phan Trường Thị đón tôi bằng những câu chuyện dường như bất tận về nghề địa chất mà ông đã gắn bó từ mấy chục năm qua. Ông nói với tôi rằng: "Chẳng ai hiểu Trái đất bằng những hòn đá trong lòng nó".

Giáo sư - Tiến sĩ khoa học Phan Trường Thị (đứng) cùng đoàn thực địa khảo sát đá granite ở núi Phia Bióc (Bắc Kạn) năm 1962, thời kì thành lập bản đồ địa chất miền Bắc Việt Nam tỉ lệ 1:500 000.

Vì vậy, những nhà địa chất dù có làm việc ở các lĩnh vực khác nhau như địa mạo, trầm tích, thạch học, cấu trúc... đều phải vào nghề bằng những chuyến đi thực địa - hành trình gian nan đổ nhiều mồ hôi, công sức để khám phá những tầng đất, vỉa đá, bãi cát...

Họ đã in dấu chân trên khắp các nẻo đường của Tổ quốc từ núi rừng đến biển đảo, góp phần hình thành nên bản đồ địa chất Việt Nam. Mỗi mẫu đất đá thu được, mỗi dữ liệu cho tờ bản đồ địa chất đều là kết quả của quá trình lao động khoa học công phu và cũng là niềm hạnh phúc của các nhà địa chất.

Nước ta có khí hậu nhiệt đới, phong hóa mạnh, bởi vậy muốn thấy được những vết lộ đất đá rõ ràng nhất, nhà địa chất thường men theo các con sông, con suối. Trên chặng đường đi thực địa, họ dừng lại ở những điểm lộ để quan sát, ghi chép chi tiết, chính xác về địa danh, tọa độ địa lí, đặc điểm của đất, đá vào sổ nhật kí; đồng thời chụp ảnh các vết lộ, lấy mẫu đá và quặng, gói mẫu đúng quy cách để mang về nghiên cứu.

Với chiếc địa bàn là người bạn đồng hành, chiếc búa như cánh tay phải đắc lực, nhà địa chất đi đến đâu cũng căng mắt ngó nghiêng quan sát, sưu tầm mẫu đất đá.

Tài sản quý giá nhất với họ là vài chục, thậm chí hàng trăm cuốn sổ nhật kí ghi lại từng bước chân trên đường thực địa, là chiếc ba lô nặng trĩu những mẫu đất đá... Nhật kí địa chất hoàn toàn không phải là những trang ghi chép sự kiện, cảm xúc thông thường, mà là tài liệu khoa học ghi chép một cách quy phạm những thông tin địa chất ở tất cả các điểm lộ trên hành trình thực địa.

Nguyên tắc thực địa không cho phép nhà địa chất bỏ qua bất kì một chi tiết địa chất nào trên cuộc hành trình và tất cả đều phải thể hiện trong nhật kí. Điều đặc biệt, nhà địa chất chỉ được viết nhật kí bằng bút chì phòng khi cuốn sổ rơi xuống nước thì cũng không bị nhòe mực.

Cuốn nhật ký địa chất của nhà địa chất Phan Trường Thị năm 1963.

Từ vô số những điểm lộ trong các cuộc hành trình và thông tin trong nhật kí, các nhà địa chất sẽ kết nối, khái quát để hình thành nên bản đồ địa chất - được ví như biên niên sử của một vùng lãnh thổ, một quốc gia. Dựa vào bản đồ địa chất, sẽ nhận biết, dự đoán được vị trí mỏ khoáng sản, là căn cứ để quy hoạch trong xây dựng, dự báo và ứng phó với sự biến đổi môi trường...

Do vậy, có thể nói, hành trình điểm lộ - nhật kí - bản đồ địa chất là sợi chỉ đỏ xuyên suốt những chuyến thực địa của nhà địa chất, là cơ sở vững chắc để đi sâu nghiên cứu các lĩnh vực địa chất khác nhau.

Một năm chỉ có hai mùa

Với GS.TSKH Phan Trường Thị và những nhà địa chất cùng thế hệ, một năm chỉ có hai mùa: mùa đi thực địa và mùa làm việc tại văn phòng. Bước vào mùa khô, khi những cơn mưa hầu như không xuất hiện nhường chỗ cho cái rét cắt da, là thời gian lí tưởng để các nhà địa chất lên đường. Mỗi chuyến đi kéo dài vài tuần, thậm chí vài ba tháng.

Họ mê mải nơi núi cao rừng sâu, những con sông con suối và trên những đồi cát trắng mênh mông. Hành trang đến những vùng đất mới mẻ, nguyên sơ là chiếc balô nặng trĩu trên lưng với gạo và cá khô, với búa, bút chì, nhật ký, máy ảnh, địa bàn... Những vùng thực địa thường có địa hình hiểm trở, hoang vắng, do vậy đôi chân họ đã quen với việc trèo đèo lội suối, vượt thác, ngày nghe tiếng vượn kêu, đêm nghe tiếng chim "bắt cô trói cột".

Chỉ cần một phiến đá hay một khoảng đất bằng, trải một tấm nilon lót lưng, thêm tấm nilon chăng làm mái, là có thể ngủ ngon lành. Sau những giờ làm việc say sưa, họ dừng chân bên bờ suối, nhóm lửa nấu cơm. Bát đĩa, xoong nồi đều mang sẵn trong balô. Thực đơn cố định là cơm và cá khô. Còn lại là rau rừng, cá suối, thậm chí là ốc sên nướng vừa dai vừa bùi...

Giáo sư - Tiến sĩ khoa học Phan Trường Thị làm việc tại Viện Đá quý - Vàng và Trang sức Việt.

Có những chuyến đi sâu vào rừng, họ bị vắt cắn khắp người, dừng chân lại, lấy tay tuốt vắt đến đâu, máu chảy đầm đìa tới đó. Nhưng bù lại, những nhà địa chất được giao hòa với đất trời, được hít căng lồng ngực bầu không khí mây ngàn gió núi, thấy thú vị vô cùng. Đó cũng là động lực để họ vượt qua nỗi nhớ vợ con, những trận ốm sốt, những đêm co ro trong giá lạnh để khám phá lòng đất bí ẩn.

Sau mỗi mùa đi thực địa, nhà địa chất làm việc tại văn phòng. Công việc âm thầm nhưng cũng không kém phần thú vị, luôn đòi hỏi sự nhiệt huyết, sáng tạo và tinh thần trách nhiệm cao. Miệt mài bên kính hiển vi địa chất, các nhà khoa học nghiên cứu toàn bộ dữ liệu đã quan sát và thu được từ thực địa: xem lại nhật ký và ảnh chụp, sắp xếp và phân tích các mẫu đất đá...

Để những mẫu quặng, mẫu đất đá vô tri vô giác phải "lên tiếng", họ không chỉ nắm vững lý thuyết và vận dụng tốt các phương pháp tổng hợp, phân tích, so sánh mà còn không ngừng phát hiện để có được những kết quả nghiên cứu trong từng lĩnh vực khoa học địa chất.

Giáo sư - Tiến sĩ khoa học Phan Trường Thị nghiên cứu thực địa ở Sơn La năm 2002.

Những mẫu đất đá được cắt ra thành nhiều tấm mẫu mỏng 0.03mm, soi dưới kính hiển vi phân cực, sẽ xác định được thành phần khoáng vật. Tôi được Giáo sư Phan Trường Thị hướng dẫn thực nghiệm soi một tấm mẫu.

Một mẫu đá mỏng dính màu xám nhạt bỗng trở nên rực rỡ với đủ sắc màu, đủ các lớp cấu trúc, tầng vỉa dưới kính hiển vi địa chất. Ông giải thích cho tôi rằng, những tín hiệu khoa học đầy màu sắc và ánh sáng đó cho biết thành phần khoáng vật có trong đá. Tôi ngỡ ngàng trước những bí ẩn trong lòng đất mà từ trước đến nay chưa bao giờ tận mắt thấy.

Nhà thạch học của Việt Nam

GS.TSKH Phan Trường Thị là người con của đất võ Bình Định. Niềm say mê với đất đá, cát sỏi gắn với những kỉ niệm tuổi thơ nơi làng Phong An, xã Cát Trinh, huyện Phù Cát quê ông. Năm 1954, ông tập kết ra Bắc. Hai năm sau, Phan Trường Thị trở thành sinh viên khóa đầu tiên của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, ngành địa chất thăm dò.

Năm 1978, ông nhận học vị tiến sĩ và chỉ  3 năm sau, năm 1981, ông đã nhận học vị tiến sĩ khoa học chuyên ngành địa chất khoáng vật của Trường Đại học Tổng hợp Lômônôxốp - Liên bang Xôviết.

Phan Trường Thị thuộc "lứa" thứ ba được nhận học hàm giáo sư ngành địa chất chỉ sau GS. Nguyễn Văn Chiển và GS. Tống Duy Thanh. Ngoài giảng dạy, ông dành nhiều công sức tâm huyết để nghiên cứu khoa học về "Thạch luận trong địa chất học", "khoáng chất công nghiệp và thạch học công nghiệp", "nguồn gốc đá quý và tìm kiếm đá quý"... Ông được mệnh danh là "nhà thạch học" hàng đầu của Việt Nam.

Cuộc đời ông gắn với những chuyến đi thực địa với nhiều kỉ niệm khó quên. Ông nhớ thời điểm năm 1963, ông đưa một đoàn sinh viên lên Lào Cai nghiên cứu thực địa ở vùng mỏ Sinh Quyền. Một buổi sáng, ông ra bờ suối Lũng Lô và thấy bên kia suối có ánh sáng lạ phát ra từ một khối đá có ánh mặt trời chiếu vào.

Ngay lập tức ông cầm búa bơi qua suối, đập đá ra xem thử thì phát hiện ra đó là loại đá chứa quặng đồng. Mấy thầy trò vui sướng quá, nhảy lên và reo hò. Đó là niềm hạnh phúc khi phát hiện ra được một loại đá mới và ông đặt tên loại đá đó là Metasomatit.

Những năm từ 1964-1970, ông tham gia đoàn địa chất đi vẽ bản đồ địa chất miền Tây Nghệ An, là trưởng nhóm nghiên cứu về thạch học. Thời kì ấy hổ nhiều, buổi tối đoàn địa chất phải đốt lửa và treo những miếng vải trắng quanh lều để hổ sợ không dám đến gần. Sáng ra, thấy quanh lều đầy dấu chân hổ, mới biết đêm qua hổ kéo về... "hỏi thăm" những nhà địa chất. Một lần, cả đoàn đang đi tìm lấy mẫu thì nghe một tiếng gầm rất lớn ngay trước mặt, thì ra một đàn voi đang đi ngay gần đó.

Cả đoàn bỏ cả dụng cụ, thiết bị để chạy. Hôm sau quay lại chỗ đó, phát hiện thấy một con voi sắp chết do bị thương nặng và bị đàn voi rừng bỏ lại. Cả đoàn xẻ lấy 4 cái đùi voi, khênh về một làng gần đó và báo cho bà con.

Dân làng biết tin, rủ nhau lên núi xẻ thịt voi về chia nhau. Đó là kỉ niệm không thể nào quên trong cuộc đời đi thực địa của ông. Những chuyến đi đó đã giúp đoàn thực địa hoàn thành việc vẽ bản đồ địa chất tỷ lệ 1:200.000 để phục vụ cho nghiên cứu và khai thác tài nguyên ở miền Tây Nghệ An. Cũng tại đây, lần đầu tiên nhà thực địa Phan Trường Thị phát hiện ra cấu trúc bóc vỏ của địa chất Việt Nam.

Cả cuộc đời cống hiến cho ngành địa chất, GS.TSKH Phan Trường Thị có đóng góp quan trọng trong sự phát triển ngành thủy điện nước nhà.

Ông đã tham gia khảo sát và hoàn thành bản đồ địa chất làm cơ sở để xây dựng các công trình thủy điện Hòa Bình, thủy điện Trị An và thủy điện Sơn La. Ông đã được nhà nước đánh giá cao với Giải thưởng Hồ Chí Minh cao quý dành cho tập thể tác giả xây dựng bản đồ địa chất Việt Nam mà trong đó ông là cố vấn và cộng tác viên khoa học.

GS.TSKH Phan Trường Thị còn đào tạo nên nhiều lớp cán bộ giảng dạy, cán bộ nghiên cứu trên lĩnh vực địa chất, cùng với các giáo trình bài giảng đầy ắp kiến thức, tâm huyết của người thầy. Giờ đây, đã qua tuổi nghỉ hưu, nhưng ông vẫn chưa một ngày ngơi nghỉ. Với vai trò là Viện trưởng Viện Đá quý - Vàng và Trang sức Việt, ông vẫn hàng ngày làm việc, giảng dạy cho các thế hệ học trò...

Trong câu chuyện về nghề, GS.TSKH Phan Trường Thị thoáng buồn khi nhắc đến thế hệ nối tiếp nghiên cứu về địa chất. Không buồn sao được khi lớp trẻ hiện nay hứng thú với các ngành nghiên cứu ứng dụng để làm kinh tế, trong khi ngành địa chất rất cần nhân lực mà ít người theo học và không đủ đam mê để dấn thân vào những chuyến đi thực địa nhiều gian nan, tốn nhiều thời gian và công sức...

Huyền Châm
.
.
.