Giáo sư, Tiến sĩ Trần Ngọc Thêm: Tết qua nhanh vì đời rất vội

Chủ Nhật, 24/01/2010, 10:05

Năm 2009, ông được tín nhiệm làm Chủ nhiệm Hội đồng khoa học quốc gia bộ môn Ngôn ngữ học, đồng thời là Chủ nhiệm Hội đồng khoa học Đại học Quốc gia TP HCM. Nhưng Giáo sư Trần Ngọc Thêm có vẻ ngần ngại khi nhắc đến những điều ấy. Cuối năm Tết đến, nhìn lại một năm thì thấy đó là niềm vui nhưng cũng là trách nhiệm mệt nhọc mà ông phải nỗ lực gánh vác. Và ông sẽ không nói nhiều về công việc. Ông muốn nói chuyện Tết. Tết xưa và Tết nay…

Tết Cả, sự sẻ chia…

Trong những trang nghiên cứu của mình, ông viết: "Nghề lúa nước mang tính thời vụ cao, lúc bận việc thì ăn uống đại khái cốt được việc thì thôi; cho nên lúc rảnh rỗi, người nông nghiệp có tâm lí chơi bù, ăn bù. Vì vậy mà ở Việt Nam, Tết nhất đã nhiều, hội hè cũng lắm. Các ngày lễ Tết được phân bố đều theo thời gian trong năm. Chúng đan xen vào các khoảng trống trong lịch thời vụ… Trong năm, quan trọng nhất là Tết đầu năm, xưa người Việt gọi là Tết Cả để phân biệt với các Tết nhỏ còn lại… Có thể nói đặc trưng văn hóa điển hình nhất của Tết Nguyên đán là nếp sống cộng đồng. Từ 23 tháng Chạp (ngày ông Táo lên Trời), người dân nô nức đi chợ Tết - có người đi để sắm Tết, có người đi cốt để chơi chợ Tết. Chợ Tết là thước đo sự ấm no của cộng đồng trong năm. Rồi người ta chung nhau giết lợn, chung nhau gói bánh chưng, cùng ngồi bên bếp lửa canh nồi bánh.

Nếp sống cộng đồng còn thể hiện ở chỗ Tết là dịp duy nhất trong năm có sự sum họp đầy đủ của tập thể gia đình, gia tiên và gia thần. Con cháu dù đi làm ăn ở đâu ngày Tết cũng cố gắng về ăn Tết với gia đình; hương hồn ông bà tổ tiên các thế hệ cũng cùng về gặp mặt; các vị thần phù hộ cho gia đình đều được chăm lo cúng bái. Tết thật là một cuộc đại đoàn viên.

Tính cộng đồng của Tết bộc lộ một cách đặc biệt trong tục mừng tuổi: Truyền thống Việt Nam không có tục kỉ niệm sinh nhật, mọi người đều như nhau - Tết đến, tất cả đều được thêm một tuổi. Không chỉ ngày đầu năm, mà tháng đầu năm cũng có một tầm quan trọng đặc biệt; thêm vào đó trong tháng này công việc lại ít (Tháng giêng là tháng ăn chơi) nên số lượng ngày Tết trong tháng giêng nhiều hơn hẳn các tháng khác (Tháng giêng ăn nghiêng bồ thóc).

Ngoài Tết Nguyên đán, có Tết Rằm tháng giêng; trước đây còn kỉ niệm cả ngày 9 và 10 tháng giêng nữa. Ngày 9 vía Trời, ngày 10 vía Đất. Hai số 9 và 10 vẫn được xem là số của Trời và Đất.. Mở đầu bằng Tết Nguyên đán, kết thúc bằng Tết Ông Táo, để rồi đêm 30, ông Táo lại trở về bước vào năm tiếp theo - hệ thống lễ Tết làm thành một chu trình khép kín, âm dương chuyển hóa cho nhau"...

Trần Ngọc Thêm không chỉ nghiên cứu về Tết, mà Tết là một trong những phần của văn hóa Việt Nam mà ông đã nhiều năm nghiên cứu. Ông cho rằng, Tết của người Việt là lúc các gia đình sum họp đầm ấm, sẻ chia. Thế nhưng, vào thời điểm hiện tại, Tết đã mất đi ít nhiều ý nghĩa ấy. Nhịp sống nhanh hơn, mọi thứ gấp gáp hơn và vì thế Tết cũng qua nhanh hơn…

Tết nay, chuyển dịch theo nhịp đời

Nhà Giáo sư Trần Ngọc Thêm nằm trong một khu phố tĩnh mịch của Sài Gòn. Trong nhà ông đầy ắp những kỷ vật lưu dấu những nền văn hóa, những địa danh mà ông đến, tìm hiểu và nghiên cứu. Chúng tôi bắt đầu bằng cái Tết của gia đình ông, một con dân của đất Tổ vua Hùng. Ông cười, nhà tôi Tết cũng đơn giản nhiều rồi. Bây giờ mọi thứ thay đổi theo nhịp đời. Ngày trước cứ Tết đến là lo quá nhiều thứ, cặm cụi với nhau, tìm củi lửa nấu nồi bánh chưng. Nay thì đã đặt mua tại tiệm bánh chưng Hà Nội vừa ngon vừa đảm bảo. Đó là sự thay đổi tất yếu, cái vẻ đẹp của văn hóa không phải là vẻ đẹp chết cứng, mà là sự đổi thay phù hợp với đời sống hiện đại. Hoa đào phai ông nhờ mua từ Bắc gửi vào. Còn những món ăn ngày Tết cũng được mua sắm rất nhanh. Ngay cả những chậu hoa cũng có thể gọi nhờ dịch vụ mang đến…

Tất cả những điều ông nói về một cái Tết quá đơn giản, khiến tôi thấy dường như ông đã không còn quá chú trọng vào việc chuẩn bị Tết nữa, mà với ông mọi thứ sẽ nhẹ nhàng hơn, miễn là cảm giác ngày Tết được trọn vẹn. "Người Bắc mình thì hay bị thói quen, trong nhà ai cũng biết làm tất cả mọi việc, nhưng không có việc nào làm đến nơi đến chốn cả. Còn người Nam họ chuyên nghiệp hóa cao hơn. Chính vì thế, nhìn sự đổi thay của Tết thì nhìn từ Sài Gòn là rõ nhất. Mọi thứ đều có thể được chuẩn bị chu đáo mà không tốn quá nhiều thời gian. Tôi quan tâm đến việc người ta dành thời gian cho nhau, để chia sẻ về mặt tinh thần nhiều hơn là cứ hoay hỏa với chuyện chuẩn bị một cái Tết" - ông nói.

Ông nhìn rộng hơn về văn hóa, để chia sẻ những góc nhìn của mình. Ông cho rằng, việc bảo tồn nhà cổ ở Hội An thành công vì người dân sống và kinh doanh thoải mái trong những ngôi nhà ấy. Còn ở Hà Nội lúc nào cũng gặp khó khăn, vì nhà bé mà quá đông người. Ở thể kỷ XXI mà người ta phải sống trong những ngôi nhà hẹp và tối với quá nhiều bất tiện như vậy. Việc bảo tồn luôn phải đồng hành với sự phát triển của văn hóa thì mới thành công.

"Tại sao lễ hội hoa ở Hà Nội luôn gặp vấn đề? Ví như năm vừa rồi, lễ hội hoa có vấn đề khi mọi người… chia nhau những chậu hoa để mang về theo kiểu tập thể. Còn ở Sài Gòn sẽ không bao giờ xảy ra chuyện đó. Bởi cách làm khác nhau. Các đường phố hoa sẽ được một công ty mang đến, chăm sóc và hết lễ vào lúc đêm khuya sẽ có người đến thu dọn, mang về. Cái quan trọng là cách làm thôi" - ông nói thêm. Chính vì thế, cái Tết của người Sài Gòn bây giờ cũng gọn hơn trước rất nhiều. Sự hối hả ngày thường làm người ta biết quý trọng thời gian nghỉ ngơi của ngày Tết.

Tết của người trẻ, phôi pha…

Giáo sư Trần Ngọc Thêm bảo, bây giờ không những Tết ta, mà đến Tết tây người ta cũng quan tâm, nhắn tin chúc Tết rất nhiều. Nhưng, ông không mong chờ những điều đó nhiều bằng việc, người ta quan tâm tới nhau một cách thành thật hơn. Thay vì những lời chúc, thay vì những món quà vội vã được gói sẵn ở cửa hàng mang đến làm quà biếu, thì hãy dành những ngày Tết để đến thăm nhau, nói chuyện và từ đó có thể hiểu và chia sẻ được nhiều hơn.

Ngày nay, nhiều người trẻ, đặc biệt giới công chức thành thị, bắt đầu có thói quen ngày lễ, Tết đi chơi xa. Tất nhiên, đó là một thói quen bắt đầu từ phương Tây và người ta chú trọng đến sự nghỉ ngơi, thư giãn sau những ngày quay cuồng công việc. Nhưng, nếu chúng ta chỉ chú trọng vào việc đi chơi, thì e rằng sẽ mất Tết. Dần dần, ngày Tết có lẽ chỉ là hình thức. Bởi chúng ta có cả năm đi du lịch. Còn ngày Tết cổ truyền chỉ có 3 ngày và nó là thời gian sum họp.

Không phải ngẫu nhiên mà các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh luôn vắng vẻ và dòng người đổ về mọi nẻo quê tất bật. Mỗi người đều có một miền quê, một gia đình lớn chờ đợi trong những ngày này. Nhiều người nói, nếu ở nhà lo Tết sẽ phải tiếp khách, rượu bia mệt mỏi. Nhưng, việc uống một vài ly rượu, không để cho say, cũng là một phong tục đẹp, để bắt đầu những câu chuyện của sự sẻ chia. 

Mỗi đêm giao thừa, Giáo sư Trần Ngọc Thêm thường thắp nén nhang trên ban thờ, cầu phúc lành cho cả gia đình và ngồi nghĩ suy về những điều đã qua và mong những điều sắp tới. Ông nói, ngày trước đêm giao thừa là đêm cả gia đình ngồi với nhau, nghe tiếng pháo râm ran. Còn bây giờ thanh niên tấp nập đổ ra đường xem bắn pháo hoa. Cảm nhận linh thiêng về Tết cũng đã khác. Có thể, đêm trừ tịch, phút chuyển giao năm cũ và năm mới như cách để nhìn về tương lai đã được… chuyển dịch từ một không gian hẹp (gia đình) qua một không gian rộng hơn (cộng đồng, đường phố).

Chúng tôi ngồi trò chuyện trong phòng khách của Giáo sư Thêm trong mùi hương trầm thơm ngát. Gia đình ông vẫn giữ nếp trước Tết về Phú Thọ tảo mộ ông bà rồi về Hà Nội chúc Tết các cụ bên ngoại. Và Tết vẫn là một hình ảnh rất đẹp mà gia đình ông mong muốn được chảy truyền.

Ông nói, qua Tết ông cùng các cộng sự sẽ tiếp tục vào công trình nghiên cứu văn hóa Nam Bộ. Và ông cũng sẽ tiến hành xuất bản tác phẩm của mình bằng tiếng Anh. Tất cả những điều đó, ông đều tin, vào tháng Giêng, khi vạn vật sinh sôi, trời đất giao hòa, thì làm việc sẽ thuận lợi. Tết không chỉ là để ăn chơi, không chỉ là hoài niệm, Tết là dịp để nhìn lại chính mình và bước thêm bước nữa trong năm mới…

Thiên An
.
.
.