Hình vũ khí trên cửu đỉnh triều Nguyễn

Thứ Ba, 15/06/2021, 21:03
Trong kinh thành Huế, cửu đỉnh đặt trước Thế miếu có vai trò hết sức quan trọng. 162 hình đúc nổi trên chín chiếc đỉnh có vai trò như một bảo tàng trưng bày tất cả hình ảnh tiêu biểu nhất của đất nước.


"Đại Nam thực lục", bộ quốc sử triều Nguyễn, chép: Mùa hạ tháng 5, năm Bính Thân, niên hiệu Minh Mạng thứ 17 (1836), đúc xong chín cái đỉnh đồng. Vua bảo Nội các rằng: "Nay đúc đỉnh, khắc các hình tượng núi, sông, và mọi vật cũng không cần phải khắc đủ cả, duy phải khắc rõ tên, hiệu và xứ sở để tiện nhận xét. Đó là cái ý người xưa vẽ hình mọi vật…".

Hình đại pháo.

Chín chiếc đỉnh, mỗi đỉnh có 18 hình, tổng cộng là 162 hình ảnh, được chia đều theo từng thể loại, mỗi loại đều được tuyển chọn 9 hình ảnh khác nhau, bao gồm 9 loại tinh tú và hiện tượng thiên nhiên, 9 ngọn núi thiêng, 9 cửa sông lớn, 9 con sông đào, 9 cửa biển, cửa quan, 9 loài thú lớn, 9 loại thú linh thiêng, 9 loài chim, 9 loại cây lương thực, 9 loại cây lấy quả, 9 loại rau, củ, 9 loại hoa, 9 loại dược liệu quý, 9 loại cây gỗ, 9 loại cá, ốc, côn trùng, 9 loại thuyền, xe, cờ, và 9 loại vũ khí.

Có thể xem các hình ảnh được chạm khắc trên cửu đỉnh như một bộ "Dư địa chí", hay một bảo tàng bằng hình ảnh về đất nước ta đầu triều Nguyễn.

Những loại vũ khí nào được đưa lên cửu đỉnh?

Lần lượt trên chín chiếc đỉnh thiêng Vua Minh Mạng cho đúc, dự kiến sẽ tượng trưng cho 9 đời vua từ Vua Gia Long về sau, thể hiện 9 loại vũ khí tiêu biểu của quân đội nước ta thời Nguyễn. Các loại vũ khí đó gồm: Đại pháo (đại bác); luân xa pháo (pháo lớn đặt trên bánh xe di động); súng điểu thương (súng hỏa mai); trường thương (giáo dài); bài đao (bảng gác đao kiếm - siêu đao); nỗ (nỏ); phác đao (đao cán dài);  hỏa đồng phún (ống đồng phun lửa, đốt hỏa lệnh); hồ điệp tử (đạn bươm bướm).

Hình điểu thương.

Các loại vũ khí tiêu biểu này có thể được chia làm ba loại, gồm vũ khí lạnh, dùng trong cận chiến, gồm bài đao, phác đao, trường thương; vũ khí sát thương từ xa gồm nỏ và súng điểu thương; sau đó là các loại hỏa khí, như đại pháo, luân xa pháo, ống đồng phun lửa và đạn bươm bướm.

Kiếm, đao, thương là những vũ khí cầm tay truyền thống thường được sử dụng trong lịch sử quân đội các nước châu Á. Trên Cửu đỉnh, kiếm được đúc ở Thuần đỉnh, nhưng không được thể hiện đơn lẻ mà theo đôi trên "bài đao", là giá gác đao, kiếm, như thường thấy trong dinh thự hay trướng của các võ tướng. Hai thanh kiếm trên "bài đao" vẫn còn nguyên trong vỏ chứ chưa tuốt lưỡi.

Cũng như kiếm, các loại vũ khí khác trên Cửu đỉnh đều được thể hiện trong tư thế trưng bày chứ không phải tư thế nghênh chiến. Bộ đao được thể hiện trên Dụ đỉnh theo bộ 4 chiếc, với tên gọi "phác đao", là đao có cán dài, đều đang trong tư thế sẵn sàng, đầu cán cắm xuống đất, mũi đao hướng lên trời.

Hình hồ điệp tử (đạn bươm bướm).

"Trường thương", tức giáo dài, loại vũ khí cơ bản của quân đội nước ta thời phong kiến, được thể hiện trên Nghị đỉnh. Hình ảnh bộ thương cũng được cắm 4 chiếc song song trên giá, dưới mỗi mũi thương sát với cán đều có đính ngù.

"Nỗ", tức nỏ, được đúc trên Tuyên đỉnh, với tư thế buông dây, bên cạnh là ống tên. Còn súng điểu thương, được đúc trên Chương đỉnh, được thể hiện thành một cặp, đặt trên giá với tư thế nằm ngang. Điều đặc biệt, hai khẩu súng này đều gắn lưỡi lê nhọn.

Súng điểu thương gắn với vua Gia Long

Súng điểu thương hay còn gọi là súng hỏa mai, là loại vũ khí khá hiện đại thời cuối triều Lê, đầu triều Nguyễn. Súng có tên như vậy do hình dáng dài kèm lưỡi lê giống chiếc thương (giáo). Phần cần điểm hỏa có hình dáng như con chim (điểu), nên súng này ở nước ta được gọi là súng điểu thương.

Không chỉ binh lính, mà chính Vua Gia Long cũng được mô tả là bắn súng điểu thương rất điệu nghệ. Bộ sử "Quốc triều chính biên toát yếu" do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn, viết: "Tháng 3, Nhâm Dần, năm thứ 3 (năm 1782, tính từ năm Nguyễn Ánh lên ngôi vương ở Gia Định), quân Tây Sơn chiếm lấy Sài Gòn. Lúc lâm trận, ngài (chúa Nguyễn Ánh) bắn súng điểu thương hay lắm, bắn đâu trúng đó".

Sau khi đánh tan quân Tây Sơn và lên ngôi Hoàng đế, khẩu súng điểu thương của Vua Gia Long được lưu giữ để làm kỷ niệm. Sách "Quốc triều chính biên toát yếu" viết tiếp: "Khẩu súng của ngài, đến triều Minh Mạng, được phong là Võ công lương khí, được tống tàng cùng áo nhung nón chiến của ngài ở trong điện". Nhưng khẩu súng này cũng như vô số vàng bạc châu báu, cổ vật của triều Nguyễn đã bị quân Pháp cướp mất sau sự biến kinh thành thất thủ năm 1885.

Hình ảnh một lễ hội cung đình triều Nguyễn - Ảnh tư liệu.

Mặc dù vậy, số lượng súng điểu thương mà quân đội nhà Nguyễn sở hữu không nhiều. Thời chúa Nguyễn Ánh còn ở Nam bộ, sử viết ông thông qua các thương nhân người nước ngoài, nhờ mua được 10.000 khẩu súng điểu thương. Sau thời Vua Gia Long, do quốc khố còn phải chi dụng cho rất nhiều vấn đề của đất nước, nên chi tiêu cho vũ khí không được tập trung nữa.

Đến thời Vua Tự Đức, người Pháp ước lượng trung bình cứ 10 lính nhà Nguyễn thì chỉ có 1 người là có súng hỏa mai. Do đó, trong các trận đánh chống quân Pháp có đại bác, súng trường hiện đại với nòng đúc xoáy khiến đạn đạt tỷ lệ sát thương cao hơn, quân đội nhà Nguyễn nhanh chóng thất thủ.

Các loại hỏa khí

Trong số các loại vũ khí hỏa lực của quân đội thời Nguyễn được thể hiện trên Cửu đỉnh, "đại pháo", hay thần công, là loại vũ khí có tính biểu tượng cao nhất. Trước các dinh thự quan trọng của nhà Nguyễn thường bày hai khẩu thần công để thị uy. Vua Gia Long, sau khi chiến thắng nhà Tây Sơn, đã thu thập binh khí và vật dụng bằng đồng để đúc "Cửu vị thần công" bày trước Ngọ môn để ghi chiến tích. Các khẩu thần công này còn được Vua Gia Long phong tước vị Đại tướng quân.

Quân đội triều Nguyễn - Ảnh tư liệu.

Tuy nhiên, khi quân Pháp sang xâm lược, số thần công của quân đội triều Nguyễn không thể chống chọi lại với những loại đại bác hiện đại của quân địch, nên thất bại rất nhanh chóng, lần lượt từ Hà Nội, Nam Định, Bắc Ninh, rồi sau đó đến kinh thành Huế trong sự kiện Tôn Thất Thuyết và Vua Hàm Nghi dấy binh đánh Pháp.

Lúc Vua Đồng Khánh lên ngôi, phía Pháp đề nghị trả lại 9 khẩu đại bác bằng đồng Đại tướng quân, còn lại hơn 600 khẩu chúng thu được ở kinh thành thì giao cho nước ta nhận lấy rồi trả bằng tiền, tổng cộng hơn 2 vạn 500 đồng bạc.

Các khẩu đại pháo được đúc trên Cao đỉnh với hình ảnh đặt trên giá gỗ, có bốn bánh đúc kim loại. Còn trên Nhân đỉnh, là hình ảnh những cỗ Luân xa pháo, tức đại bác cơ động bánh xe lớn có nan hoa. Đây là loại súng xuất phát từ phương Tây, mà các đoàn quân Tây Ban Nha, Pháp sử dụng khi tấn công nước ta cuối thế kỷ 19. Đại bác thông dụng hồi đầu thế kỷ 19 thường có các cỡ nòng 20, 40mm.

Sau hai loại đại bác là hỏa đồng phún (ống đồng phun lửa, đốt hỏa lệnh), được thể hiện trên Huyền đỉnh, theo một bộ 4 chiếc, mỗi chiếc có hình dáng như chiếc pháo thăng thiên, có tay cầm và ống đựng thuốc súng bằng đồng. Hỏa đồng phún không chỉ để phát hiệu lệnh mà còn có tác dụng phun lửa thiêu đốt địch quân, doanh trại, nhà cửa. Trong bốn chiếc hỏa đồng phún được đúc ở Huyền đỉnh, hai chiếc bên trái được thể hiện trong tư thế chuẩn bị, trong khi hai chiếc bên phải trong tư thế đang phun lửa.

Cuối cùng trong số các vũ khí hỏa lực được thể hiện trên Cửu đỉnh là đạn hồ điệp, được đúc trên Anh đỉnh. Loại đạn này có tên gọi "hồ điệp tử", tức con bươm bướm, vì dáng của nó gồm hai nửa bán cầu bằng gang nối với nhau bằng đoạn xích sắt ngắn. Đạn được bắn bằng thần công, khi ra khỏi nòng nở tung ra giống tổ kén của bươm bướm, khi rơi xuống địch quân, có tính sát thương rộng hơn đạn gang thông thường.

Các vũ khí trợ chiến khác

Bên cạnh các vũ khí cầm tay và hỏa lực, trong số 162 hình ảnh trên Cửu đỉnh, còn có những loại vũ khí trợ chiến khác. Ngoài voi và ngựa, được thể hiện theo danh sách các loài thú nhưng luôn xuất hiện trong biên chế quân đội nước ta, trên các đỉnh còn được đúc hình ảnh các loại chiến thuyền thịnh hành từ thời các chúa Nguyễn cho đến thời các vua đầu triều Nguyễn.

Trừ "lâu thuyền" (thuyền lầu 2 tầng dành để các vị vua, chúa nhà Nguyễn đi du ngoạn) hay "đa tác thuyền" (thuyền có 3 cột buồm, dùng cả trong quân sự và vận tải, có thể bọc đồng và trang bị đại bác lớn), các loại chiến thuyền được thể hiện trên các đỉnh quý bao gồm mông đồng thuyền, hải đạo, đỉnh, lê thuyền và ô thuyền.

Trong đó, mông đồng thuyền khắc trên Chương đỉnh, là loại thuyền chiến đấu có nhiều tay chèo, trang bị nỏ, có mái gỗ che tên đạn.

Hải đạo là loại thuyền đi biển linh hoạt trong chiến đấu và diễn tập trên sông nước, được đúc trên Nghị đỉnh, với hình ảnh 14 mái chèo. Trong khi đó, "đỉnh" được đúc trên Thuần đỉnh, là loại thuyền thon nhỏ, nhiều tay chèo, vừa dùng để đua trong các lễ cầu mưa, các ngày lễ hội, vừa dùng trong chiến đấu được trang bị cho quân đội nhà Nguyễn. Thuyền này có tốc độ rất nhanh, hoạt động thuận tiện trên tất cả các loại hình đường thủy.

Trên Tuyên đỉnh, chiếc "lê thuyền" được khắc hình. Đây là loại thuyền nhỏ có 12 tay chèo. "Ô thuyền", loại thuyền sơn đen, có buồm đen, cũng có thêm 12 tay chèo, chuyên dùng trang bị tuần tiễu dọc bờ biển, được khắc trên Dụ đỉnh.

Ngoài ra, một số công trình quân sự khác cũng được đưa lên hệ thống cửu đỉnh, như các cửa ải Hoành sơn, Hải vân, đặc biệt là "Đà Nẵng hải khẩu" được khắc trên Dụ đỉnh, với hình ảnh hai pháo đài Điện Hải, An Hải được thể hiện nổi bật hai bên cửa sông Hàn.

Lê Tiên Long
.
.
.