“Hồi sinh” Tàng Thư Lâu triều Nguyễn

Thứ Bảy, 20/03/2021, 09:20
Sau hơn 6 năm thực hiện công tác trùng tu, phục hồi, di tích Tàng Thư Lâu thuộc Quần thể di tích Cố đô Huế chính thức được mở cửa trở lại vào giữa tháng 3/2021. Đây là sự kiện được người dân địa phương, du khách, đặc biệt là các nhà khoa học, nghiên cứu mong đợi, bởi Tàng Thư Lâu được xem là thư viện quốc gia dưới triều Nguyễn, nơi lưu giữ rất nhiều tư liệu quý giá.

Dưới triều Nguyễn (1802-1945), Huế không chỉ là trung tâm chính trị mà còn là trung tâm văn hóa, khoa học của cả nước. Triều đình đã thiết lập ở đây rất nhiều thư viện và kho lưu trữ nhằm mục đích xử lý các thông tin liên quan đ ến việc điều hành quốc sự và lưu trữ tư liệu cho việc viết sử sách. Các thư viện và kho lưu trữ đầu tiên của triều Nguyễn lần lượt được ra đời như Đông Các (thư viện của Nội Các, xây dựng năm 1826), Quốc Sử Quán (1821), Tàng Thư Lâu (1825).

Trong số các thư viện, kho lưu trữ kể trên, Tàng Thư Lâu giữ một vai trò đặc biệt. Công trình này được xây dựng vào mùa hè năm 1825 dưới thời vua Minh Mạng với sự tham gia thi công của 1.000 binh lính. Nằm giữa hồ Học Hải (đường Đinh Tiên Hoàng, TP Huế), Tàng Thư Lâu gồm 2 tầng xây bằng gạch và đá, ngoài trát vôi, tường có độ dày 0,4m, mái lợp ngói đất nung, tầng dưới rộng 11 gian với 18 cửa lớn, tầng trên 7 gian 2 chái đáp ứng chức năng cất giữ và bảo quản sổ sách, văn bản, giấy tờ quan trọng của triều đình.

Di tích Tàng Thư Lâu mở cửa trở lại sau nhiều năm trùng tu, phục hồi.

Do vị trí và cấu trúc đặc biệt nên Tàng Thư Lâu hoàn toàn tách biệt với thế giới bên ngoài. Sau khi công trình này xây dựng hoàn thành, năm 1826, vua Minh Mạng cho dựng bia ghi lại mục đích, chức năng và ý nghĩa của Tàng Thư Lâu. Công trình này là nơi cất giữ, bảo quản các văn kiện của các Bộ Lại, Hình, Lễ, Công, Học, Binh; những hiệp ước ký kết với Pháp về đất đai...

Trước năm 1945, chỉ tính số sổ địa bạ của Bộ Hộ thời vua Gia Long và Minh Mạng lưu trữ tại Tàng Thư Lâu lên đến 12.000 tập. Vì thế, ngoài thường xuyên quan tâm tu sửa tòa nhà, kiểm tra, sắp xếp địa bạ, châu bản, triều Nguyễn còn cắt cử hàng chục nhân sự làm việc tại đây. Theo các nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử Huế, Tàng Thư Lâu chính là một “Tàng kinh các” hiếm hoi của thời kỳ chế độ quân chủ đang còn được bảo tồn khá nguyên vẹn tại Huế, một công trình kiến trúc đặc biệt trong Quần thể di tích kiến trúc phổ biến bằng gỗ của kinh đô triều Nguyễn.

Vào năm 1942, nhà lưu trữ - cổ tự học người Pháp- Paul Boudet đã đến thăm Tàng Thư Lâu. Sau khi xem xét các kho tư liệu ông đã khẳng định những giá trị lớn lao của khối tư liệu mà Tàng Thư Lâu đang lưu giữ.

Tuy nhiên, từ năm 1947 đến 1954, thực dân Pháp đã sử dụng Tàng Thư Lâu làm nhà tù giam giữ những người hoạt động cách mạng. Phần lớn số lượng sổ sách, thư tịch, địa bạ lưu trữ ở đây bị phân tán, lưu lạc đi nhiều nơi như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Lạt... hoặc bị hủy hoại bởi khói lửa chiến tranh. Năm 1975, quân Giải phóng tiếp quản di tích Tàng Thư Lâu và sau này được giao cho Trung tâm Bảo tồn Di tích (BTDT) Cố đô Huế quản lý.

Năm 2000, qua khảo sát của Trung tâm, toàn bộ khu di tích này có 27 căn hộ tập thể của các gia đình. Do nhu cầu sinh hoạt, các hộ dân đã cải tạo, xây vách ngăn, trổ cửa thông gió, bít các cửa lớn làm thay đổi diện mạo Tàng Thư Lâu và khiến công trình di tích độc đáo này ngày càng bị xuống cấp, hư hại.

Ông Võ Lê Nhật, Giám đốc Trung tâm BTDT Cố đô Huế cho biết, nhằm phát huy lợi thế vốn có của vùng đất Cố đô, trong chiến lược lâu dài của công tác trùng tu và bảo tồn di sản, Huế cần thiết có một trung tâm lưu trữ tư liệu. Nhận thức được điều đó, năm 2014, Trung tâm BTDT Cố đô Huế chính thức khởi công dự án trùng tu Tàng Thư Lâu. Sau nhiều năm thực hiện, dự án hoàn thành và không gian Tàng Thư Lâu đã được mở cửa trở lại vào những ngày giữa tháng 3/2021.

“Nỗ lực của trung tâm không chỉ dừng lại ở việc phục dựng nguyên trạng hình ảnh Tàng Thư Lâu trong quá khứ mà hơn hết là “hồi sinh” một trung tâm lưu trữ tư liệu mang tầm cỡ quốc gia và khu vực, trả lại đúng vị thế và vai trò của Tàng Thư Lâu như đã từng hiện diện trong lịch sử”, ông Nhật khẳng định.

Sau quá trình trùng tu, hiện Tàng Thư Lâu đang là nơi lưu trữ ba loại hình tư liệu thành văn, tư liệu video và tư liệu hình ảnh. Trong đó, tư liệu thành văn có hơn 70.000 đầu sách và tư liệu, thuộc nhiều thể loại và dạng thức khác nhau như sách Hán Nôm, thư tịch cổ, các công trình biên khảo về nhà Nguyễn. Riêng mảng tư liệu viết đã được khắc in (ấn bản), Trung tâm BTDT Cố đô Huế tập trung sao lưu, bảo quản các đầu sách, ấn phẩm, thư tịch có liên quan trực tiếp đến giai đoạn vương triều Nguyễn. Trong đó đáng chú ý là các bộ chính sử do Quốc Sử Quán triều Nguyễn biên soạn nhưĐại Nam thực lục(Tiền biên và chánh biên),Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ,Đại Nam nhất thống chí(bản khắc in thời Duy Tân viết bằng chữ Hán, là bộ sách lớn nhất, quan trọng nhất về địa chí Việt Nam dưới thời phong kiến)…

Tất cả các tư liệu này đều được lưu trữ cả hai dạng nguyên văn bản Hán văn được khắc in và các bản chuyển dịch Việt ngữ. Ngoài ra, hệ thống tư liệu video và tư liệu hình ảnh phong phú được lưu trữ tại Tàng Thư Lâu còn tái hiện chân thực các nghi lễ tế tự dưới triều Nguyễn, kiến trúc cảnh quan, đời sống sinh hoạt trong Hoàng cung xưa.

“Sau một thời gian dài trùng tu, phục hồi, Tàng Thư Lâu không chỉ là nơi lưu trữ những tư liệu, tài liệu quý giá đúng như tên gọi mà di tích này thực sự sẽ trở thành địa chỉ phục vụ công tác nghiên cứu, bảo tồn, phát huy loại hình di sản đặc thù của Cố đô Huế - di sản tư liệu”, lãnh đạo Sở VHTT tỉnh Thừa Thiên-Huế xác nhận.

Anh Khoa
.
.
.