Điệp viên huyền thoại của tình báo XôViết qua đời ở tuổi 103

Thứ Hai, 02/03/2020, 20:48
Ngày 13/2/2020 vừa qua, điệp viên huyền thoại Alexei Botian của tình báo Xôviết đã trút hơi thở cuối cùng ở tuổi 103. Trong những năm Chiến tranh thế giới thứ hai, Botian từng tham gia vào cuộc chiến phòng thủ Moscow, chỉ huy lực lượng biệt kích và du kích chiến đấu trong hậu phương quân Đức tại Đông Âu.

Với mật danh nổi tiếng Alesha, Botian đã tham gia rất nhiều chiến dịch của tình báo Xôviết, rất nhiều trong số này hiện vẫn còn chưa được giải mật. Nhưng chỉ cần một chiến công xuất sắc cũng đủ để suy tôn tên tuổi của ông – ngày 18/1/1945, nhóm điệp viên của Botian đã phá vỡ kế hoạch của phát xít Đức nhằm hủy diệt hoàn toàn thành phố Krakov của Ba Lan.

Sau chiến tranh, Botian lại quay trở lại châu Âu tham gia mặt trận thầm lặng mới với tư cách một điệp viên. Về sau, ông trở thành nguyên mẫu cho nhân vật thiếu tá tình báo Vikhr trong tiểu thuyết cùng tên của Yulian Semyonov…

Bất ngờ trở thành công dân Liên Xô

Alexei Botian sinh ngày 10/2/1917 tại ngôi làng Chertovich (Belarus hiện nay), khi đó đang thuộc Ba Lan sau cuộc chiến năm 1921. Từ nhỏ, Botian đã thể hiện là một cậu bé có sức khỏe, bề bỉ và nhanh nhạy; về sau nó đã giúp cho ông rất nhiều trong thời gian hoạt động tình báo.

Ảnh cưới của vợ chồng điệp viên Botian.

Là một người thợ mộc, cha của Botian từng lang bạt rất nhiều nơi để kiếm sống như Argentina hay Đức, và ông đã dạy cả tiếng Đức cho cậu con trai mình. Sau khi tốt nghiệp xuất sắc phổ thông, Botian gia nhập quân đội vào năm 22 tuổi cùng với giấc mơ trở thành một phi công.

Tuy nhiên mọi chuyện không được như ý muốn, khi Botian được điều tới một đơn vị pháo cao xạ tại thành phố Vilno.

Chỉ một tháng sau, ông được cử đi học trường sĩ quan dự bị chuyên đào tạo những sĩ quan chỉ huy tương lai cho các đơn vị pháo cao xạ. Khi Chiến tranh thế giới thứ hai nổ ra, Botian với quân hàm hạ sĩ quan đã chỉ huy một khẩu đội pháo cao xạ tham gia vào các trận đánh rất thành công vào tháng 9/1939, bắn rơi 3 chiếc máy bay Junkers Ju 87 của phát xít Đức. Nhưng sau khi quân  Đức chiếm đóng Ba Lan và Hồng quân tràn vào vùng này, Botian lại trở thành tù binh của quân đội Xôviết.

Sau một thời gian bị giam cầm, Botian quay trở về Chertovich, hài lòng với công việc của một giáo viên tiểu học. Tuy vậy, nhà giáo trẻ đã không thể tiếp tục công việc của mình lâu. Tháng 5-1940, ông được gọi vào NKVD (cơ quan tiền thân của KGB sau này). Botian từ trước đã được cơ quan an ninh đánh giá cao nhờ những khả năng của mình – ông có thể nói thành thạo tiếng Ba Lan, Đức và Belarus.  Được cử vào đào tạo tại trường tình báo, Botian cũng tranh thủ trau dồi thêm vốn tiếng Nga của mình.

Năm 1941, Botian được cử tới Minsk. Tại đây, Pavel Sudoplatov đang điều hành Cục 4 của NKVD với nhiệm vụ tổ chức các hoạt động biệt kích phá hoại trong lãnh thổ bị quân Đức chiếm đóng. Botian được điều vào lữ đoàn bộ binh cơ giới đặc biệt, nơi ông nhanh chóng được bổ nhiệm làm chỉ huy nhóm trinh sát phá hoại.

Tháng 11/1941, Botian cùng đồng đội được lệnh áp sát chiến tuyến tham gia các hoạt động phá hoại phía sau địch, hỗ trợ cho chiến dịch phòng thủ Moscow. Ngoài những kỹ năng ngoại ngữ xuất sắc, điệp viên trẻ này cũng là một tay súng cừ khôi. Với những chiến công trong chiến dịch này, Botian đã được tặng thưởng huân chương “Vì sự nghiệp phòng thủ Moscow”.

Đầu năm 1943, điệp viên được đánh giá là có nhiều kinh nghiệm này lại được bổ sung vào đội “Olymp”, tung vào hậu phương quân Đức tại Ukraina và Belarus.

Chiến công lớn nhất trong giai đoạn này của ông là vụ đánh bom ngay tại trụ sở của lực lượng cảnh sát phát xít tại đây. Với vai trò là đội phó – khi đó đang nắm quyền điều hành “Olymp” là đại úy Anh hùng Liên Xô Victor Karasev – Botian đã tuyển mộ được một vài nhân vật tay trong, vận chuyển dần dần được tổng cộng 150 kilogram thuốc nổ cất giấu ngay trong trụ sở này.

Kết quả là đêm 13/9/1943, bom nổ đã tiêu diệt 80 tên phát xít, trong đó có cả hai tên chỉ huy hàng đầu.

Ngay sau chiến dịch xuất sắc này, Botian đã được chỉ huy đội đề nghị trên xét tặng thưởng danh hiệu Anh hùng Liên Xô tuy nhiên đã không nhận được câu trả lời.

Theo một số nguồn tin, đề xuất trên đã không thể xuất hiện được do chiếc máy bay mang theo các tài liệu báo cáo về trung tâm đã bị bắn rơi. Còn theo giả thuyết thứ hai, Botian không nhận được danh hiệu này do có thời gian từng phục vụ trong quân đội Ba Lan. Nhận định này có vẻ hợp lý hơn khi sau đó, ông đã nhận được huân chương “Cờ đỏ” thay cho danh hiệu cao quí trên.

Mùa xuân năm 1944, đội “Olymp” của Botian (lúc này có quân số khoảng 400 người) được lệnh chuyển sang hoạt động tại lãnh thổ Ba Lan khi đó vẫn đang bị chiếm đóng. Khả năng nói tiếng địa phương lúc này của Botian đã giúp đỡ cho đồng đội nhất nhiều trong việc thực hiện các nhiệm vụ chiến đấu, cũng như liên hệ để có sự giúp đỡ của người dân tại đây. Những nhiệm vụ ban đầu của họ tại đây là tổ chức đánh phá các đoàn tàu vận tải của quân phát xít cũng như tổ chức tập kích tiêu hao sinh lực của kẻ thù.

Đầu tháng 5/1944, Botian cùng một nhóm 28 tay súng trong đội được lệnh tìm đường vào thành phố Krakov để hoạt động. Tại đây, họ đã giúp đỡ các tay súng thuộc tổ chức quân sự bí mật của Đảng công nhân Ba Lan tổ chức tấn công vào trại tù tại thành phố Ilza, cứu được một số lượng lớn đồng đội của họ đang bị giam giữ tại đây, cũng như lấy được một số súng đạn, dược phẩm và lương thực.

Nhờ chiến công này, Botian được nhận danh hiệu công dân danh dự của Ilza. Tại thành phố này vẫn còn một tấm bảng ghi công nhóm biệt kích dũng cảm của Hồng quân Xôviết khi đó.

Chiến công cứu thành phố Krakov

Tiếp đó, nhóm của Botian lại nhận nhiệm vụ bắt tay vào một chiến dịch quan trọng mới – đó là tiêu diệt Hans Frank, kẻ được mệnh danh là “tên đao phủ Ba Lan”. Nhiệm vụ của tên trùm phát xít chủ yếu tập trung vào việc tiêu diệt những người Do thái tại Ba Lan. Hắn cũng là kẻ chỉ đạo điều hành trực tiếp 4 trại tập trung Sobibor, Majdanek, Treblinka và Belzec tại Ba Lan.

Kế hoạch tiêu diệt tên trùm phát xít gần như đã hoàn tất, khi các điệp viên đã tuyển mộ được cả người hầu phòng của hắn ta. Người này đã được giao một khẩu súng lục và mìn để chuẩn bị hành động. Nhưng tới giờ phút cuối, tên trùm phát xít đã vội vàng chạy trốn khi nghe tin Hồng Quân có thể đột kích đánh chiếm khu vực này.

Dù sao, Botian và các đồng đội cuối cùng vẫn có được một chiến công vang dội nhất. Cuối năm 1944, họ tuyển mộ được Zigmund Ogarek, một kỹ sư đồ bản người Ba Lan đang làm việc trong bộ tham mưu các đơn vị hậu phương của quân Đức. Ngoài những bản đồ quí giá về các công trình phòng ngự của quân phát xít, Botian còn có được một thông tin quan trọng về một kho đạn dược lớn.

Điệp viên huyền thoại Alexei Botian.

Hóa ra, quân Đức đang tàng trữ rất nhiều đạn dược và thuốc nổ tại tòa lâu đài cổ Yagellonski. Chúng đã lên kế hoạch sử dụng thuốc nổ tại đây để phá con đập Roznovski, những cây cầu qua sông Dunajec và một loạt những công trình quan trọng khác tại Krakov để ngăn chặn quân Xôviết có thể nhanh chóng chiếm được thành phố này.

Thông tin này còn được khẳng định rõ hơn, sau khi Botian cùng đồng đội phục kích một chiếc xe chở một trung úy quân Đức, trong chiếc cặp tìm thấy trên xe có chứa tài liệu mật về kế hoạch phá hoại Krakov.

Botian quyết định phải cho phá hủy kho thuốc nổ tại đây. Trong kế hoạch này, ông nhận được sự giúp đỡ của một đảng viên cộng sản Ba Lan, người đã lái được một chiếc xe vận tải vào lâu đài và gài mìn vào trong đó.

Sáng sớm ngày 18/1/1945, cả thành phố Krakov bị rung động vì một tiếng nổ lớn xuất phát từ khu vực lâu đài Yagellonski. Vụ nổ đã tiêu hủy toàn bộ số đạn dược và thuốc nổ dự định phá hủy Krakov, tiêu diệt gần 100 và làm bị thương 300 tên phát xít. Chỉ một ngày sau, Krakov được các đơn vị tiền phương của mặt trận Ukraina số 1 giải phóng.

Nhiều năm sau, chiến dịch giải cứu Krakov trở thành đề tài chính cho cuốn tiểu thuyết “Thiếu tá Vikhr” của Yulian Semyonov. Đến năm 1967, đến lượt một bộ phim cùng tên được ra mắt khán giả. Nguyên mẫu của viên thiếu tá này không ai khác chính là Botian.

Giai đoạn hoạt động bí mật

Cho đến cuối chiến tranh, nhóm của Botian tiếp tục các nhiệm vụ quấy rối, phá hoại hậu phương địch trên lãnh thổ Tiệp Khắc. Sau đó, Botian quay trở về Moscow, vào làm việc tại Cơ quan tình báo đối ngoại. Một thời gian sau, ông được điều trở lại Tiệp Khắc, lần này dưới giấy tờ của một người mang tên Leo Dvorak, một người hồi hương từ Tây Ukraina.

Botian định cư tại thành phố As (tỉnh Sudetenland), tốt nghiệp trường trung cấp kỹ thuật khai khoáng tại đây, náu mình với vai trò chuyên gia địa chất tại một khu mỏ uranium. Dần dần, điệp viên tài năng này tìm cách xâm nhập được vào một cơ quan mật vụ của phương Tây, khi đó đang rất quan tâm đến khu mỏ này. Cũng nhờ đó, Botian đã chuyển giao được nhiều tài liệu có giá trị cho Moscow.

Tại chỗ làm mới này, Botian có cuộc gặp gỡ định mệnh với cô gái người địa phương có tên Gelena Venzel, và nhanh chóng tiến tới kết hôn. Người vợ tương lai không hề biết rằng chồng mình là một điệp viên, do Botian không được phép tiết lộ sự thật này ngay cả cho những người gần gũi nhất.

Dù ban đầu gặp phải sự phản đối từ cấp trên, nhưng hôn lễ cuối cùng vẫn được tiến hành. Để có được sự chấp thuận, Botian đã phải cam kết phải để lại gia đình của mình tại Tiệp Khắc trong trường hợp nhận nhiệm vụ hoạt động bí mật tại quốc gia khác. Thành quả cuộc cuộc hôn nhân này là cô con gái Irina.

Sau 8 năm hoạt động tại Tiệp Khắc, một loạt biến cố lớn đã xảy ra trong nội bộ tình báo Xôviết, với việc chỉ huy trực tiếp của Botian là Pavel Sudoplatov bị cách chức. Nghiên cứu hồ sơ cấp dưới của ông này, phía an ninh nội bộ đã để mắt tới thông tin về hôn nhân của Botian với một công dân nước ngoài.

Điệp viên kỳ cựu trên ngay lập tức bị triệu hồi về Moscow để nhận quyết định sa thải. Do không được phép quay trở về với gia đình tại Tiệp Khắc, Botian buộc phải tận dụng mọi mối quan hệ để đưa vợ con sang Moscow. Đến lúc đó, cô vợ Gelena mới biết chồng mình là một điệp viên. Còn cô con gái Irina mãi về sau này mới biết sự thực về cha mình, khi hồ sơ về ông được giải mật vào năm 2010.

Botian dù sao cũng không phải lâm vào tình trạng thất nghiệp tại Moscow. Khả năng ngôn ngữ giúp cho ông có được vai trò quản lý tại nhà hàng “Praha”. Chỉ nửa năm sau khi bị sa thải, ông lại nhận được lời đề nghị quay trở lại làm việc cho cơ quan tình báo.

Cho tới thời điểm đó, cô vợ Gelena trên giấy tờ đã trở thành Galina Vladimirovna, trải qua một khóa đào tạo điệp viên để trở thành trợ lý cho chồng mình. Rất nhanh chóng, gia đình Botian với những tấm hộ chiếu nước ngoài trong tay đã quay trở lại Tiệp Khắc.

Những thông tin về quãng đời hoạt động tiếp theo của điệp viên nổi tiếng Botian (người đã hoạt động khắp nơi trên thế giới cho tới năm 1972) cho tới giờ vẫn chưa đến thời hạn được giải mật.

Chỉ biết rằng với sự cống hiến xuất sắc của ông, một nhóm 200 điệp viên và cựu du kích trong chiến tranh đã gửi đơn lên ban lãnh đạo KGB, yêu cầu trả lại sự công bằng và phong tặng cho Botian danh hiệu Anh hùng Liên Xô. Tuy nhiên, lần này ông chỉ được tiếp tục nhận thêm một tấm huân chương “Cờ đỏ” khác.

Quay trở lại Liên Xô vào giữa những năm 1970, Botian lại bắt tay vào việc đào tạo các chiến sĩ của nhóm đặc nhiệm “Vympel”, thuộc Cục “C” -  Tổng cục I – KGB, chia sẻ cho họ những kinh nghiệm quí báu của mình.

Điệp viên kỳ cựu này còn muốn sang sát cánh với các học trò trong chiến dịch tại Afghanistan nhưng không được chấp thuận. Năm 1983, Botian nghỉ hưu với quân hàm đại tá an ninh, dù sau đó vẫn tiếp tục làm việc cho cơ quan tình báo với tư cách một chuyên gia dân sự.

Mãi đến năm 2007, vào dịp kỷ niệm sinh nhật lần thứ 90 của mình, Botian được phong danh hiệu Anh hùng nước Nga vì lòng dũng cảm và tinh thần anh hùng trong chiến dịch giải phóng Krakov.

Sau khi người bạn đời chung thủy Galina qua đời vào năm 2013, sức khỏe của Botian gần như suy sụp hoàn toàn, có giai đoạn còn không thể đi nổi. Bảy năm sau, điệp viên huyền thoại của tình báo Xô Viết chính thức chia tay cõi trần ở độ tuổi hiếm có 103.

Hồng Sơn (tổng hợp)
.
.
.